Lược sử Giáo họ Đất Đỏ

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Giáo họ Đất Đỏ

Địa chỉ: Thôn Cầu Cháy, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Năm thành lập: 1942.

Bổn mạng: Thánh Phanxicô Xaviê (03/12).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, ban Caritas.

Giáo dân: Giáo họ có 905 nhân danh (số liệu năm 2021) trong tổng số 1800 dân cư của cả vùng. Hầu hết giáo dân sống tập trung với nhau trong thôn, xóm.  Đời sống kinh tế nơi đây đang ngày càng phát triển hơn, người dân đang chuyển dần từ canh tác nông nghiệp sang kinh doanh, buôn bán và làm việc tại các khu công nghiệp gần nhà.

Nhà thờ: Nhà thờ Đất Đỏ được làm bằng gỗ từ năm 1989. Nhà thờ dài 25m, rộng 10m, cao 6m, tháp chuông cao 15m với một quả chuông có trọng lượng là 220kg. Tổng diện tích khu đất nhà chung là 8138m2.

          Ngôi nhà thờ mới được khởi công xây dựng năm 2018, với chiều dài 46m, gian cung thánh rộng 25m. Ngôi nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothich ba tháp, tháp giữa cao 46m, hai tum hai bên cao 33m. Tổng diện tích nhà thờ mới là hơn 800m2. Toàn bộ khuôn viên nhà chung vào khoảng gần 9000m2.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Đất Đỏ khai sinh từ thời đầu thập niên 40 của thế kỷ XX. Vào thời kỳ đó, Đất Đỏ vẫn còn là chốn hoang vu hẻo lánh, núi rừng rậm rạp, đường lối đi lại khó khăn, tuy vậy lại tĩnh mịch an bình. Một số ngư phủ[1] đã về định cư ở đây, cùng với một số hộ dân Công Giáo từ Nam Định và Thái Bình lên khai phá và canh tác đất đai để sinh sống. Họ quy tụ thành một xóm gần 20 hộ gia đình và lấy tên gọi là xóm Đất Đỏ[2]. Đời sống của họ chủ yếu là chài lưới và khai thác nông – lâm sản. Tuy nghèo túng nhưng họ rất an vui. Chính họ là những chứng nhân cho lịch sử thành lập giáo họ Đất Đỏ ngày nay.

Vào khoảng năm 1942, Đức cha Uugenio Artaraz Chỉnh – Giám mục Giáo phận Bắc Ninh lên kinh lý tại giáo xứ Đồng Chương. Được Đức cha cho phép làm nhà thờ, họ đã cùng nhau làm được một ngôi nhà[3] gỗ bốn gian lợp lá, lấy tên là nhà thờ họ Đất Đỏ, nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bảo trợ. Từ đó giáo dân có nơi cầu nguyện chung, hằng năm có cha xứ về dâng lễ, giáo dân trong họ rất vui mừng phấn khởi.

Niềm vui chẳng được bao lâu thì sự sầu lại đến. Thu – Đông năm 1947, Pháp tấn công lên Việt Bắc, nhà thờ họ Đất Đỏ bị bom đạn chiến tranh tàn phá, giáo dân hoảng loạn tản mác đi các nơi, chỉ còn 6 gia đình ở lại. Từ đây giáo xứ Đồng Chương vắng bóng một họ đạo. Đời sống đức tin cũng bị phai mờ.

Năm 1960, thêm một số bà con lương dân từ Thái Bình với Nam Định lên khai hoang và định cư tại đất An Hòa, giữa môi trường lương giáo lẫn lộn, đời sống đức tin của số ít người Công Giáo còn lại bị ảnh hưởng… Hằng năm, bà con giáo dân phải đi lên nhà xứ để thông công các bí tích. Tuy vậy, số ít bà con giáo dân này vẫn vững tâm chờ đợi thời cơ để xây dựng lại họ đạo. Năm 1975 giải phóng Miền Nam, xã hội còn nhiều khó khăn, nên bà con giáo dân chưa khôi phục được họ đạo.

Vào đầu năm 1980 , một số giáo dân ở hai khu vực Đất Đỏ và Cầu Cháy đã vận động bà con giáo dân ở hai khu vực này làm đơn xin xây dựng lại nhà thờ Đất Đỏ.

Đầu năm 1989, nhà nước đã công nhận họ giáo Đất Đỏ và cấp phép xây dựng nhà thờ. Thế là sau hơn 9 năm vất vả chạy thủ tục giấy tờ với chính quyền, giờ đây mọi sự được Chúa an bài. Bà con giáo dân phấn khởi bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu để làm nhà thờ. Nhiều người đã hy sinh vất vả suốt thời gian xây dựng như: ban kiến thiết và ban vận động. Bên cạnh đó được thêm sự giúp sức của ban giáo xứ Đồng Chương, ban hành giáo các giáo họ lân cận, cũng như sự cộng tác giúp đỡ tận tình của nhiều thành phần dân Chúa trong giáo xứ, người giúp công, người giúp tiền của vật chất để xây dựng ngôi nhà thờ.

Ngày 23/5/1989, giáo dân Đất Đỏ họp bàn về phần đất dựng nhà thờ. Sau buổi họp, bà con giáo dân đã nhất trí xây dựng nhà thờ ở khu vực Gò Miếu, vị trí nằm sau nhà ông Quang  (nhà bà quản Anna Kỳ).

Ngày 01/8/1989 san đất làm mặt bằng, ngày 20/8/1989 khởi công xây dựng nhà thờ.

Tinh thần lao động trong khi xây dựng nhà Chúa của bà con giáo dân, đặc biệt là anh em trong tổ thợ rất nhiệt tình và cố gắng, nên thời gian làm nhà thờ chỉ trong một tháng đã xong. Ngày 20/9/1989, ngôi nhà thờ dài 7 gian bằng gỗ đã được hoàn thành.

Ngày nay, ngôi nhà thờ cũ đã xuống cấp theo thời gian. Ngôi nhà thờ mới nguy nga được khởi công xây dựng vào năm 2018, dưới sự chỉ đạo của cha chính xứ lúc đó là cha Phêrô Đỗ Công Viên. Nằm trên vị trí cao và thoáng đãng nên mọi người có thể ngắm nhìn ngôi nhà thờ từ những vị trí rất xa. Được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gothic 3 tháp, tông màu trầm càng làm tăng thêm sự tráng lệ và linh thiêng. Điều đặc biệt là việc xây dựng ngôi nhà thờ từ những bước đầu tiên luôn có sự tham gia, đóng góp công sức của bà con giáo dân trong giáo họ, các giáo họ trong giáo xứ và cả bà con lương dân ở khu vực xung quanh. Đến nay, ngôi nhà thờ đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong sự trông mong của bà con giáo dân.

  1. Đời sống đức tin

Cộng đoàn quy tụ đọc kinh tại nhà thờ hằng ngày vào các buổi sáng, trưa và tối. Hiện tại, giáo họ có ba Thánh lễ mỗi tuần, vào tối thứ Hai, thứ Tư và Chúa Nhật. Số lượng và chất lượng giáo lý viên và huynh trưởng đang phục vụ cũng ngày một lớn mạnh hơn.

Đất Đỏ có số lượng thiếu nhi thánh thể rất đông, chỉ đứng sau họ nhà xứ Đồng Chương. Các hội đoàn như: hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình vẫn duy trì việc chia sẻ Lời Chúa và sinh hoạt đều đặn hằng tuần. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê ban cho giáo họ ngày một vững vàng và lớn mạnh hơn trong đời sống đức tin, ước mong mỗi người sẽ trở nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa đời sống thường ngày.

[1] Về số hộ Công Giáo đầu tiên này cũng có ý kiến cho rằng họ từ vùng giáo họ Thủy Đương (thuộc xứ Vân Cương ngày nay) di cư lên.

[2] Có những ý kiến nêu gốc tích xóm Đất Đỏ ban đầu (giai đoạn 1942) này không nằm vị trí thôn Đất Đỏ (2021) ngày nay, mà là ở khu cảng than xưa trở vào khu Ba Chuôm xưa.

[3] Ngôi nhà thờ làm bằng gỗ 4 gian lợp lá đầu tiên này dựng trên bãi đất bên bờ Sông Lô – cạnh Cảng than An hòa xưa. Vị trí này nằm trong khu vực bên bờ sông Lô, trong khu nhà máy giấy An Hòa ngày nay.

BTT Giáo Phận