Lược sử Giáo họ Na Lang
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Na Lang 2, Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên.
Năm thành lập: 1942.
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Mân Côi, huynh đoàn giáo dân Đaminh, giáo lý viên, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn.
Giáo dân: Hiện tại, giáo họ có tổng số 255 nhân danh (số liệu năm 2021), đa phần sống tập trung quanh nhà thờ họ. Tỷ lệ tín hữu nơi đây quả là khiêm tốn so với khoảng hơn 1000 dân xung quanh. Bà con sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng chè, làm rừng và nghề nông nên đời sống còn nhiều bấp bênh.
Nhà thờ: Với tháp chuông làm mặt tiền cao 13m, cùng với 5 gian nhà kích thước: dài 20m, rộng 6m, cao 5m. Đây là nhà cầu nguyện thứ ba kể từ khi thành lập giáo họ. Nhà thờ giáo họ Na Lang nằm ở trung tâm khuôn viên 3968m2 được xây dựng năm 1993. Nằm bên cạnh là ngôi nhà phòng nhỏ (dài 9m, rộng 4m và cao 3.5m), được dùng cho các sinh hoạt mục vụ của dân họ.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Na Lang nằm trên tuyến đường nối liền Đèo Nhe với Phổ Yên, cùng với hồ Suối Lạnh nối liền với các khu du lịch Tam Đảo, Hồ Núi Cốc, và hồ Đại Lải. Mảnh đất này gắn liền với những truyền thuyết thơ mộng tuyệt đẹp và khí hậu mát lành của vùng đồi núi xanh tươi. Na Lang cũng là nơi nối liền ba tỉnh: Thái Nguyên phía Bắc, Vĩnh Phúc phía Tây và phía Tây Nam, Đông Nam là huyện Sóc Sơn – Hà Nội, cách nhà xứ Tiểu Lễ 22km về phía Đông, theo hướng thị xã Phổ Yên.
Lịch sử giáo họ Na Lang được bắt đầu từ dấu chân đi khai phá miền đất này của bốn thành viên gia đình cụ Phêrô Vũ Văn Hào người gốc Vụ Bản – Nam Định từ những năm 1942. Sau đó 18 năm, 8 thành viên khác của gia đình cụ Phêrô Nguyễn Khắc Tảo – thuộc xứ Yên Mỹ (Phúc Yên – Vĩnh Phúc) lên định cư làm ăn sinh sống. Hai gia đình sống hoà thuận giữa miền sơn cước, đọc kinh cầu nguyện theo gia đình để giữ đạo Chúa.
Đến năm Kỷ Mùi – 1979, nơi đây đã có 8 gia đình từ hai gia tộc đọc kinh cầu nguyện chung tại nhà cụ Phêrô Hào. Năm 1980, cụ Phêrô Tảo qua đời. Ngôi nhà tranh ba gian cụ để lại được con cháu dâng hiến thành nhà cầu nguyện đọc kinh hằng ngày. Số người đến cầu nguyện tăng dần, đại diện bà con đã trình với Đức Giám mục Phaolô Phạm Đình Tụng và được các đấng cho lập giáo họ Na Lang – thuộc xứ Yên Mỹ, họ đã tín nhiệm bầu ông Phêrô Nguyễn Văn Ty làm trùm trưởng và bà Maria Nguyễn Thị Phượng làm quản giáo đầu tiên.
Năm 1989, được sự đồng ý của Bề trên Giáo phận, dân họ dù nghèo khó, có lúc thiếu tiền, một số người phải đi đào đất đãi vàng lấy tiền xây dựng Nhà Chúa, nhưng họ đã nỗ lực hy sinh, quyết tâm xây một ngôi nhà nguyện khang trang hơn. Cùng với sự giúp đỡ của quý ân nhân khắp nơi, họ đã xây xong ngôi nhà 4 gian nhà bằng gạch ngói kiên cố làm nơi thờ phượng thứ hai.
Năm 1993, khi nhà nước xây dựng hồ đập chứa nước, nhà nguyện cùng với 10 hộ giáo dân buộc phải di dời đến mảnh đất mới. Dân họ được đền bù mảnh đất nhỏ cùng với số tiền ít ỏi không đủ để làm nhà nguyện mới. Tuy nhiên, ngày 22/03/1993, bà con đã khởi công xây dựng ngôi Thánh đường như ngày nay bằng công sức giáo dân đóng góp và sự giúp đỡ của ân nhân khắp nơi. Toà Giám mục đã cho các thầy, các chú đồng hành cùng với bà con tích cực xây dựng nhà thờ, nên từ Lễ Phục Sinh cho đến Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, công trình đã cơ bản hoàn thành. Phần hoàn thiện được làm dần dần sau đó bằng sự đóng góp công của cùng lời cầu nguyện, làm việc nhân đức của bà con.
Mừng năm Thánh 2000, dân họ tiếp tục xây dựng ngôi nhà phòng cho các em học giáo lý và tiện cho các cha đến làm mục vụ. Công trình hoàn thiện trong thời gian ngắn, từ 20/02 đến 08/03/2000 đã góp phần cho con dân Na Lang thêm tin yêu Chúa và Giáo Hội hơn. Hội Mân Côi và ca đoàn được thành lập góp phần thăng tiến hơn về đời sống đạo.
Năm 2004, giáo họ Na Lang đã có Lễ tạ ơn và chính thức khánh thành nhà thờ. Quả chuông chừng 100kg do giáo dân quê hương tặng dân họ được treo lên tháp, để sớm chiều vang lên mời gọi bà con đến cầu nguyện. Năm 2005, dân họ thành lập hội Trưởng gia đình gồm các trưởng gia đình nêu gương về đức tin. Các hội đoàn sinh hoạt được đánh giá là năng động trong xứ. Các em thiếu nhi cũng được học giáo lý hàng tuần bởi chính các anh chị huynh trưởng, giáo lý viên trong giáo họ.
Năm 2009, cha Đaminh Nguyễn Minh Tân là cha xứ Tiểu Lễ, giáo họ Na Lang cũng được Giáo phận cho sáp nhập về giáo xứ này. Từ đây, dân họ được tham dự nhiều thánh lễ hơn, giờ kinh mỗi tối thường xuyên hơn, các hội đoàn sinh hoạt đều đặn và phát triển. Đến năm 2012, huynh đoàn giáo dân Đaminh cũng được thành lập với 17 hội viên tích cực nguyện kinh vào 12h30 hằng ngày. Cùng năm đó, Giáo phận cho dân họ được đặt Mình Thánh Chúa, hằng tháng có giờ Chầu Thánh Thể vào tối Chúa Nhật.
- Đời sống đức tin
Hiện tại, dân họ có Thánh Lễ vào tối thứ Năm hằng tuần. Cũng nhờ đó, đời sống đức tin của dân họ trở nên sống động và phát triển hơn. Cha xứ cũng mở mang đất đai và không ngừng động viên, khích lệ để giáo dân sống đạo. Hy vọng rằng, Đức Mẹ Mân Côi – Bổn mạng của giáo họ luôn phù trợ cho dân họ miền sơn cước này ngày một trổ sinh hoa trái đức tin dồi dào.
BTT Giáo Phận