Lược sử Giáo họ Bàn Mạch

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Giáo họ Bàn Mạch.

Địa chỉ: Phú Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỷ XX.

Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Giáo dân: Giáo họ có 103 nhân danh sống rải rác trong xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp. Một số giáo dân làm thêm nghề mộc. Đời sống kinh tế tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà thờ Bàn Mạch được khởi công xây dựng năm 2000 và hoàn thành năm 2001. Nhà thờ gồm 4 gian với tổng diện tích 48m2, chiều dài 12m, chiều rộng 4m.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Bàn Mạch trực thuộc giáo xứ Hòa Loan, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 75km về hướng Tây. Giáo họ nằm gần bên tả đê Sông Hồng, thuộc địa bàn hành chính xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 1974, ông cố Giuse Thục, thuộc giáo xứ Hữu Bằng, có dịp hỏi chuyện cụ trùm Giuse Nguyễn Văn Cử (sinh năm 1912) của giáo họ Bản Mạch. Theo tài liệu viết tay của ông cố Thục, năm 1930, giáo họ Bàn Mạch được đón nhận Tin Mừng. Khi đó, giáo họ có 6 gia đình với 27 nhân danh (được cha Phêrô Nguyễn Đức Linh rửa tội). Đến năm 1935, giáo họ có 9 gia đình với 51 nhân danh. Nhờ cha xứ hướng dẫn, giáo họ đã góp tiền mua được một thửa đất rộng 400m2 ở đầu xóm. Sau đó, bà con đã dựng được ngôi nhà 4 gian, cột gỗ, kèo đòn tay che và lợp lá mía. Sớm tối, các gia đình đến đọc kinh, cầu nguyện tại ngôi nhà nguyện đơn sơ này. Năm 1946, giáo họ Bàn Mạch thuộc giáo xứ Phú Thịnh. Thỉnh thoảng, các cha vẫn đến giáo họ dâng Thánh lễ.

Năm 1954, cha xứ Hòa Loan và phần lớn giáo dân Bàn Mạch di cư vào Nam. Giáo họ Bàn Mạch lâm vào tình cảnh đoàn chiên không người chăn dắt. Khi thành lập, giáo họ Bàn Mạch có khoảng 3 sao đất nhà chung. Tuy nhiên, sau cuộc cải cách ruộng đất năm 1955, phần lớn đất của nhà chung bị tịch thu và chia cho nông dân. Năm 1960, Nhà nước ra chính sách toàn dân góp trâu bò, ruộng đất vào hợp tác xã nông nghiệp để quản lý lao động. Vì vậy nhiều người trẻ không thể đi tham dự Thánh lễ và học giáo lý. Mỗi năm vào các dịp lễ trọng, giáo họ chỉ có một số cụ già kín đáo qua đò sang Sơn Tây dự lễ. Các sinh hoạt đức tin dân họ gặp nhiều khó khăn.

Tháng 10/1975, ông trùm Thục, thuộc giáo xứ Hữu Bằng, đến giáo họ Bàn Mạch nhằm khơi lại đời sống đức tin của giáo dân đang gặp nhiều khủng hoảng. Ông Thục đến thăm hỏi động viên các gia đình tiếp tục giữ đạo và cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt là đọc kinh trước khi đi ngủ. Ông cũng mang sách kinh tới tặng cho bà con giáo dân vì lâu ngày không đọc kinh nên nhiều người đã quên. Năm 1980, ông Thục nhờ cô Mơ, người Bồ Sao, thuộc hội Tận Hiến (Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất hiện nay) đến dạy kinh cho các em thiếu nhi. Tối Chúa Nhật, bà con giáo dân đến nhà thờ suy tôn Lời Chúa. Năm 1987, ông trùm Thục cùng ông trùm Cử về Tòa Giám mục Bắc Ninh để gặp cha Giuse Tuyến, quản hạt Vĩnh Phúc (sau này làm Giám mục Bắc Ninh). Hai ông trình bày tình hình đời sống đức tin của giáo họ Bàn Mạch. Cha Giuse đã cho giáo họ ít tiền để mua ngói lợp thay lá mía trên mái nhà thờ lúc bấy giờ. Sau gần 40 năm vắng bóng mục tử, ngày 26 – 27/6/1996, giáo họ Bàn Mạch được cha Giuse Trần Quang Vinh về dâng Thánh lễ. Bà con giáo dân nơi đây được khích lệ và đời sống đức tin dần được phục hồi.

Tháng 9/1997, Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đi kinh lý giáo xứ Hòa Loan. Ngài cũng đến thăm giáo họ Bàn Mạch. Đức cha rất cảm động khi thấy nhà thờ của giáo họ lụp sụp, siêu vẹo, cây cột chống đỡ chằng chịt. Vì vậy, ngài đã khuyên giáo dân tiết kiệm và vận động các xứ họ khác chung tay giúp đỡ giáo họ Bàn Mạch. Năm 2000, giáo họ đã khởi công xây dựng nhà thờ dài 12m, rộng 4m, gồm có 4 gian với tường bằng gạch, mái lợp ngói. Ngoài ra, dân họ còn xây thêm nhà phòng để các cha nghỉ ngơi và các em thiếu nhi học kinh bản. Ngày 12/02/2001, giáo họ Bàn Mạch được đón Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến về dâng Thánh lễ khánh thành và làm phép nhà thờ cũng như nhà phòng.

Từ năm 1994 – 2004, các cha Giuse Trần Quang Vinh và Giuse Bùi Xuân Bính lần lượt làm quản hạt giáo hạt Vĩnh Phúc. Nhờ đó, giáo họ Bàn Mạch thỉnh thoảng có Thánh lễ. Đến năm 2005, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Huy Liệu làm chính xứ Dân Trù, quản nhiệm giáo xứ Hòa Loan. Giáo họ Bàn Mạch có Thánh lễ thường xuyên hơn (1 lần/tháng). Từ năm 2009 – 2018, cha Giuse Trần Quang Vinh và cha Tôma Aquinô Nguyễn Văn Phùng lần lượt được bổ nhiệm làm chính xứ Vĩnh Yên và quản nhiệm giáo xứ Hòa Loan. Các cha đã đến giáo họ Bàn Mạch dâng Thánh lễ Hằng tháng (2 lần/tháng). Giáo họ Bàn Mạch như được hồi sinh. Năm 2014, giáo họ đã thành lập được hội các hội đoàn như: hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Từ năm 2019 đến nay, giáo họ Bàn Mạch được coi sóc bởi cha Giuse Nguyễn Đình Phán – chính xứ Hòa Loan. Nhờ ơn Chúa và sự chuyển cầu của thánh Giuse – bổn mạng của giáo họ, đời sống đức tin của bà con giáo dân Bàn Mạch đang từng ngày vững mạnh.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ Bàn Mạch có 103 nhân danh. Hằng tháng, giáo họ thường xuyên có Thánh lễ (2 lần/ tháng). Hằng ngày, bà con giáo dân vẫn duy trì đến nhà thờ đọc kinh sớm tối. Giáo họ có các hội đoàn đang hoạt động tích cực như: hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Ước mong hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất Bàn Mạch sẽ vượt qua những khó khăn và thử thách để tiếp tục nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái.

BTT Giáo Phận