Lược sử Giáo họ Hích

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: xóm Trung Thành, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: Khoảng trước năm 1937.

Bổn mạng: Thánh nữ Catarina (29/4).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, huynh đoàn giáo dân Đaminh.

Giáo dân: Giáo họ hiện có 329 nhân danh (số liệu năm 2023) trong tổng số hơn 6800 dân cư của cả xã. Người dân nơi đây chủ yếu làm ruộng và trồng chè nên thu nhập còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Nhà thờ: Nhà thờ của giáo họ được xây dựng năm 1937 với kích thước là dài 12m, rộng 6.5m, cao 3.8m. Nhà thờ không có tháp chuông. Tổng diện tích khu đất nhà thờ là 5500m2.

Các giáo họ trực thuộc: Văn Hán, Luông, Đình Cả, Khe Mo

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Chỉ có thể chắc chắn rằng ngôi nhà thờ bé nhỏ, nơi họ giáo Hích này sở hữu bề dày lịch sử truyền thống đức tin. Còn tiên vàn, chưa có ai biết được tường tận bối cảnh lịch sử của họ đạo mình trong giai đoạn đầu đón nhận đức tin thế nào. Qua lời kể của các chứng nhân cao niên, lịch sử giáo họ Hích lần lượt được phác lại từ những dữ kiện sau:

          Khoảng những năm đầu của thế kỷ XX, đã có Hủng Nhà Thờ (còn gọi là Núi Nhà Thờ, xưa là nơi giáp danh khu vực nghĩa trang cổ của xóm Trung Thành). Ngày nay, khu vực được coi là Hủng Nhà Thờ không còn dấu tích nào để lại. Nơi đây chỉ còn là vùng đất cằn cỗi, tận dụng cho nông nghiệp. Rất có khả năng, tên gọi của giáo họ Hích đã được khai sinh trong khoảng năm 1900 hoặc lâu hơn, trước khi nhà thờ ở Bãi Soi còn tồn tại. Giả thiết này hoàn toàn có căn cứ, theo lời kể các cụ cao niên còn sống (cụ Hòa và cụ Hiên). Sinh thời, các cụ đã để lại cho con cháu trong làng một ít thông tin rằng Núi Nhà Thờ chắc chắn đã xuất hiện tại ngôi làng bé nhỏ mang tên Tổng Phố Hích (1917). Trong khi ấy, chứng nhân cao tuổi nhất còn hiện diện là hai cụ Hiên, Hoà – 92 tuổi. Nếu đúng theo lời kể của hai cụ, thì những ngôi mộ tổ đang nằm lại trên mảnh đất thiêng là minh chứng cụ thể nhất, sống động nhất cho thấy sự hiện hữu của địa danh từng được coi là Hủng Nhà Thờ là không thể sai lầm.

Lược lại dòng lịch sử, bà con giáo dân trong làng Hích đã tập trung khai phá đất hoang, cùng hiến đất cho giáo họ nhà thêm rộng, với mong muốn có một nơi sinh hoạt đạo được quy mô và thuận tiện hơn. Không biết từ bao giờ, giáo họ Hích được chia làm hai khu: “Khu dưới” (tên trước thuộc xóm Tân Thành, nay chính thức đổi sang xóm Trung Thành). Hiện tại, “Khu dưới” có diện tích vào khoảng 9 sào đất (~3.240 m2), khu này của giáo họ cho phép bà con giáo dân sử dụng khu đất với mục đích canh tác nông nghiệp. “Khu trên” (xóm Trung Thành): khu này bao gồm quần thể nhà thờ với diện tích lớn hơn (khoảng 1,4 mẫu ~ 5.040 m2). Tổng diện tích hai khu vào khoảng 10.000 m2. Về lịch sử nhà thờ ở Bãi Soi (các cụ quen gọi là nhà thờ ngoài Bờ Thành), trước đây, Bãi Soi là vùng đất rộng rất gần với nền móng cũ của nhà thờ hiện nay (từ hướng Đông cách Nhà Thờ Hích khoảng hơn 100m trở vào).

 Ngày xưa, khi đường đi lối lại còn khó khăn, rừng rậm rạp, không được thuận lợi như ngày nay, nhà thờ Bãi Soi có lẽ đã phải chịu cảnh ít người coi sóc. Theo thời gian, ảnh hưởng bất lợi của môi trường khiến công trình nhà thờ Bãi Soi phải di rời về khu vực nhà thờ Hích hiện tại. Sau này, khi nhà thờ Bãi Soi đã di dời đến vị trí nền móng nhà thờ Hích cũ (xuất hiện vào khoảng năm 1937), nhà thờ Hích được xây dựng với kiến trúc rộng hơn nhà thờ Bãi Soi (5 gian), nhưng công trình mới này cũng không bền vững lâu được.

Khoảng mùa mưa tháng 5 /1982, công trình nhà thờ cũ đã xuống cấp rất nặng, dẫn tới việc bị hư hỏng và đổ sập. Nguyên do dẫn tới tình trạng dổ sập là bởi công trình nhà thờ cũ được xây dựng theo lối kiến trúc tạm bợ vì chất liệu vôi cát kém bền vững. Thêm nữa, nhà thờ có thể không được ai coi sóc và chưa được diễn ra các sinh hoạt đạo trong thời gian dài. Gặp hôm gió lớn, cộng thêm tác động của mối mọt, công trình nhà thờ đã bị đổ sập hai gian đầu, từ cửa chính đi vào.

 Trong giai đoạn này, bà con giáo dân (khoảng 30 – 40 hộ gia đình Công Giáo) đã cùng nhau chung tay góp sức; góp công, góp của để xây dựng lại nhà thờ với ước mong có nơi sinh hoạt đạo trở lại. Khoảng đầu tháng 8/1984 – ngày khởi công xây dựng lại nhà thờ bấy giờ, bà con giáo dân đã tận dụng nền móng nhà thờ cũ (dài: 15m, rộng: 6,7m) để kiến thiết nên ngôi nhà thờ mới (dài: 12m, rộng: 5,7m). Đây chính là nhà thờ hiện tại của giáo họ Hích.

Trong giai đoạn khó khăn này, ông Lý Hải trong ban hành giáo đương nhiệm đã đón thợ là bà con thuộc giáo họ Phú Cường về xây dựng nhà thờ. Giữa giai đoạn này, ân nhân cách riêng của giáo họ là thầy Đạm (hỏi thêm thông tin giáo họ qua cha) – Giáo phận Thái Bình, người đã nâng đỡ tinh thần bà con giáo họ Hích và bỏ nhiều công sức để hoàn thiện nhà thờ cách âm thầm. Nhờ sự miệt mài với ý nguyện được Chúa thương chúc phúc, chừng bốn tháng sau kể từ ngày khởi công (tức khoảng cuối tháng 10 năm 1984 tới tháng 2 năm 1985, sau Tết Ất Sửu) nhà thờ mới đã được hoàn thiện.

Năm 2012, công cuộc trùng tu nhà thờ diễn ra do cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều. Tường cũ nhà thờ được dóc lại; nền và trần nhà cũng được thay đổi; mái giữ lại phần khung, chỉ lợp lại với số ngói còn sử dụng được. Như vậy, theo lời kể của hai cụ và những người cao niên nơi đây thì nhà thờ Hích phải thành lập từ những năm trước của thập niên 30. Và ước tính, lịch sử giáo Họ Hích khoảng trên dưới 200 năm tuổi. Ngôi nhà thờ nhỏ bé của giáo họ là một trong những nhà thờ được thành lập sớm của hạt Thái Nguyên.

Nhìn lại một chặng đường, có thể thấy rằng: Để có được ngôi nhà thờ nhỏ bé như hiện nay, giáo họ Hích đã phải trải qua 2 lần di dời, 3 lần xây dựng và 1 lần trùng tu trên 3 vị trí địa lý khác nhau.

  1. Đời sống đức tin

Đây là vùng đất có khí hậu trong lành, người giáo dân hiệp nhất với nhau, được các cha quan tâm và dâng Thánh Lễ thường xuyên. Đời sống đức tin còn non yếu, số lượng người đến đọc kinh và tham dự Thánh Lễ còn rất ít đặc biệt là nam giới. Giao thông còn gặp nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt lại ở không tập trung. Các em chưa được học giáo lý thường xuyên do thiếu người dạy.

Tuy vậy, cơ sở vật chất của dân họ cũng từng ngày khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn. Ngôi nhà thờ của giáo họ đã vững vàng, kiên cố hơn trước rất nhiều. Kể từ nay, cánh cửa đức tin của Giáo Hội sẽ tiếp tục mở ngỏ trên quê hương miền Hích, để vâng theo thánh ý Chúa và trong niềm tri ân các bậc tiền nhân, những người con của giáo họ sẽ mãi mãi khắc ghi trong khối óc và con tim của mình một di sản đức tin không gì đánh đổi. Tin tưởng và hy vọng nhờ lời chuyển của thánh nữ Catarina Siêna, đời sống Đức tin của bà con ngày một sốt mến và làm sáng danh Chúa, thông truyền Đạo Yêu Thương giữa mảnh đất truyền giáo này.

BTT Giáo Phận