Kinh mân côi
Kinh Mân Côi, một cụm từ rất gần gũi và quen thuộc đối với người tín hữu. Đây là một hình thức đạo đức bình dân và là cách thức cầu nguyện đơn giản nhưng hữu hiệu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Kinh Mân côi vẫn tỏa sáng như chính mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Trong Tông thư về Kinh Mân Côi số 21, Đức Thánh cha Gio-an Phaolo II gọi Kinh Mân côi là “mầu nhiệm của các mầu nhiệm”; cũng trong tông huấn này số 39 ngài viết: “những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn…Hôm nay, tôi thiết tha giao phó sự nghiệp hòa bình trên thế giới và sự nghiệp các gia đình cho quyền năng của kinh Mân Côi như tôi đã nói từ đầu”.
Vai trò của Kinh Mân Côi
Kinh Mân Côi gắn liền với nhiều hình thức tôn kính Đức Maria được Giáo hội khuyến khích thực hành. Do hiệu quả của Kinh Mân Côi và sự can thiệp của Mẹ Maria qua lời kinh này mà lịch Phụng vụ của Giáo Hội đã ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10 hàng năm.
Sách sử Giáo Hội có ghi lại, vào thế kỷ XVI, người Hồi Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, đe dọa xâm chiếm toàn vùng miền đất Công Giáo Châu Âu. Trước nguy cơ đó, Đức Thánh Cha Pio V (là một tu sĩ dòng Đa-minh) truyền lệnh cho các Giáo phận tổ chức một nghi thức cầu nguyện gọi là “việc cầu nguyện 40 giờ”, gồm các cuộc rước kiệu tôn kính Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi. Khi thủy quân của Hồi giáo xuống Vịnh Lépante để tràn sang Châu Âu, và trong khi đô đốc Don Juan người nước Áo chỉ huy hải quân Công Giáo ra nghênh chiến, Đức Thánh Cha Pio V rước kiệu Đức Mẹ và đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho các chiến sĩ Công Giáo. Bỗng nhiên, tại vịnh Lépante gió đổi chiều làm lợi điểm cho các chiến hạm Công Giáo ào ạt tấn công đánh chìm các chiến hạm Hồi giáo, làm cho họ hoàn toàn bại trận ngày Chúa nhật mồng 7 tháng 10 năm 1571. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, Đức Thánh Cha Pio V đã ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày 07-10 hàng năm.
Lịch sử Kinh Mân Côi
Có những chi tiết khác nhau về lịch sử kinh Mân Côi. Theo truyền thống Giáo Hội, Kinh Mân Côi được Mẹ Maria trao cho thánh Đa-minh,tổ phụ dòng Anh Em Giảng Thuyết vào năm 1214 tại nhà thờ Prouille, gần Toulouse miền nam nước Pháp.
Theo lịch sử dòng Đa-minh ghi lại, cuối năm 1213 Đức Giám mục Diego chọn cha Đa-minh tháp tùng ngài đi cầu hôn công chúa Đan Mạch cho Hoàng tử con vua Anphongso VIII miền Castille, trên hành trình này, khi nghỉ tại một quán trọ, cha Đaminh biết được người chủ quán đã bỏ chính đạo để theo lạc giáo Cathas, nên suốt đêm cha đã kiên trì dùng lý lẽ và cuối cùng đã thuyết phục được người chủ quán trở về với chính đạo.
Khi đến tỉnh An-bi gần thành phố Toulouse, niềm nam nước Pháp thánh Đa-minh đau lòng nhìn thấy con cái Giáo Hội bỏ đạo để theo bè rối Albigens, một lạc thuyết theo chủ trương thuyết nhị nguyên. Sau bao cố gắng mà vẫn thảm bại, thánh nhân đã tha thiết cầu nguyện,ăn chay và khóc lóc. Một hôm Đức Mẹ hiện ra trao cho ngài tràng chuỗi Mân Côi và dạy thánh nhân phải dùng hai phương tiện như là vũ khí để chiến thắng kẻ thù là giảng dạy và cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Điều này lý giải cho mọi người hiểu tại sao trong tu phục người tu sĩ Đa-minh luôn có Chuỗi Mân Côi.
Thực tế thì kinh Mân Côi đã có từ thời xa xưa, thời Trung cổ các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh vịnh mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng Vụ, nhiều người không biết đọc vì viết bằng tiếng La Tinh nên họ đọc 150 kinh Lạy cha để thay thế. Để đếm các kinh này người ta dùng các hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt Kinh Lạy Cha, sau ngày người ta dùng thêm kinh Kính Mừng bên cạnh kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ thứ VII người giáo dân bắt đầu đọc 150 kinh Kính Mừng thay cho 150 Kinh Lạy Cha.
Năm 1410 tu sĩ Dominique người Đức đề nghị đọc theo một hình thức mới, chỉ có 50 kinh Kính Mừng, trước mỗi kinh có phần suy niệm một đoạn Phúc Âm. Từ thến kỷ XVI về sau cấu trúc kinh vẫn không thay đổi, được tóm lại trong 15 mầu nhiệm, chia làm ba nhóm: 5 mầu nhiệm sự Vui, 5 mầu nhiệm sự Thương và 5 mầu nhiệm sự Mừng. Đến năm 2002 Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thêm 5 mầu nhiệm sự Sáng; đây là sự thay đổi lớn của Kinh Mân Côi sau năm thế kỷ. Như vậy ngày nay kinh Mân Côi có 20 mầu nhiệm.
Ý nghĩa Kinh Mân Côi
Mân Côi có nghĩa là hoa hồng, tháng Mân Côi là tháng của những đóa hồng dâng kính Mẹ. Mỗi kinh Kính Mừng chúng ta cất lên được ví như một bông hồng dâng lên Mẹ để bày tỏ lòng yêu mến và hiếu kính đối với Mẹ.
Người tín hữu không đọc kinh Mân Côi như một thói quen để giải trí, hay để cho đỡ buồn, nhưng đọc để suy niệm về các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giê-su ở nhiều khía cạnh khác nhau; bắt đầu từ biến cố Nhập Thể cho đến lúc chịu Tử Nạn rồi Phục Sinh vinh hiển bên hữu Chúa Cha. Chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta cũng mở rộng lòng để đón nhận các giáo huấn của Ngài. Mỗi biến cố vui buồn trong cuộc đời Chúa Giê-su đều mang lại giá trị Cứu độ cho con người. Nhờ những mầu nhiệm đó mà loài người tuy thấp hèn nhưng được nâng lên địa vị làm con Thiên Chúa. Khi suy niệm những biến cố vui buồn trong cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra hành trình lữ hành của mình, được đan xen bởi những biến cố vui cũng như buồn, thành công với thất bại, những niềm hân hoan và âu sầu phiền muộn.Thập giá dẫn tới vinh quang, Kinh Mân côi giúp người tín hữu có thêm sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống. Chúa Giê-su đã dùng thập giá làm phương tiện biểu lộ tình thương, thì người tín hữu qua những gian khổ để minh chứng đức tin sắt son của mình, đồng thời biết đón nhận những những đau khổ với tinh thần của Chúa Giê-su trên Thánh Giá, nghĩa là biết hy sinh vì người khác, mong muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Kinh Mân Côi phác họa lại hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta, trong hành trình này dù lúc chúng ta thành công hay thất bại, vui cũng như buồn đều có Chúa hiện diện, đồng hành và cùng đi với mỗi người chúng ta. Bên cạnh đó chúng ta còn có Mẹ Maria luôn bênh vực, chở che, an ủi chúng ta. Ý thức được điều này chúng ta sẽ thấy được niềm vui mà đức tin mang lại, để ta nhìn đời với cái nhìn lạc quan; cuộc đời này không phải là bể khổ theo như quan niệm của Phật giáo, nhưng cuộc sống trần gian là nơi Thiên Chúa bày tỏ quyền năng vinh quang và tình yêu của Ngài.
Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cung kính nhắc lại lời chào của sứ thần Gabriel trong biến cố truyền tin để ca tụng các nhân đức của Mẹ, ca tụng Mẹ là “Đấng đầy Ơn Phúc”; đồng thời xin Mẹ bầu cử cho mỗi người chúng ta có đủ sức mạnh để đứng vững trên hành trình dương thế. Phần thứ hai của kinh Kính Mừng là lời cầu xin của Giáo Hội với lời tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Tín điều này đã được công bố tại Công Đồng Epheso năm 431, từ lời tuyên tín này, các tín hữu kêu cầu Mẹ với tước hiệu là Thánh Mẫu Thiên Chúa (Theotokos). Qua lời kinh này chúng ta cầu xin Mẹ bầu cử cho chúng ta khi sống và khi lâm tử, lúc vui cũng như khi buồn, hiện tại với tương lai; nhờ có Mẹ ta luôn vững niềm hy vọng.
Kinh Mân Côi là lời kinh diễn tả chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình này, Đức Maria đã được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa. Mẹ đã hiến trọn cuộc đời mình để cùng với Chúa Giê-su mang niềm hạnh phúc cho con người. Mẹ là Đấng Đầy Ơn Phúc, Mẹ là Mẹ của nhân loại.Khi nói đến danh Đức Maria, lòng mỗi người con trong Giáo Hội lại rạo rực vui mừng bởi được làm con cái của Mẹ. Mẹ đã chiếm một chỗ đứng quan trọng trong lòng Giáo Hội và trong mỗi người. Đặc biệt Mẹ đã cộng tác với Con của mình để đem lại sự sống cho nhân loại, nên danh của Mẹ được ngàn đời kính nhớ và tôn vinh cùng với Con Chí Ái. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn nhớ ơn người.
Trần Nhàn