Lược sử giáo họ Hoàng Mai

1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Tổ dân phố Hoàng Mai 2, phường Nếnh, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Bổn mạng: Thánh Giuse thợ (01/05).

Giáo dân:  Giáo họ Hoàng Mai hiện nay có 6 hộ gia đình với 30 nhân danh. Dân số toàn thôn hơn 400 nhân khẩu. Số người tín hữu trong thôn chỉ ở mức tương đương với 0,05% trong tổng số nhân khẩu trong thôn Hoàng Mai. Ngày nay kinh tế thị trường phát triển, giao thông thuận lợi, khu công nghiệp Đồng Vàng và Đình Trám mọc lên ngay cạnh làng Hoàng Mai làm cho kinh tế  nơi đây đang đổi mới từng ngày.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: ca đoàn.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay có chiều dài 50m, rộng 9m, cao 12m. Diện tích khuôn viên nhà thờ hiện nay có: 3597,5m2 (đã có sổ đỏ). Nhà thờ có một tháp chuông cao 32m.

2. Lịch sử hình thành và phát triển

  1. Giai đoạn 1 (trước1954)

Làng Hoàng Mai là một làng cổ vùng trung du Bắc Bộ. Năm 1657, có một gia đình Công giáo từ Cao Từa, Yên Phú đến sinh sống định cư và lập nghiệp ở đây. Dân làng thấy đời sống của người khách phương xa về đây cư ngụ rất tốt lành thì đón tiếp, dần dần có thêm một số gia đình Công giáo từ nơi khác về sinh sống. Kể từ đó, số người tín hữu ngày một đông lên và đã dần trở thành một họ đạo.

Năm 1737, số giáo dân tăng cao, dân họ đã chung sức xây dựng một ngôi nhà thờ để tối sớm đọc kinh. Năm 1872, cha già Bá cho xây dựng ngôi thánh đường mới khang trang và đẹp hơn.

Năm 1890, cha Tòng cho tu sửa lại ngôi nhà thờ lần thứ 3. Trên khu đất cao đã 3 lần thay đổi từ tre vách đất đến gỗ ngói, ngôi nhà thờ thứ ba bằng gỗ lim có 7 gian toạ lạc.

Đầu những năm 1900, họ giáo Hoàng Mai ngày càng phát triển, số nhân danh đã lên đến hàng trăm. Với sự công đức của nhiều giáo dân, đặc biệt của gia đình cụ Giuse Đoàn Văn Úy và bà Anna Nguyễn Thị Khánh công đức gần mẫu ruộng ở Mã Thanh để làm khu thánh đường mới.

Ngày 03/04/1913, cha Tràng Truyên làm lễ khai móng và bắt đầu xây nhà thờ. 8 năm sau nhà thờ được hoàn thiện và khánh thành. Nhà thờ bằng gạch, có tháp, nhà phòng, nhà chung, có vườn, có ao, có tường, có cổng, có đường kiệu…

Biến cố 1949, dưới chính sách tiêu thổ kháng chiến, các đình, chùa và nhà thờ đều bị đánh phá. Tháp nhà thờ bị bom đạn đánh sập đến tận móng, mái nhà thờ, gỗ, ảnh tượng bị hư hỏng. Một số còn lưu giữ được cất trong nhà phòng (là nhà thờ cũ bằng gỗ lim trên khu đất bây giờ). Cùng với biến cố mất mát lớn ấy, năm 1950, toàn bộ giáo dân phải di tản lên Mỹ Độ, Nhã Nam, Sen Hồ…

  1. Giai đoạn 2 năm 1954 đến nay

Năm 1954, do biến cố lịch sử, hơn 400 giáo dân Hoàng Mai di cư vào Nam. Chỉ còn lại: gia đình ông xã Phúc, gia đình bà Hiếu và gia đình ông Hiệp ở Bắc Ninh về lại làng, ở phần đất nhà thờ cũ.

Năm 1973, vì số giáo dân còn ít, hợp tác xã nông nghiệp lấy nhà phòng làm lớp mẫu giáo, sau làm trụ sở thôn cho đến cuối năm 2007 mới trả lại cho giáo họ, còn khu đất nơi thánh đường chưa trả.

Năm 1975, những cột trụ đức tin đã dần qua đời, khuôn viên nhà thờ khu thánh đường không còn người trông nom, hợp tác xã quản lý, nhà phòng làm nhà mẫu giáo rồi trụ sở thôn. Xung quanh đất nhà thờ đã bị chia cho dân cày cấy trồng trọt và làm nơi ở cho một số gia đình,  xã cũng lấy đất nhà thờ làm trạm điện thôn…

Năm 1976-1980, mặc dù khó khăn, chỉ còn bà Hiếu vẫn kien trì làm đơn xin xã, huyện, tỉnh trả lại đất nhà thờ, nhà phòng cho xứng với nơi thánh thiêng mà tiền nhân đã chọn để dâng cho Chúa làm nơi cầu nguyện.

Năm 1980-2007, Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị chủ chăn của Giáo phận đã động viên mọi người hiệp lực cầu nguyện và làm đơn gửi các cấp xin lại khu thánh đường. Chính Đức cha cũng cho thành lập ban hành giáo trên danh nghĩa pháp lý mặc dù chưa có nơi sinh hoạt đức tin.

Ngày 22 tháng 11 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ra quyết định số 2797/ UBNDNC trả lại đất cho nhà thờ  Hoàng Mai. Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Giám quản Giáo phận Bắc Ninh đã làm việc với phía chính quyền để làm lễ tạ ơn tại nhà thờ Hoàng Mai. Ngài đã cử cha Gioanbaotixita Nguyễn Huy Long về coi xứ Đạo Ngạn, trong đó có họ Hoàng Mai.

Ngày 10 tháng 4 năm 2010, giáo họ đã diễn ra ngày lễ động thổ tu sửa nhà thờ. Cha Tổng Đại Diện Giuse Trần Quang Vinh và nhiều cha trong Giáo phận đã về hiệp dâng Thánh lễ nhân sự kiện này. Sau 165 ngày thi công, với bao công sức mồ hôi của mỗi người tín hữu trong và ngoài giáo họ, phần tháp chuông cao 35 mét đã được hoàn thiện.

Gian cung thánh của nhà thờ giáo họ hiện đang lưu giữ hài cốt của cụ trùm phó Nhâm chịu tử đạo tại cổng thành Bắc Ninh, vào ngày 4 tháng 04 năm 1862 (được biết, thi hài của vị đầu mục này được an táng tại nhà thờ Xuân Hòa, sau nhiều lần cải táng, thi hài của cụ trùm phó đã an nghỉ tại Hoàng Mai cho tới nay). Đây vừa là tâm nguyện của bà con giáo hữu Hoàng Mai, vừa là dấu chứng kiên cường của một niềm tin sắt đá dâng Thiên Chúa.

3. Đời sống đức tin

Kể từ ngày hạt giống Tin Mừng được gieo xuống nơi mảnh đất Hoàng Mai, Hoàng Mai đã 5 lần xây dựng các ngôi thánh đường khác nhau (tại hai khu đất cũ và mới). Ngôi thánh đường khang trang và sau cùng được xây dựng từ  năm 1910 đến năm 1940 mới hoàn thành. Đời sống đức tin của giáo họ luôn trải quan rất nhiều thăng trầm của lịch sử, thậm chí có những khi đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Trải qua hơn nửa thế kỷ (1949 tới nay), giáo họ Hoàng Mai vẫn âm thầm giữ đức tin của tiền nhân. Ngôi thánh đường bị bom đạn làm hư hỏng mãi cho ngày 30 tháng 11 năm 2010 mới tu sửa lại được. Chính biến cố làm phép ngôi thánh đường được tu sửa đã trở thành bước ngoặt vực lại đức tin nơi người tín hữu giáo họ Hoàng Mai. Dù số giáo dân còn lại chẳng là bao, nhưng ngày ngày vẫn có tiếng chuông, lời kinh vang vọng khắp thôn làng. Giáo họ có 2 Thánh lễ trong một tuần, tối thứ Năm và sáng Chúa nhật. Ngoài ra, mọi người vẫn đến nhà thờ đọc kinh vào mỗi buổi tối. Các em thiếu nhi cùng tập trung về nhà xứ học giáo lý.

Đến nay, cả dân họ cùng các bạn trẻ công nhân xa quê đã trở thành một hội đoàn rất năng động trong sinh hoạt đức tin. Kể từ khi hiện diện, Nhóm công nhân xa quê tích cực tham gia phục vụ trong các Thánh lễ với dân họ Hoàng Mai.