Hành trình đón nhận ánh sáng và làm chứng cho ánh sáng
– Chúa Giê-su chữa người mù bẩm sinh như hình ảnh chữa lành mắt cho nhân loại đón nhận ánh sáng.
1. Sống trong tình trạng mù
– Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Người mù không thấy Đức Giê-su, mà chính Người thấy anh. Một câu hỏi được đặt ra: ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Chúa nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội.” Người mù bẩm sinh như hình ảnh nhân loại chịu hậu quả bóng tối của tội nguyên tổ, sống xa Thiên Chúa. Nhiều người không thấy Thiên Chúa, những người lương dân chung quanh là một ví dụ.
– Chúng ta dù đã được chiếu sáng, nhưng vẫn còn có nhiều bóng tối trong mình, nhiều bóng tối bên ngoài rình che mắt. Như ngôn sứ Samuel, người của Thiên Chúa, đi tìm người để xức dầu mà còn nhầm. Ông chỉ suy đoán theo kinh nghiệm con người, theo sự khôn ngoan riêng của mình. Và chỉ nhờ Chúa nói ông mới biết ai là người được chọn. “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” Việc rất quan trọng để đón nhận ánh sáng là biết rằng mình còn nhiều bóng tối, mình không phải là ánh sáng. Chỉ có Chúa Giê-su là ánh sáng bởi ánh sáng. “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Chúa đến để chữa lành tình trạng mù tối của chúng ta. Biết mình cần được chữa lành.
2. Được Chúa Giê-su chữa lành người mù
– Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Anh được Chúa chạm đến và nói, làm theo Lời Người và được khỏi. Chúa chữa lành anh bằng hành động và Lời Người bảo anh. Phần của anh là nghe và làm theo.
– Chúa cũng sẽ chữa chúng ta bằng hành động và Lời Người. Phần của chúng ta cần lắng nghe, cảm nhận thấy Chúa chạm đến mình và làm theo Lời Người.
3. Đối diện với bóng tối (chỉ muốn phủ nhận Đức Giê-su)
– Nhưng để sống cuộc đời người sáng mắt không phải đơn giản. Anh phải đối diện với rất nhiều thử thách.
– Đầu tiên là những người láng giềng của anh. Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” Không thấy ai chia vui với anh mà nghe những câu nói đầy khó chụi, mỉa mai. Đâu là nguyên nhân chính sự khó chịu của họ? Họ khó chịu không phải vì người mù được chữa lành, mà vì anh được chữa lành vào ngày Sabat, theo luật thì không được.
– Họ đem anh đến với những người Pha-ri-sêu. Mâu thuẫn bị đẩy lên cao không phải việc anh được chữa lành, mà người đã chữa lành anh là ai? Là ai mà dàm làm cả trong ngày Sabat. người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!” Anh mù đã tin Người là ngôn sứ, nói Lời Chúa.
– Họ không biết làm thế nào nên cho gọi bố mẹ anh đến. Ông bà sợ không dám làm chứng, chỉ dám nói, anh đúng là con mình. Để anh cô đơn một mình đối chọi. Họ cúi đầu sợ hãi trước áp lực của quyền bính. Họ không muốn bị cô lập về mặt xã hội; do đó họ nhắm mắt lại trước ánh sáng.
– Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” Họ lấy Thiên Chúa ra để khẳng định Chúa Giê-su là người tội lỗi vì vi phạm luật Sabat. Nhưng anh mù được sáng mắt đã đối lại rất tuyệt vời. “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” Họ bí hỏi ông chữa anh thế nào. Rồi lấy cả ông Mô-sê người được kính trọng ra để đối lại và đưa kết an Chúa Giê-su. Anh mù vẫn can đảm khẳng định niềm tin của mình: Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.” Anh đã chấp nhận bị trục xuất vì tin vào Chúa Giê-su.
– Bóng tối luôn chống lại ánh sáng, dùng đủ mọi lý luận, luật lệ để loại trừ ánh sáng. Một ngày nào đó, tôi cứ viện dẫn luật lệ, lý luận để chống lại một việc tốt đẹp của người khác, tôi đang bị bóng tối điều khiển. Nhưng bóng tối không bao giờ diệt được ánh sáng, dù là một ánh sáng rất nhỏ bé vẫn xua tan bóng tối.
– Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Chúa đã đến để chữa lành, chính Người gặp lại anh để hỏi lại xác tín của anh. Con Người chính là Người đang nói với anh sao? Thiên Chúa lại hiện diện trong một con người bình thường sao? Người không đến thế gian trong ánh vinh quang huy hoàng, nhưng trong tình trạng đơn giản của thân phận con người và đi đến chỗ sẽ được giương cao trên thập giá. Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.” Anh mù được lành đã tin và quỳ xuống trước mặt Người, tức là làm một cử chỉ thờ phượng Thiên Chúa. Anh đã có thể thấy trọn vẹn phẩm cách và tầm quan trọng của Đức Giêsu. Khi chữa lành anh và hướng dẫn anh, Đức Giêsu đã trở thành ánh sáng cho anh.
— Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian, “đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” Chẳng phải là anh mù bẩm sinh hay cha mẹ anh ta là những người tội lỗi, nhưng những kẻ từ chối tin Đức Giêsu mới có tội.
1. Tạ ơn Chúa đã làm người, đem ánh sáng đến thế gian. Luôn luôn nhắc nhở mình. Chúa là ánh sáng. Chúa là ánh sáng. Tôi không phải ánh sáng. Tôi đã sinh ra trong bóng tối của tội nguyên tổ, và của thế gian. Tôi có thể nhìn không rõ, nhìn sai. Tôi nhìn sai là bình thường. Đừng bao giờ quá tin vào mình, cần nghi ngờ chính mình. Biết đâu mình sai. “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” Chỉ Chúa là ánh sáng.
2. Hãy hướng cái nhìn của mình lên Chúa. Trong suốt mùa Chay này, chúng ta được mời gọi nhìn lên Thánh Giá để chiêm ngắm ánh sáng rạng ngời đã chiếu soi nhân loại. Đơn sơ “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”. Muốn chiêm ngắm Chúa phải biết quên đi cái tôi của mình. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn ta; ánh sáng tôn nhan Người soi sáng con mắt linh hồn, dạy cho ta biết nhìn tất cả trong ánh sáng của chân lý và lòng thương xót Người dành cho mọi người. Khi chiêm niệm ta cũng nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô; nhờ đó, ta hiểu biết thâmsâu vềChúa hơn để yêumến vàđi theo Người hơn nữa.
3. Chúng ta đã được chiếu sáng, đã được trở nên con cái ánh sáng. Xin Chúa cho mình loại bỏ những bóng tối trong mình và sống theo ánh sáng. Bóng tối luốn chiến đấu để chống lại ánh sáng. Chúng ta phải luôn bám vào Chúa Giê-su. “Thưa anh em, xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng ; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!”
— Thánh Thể, mầu nhiệm thập giá được hiện tại hóa. Theo lề luật, con người vẫn mù quáng phạm tội thì phải chết. Nhưng Chúa đã hiến thân chịu khổ nạn để cho chúng ta được sống. ÁNH SÁNG rạng ngời là ánh sáng tình yêu. Tình Yêu tha thứ và cứu độ. Tiêu chuẩn để phân định sáng tối chính là tình yêu. Tạ ơn Chúa, xin cho cho mình đón nhận được ánh sáng và sống như con ánh sáng.
— Lạy Chúa, Tạ ơn Chúa đã yêu và ban Con Một là ánh sáng cho chúng con. Xin cho chúng con tin vào Người, đến với Người để đón nhận ánh sáng cho cuộc đời mình.
Nguồn: Facebook Hiertinh Nguoi Viet Nam