Lược sử Giáo họ Bạch Hạc

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Giáo họ Bạch Hạc.

Địa chỉ: Tổ 12, phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỷ XIX.

Bổn mạng: Thánh Phaolô (29/6).

Giáo dân: Giáo họ có 121 nhân danh sống rải rác trong tổ 12, phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Giáo dân nơi đây chủ yếu làm nghề thợ thuyền, buôn bán cát, sỏi hoặc đánh bắt cá. Đời sống kinh tế tương đối khá giả.

Nhà thờ: Năm 1988, giáo họ dựng ngôi nhà nguyện 3 gian bằng tre (dài 7m, rộng 4m), xung quanh cài nan rừng. Năm 1994, dân họ mở rộng và sửa chữa lại ngôi nhà nguyện: tháo nan rừng xung quanh và xây lại bằng gạch xỉ, trên mái lợp lại bằng ngói đỏ. Nhà nguyện có diện tích là 48m2 với chiều dài 8m, chiều rộng 6m, mái cao 2,5m. Tháp chuông được xây độc lập, khung bêtông, cao 8m, có treo một quả chuông.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Bạch Hạc cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 80km về hướng Tây và nằm giáp danh ngã ba Sông Hồng, Sông Lô, Sông Thao. Giáo họ thuộc địa bàn hành chính tổ 12, phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Trước đây, giáo họ Bạch Hạc có tên gọi cũ là Việt Hoàng. Theo sách Địa Chí Quốc Sử, khoảng những năm 1785 – 1790, một số người Công Giáo đã đến buôn bán, lập nghiệp tại Bạch Hạc và Việt Trì (vì ở đây có đường thủy rất tiện đi ngược về các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai). Những năm 1885 – 1890, những nhà thờ Công Giáo đầu tiên xuất hiện ở các tỉnh Sơn Tây và Phú Thọ. Khi người Pháp chính thức nhận quyền bảo hộ Việt Nam thì khu vực Việt Trì đã có nhà thờ tại ngã ba sông (Sông Hồng, Sông Lô, Sông Thao). Những năm 1930 – 1932, khu vực Bạch Hạc có một nhà thờ nhỏ bên hữu ngạn Sông Hồng, cách làng Mộ Chu hơn 1km. Họ đạo đó tên là Việt Hoàng với khoảng 20 gia đình. Phần lớn giáo dân từ làng Vạn Chài (Cửa Sông ngày nay) chuyển đến. Từ năm 1943, giáo họ Việt Hoàng được Cha Mẫn coi sóc. Những năm 1949 – 1950, quân đội Pháp tiến theo đường sông chiếm đóng Việt Trì, Vĩnh Yên và xây đồn bốt, tàn phá khu Việt Hoàng, Bạch Hạc. Giáo dân nơi đây phải di tản khắp nơi. Những giáo dân còn lại của giáo họ Việt Hoàng dựng ngôi nhà ba gian bằng tre, xung quanh tre phên đan, trên mái lợp bằng lá cọ, để làm nơi đọc kinh cầu nguyện.

Năm 1954, gần một nửa giáo dân Việt Hoàng di cư vào Nam lập nghiệp. Giáo họ chỉ còn khoảng 10 gia đình Công Giáo ở lại quê hương. Đa số giáo dân ở Cửa Sông làm thợ thuyền, nghề mộc và buôn bán kiếm sống. Giáo dân cùng nhau dựng được ngôi nhà bốn gian, cột gỗ, kèo tre, lợp mái lá cọ, xung quanh đóng đố tre, để làm nơi đọc kinh, cầu nguyện. Từ năm 1957 – 1960, giáo họ có cha Đaminh Hoàng Nghĩa Châu đến dâng Thánh lễ mỗi năm một lần. Nhờ đó, đức tin của bà con giáo dân vẫn được duy trì.

Những năm 1965 – 1971, máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Thị trấn Bạch Hạc bị tàn phá nặng nề. Giáo dân lại phải di tản khắp nơi. Đến năm 1976, giáo dân trở về giáo họ. Tuy nhiên, chính quyền đã giao đất giáo họ cho người dân hoặc xây dựng các nhà máy, công sở. Nhà nguyện của giáo họ không còn. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, gia đình ông lang Hậu, ông quản Khôi và ông bà quản Khoa vẫn qui tụ nhau trong các gia đình để đọc kinh vào các buổi tối Chúa Nhật.

Từ năm 1975 – 1990, giáo họ Việt Hoàng đã dần phục hồi và phát triển. Giáo họ có 21 gia đình với khoảng 91 nhân danh. Năm 1988, dân họ mua khu đất với tổng diện tích 222m2 và dựng một ngôi nhà tre ba gian (dài 7m, rộng 4m), xung quanh cài nan rừng để làm nhà nguyện. Sau đó, giáo họ Việt Hoàng đổi tên thành giáo họ Bạch Hạc. Năm 1994, dân họ sửa chữa lại nhà nguyện: tháo nan rừng xung quanh và xây lại bằng gạch xỉ, trên mái bỏ lá cọ lợp lại bằng ngói đỏ. Trong thời gian đó, cha Giuse Trần Quang Vinh làm quản hạt giáo hạt Vĩnh Phúc. Hằng tháng, cha Giuse đến dâng Thánh lễ cho giáo họ. Hằng ngày, bà con giáo dân đến nhà nguyện đọc kinh sớm tối. Năm 1999, cha Giuse Bùi Xuân Bính coi sóc giáo hạt Vĩnh Phúc. Từ năm 2000 – 2018, giáo xứ Hòa Loan có các cha về coi sóc trực tiếp là: Cha Giuse Đặng Văn Trọng, cha Đaminh Nguyễn Văn Bích, cha Đaminh Nguyễn Xuân Trường, cha Vicente Nguyễn Hải Du, cha Gabriel Maria Vũ Xuân Tường, CMC, cha Tôma Aquinô Nguyễn Văn Phùng. Ngày 20/7/ 2011, cha Giuse Trần Quang Vinh đã đặt Mình Thánh Chúa trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ của giáo họ. Từ đó, giáo dân thường xuyên đến chầu Mình Thánh Chúa. Từ năm 2019 đến nay, cha Giuse Nguyễn Đình Phán được bổ nhiệm làm chính xứ Hòa Loan. Giáo họ Bạch Hạc được cha xứ đến dâng Thánh lễ Hằng tháng. Đời sống đức tin của giáo họ Bạch Hạc ngày càng vững mạnh.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ Bạch Hạc có 121 nhân danh. Hằng tháng, giáo họ thường xuyên có Thánh lễ. Hằng ngày, bà con giáo dân vẫn duy trì đến nhà thờ đọc kinh sớm tối. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giáo dân vẫn kiên vững sống đức tin. Hy vọng với sự nỗ lực của bà con giáo dân trong giáo họ, hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất Bạch Hạc sẽ vượt qua những khó khăn và thử thách để tiếp tục nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái.

BTT Giáo Phận