Lược sử Giáo họ Khe Cốc

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Giáo họ Khe Cốc.

Địa chỉ: Xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: 1975.

Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu (19/6).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, hội Lòng Chúa thương xót, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, huynh đoàn giáo dân Đaminh, ban trật tự, đoàn kim nhạc, ban trống và ban điện.

Giáo dân: Hiện nay, họ Khe Cốc có khoảng 424 nhân danh (số liệu năm 2023). Giáo dân Khe Cốc chủ yếu canh tác nông nghiệp và làm chè nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình đã rời quê hương đi làm ăn xa nhà, nên đời sống tuy có chút cải thiện. Việc sinh hoạt chung trong giáo xứ còn gián đoạn.

Nhà thờ: Nhà thờ hiện nay có chiều dài 19.4m, chiều rộng 9m, chiều cao 5.2m và có một tháp chuông cao 15m, có chuông 147kg. Tổng diện tích đất của giáo họ là 3750m2.

 

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

          Theo lời kể của các bậc cao niên, vào khoảng năm 1975, nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách xây dựng khu kinh tế mới. Thời gian đó có 7 hộ gia đình Công Giáo, di cư từ Phú Xuyên, Hà Tây lên vùng đất Khe Cốc thuộc huyện Phú Lương để làm ăn sinh sống. Đến năm 1976, có thêm 14 gia đình ở quê di cư lên sinh sống làm ăn cùng tổ đội. Thế là ông Dung yên tâm có thêm anh em Công Giáo sống chung. Từ đó, gia đình nào có trẻ cần chịu phép Thánh Tẩy đều mời ông Dung đến nhà rửa tội cho các cháu. Mỗi cháu được lãnh nhận phép rửa, ông đều ghi vào sổ tên, ngày tháng năm sinh và thông tin của bố mẹ, người rửa tội và đỡ đầu để khi nào bố mẹ cháu đưa cháu về quê thì xin cha xứ bù các phép và ghi vào sổ.

          Năm 1983, có cha Giuse Nguyễn Duy Lộc ở Thái Nguyên lên xã Vô Tranh và gặp hai cụ Maria Bùi Thị Nguyệt và Maria Lê Thị Kiệm. Hai cụ dẫn cha Lộc lên xóm Minh Hợp để gặp ông Phêrô Phạm Văn Dung. Sau cuộc viếng thăm đó, cha có gợi ý với mọi người về việc ổn định tổ chức trong dân họ, đồng thời ngài nói sẽ sớm trở lại dâng lễ tại dân họ. Chiều ngày 25/12/1983 – Lễ Chúa Giáng Sinh, Thánh lễ đầu tiên tại vùng đất Khe Cốc được cử hành tại nhà ông Phêrô Bùi Văn Khải do cha Giuse Nguyễn Duy Lộc chủ tế. Đến năm 1984, khi kinh tế đã dần ổn định, những buổi cầu nguyện chung bắt đầu được nhóm họp tại nhà ông Thái, người sau này sẽ cùng với ông Dung trở thành ông quản tiên khởi của giáo họ.

          Đầu năm 1984, dân họ tổ chức cuộc họp tại nhà ông Thái để bầu ra khóa ban hành giáo đầu tiên. Khóa ban hành giáo đầu tiên này gồm 3 người: ông Nhạc giữ chức vụ trùm chánh, ông Thái và ông Dung làm quản giáo. Từ khi được hình thành (1976 – 1989), hầu hết các bí tích trong dân họ được tổ chức tại quê nhà Bái Xuyên. Đến ngày 30/01/1989 ông trùm Nhạc và ông quản Dung về gặp Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và Đức cha Giuse Maria để trình bày về những sinh hoạt của giáo dân tại vùng đất Phú Lương. Sau đó, ông Nhạc và ông Dung được Đức Hồng Y gửi cho một bức thư về đọc tại 3 giáo điểm: Khe Cốc, Yên Thủy, Tân Bình.

          Hiện nay, không ai còn nhớ nội dung bức thư của Đức Hồng Y có nội dung gì. Nhưng có lẽ bức thư là lời căn dặn, động viên và khích lệ của Đức cố Hồng Y dành cho đoàn chiên “non trẻ” của mình. Ngài kêu mời ban hành giáo đưa các trẻ nhỏ về Tòa Giám mục để ngài kiểm tra kinh bổn và dạy giáo lý. Một năm sau đó, Đức cha Giáo phận gửi thầy Vicentê Long, cùng dì Chí và dì Sính lên Khe Cốc dậy kinh bổn, dâng hoa và dậy hát. Nhờ sự giúp đỡ của quý dì và quý thầy, đời sống đức tin của dân họ ngày một thăng tiến.

Cuối năm 1988, do nhu cầu cần phải có một nơi để cầu nguyện chung, mọi người trong dân họ đã chung tay xây dựng một ngôi nhà thờ bằng gỗ. Ngôi nhà nguyện đó hiện nay vẫn còn và được di chuyển ra vị trí mới để sử dụng làm phòng khách. Theo lời kể của một số người, Đức cha cố Giuse Maria cùng thầy Phêrô Văn, thầy Phanxicô Đại đã từng dâng lễ tại nhà nguyện này trong dịp ngài đi kinh lý giáo hạt Thái Nguyên.

Năm 1999, số giáo dân trong dân họ đã tăng đáng kể. Vì thế mọi người đều ước mong có một ngôi nhà thờ mới rộng rãi và khang trang hơn. Do đó, tháng 3/1999, được sự đồng ý của Đức cha, cha Giuse Nguyễn Văn Khiêm (chính xứ Thái Nguyên) cùng bà con giáo dân nơi đây đã chung tay khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới. Tháng 6/1999, ngôi nhà thờ mới được khởi công. Sáu tháng sau, phía chính quyền đưa công an đến đàn áp và đình chỉ. Trước tình hình đó, giáo dân đã tìm mọi cách để phía chính quyền làm rõ quyết định đình chỉ của mình.

Nhờ ơn Chúa, cùng với sự nỗ lực không ngừng của bà con giáo dân, năm 2001, giáo họ được tiếp tục xây dựng nhà thờ. Đến tháng 8/ 2001, ngôi nhà thờ thứ hai của dân họ được hoàn thiện với diện tích khoảng 130m2, có một tháp chuông cao 15m. Năm 2005, Đức cha Giuse Maria đã chủ tế Thánh lễ làm phép ngôi thánh đường thứ hai của giáo họ Khe Cốc. Nhân dịp đó, Đức cha chọn lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu làm ngày lễ bổn mạng của giáo họ.

          Từ năm 1998 – 2006, giáo họ Khe Cốc, Yên Thủy và Tân Bình trực thuộc giáo xứ Thái Nguyên, do cha Giuse Nguyễn Văn Khiêm phụ trách. Ngày 11/12/2009, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Nguyễn Như Định làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ Yên Thủy. Từ đây, giáo họ Khe Cốc có Thánh lễ đều đặn, đời sống đức tin ngày càng đi vào nền nếp.

  1. Đời sống đức tin

Sau 40 năm hình thành và phát triển, đời sống đức tin của người tín hữu nơi đây đã không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ. Từ số tín hữu ít ỏi, giáo họ Khe Cốc đã trở thành một trong những giáo họ lớn thuộc giáo xứ Yên Thủy. Những người tín hữu tiên khởi nơi đây đã hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu, sự quan phòng của Thiên Chúa, dù đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn gian khổ, họ vẫn kiên trung gìn giữ đức tin tinh tuyền của mình và lưu truyền đức tin cho các thế hệ sau này. Đức tin ấy được thể hiện qua việc đọc kinh tại nhà thờ, cũng như cầu nguyện tại tư gia. Trong những giai đoạn khó khăn, giáo họ Khe Cốc cả năm chỉ có được một Thánh lễ vào dịp lễ quan thầy.

Hiện nay, giáo họ có Thánh lễ vào thứ Tư và ngày Chúa Nhật hằng tuần. Các hội đoàn sinh hoạt khá đều đặn và tích cực. Hy vọng rằng, đức tin kiên trung ấy sẽ lan tỏa ra môi trường xung quanh, sẽ nối kết và trở nên môi trường tốt đẹp giúp cho hạt giống Tin Mừng ngày một trổ sinh nhiều bông hạt trên mảnh đất Phú Lương thân yêu này.

BTT Giáo Phận