Lược sử Giáo họ La Hương (Trại phong Phú Bình)

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: 1960.

Bổn mạng: Đức Mẹ Sầu Bi (15/9).

Giáo dân: Gia đình phong Phú Bình nay đã trở thành một ngôi làng đông đúc là mái ấm của hơn 100 bệnh nhân phong. Nhưng trong đó chỉ có vỏn vẹn 35 nhân danh (số liệu năm 2023).

Nhà thờ: Ngội Nhà Tạm chỉ là ngôi nhà cấp bốn đơn sơ chưa đầy 100m2 mà ban quản lý dành cho việc thờ phượng, sinh hoạt đức tin của những tín hữu Công Giáo trong trại phong nơi đây. Đặc biệt là vào tháng 7/2015 nhà nguyện này đã được đặt Nhà Tạm, là nơi Chúa hiện diện, để các cụ viếng thăm Chầu Mình Thánh, tâm sự với Chúa mỗi ngày.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Toạ lạc tại xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70km, khu điều trị bệnh phong Phú Bình (họ La Hương) nằm lặng lẽ trong khu rừng xanh hẻo lánh.

Theo lời kể của dì Maria Nguyễn Thị Yên – Tu Hội Thánh Tâm (người đang phục vụ trại phong), giáo họ La Hương là trại phong Phú bình được thành lập năm 1960. Đây là nơi để đón tiếp các bệnh nhân phong của các tỉnh phía Bắc. Bệnh nhân đa số là dân tộc thiểu số, hầu như họ không biết gì về Chúa. Năm 1960, có hai mẹ con bà cụ ở Ninh Bình đều là bệnh nhân từ trại phong Vân Môn về Tân Kim định cư. Cụ là người Công Giáo, tên cụ là Maria Nguyễn Thị Gắn. Cụ ở đó âm thầm sống đạo một mình bằng cách đọc kinh cầu nguyện hàng ngày một mình với Chúa. Cô con gái lấy chồng bên lương và không giữ đạo. Ở cùng phòng với cụ có Bà Yến. Bà Yến người Lạng Sơn đến trại năm 1980. Bà bị thần kinh, nhưng khi ở với cụ Gắn, bà Yến đỡ bệnh hẳn và hai bà con ở với nhau vui vẻ.

Năm 1991, Cô Xuân (người phục vụ trại phong sau này) được Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sai đi tìm các trại phong để giúp đỡ họ. Cô đã đến thăm trại phong Phú Bình và nhờ cô mà mọi người đến với các bệnh nhân nơi đây nhiều hơn. Thỉnh thoảng, có những phái đoàn người Công Giáo được các cha xứ dẫn đến thăm, động viên và cho quà các bệnh nhân. Cảm kích trước những cử chỉ cao đẹp của người Công Giáo, các bệnh nhân dần dần thấy thiện cảm về đạo. Bà Nguyễn Thị Yến là người đầu tiên xin chịu phép Rửa, lấy tên thánh là Maria. Chính cô Xuân và dì Yên đã rửa tội cho bà Yến. Bà cùng với bà Gắn đọc kinh cầu nguyện hàng ngày. Một thời gian sau bệnh thần kinh của bà thuyên giảm, bà nói về Chúa rất hay khiến nhiều người muốn theo đạo.

Những năm đó có cha Cosma Đạt (Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt) ở Sài Gòn hàng năm cũng đi thăm bệnh nhân phong các trại. Có những lần bà Yến đưa Đức cha đi rửa tội cho 5 – 6 cụ một buổi tối (vì không thể tập trung phải đến từng người), một số là người dân tộc nên bà Yến phải đưa đi để phiên dịch cho Đức cha. Đến năm 2005, Đại chủng viện Hà Nội gửi các thầy đến giúp hè với bệnh nhân phong. Các cụ rất phấn khởi vui mừng vì có những người thanh niên trẻ đẹp dám đến ở cùng họ, sống và đồng cảm với họ. Bởi vì từ trước đến nay họ thường bị cô lập, con cháu bỏ quên, mà giờ đây có người lắng nghe, giúp đỡ thì họ rất cảm phục. Bên cạnh đó, các cụ cảm thấy rõ tình Chúa tình người thật ấm áp qua sự hy sinh của quý thầy.

Ngày 17/9/2005, cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều về đóng xứ Nhã Lộng. Ngài cũng thường xuyên tổ chức cho các em giới trẻ vào thăm hỏi và giúp đỡ các bệnh nhân. Ngài đã gửi cô Thinh vào giúp mọi người về đời sống đức tin. Vì hoàn cảnh khó khăn, cô Thinh vào ngồi dưới những gốc cây gần trại phong và dậy mọi người đọc kinh. Trong thời gian đó, cha đã nhiều lần vào rửa tội cho nhiều người, có lần rửa tội tới 14 người. Đôi khi có người rất muốn theo đạo nhưng chưa có dịp thuận tiện, chỉ biết âm thầm giữ đạo. Hàng năm vào những ngày lễ lớn, cha Thiều lại thuê xe mời mọi người ra dự lễ và ở lại nhà xứ dùng cơm. Mọi người rất phấn khởi và xúc động vì từ trước đến giờ họ chưa được đi đâu bao giờ.

Dì Maria Nguyễn Thị Yên cũng nhớ lại ngày 7/9/2012, khi dì được sai đến ở với bệnh nhân phong Phú Bình. Lúc đầu, dì đến ở cùng phòng với bà Maria Trần Thị Tý. Có dì Anna Hương cùng đồng hành với dì Yên. Quý dì ở với họ, thăm hỏi, chia sẻ với họ và tổ chức đọc kinh ở phòng của quý dì nếu cụ nào muốn. Thấy mọi sự đang thuận tiện và nhận thấy nhu cầu sống đức tin của các cụ ở đây, quý dì đã làm đơn xin một miếng đất với mục đích làm nhà ở nhưng sau này để làm nhà nguyện, họ đồng ý cho mượn làm nhà vì đất của bệnh viện thuộc diện số đỏ tập thể. Quý dì đã đặt móng làm nhà nhưng không biết vì sao họ nghĩ ra là làm nhà thờ nên họ không cho thi công nữa. Mảnh đồi đó hiện vẫn đang trồng cây. Ít lâu sau, có bà cụ mất và căn phòng cụ không có người ở, nên dì Yên đã xin ban quản lý trại cho hai gian nhà đó để làm nhà nguyện và họ đã đồng ý.

Sau những ngày sửa sang nhà cửa, ngày 26/03/2014, quý dì đã tổ chức đọc kinh tại nhà nguyên. Cuối năm 2014, quý dì đã làm đơn xin Đức cha cho đặt Mình Thánh Chúa. Ngày 28/ 06/2015, Đức cha ký đơn đồng ý cho đặt Mình Thánh Chúa. Chúa Nhật sau đó, Cha Vicentê Mai Văn Mạnh về dâng lễ và đặt Mình Thánh Chúa cho trại phong. Ngày 28/10/2017, cha xứ Gioan Baotixita Nguyễn Như Định bầu ban hành giáo và đặt tên cho họ giáo là giáo họ La Hương. Trước cửa nhà nguyện có một tượng đài Đức Mẹ ban ơn. Ngày 19/12/2018, cha xứ Gioan Baotixita Nguyễn Như Định cho đặt tượng Đức Mẹ bằng đá trắng và làm phép tượng đài cho giáo họ.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, các cụ đi đọc kinh đều đặn mỗi ngày một lần. Ngày Chúa Nhật thì quý dì cùng các cụ trong trại suy tôn Lời Chúa. Từ khi có nhà nguyện đến nay, mỗi tháng cha xứ đến dâng lễ cho các cụ hai lần vào sáng thứ Hai. Những ngày thường, các cụ vẫn đi đọc kinh nhưng chỉ được 5 hoặc 6 người vì toàn là những người già đau yếu không đi được, những gia đình trẻ thì mải làm ăn, nếu có Thánh lễ thì đi được hơn chục người. Đời sống đức tin nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng từ chính nơi núi rừng hẻo lánh này, Chúa đã lau sạch nước mắt đau thương cho họ, thì từ đây, Người cũng sẽ làm bừng lên vẻ đẹp của niềm vui Tin Mừng cho thế giới hôm nay và mãi mãi.

BTT Giáo Phận