Lời nói đầu cuốn sách Pháp Trường Cổng Tả

               Trong bài thơ  ANH LINH ,nhà thơ CUNG CHI  viết :

              Cổng Tả thành xưa tỉnh Bắc Ninh

              Ngàn thu phảng phất khí anh linh

              Tâm hùng khẳng khái tiến dâng Chúa

              Chí dũng hiên ngang hiến trọn mình

              Gươm chém không ngưng lời tán tụng

              Voi giầy vẫn tiếp tiếng cầu kinh

              Trăm đầu tử đạo vùi lòng đất

              Trăm cánh hồn bay cõi phúc vinh.

              ……………………………………………..

  • Trong cuốn Giáo Phận Bắc Ninh,tác giả viết :

        Về phương diện sống đạo,các thế hệ con cháu đều phải lấy cuộc sống anh hùng của 100 vị Tử Đạo tại Cổng Tả thành Bắc Ninh năm 1862 làm gương mẫu.

        Hầu hết các vị Tử Đạo Việt Nam qua nhiều cuộc bách hại,thường bị giam giữ một thời gian ngắn rồi bị hành quyết,sau những cuộc tra tấn dã man.Nhưng các vị Đầu Mục Bắc Ninh đã phải giam giữ tới hơn 28 tháng trong ngục thất Bắc Ninh,với nhiều trận đòn tra tấn,cưỡng ép khủng khiếp,đói khổ và bệnh tật,nhiều khủng bố về tinh thần…Song các vị vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa,trung thành với Đức Tin và Giáo Hội,nhẫn nhục chịu đựng mọi gian nan thử thách với tinh thần can đảm tuyệt vời.

         Nhà tù đã biến thành Họ Đạo,và đêm đêm lời kinh đã vang lên tại một góc thành Bắc Ninh bị bao quanh bằng gươm giáo,voi ngựa,lính tráng. Cường lực nào có thể đe dọa và dập tắt được Đức Tin nơi những người kiên cường đó?Khổ ải nào có thể vùi dập được những tâm hồn trong sáng và tốt tươi đó ?

        Bị đoạ đầy trong ngục tù,mang những thân xác gầy gò,ghẻ lở,thương tích nặng nề đến thối dữa cả da thịt,các anh hùng Tử Đạo của chúng ta đã nói được như Thánh Phaolo :  “Sức mạnh được kiện toàn trong sự yếu đuối,và chính khi yếu đuối ,tôi lại cảm thấy mạnh mẽ phi thường” ( 2 Cor.12,9-10). “Nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi,tôi làm được mọi việc” ( Phil.4,13).

         Nền tảng của Giáo Phận Bắc Ninh là ở đó.Cuộc hành quyết 100 vị Tử Đạo tại Cổng Tả thành Bắc Ninh ngày 4 tháng 4 năm 1862 ,bằng cách vừa đâm vừa đẩy và chôn sống,chính là ngày KHAI SINH NHỮNG HẠT GIỐNG ĐẦY SỨC SỐNG ( Semen Christianorum) của Giáo Phận Bắc Ninh.

          Vinh quang của các vị Đầu Mục,Thứ Mục,Lương Y,Binh Sĩ,Nông Dân Bắc Ninh được phúc Tử Đạo năm 1862 là ở trước Tòa Chúa.Nhưng ánh sáng của vinh quang đó phải chiếu rọi tâm hồn con cháu Giáo Phận Bắc Ninh tới ngàn đời sau .

     **      Tại họ Xuân Lai,Xứ Nội Bài (cũ), cụ Hoàng Thế Giám là Trùm họ, khi nhận được lệnh phải lên huyện trình diện theo lệnh quan,cụ rất lo lắng vì lý do tuổi già sức yếu, sợ không chịu nổi đòn roi mà sẽ chối bỏ Đạo Chúa nên đã nhờ người con là cụ Hoàng Văn Nhẫn, còn có tên là Hoàng Đắc Nhẫn,đi thay mình.Cụ Nhẫn đã tự lên huyện ngày 16 tháng 12 năm 1859 và sau đó bị đóng gông để giải lên tỉnh.Sau gần một năm trời ở trong tù,chịu nhiều trận đòn khủng khiếp,ngày 19 tháng 11 năm 1860,cụ Nhẫn được tin báo cho biết là cụ được phép về thăm nhà.Sau đó cụ đã nhận được giấy chứng nhận được phép về thăm nhà.Thật ra đây chỉ là thủ đoạn của các quan đầu tỉnh muốn thử thách cụ Nhẫn,vì nghĩ rằng khi cụ được về nhà,được tự do thoải mái gần người thân thì sẽ chối đạo để được tha,không phải trở lại nhà tù nữa.Điều này sẽ làm gương cho các vị Đầu Mục khác .Nhưng chính trong khi ở nhà thì cụ Nhẫn lại cảm thấy bực bội,khó chịu vì không có thì giờ đọc kinh cầu nguyện,ăn chay hãm mình như khi ở trong tù.Cho nên cụ đã nói là  : “ Ở tù thì tốt hơn ở nhà “

      ***          Tổng Đốc Nguyễn Văn Phong ngoài tính tình hay đùa giỡn thì còn thú thích luyện ngựa ,huấn luyện những con ngựa bất kham trở thành thuần thục.Vì thú vui này nên ông thường đến chơi làng Xá tức Thọ Ninh,huyện Lang Tài  để gặp ông Nguyễn Đình Rao là người cũng có tài luyện ngựa.

                  Trong khi luyện ngựa thì ông phải dùng roi đánh cho thật đau hoặc dùng những thủ thuật tâm lý để khiến những con ngựa cứng đầu phải nghe theo sự chỉ huy của con người.Có lẽ do thói quen này nên ông cũng dùng cách này để ép những người Công Giáo phải bỏ đạo trong thời gian có các dụ cấm đạo thời Tự Đức ( trước năm 1865 ),các người có đạo Công giáo (được gọi là đạo Tây Dương ),bị bắt giam tại các nhà giam trong cổ thành Bắc Ninh.

                  Việc cấm đạo tại Việt Nam thì từ năm 1631 (Tân Tị) ở trong Nam dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã có dụ cấm đạo,cấm người Tây vào giảng đạo.

                  Trong khi ở ngoài Bắc thì năm 1663(Quý Mão) chúa Trinh Tạc bắt đuổi các Giáo sĩ và cấm người dân theo đạo.

                  Năm 1664(Giáp Thìn) Chúa Hiền trong Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà Nẵng.

                  Năm 1696(Bính Tý ) ở ngoài Bắc,Trịnh Căn bắt phá hết các nhà thờ và đốt sách đạo ở khắp nơi,đuổi các cha thừa sai người ngoại quốc ra khỏi nước.

                   Và còn nhiều các dụ cấm đạo khác dưới các thời vua chúa khác.

                  Đến thời nhà Nguyễn thì bắt đầu từ khi vua Minh Mạng lên ngôi đã ra nhiều dụ cấm đạo vào các năm 1833,1836,1838…

                  Với vua Tự Đức các  dụ cấm đạo còn quyết liệt hơn nữa.Tự Đức đã ra các dụ cấm đạo vào các năm 1848,1851,1855,1857,1859,1860.Trong số các dụ cấm đạo này có mật dụ (không công bố) ra vào tháng 10 năm 1859,bắt các lý trưởng ,các chức dịch trong các họ đạo đem giam ở các tỉnh.Cuối năm 1860 có sắc dụ quyết liệt nhất : phân sáp các người Công Giáo trong khắp nước.Phân sáp có nghĩa là phân ra rồi sáp nhập,nghĩa là phân chia các gia đính Công Giáo,chồng phải đi một nơi,vợ đi một nơi ( ở tỉnh khác ),con ở một nơi,nhập vào các gia đình không Công Giáo.Mục đích là để không còn vết tích người Công Giáo nữa.

                 Việc thi hành mật dụ tháng 10-1859 thì từ ngày 30-11-1859 người đầu tiên bị bắt là ông Nguyễn Văn Túc,thường gọi là ông lang Sử,vì tên con cả là Sử và ông làm nghề thày lang chữa bệnh,quê ở làng Thổ Đức,xã Trạm Du,huyện Lang Tài. Người cuối cùng bị bắt là ông Phạm Văn Miến,33 tuổi,quê ở làng Xuân Thủy,huyện Võ Giàng,bị bắt ngày 22-3-1862 khi đang bị phân sáp tại Quế Tân,cùng huyện.Tổng cộng là 100 người.Số nguời bị bắt trong các năm từ 1859 đến 1862 như sau:  1859 : 38 người ; 1860 : 14 người  ;  1861 : 18 người ; 1862 : 32 người . Những người tù đạo này được gọi là các Đầu Mục,nghĩa là những người đứng đầu các làng Công Giáo,gồm các lương y,các lý trưởng,các người trong các Ban Hành Giáo,các lính tráng.Họ bị giam tại lao xá,sau vì số tù nhân tăng cao nên được chuyển sang kho lúa bỏ trống,cuối cùng chuyển sang các tráng ngũ tức là các trại lính bỏ trống.Trong hai  năm và năm tháng giam giữ các tù đạo,họ thuờng bị đưa ra tòa án

có lẽ đặt tại dinh Tổng Đốc,nơi có căn nhà lớn như cái đình. Nơi tòa án thường có “ba tòa quan lớn” tức là các bàn xử án của quan Tổng Đốc,quan Bố Chính,quan Án Sát.Quan Tổng Đốc trông coi chung các việc trong tỉnh,quan Bố Chính coi về quan lại,quan Án Sát coi về tư pháp.Khi các tù đạo đã đến đầy đủ,quan Thượng tức Tổng Đốc thường đọc lên những dụ đã được ban hành,khuyên người tù đạo nên tuân theo phép nước ,lệnh vua,từ bỏ đạo Tây Dương theo đạo Khổng là đạo của cha ông v.v.Quan Tổng Đốc thường nói về những đoạn văn trong Khổng giáo,sau đó cho các sĩ quan chỉ huy lính đi hỏi các người tù đạo có chịu bỏ đạo Tây Dương không?Nếu không có ai chịu bỏ đạo thì các sị quan coi lính sẽ bắt chừng mười người ra nằm thành hai hàng ở giữa tòa án,nơi có đóng sẵn các cây cọc để trói chân tay các tù đạo nằm sấp,sau đó lính lấy cây trượng có bịt tua để đánh các tù đạo,cứ sau năm đòn lại hỏi có chịu quá khóa,tức là bước qua cây thập tự để sẵn dưới đất không.Nếu không chịu thì lại đánh tiếp,đánh đến năm chục hay sáu chục trượng mới ngưng,tháo dây trói cho các tù đạo đứng lên.Nhưng có nhiều người ngất sỉu,lính phải sốc nách kéo lê vào góc tường để dành chỗ cho đợt đánh đòn khác…Tính chung các tù đạo thường phải bị đánh mỗi người tới bốn hay năm trăm trượng trong thời gian bị giam giữ với nhiều lần ra tòa.Nhưng chỉ có mấy người quá khóa tức là bỏ đạo để được tha.

               Tháng 8-1861, lệnh phân sáp được thi hành,nhiều người Công Giáo phải đi đến các làng lương dân để bị quản chế,đánh đập,bắt quá khóa,bỏ đạo,nhiếu làng Công Giáo bị phá thành bình địa,ruộng vườn bị chia cho các làng bên cạnh…Tháng 3-1862, Cai Vàng tức Nguyễn Văn Thịnh nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn từ tổng Sơn Đình,huyện Phuợng Nhỡn.Cai Vàng đem quân về vây rồi chiếm Phủ Lạng Thương,sau đó vây thành Bắc Ninh.Vì vụ này mà quan Thượng cho lệnh bắt 22 cựu quân nhân người Xuân Hòa vì sợ họ sẽ gia nhập đám quân Cai Vàng.Tổng Đốc Nguyễn Văn Phong đã triệu tập Hội Đồng Đề Hình xét xử 100 Đầu Mục Tây Dương Đạo  đang bị giam tại tráng ngũ,nội thành Bắc Ninh.Kết quả là án tử hình cho cả 100 Đầu Mục Tây Dương Đạo.

                Ngày xử án sẽ là ngày 4-4-1862. Tại Bắc Ninh đã có sẵn một pháp trường để chém đầu các tử tội ở trên đồi Cổ Mễ gần đền Bà Chúa Kho.Đây là một khu đồi thấp,nơi đây có một chỗ có ba cây đa chụm lại,ở giữa là pháp trường.Cạnh đó có để một cái lu hay vại sành lớn có nắp đậy,để sau khi tử tù bị chém đầu thì cả xác và đầu bị bỏ vào cái vại đó,đậy nắp lại,chờ thân nhân tử tội đến lấy xác về chôn.Người ta kể rằng thường đêm đêm vẫn có những tiến hú vang vọng từ pháp trường này vang xa,có thể là do trong khạp ( hay lu ) bằng sành không để xác người thì gió lọt vào qua khe nắp khạp tạo thành tiếng hú,giống như ma quỉ gọi hồn khiến cho ai đi qua đó cũng phải rợn tóc gáy.Người ta bảo rằng đó là tiếng gào đòi xác người của thần lu sành.Nhưng tai pháp truờng này thường chỉ chém đầu được một số ít tử tội.Nay số tử tội lên đến cả trăm người thì hơi khó.Hơn nữa bên ngoài thành thì quân nổi loạn của Cai Vàng đang vây tại Cổng Tiền và Cổng Hữu.Việc dẫn các tử tội này đến đồi Cổ Mễ là không thể được.Do đó các quan đã ra lệnh thiết lập một pháp truờng ngay tại chân tường thành,bên trong cổ thành Bắc Ninh,gần sát Cổng Tả.Ngày 4-4-1862,khi mặt trời lặn,các sĩ quan và lính tráng đã dẫn các Đầu Mục từ các tráng ngũ đi về phía Cổng Tả,nơi đã đào sẵn hai hố lớn có thể vùi xác 100 người.Các tù đạo khi đến mép hố thì lính được lệnh chém đầu họ.Nhưng chỉ có chừng ba chục người bị chém và chừng năm hay sáu người bị chém đứt đầu ( trong số này có ông Cai Giáp Tiên Nha ) và bị xô xuống hố.Các người khác thì bị lính đẩy xuống hố hoặc họ tự đi xuống hố,người thì nằm,người thì ngồi,trên mình còn mang đầy xiềng xích,gông cùm…Sau đó lính được lệnh dùng quốc xẻng xúc đất lấp đầy các hố,chôn sống các tử tội.Khi các Đầu Mục đã nằm trong lòng đất,không có khí trời để thở,ai biết được các vị đã phải khổ sở như thế nào,thời gian kéo dài bao lâu,đây là một cực hình chưa có bút mực nào tả xiết.Ngày hôm sau thì tượng binh của thành Bắc Ninh dẫn một con voi duy nhất đi đi lại lại trên nấm mộ các Đầu Mục để nếu có ai chưa chết thì chóng chết hơn…Khoảng ngày 30-10-1863,Tổng Đốc Bắc Ninh đã báo tin cho các giáo xứ đến lấy xác các vị Tử Đạo đem về quê hương chôn cất,vì tại nơi nấm mồ tập thể Pháp Trường Cổng Tả đã xẩy ra nhiều hiện tượng lạ khiến người dân nơi đây rất sợ hãi và bàn tán nhiều.Giáo xứ Xuân Hòa đã cho người đến Bắc Ninh đào hố chôn lên,đem xác các Đầu Mục về Xuân Hòa,rồi các nơi khác đến nhận xác.Mặc dù đã chôn dưới đất hơn một năm nhưng xác các vị còn nguyên vẹn và nhận diện được gần đủ,một số phải dựa trên đặc điểm áo quần.Người ở xứ nào được đem về xứ đó an táng,một số chôn lại tại nhà thờ Xuân Hòa.

             Như vậy thì Tổng Đốc Nguyễn Văn Phong khi dùng thuật luyện ngựa bất kham để bắt các Đầu Mục Bắc Ninh quá khóa,bỏ đạo Công Giáo đã không thành công.Đức Tin Công Giáo vững chắc hơn sự đàn áp của con người,và tinh thần của con người cứng mạnh hơn sức chịu đựng của con ngựa,dù là ngựa chứng, bất kham.

             Có thể nói qua cuốn Pháp Trường Cổng Tả, điều chúng tôi muốn đề cập là cuộc sống anh hùng, gương mẫu của các Đầu Mục Bắc Ninh trong cuộc sống tù đầy kéo dài trong hơn 28 tháng, 844 ngày với nhiều trận đòn tra tấn dữ dằn ,nhiều thủ đoạn lôi kéo để bắt các tù nhân chối bỏ Đức Tin Công Giáo.Cuối cùng là cuộc chém giết và chôn sống các vị . Pháp Trường chỉ là hình ảnh sau cùng của cuộc Tuẫn Đạo oanh liệt. Pháp Trường nằm trong tường thành gần Cổng Tả cổ thành Bắc Ninh mà hiện nay chúng ta chưa tìm ra vị trí chính xác.

               Là con cháu các vị Tôi Tá Chúa mà hài cốt con nằm trong một số nhà thờ trong Giáo Phận Bắc Ninh,chúng ta luôn tưởng nhớ và suy niệm cũng như cầu nguyện,như lời thơ Anh Linh :

                                        Muôn dặm xa vời nhớ Bắc Ninh

                                        Pháp trường Cổng Tả đượm huyền linh

                                        Tổ tiên Đầu Mục quyết theo Chúa

                                        Thể phách Lạc Hồng gắng nhủ mình

                                        Dâng nén hương tâm xin chúc tụng

                                        Thắp hàng bạch lạp nguyện lời kinh

                                        Con giòng cháu giống trong trời đất

                                        Vui sống đạo lành chấp nhục vinh.

                                                Paris  hè 2019

                                        ( Tặng tác giả cuốn Pháp Trường Cổng Tả)

                                                           CUNG CHI

                                                 ĐẦU  MỤC   BẮC  NINH

                      Giáo dân họ đạo đứng hàng đầu

                     Các vị Trương Trùm chẳng cúi đầu

                     Sóng gió đầu ghềnh đâu nản chí

                     Cuồng phong cuối biển sẵn đương đầu

                     Tù đầy đầu cuối không lui bước

                     Tra tấn trước sau vẫn ngửng đầu

                     Máu chẩy đầu rơi vì Đạo Chúa

                     Xác thân gục xuống khí đầy đầu !

                                           II

                           (  Bài họa vận đầu  )

                    Tạ ơn tiên tổ đứng toa đầu

                    Luôn trọn vai trò bậc dẫn đầu

                    Cầu nguyện làm đầu nuôi ý chí

                    Hy sinh nhằm đích dưỡng tâm đầu

                    Niềm tin như đuốc soi đầu óc

                    Đức mến tựa men thấm trí đầu

                    Đầu bạc hoa râm , già nhắn trẻ :

                    Hiến dâng mạng sống  Chúa đi đầu.

             Kỷ niệm 100 vị Đầu Mục Bắc Ninh  ( Tử Vì Đạo ngày 4-4-1862 )

                   Paris,dịp 30 năm Hiển Thánh 117 Tử Đạo VN

                                   CUNG CHI

                                            TRĂM    ĐẦU      MỤC

               Ôi những năm kinh hoàng thuở ấy

               Trên quê hương biết mấy thân yêu

               Vào năm Tự Đức hoàng triều

               Dân bên Công Giáo chịu nhiều đắng cay

               Nào phân sáp,lưu đầy tứ xứ

               Nào bị coi là lũ dốt ngu

               Bị truy nã,bị lao tù

               Vợ chồng bị tách,tịch thu gia tài

               Con cái cũng … phải hai ba ngả

               Xóm thôn riêng bị hóa khác ra

               Má mang chữ khắc  “ đạo tà “

               Họ hàng tan nát,trôi xa dạt gần

               Riêng Bắc Ninh có quan Tổng Đốc

               Nguyễn Văn Phong ác độc bất nhân

               Tiếp tay đàn áp giáo dân

               Giữ trăm Đầu Mục nhốt giam đêm ngày

              Đòn tra tấn nát thây mặc xác

              Xích cùm gông kẹp chắc cổ chân

              Bụng không cấm miếng cơm ăn

              Khát khô cổ họng,giọng khan sức tàn

              Rồi một tối hố hầm đã sẵn

              Chém với đâm đẩy hẳn xuống hầm

              Trăm người Đầu Mục hiền nhân

              Chết hay còn sống ? một lần cho xong

              Các Đấng ấy đã chung tù ngục

              Chung roi đòn,chung sức tín trung

              Không quá khóa,luôn kiên trung

              Một niềm chung thủy tuyên xưng Đạo Trời

              Nơi lao lý, chung lời kinh hạt

              Nơi pháp trường,bát ngát tâm tình

              Chung ngày,chung mộ,chung hình

              Chung phần chiến thắng hiển vinh Cõi Trời …

         …  Hạt châu báu chôn vùi lòng đất

              Sinh hương hoa thơm ngát bốn phương

              Gieo trong lệ nhỏ sầu thương

              Ôm bông lúa chín về trong tiếng cười.

        ( Một trăm Vị Đầu Mục Cổng Thành Bắc Ninh,trang 61-84

          Trong cuốn Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh,Tòa GM/BN 2010 )

               Paris ,30 năm Hiển Thánh TĐ/VN –    CUNG CHI

Một số hình ảnh về khu vực pháp trường Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh ngay nay

Cổng Tiền

Đức tổng Leopoldo Girelli thăm khu vực cổng tả

Đức Cha Mathêu Nguyễn Văn Khôi phác họa hình ảnh 100 vị đầu mục Bắc Ninh nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày các ngài chịu tử đạo (4/4/1962 – 4/4/2012).

TTGP. Bắc Ninh