Lạm bàn về từ “hiệp hành”

Để chuẩn bị cho Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2023, văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã ban hành cuốn cẩm nang “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Tài liệu này đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam dịch và phổ biến bằng tiếng Việt. Đã có một số tranh luận liên quan đến vài từ khóa được sử dụng trong bản dịch. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin bàn đến từ “hiệp hành”.

 

Trước hết, chúng ta thấy rằng “hiệp hành” là một từ hoàn toàn mới, và vì nó mới nên nghe rất lạ. Bản thân tôi cũng lần đầu tiên nghe đến từ này. Ngôn ngữ là công cụ để biểu đạt ý nghĩa, vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu xem người ta muốn nói đến điều gì khi dùng từ “hiệp hành”. Từ “hiệp hành” được dịch từ từ “synodal” trong tiếng Anh, danh từ của nó “synodality” (“tính hiệp hành”). Tuy nhiên, tiếng Anh cũng chỉ là một trong nhiều ngôn ngữ, nó vẫn là công cụ để biểu đạt ý nghĩa. Một lần nữa, chúng ta sẽ phải tìm hiểu xem người ta muốn nói gì khi dùng chữ “synod”, “synodal” hay “synodality”. “Synod”, “synodal” hay “synodality” có nguồn gốc từ từ Hy Lạp “σύνοδος synodos” và từ La-tinh “synodus”. “Syn” có nghĩa là “cùng với nhau” và “hodos” là “con đường”. Như vậy, từ “hiệp hành” được dùng để diễn đạt ý nghĩa “cùng đi với nhau”. “Cùng đi với nhau” chính là đặc tính thuộc căn tính của Giáo hội. Mục đích của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới cũng chính là để cổ võ việc thể hiện căn tính này một cách rõ nét hơn trong toàn Giáo hội.

 

Điều thú vị là tuy hầu như mọi người đều đồng ý với nhau về ý nghĩa “cùng đi với nhau” nhưng lại không thống nhất về từ ngữ dùng để diễn đạt hàm ý này. Theo tôi được biết thì tính tới thời điểm hiện tại chữ “synodal” có các cách dịch là “hiệp hành”, “đồng hành”, “đồng nghị”, “đồng đoàn”. Các từ “đồng hành”, “đồng nghị”, “đồng đoàn” được các dịch giả thâm niên sử dụng. Chắc chắn họ có lý do để dịch như thế. Ở đây tôi chỉ nêu quan điểm cá nhân vì sao tôi không đồng tình với họ. Trước hết, từ “đồng hành” rất gần với nghĩa “cùng đi với nhau”. Rất tiếc “đồng hành” là một động từ, không phải tính từ mà ta muốn tìm để chỉ về Giáo hội. Hơn nữa, nói “Giáo hội đồng hành” sẽ dễ gây hiểu lầm Giáo hội là một thực thể tách biệt với đối tượng mà Giáo hội “đồng hành”. Đúng ra Giáo hội được cấu thành bởi những người đồng hành trong đức tin. Hai từ “đồng nghị” (cùng nhau bàn bạc) và “đồng đoàn” (cùng nhau tụ họp) có nghĩa gần giống nhau, diễn tả sự hiệp nhất trong Giáo hội. Tuy nhiên, theo lời một dịch giả, hai từ này đúng mà chưa thỏa đáng, vì chúng chỉ nói lên yếu tố “với nhau” thôi chứ chưa làm nổi bật được việc “cùng đi”.

 

Trở lại với từ “hiệp hành”, như tôi đã nói ngay từ ban đầu, đây là một từ được chế ra để diễn tả tính chất “cùng đi với nhau” của Giáo hội. Khi chế ra một từ thì phải đảm bảo có người hiểu nó; và để từ đó được sử dụng rộng rãi thì phải có nhiều người hiểu nó. Có một cha Dòng Tên người Tây Ban Nha khá giỏi tiếng Việt. Cách sử dụng tiếng Việt của ngài có đặc điểm là khá nhiều từ được ngài tự chế ra. Những từ này đọc lên nghe lạ tai nhưng người ta hiểu ý ngài muốn nói. Tôi xin đưa ra thêm một ví dụ khác về việc chế từ. Vợ chồng đứa cháu tôi là người Việt ở Mỹ. Họ có hai con nhỏ và cố gắng dạy chúng sử dụng tiếng Việt khi ở nhà. Có lần người mẹ dạy đứa lớn không được làm điều này điều kia, vì như vậy là hư. Thế là một hôm đứa lớn tới mách mẹ là em nó còn “hư-er” nó nữa. Người mẹ hiểu ngay đứa bé muốn nói gì, vì “hư-er” là kiểu sử dụng tiếng Việt nhưng lại áp dụng cấu trúc so sánh hơn trong tiếng Anh. Tất nhiên các “từ chế” của vị linh mục hay của đứa bé kia sẽ không tồn tại lâu nếu không được người ta sử dụng phổ biến. Từ “hiệp hành” cũng theo nguyên tắc đó.

 

Có dịch giả tranh luận rằng từ “hiệp hành” là sai quy tắc ghép từ, vì từ “hiệp” luôn phải có một danh từ đi phía sau như hiệp nhất, hiệp lực, hiệp lòng, hiệp ý, hiệp định, hiệp hội, hiệp ước… còn ở đây “hành” lại là động từ. Điều này làm tôi nhớ lại tình huống một người khá am hiểu về tiếng Việt đâm đơn kiện công ty bảo hiểm về vụ việc liên quan đến từ “bị liệt” được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Theo người ấy thì từ “liệt” luôn là động từ, không thể là tính từ được. Do đó, hợp đồng quy định việc bồi thường trong trường hợp “bị liệt” là sai về mặt ngôn ngữ, phải ghi là “bị bại liệt” mới đúng. Tôi không nhớ rõ chi tiết vụ việc và kết quả kiện cáo như thế nào, nhưng rõ ràng là rất khó thể thuyết phục người ta rằng ghi “bị liệt” là sai quy tắc ngôn ngữ. Cũng vậy, theo thiển ý của tôi thì “hiệp hành” (hay bất cứ các “từ chế” nào khác) không cần phải tuân theo những quy tắc ghép từ nào (nếu có). Điều quan trọng là chúng ta hiểu được rằng người ta dùng từ “hiệp hành” (“hiệp” – hiệp nhất, kết hiệp; “hành” – đi) để diễn tả tính chất “cùng đi với nhau” của Giáo hội.

 

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại buộc người ta phải làm quen với một từ lạ hoắc như “hiệp hành”. Lý do là bởi vì chưa có từ nào khác diễn tả thỏa đáng ý nghĩa mà chúng ta muốn truyền đạt. Dẫu sao thì “hiệp hành” là một từ đã được sử dụng trong văn bản chính thức của Giáo hội. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là giúp nhiều người hiểu được ý nghĩa của từ này. Trong khi chúng ta tìm ra một từ nào khác chính xác hơn để thay thế thì từ “hiệp hành” vẫn có chỗ đứng của nó. Ước mong các dịch giả hay các chuyên gia ngôn ngữ Công giáo khi tranh luận về từ ngữ thì vẫn luôn giữ được tinh thần “hiệp hành” (hay gì gì đó tương tự). Có thể chúng ta sẽ mãi không “thống nhất” về ngôn ngữ nhưng điều quan trọng là chúng ta sống “hiệp nhất”. Hiệp nhất trong đa dạng cũng chính là đặc nét của Giáo hội.

 

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Nguồn: dongten.net