Lễ Phục Sinh Trong Thảm Kịch Virus Corona

Lễ Chúa Phục sinh năm nay rơi vào đúng thời điểm nàng phù thủy mang tên Co-Vy đang vây hãm thế giới. Bóng tối bệnh tật và chết chóc làm cho thế giới tan hoang, nhân loại hoảng loạn. Trong hoàn cảnh như thế, Lễ Vọng Phục Sinh đêm qua đã diễn tả sự đối chọi giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái chết và sự sống. Hình ảnh bóng tối cũng trở thành biểu tượng phủ lấp thế giới trong ngày đại dịch vừa qua. Ngược lại, hình ảnh cây nến Phục Sinh nguồn sáng cho nhân loại thắp lên cho nhân trần niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Vì vậy, trong ngày Lễ Phục sinh hết sức đặc biệt này, hơn ai hết người Tín hữu được mời gọi “đừng sợ” nhưng vững tin vào Thiên Chúa hằng sống, để ra đi loan gieo “Bình An Phục sinh” đến cho muôn người. 

  1. Lễ Phục sinh trong trong cơn đại loạn Virus Corona.

Trong bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay, cha Antôn Phan Tự Cường phải thốt lên: “Corona ơi, cô là phù thủy hày là bà tiên mà làm cho cả thế giới đảo điên thế này…”. Khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết, các môn đệ cũng đảo điên vì sợ hãi, sợ bị liên lụy, sợ  tương lai đen tối, và sợ chỉ vì sợ. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã tạo ra không chỉ nỗi đau hay cái chết mà hơn hết nó tạo ra sự sợ hãi, sự sợ hãi vô hình, sự sợ hãi lan tràn. Cũng vì sợ hãi, các môn đệ hoang mang, hành động mông muội thiếu kiểm soát, kẻ bán Thầy, kẻ chối Thầy, kẻ đóng kín cửa, kẻ bỏ về quê ăn bám gia đình… Sự sợ hãi bao trùm làm cho các môn đệ mất đi niềm tin, mất đi hy vọng, mất đi bình an dù rằng đã ở với Thầy 3 năm trời có dư, với biết bao lời dạy bảo, biết bao dụ ngôn, biết bao phép lành. Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ và Chúa bị cách ly về thể lý nhưng điều đáng sợ hơn đó là sự cách ly về tâm lý. Nói như ngôn ngữ giới trẻ hôm nay, thì khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ “toang” mất rồi.

Cùng chung tâm trạng của các môn đệ khi phải đối diện với cái chết của thầy Giêsu, chúng ta đang phải đảo điên vì đại dịch Cô-Vy. Một thời kỳ vô cùng kỳ cục làm cho cả thế giới hoảng sợ, phù thủy Corona không bị ngăn cản bởi biên giới, bởi lệnh cấm vận, hay bởi những chiếc khẩu trang. Mụ nhỏ bé nhưng có phép thuật khôn lường, mụ nhảy hết từ người này sang người khác, không chừa một ai. Nào là quan chức, nào là doanh nhân, nào là bác sĩ, nào là sinh viên, nào là công nhân, nào là nông dân… đều có nguy cơ và sự thực đã có hàng triệu người bị mụ Corona phù phép. Một nỗi sợ vô hình đang bao trùm toàn nhân loại. Sự sợ hãi khiến cho người ta mất lý trí, những người không may nhiễm bệnh rồi làm lây sang người khác bị cộng đồng lên án, ném đá không thương tiếc. Cũng vì sợ hãi mà thành ra mọi người nghi ngờ lẫn nhau, nhìn thấy ai  cũng phải đề phòng, biết đâu nó mắc Cô-vit thì “toang”. Rồi thì nỗi sợ biến thái muôn hình vạn trạng, sợ nhiễm bệnh, sợ không có máy thở, sợ chết không được từ biệt người thân, chết rồi không được tổ chức lễ tang, hoặc nếu còn sống qua đại dịch này thì lại sợ tương lai bất định, đói khổ lan tràn. Sợ hãi làm người ta bi quan và vì thế họ chạy đến siêu thị tranh giành, thậm chí giẫm đạp lên nhau để mua cho được đủ thứ hàng hóa.

Đối với chúng ta, những người có niềm tin vào Thiên Chúa thì sợ mất đức tin. Còn nhớ hôm dâng thánh lễ chung trước thời hạn giới nghiêm, “cấm tu tập”, khi thông báo là từ mai sẽ tạm thời không thể dâng lễ chung tại nhà thờ nữa cho tới khi nào có thông báo lại, một số bà con giáo dân không cầm được nước mắt, đã òa khóc. Chúng ta đang sống trong bối cảnh rất giống với tình cảnh của các môn đệ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị đóng đinh. Nhà thờ không có người, nhà nhà sống biệt lập, người người sống giãn cách, mọi tâm hồn lo lắng nghi ngờ. Chắc hẳn không ít lần chúng ta tự hỏi Chúa đang ở đâu trong dịch bệnh này. Và chắc hẳn xưa kia các môn đệ cũng hỏi, Chúa đang ở đâu trong cuộc khổ nạn này. Niềm tin không chết bởi virus nhưng lại bị chôn vùi bởi sự sợ hãi.

  1. Đức Kitô Phục sinh là niềm hy vọng cho thế giới

Theo trình thuật của Tin mừng, khi thấy Ngôi mộ trống Maira Madalêna tưởng rằng xác của thầy bị đánh cắp nên đã thốt lên: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu“. Thế nhưng các bà đâu hiểu rằng, ngôi mộ trống lại chính là dấu chỉ của sự Phục Sinh vinh hiển. Đối với chúng ta, những người đặt niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh, tại sao chúng ta lại sợ hãi, tại sao chúng ta nao núng, tại sao chúng ta lại lo âu. Giờ phút này đây, chúng ta không dự lễ trực tiếp song chúng ta vẫn tham dự Thánh Lễ Phục Sinh này qua các phương tiện truyền thông. Theo thống kê, việc truyền trực tuyến Thánh Lễ này có độ trễ chưa đầy 1 giây, nghĩa là dẫu chúng ta không thể chạm tay vào nhau nhưng những lời tôi nói ở đây chỉ mất chưa đầy 1 giây là đã tới anh chị em rồi. Nói đến đây tôi lại nhớ đến thời của Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, ngài không có cơ hội đến với các xứ họ, các cha vừa ít lại vừa bị vây hãm, Thánh Lễ hầu như không có. Chính lúc ấy, ngài đã có rất nhiều sáng kiến mục vụ, như soạn bài giảng gửi giáo dân đọc trong nghi thức Suy tôn Lờn Chúa các ngày lễ trong và Chúa nhật, nhiều người dự lễ qua việc nghe qua đài Chân Lý Á Châu phát đi từ Philippines. Nhờ vậy mà đời sống Đức tin của cả giáo phận chúng ta không chỉ được gìn giữ mà còn được triển nở mạnh mẽ. Hôm nay, chúng ta mừng Lễ Chúa Phục sinh trực tuyến, điều chưa từng có trong tiền lệ. Nhưng nếu bình tâm, chúng ta sẽ nhận thấy, việc truyền trực tuyến Thánh Lễ với độ trễ chưa đến 1 giây, là nhờ ai. Không phải do sức con người, nhưng nhờ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Vậy thì hà cớ gì, chúng ta lại không an tâm tham dự Lễ trực tuyến và tại sao chúng ta lại không dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã cho cả giáo phận chúng ta xích lại gần nhau trong Thánh Lễ trực tuyến đặc biệt .

Đại dịch Corona có thể làm cho nhiều người sợ hãi, tuyệt vọng thì chúng ta lại có  hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Chứng kiến cảnh giữa quảng trường Thánh Phêrô rộng lớn không một bóng người trong đêm 27 tháng 3 vừa qua, một cụ già 83 tuổi là Đức Phanxicô giơ cao Mặt Nhật ban phép lành cho toàn thể thể giới đã gây xúc động và mang lại niềm hy vọng cho cả tỷ người trên thế giới. Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Giêsu Phục sinh. Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở ra cho chúng ta con đường mới. Nhân loại đang sống trong đại dịch, như là để chúng ta thực sự cùng với Chúa bước vào cuộc thương khó. Vậy Thầy chúng ta, Chúa chúng ta, Đấng chúng ta tin tưởng và hy vọng đã Phục Sinh thì tại sao chúng ta lại không vui mừng, lại không loan gieo niềm vui ấy cho mọi người. Giả như chúng ta có bị nhiễm bệnh, thậm chí có thể chết vì virus Corona đi nữa thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại nếu niềm tin của chúng ta đủ lớn. Chúa chúng ta đã từ cõi chết sống lại để chúng ta cùng được sống lại với người. Chỉ cần vượt qua sự sợ hãi là chúng ta đã chiến thắng mụ phù thủy Corona rồi.

  1. Loan gieo Bình An của Đấng Phục Sinh

Khi thầy bị bắt và bị giết, các môn đệ sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn, mất phương hướng. Có lẽ vì thế, khi sống lại và hiện ra với các môn đệ điều đầu tiên Đức Giêsu nói là:“Bình an cho anh em”. Bình an của Đấng Phục sinh không chỉ dừng lại trong những lần hiện ra với nhóm Mười Một, với hai môn đệ trên đường Emau, với Phêrô và môn đệ khác bên bờ hô Galilê, mà “Bình An của Đấng Phục Sinh” được ban cho nhân loại theo suốt dòng lịch sử, cho mỗi chúng ta, những người đang hiện diện trong thời khắc lịch sử này.

Trong khi cử lành Thánh lễ, “Bình An của Đấng Phục sinh” được chủ tế nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nếu là đức giám mục chủ tế thì ngay đầu lễ ngài đã chào cộng đoàn bằng ơn Bình An của Đấng Phục Sinh: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”. Thế nên, hôm nay dự Lễ do Đức cha giáo phận chủ sự có phần oách hơn vì “Bình an” ban ra nghe oai hơn rất nhiều. Nói vui như vậy để mỗi người trong chúng ta ý thức khi tham dự Thánh Lễ, đón nhận bình an và loan gieo bình an của Đấng Phục Sinh cho muôn loài thọ tạo.

Mừng lễ Chúa Phục sinh trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, hơn bao giờ hết, mỗi tín hữu còn được mời gọi rõ ràng hơn, “đừng xao xuyến và  đừng sợ” vì Đức Kitô Phục Sinh đã để lại “Bình an” cho chúng ta. Các cụ thưuờng nói: trong dủi có may, trong họa có phúc. Những ngày giãn cách xã hội này là dịp thuận lợi để các thành viên trong gia đình sống gần với nhau, là dịp gắn kết và nâng đỡ nhau, mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên hoặc không có cơ hội. Vả lại, lâu nay chúng ta đã quên việc đọc kinh chung trong gia đình thì đây lại là dịp đọc kinh chung với nhau, để chúng ta biến gia đình thành “Giáo hội tại gia” và mở lòng đón nhận Thiên Chúa vào nhà mình, vì Chúa Giêsu đã từng nói “ đâu có hai hay ba người họp nhau nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ”. Trước đây mạnh ai người ấy sống, đôi khi còn đạp lên nhau mà sống, dịch bệnh lại là cơ hội tốt để mỗi người có thời gian nhìn nhận lại giá trị thực sự của cuộc sống. Từ đó, hết thảy mọi người cùng chung tay xây dựng cộng đồng thúc đẩy xã hội ngày một tiến bộ hơn.

Đức Kitô chiến thắng sự chết đảm bảo sự sống lại cho con người. Bóng tối là nơi không có ánh sáng, sợ hãi là nơi không có niềm tin, bệnh tật là nơi không có hy vọng, bất an là khi không biết cầu nguyện, bất hạnh là khi loại trừ Thiên Chúa. Đức Ki-tô đã đến vinh quang từ thập giá, thì xin cho chúng con khắc ghi rằng, Đức Giêsu đã sống lại và sống lại thật rồi.

Xin cho mỗi người tín hữu chúng con cũng dũng cảm ra đi loan gieo bình an của Đấng Phục Sinh cho muôn người để “Bình an” của Chúa ở cùng nhân loại mãi mãi. Xin Chúa Kitô Phục sinh gìn giữ và ban ơn “Bình an” để chúng con chiến thắng thảm kịch virus corona. @men.

    Bắc Ninh  Chúa Nhật Lễ Phục Sinh 2020

(12/04/2020)

Lm. Phanxicô X. Nguyễn Văn Thắng