Lược sử Giáo họ Ngọc Bảo
- Thông tin cơ bản
Tên gọi: Họ Ngọc Bảo.
Địa chỉ: Ngọc Bảo, Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỉ XIX.
Bổn mạng: Đức Mẹ dâng con vào Đền Thờ (02/02).
Giáo dân: Tính đến năm 2021, giáo họ Ngọc Bảo có 850 nhân danh.
Hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Mân côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Lòng Chúa thương xót.
Nhà thờ: Nhà thờ dài 31m, rộng 7m, tháp cao 20m, nóc cao 10m.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Theo sách Dư Địa Chí, trong quyển 4, làng Sơn Lôi có từ thời Tiền Lê. Khi đó khu trại Chùa (Ngọc Bảo bây giờ) thuộc tổng: Sơn Lôi, Bình Tuyển, Phú Bình, Thái Nguyên. Sau khi vua Gia Long lên ngôi hoàng đế, nhớ ơn cha Bá Đa Lộc, vua đã cho các nhà truyền giáo được tự do giảng đạo. Khoảng những năm 1815 – 1828, ở Trại Bằng có cụ lang Bảo là danh y đến xóm Chùa chữa bệnh. Cụ giới thiệu Đạo Chúa cho người dân nơi đây. Cụ Nguyễn Văn Thắng và con cháu là những người đầu tiên tại xóm Chùa đón nhận Tin Mừng. Cụ Bảo đã đón cố Tây từ Vĩnh Yên về Trại Bằng rửa tội cho cụ Thắng và con cháu trong gia đình. Thời Minh Mạng lên làm vua (1820-1840), các sắc chỉ cấm đạo liên tục được ban ra. Song các nhà truyền giáo bất chấp sự bắt bớ vẫn âm thầm giảng đạo khắp nơi. Khu vực làng Sơn Lôi khi đó vẫn còn rậm rạp hoang sơ, ít người, xa tỉnh lỵ, quan quân ít người để ý đến. Khi các nhà truyền giáo đã rửa tội được khoảng 10 gia đình, trên 50 nhân danh, họ thành lập họ đạo và lấy tên là Ngọc Bảo. Ngọc Bảo nghĩa là viên ngọc “đức tin được Thiên Chúa bảo vệ mãi mãi”.
Theo các cụ trong làng truyền kể, Ngọc Bảo được thiết lập khoảng những năm 1830-1831. Từ sau khi gia đình cụ Thắng đón nhận Tin Mừng, một số các gia đình khác cũng theo đạo, đồng thời cũng có một số gia đình Công Giáo khác từ xa chuyển đến, trong đó có gia đình cụ Nguyễn Văn Lan từ vùng Nam Định lên đây định cư. Các vua liên tiếp cấm đạo, các gia đình khi đó chỉ có thể âm thầm theo Chúa. Cụ Nguyễn Văn Ngâu, năm 1974, kể lại rằng: cha ông các cụ đầu tiên đi đạo ở làng này lúc đầu chỉ biết đọc kinh Lạy Cha và kinh Ave (Kính Mừng), sau dần học kinh Mười Điều Răn để giữ đạo.
Vào những năm 1871 – 1872, các cụ vận động con cháu đi ra rừng cạnh làng lấy gỗ, tre về làm 5 gian nhà để làm nơi cầu nguyện. Lúc ấy, cả xóm mới có khoảng 20 gia đình, chừng 100 nhân danh có tên thánh. Thỉnh thoảng có cha về làm phúc, giải tội, làm lễ hôm trước, hôm sau đi ngay. Các cha bảo dân cử cụ Đaminh Thắng làm đầu mục. Mãi đến khi Yên Mỹ có cha xứ, giáo dân Ngọc Bảo mới có thể đi lễ vào Chúa Nhật và lễ trọng. Vào năm 1883, Giáo phận Bắc Ninh được thành lập, mọi người được tự do theo đạo nên số giáo dân tăng lên. Vào những năm 1893 – 1894, cha xứ Yên Mỹ về Ngọc Bảo làm phúc. Cha động viên giáo dân mua gỗ về làm mới nhà thờ, xây tường, lợp ngói. Nhà thờ dài 21m, rộng 7m. Số giáo dân năm 1890 khoảng 30 hộ, trên dưới 150 nhân danh.
Thời Đức cha Velasco Khâm làm Giám mục Bắc Ninh, nhiều giáo xứ được thành lập. Giáo dân Ngọc Bảo đề trình lên Đức cha cho lập giáo xứ. Tuy nhiên sau đó, ngài cho thiết lập giáo xứ Hữu Bằng và họ Ngọc Bảo thuộc giáo xứ này vì 2 lý do: thứ nhất, vào năm 1904, Trại Bằng (Hữu Bằng) toàn tòng Công Giáo, lại nằm giữa hai họ Ngọc Bảo và Bảo Sơn, đất đai rộng lớn, dễ bề mở mang; thứ hai, vào năm 1906 (Bính Ngọ), chính phủ Pháp bắt đầu khai thác tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai dài 390km đi qua họ Ngọc Bảo. Đây là một điểm bất lợi cho giáo họ thời đó. Chính vì thế, Bề trên quyết định đặt nhà xứ tại họ Trại Bằng năm 1907 (Đinh Mùi) và xếp các họ Bảo Sơn, Ngọc Bảo vào xứ Hữu Bằng. Đức cha cử các cha xứ lần lượt về coi sóc giáo xứ. Đời sống đức tin ngày càng sinh hoa kết quả.
Năm 1919, cha Giuse Hà Trọng Nhã về coi sóc Hữu Bằng. Năm 1930, nhận thấy số giáo dân Ngọc Bảo đã lên tới hơn 300, ngài hướng dẫn giáo dân khai phá mảnh đất hoang về phía sau làng, cạnh bờ sông, lấy đất làm gạch và xây nhà thờ mới. Năm 1940, cha xây nhà phòng 6 gian, dài 18m, rộng 7m.
Năm 1954, hiệp định Giơnevơ chia đôi đất nước. Họ Ngọc Bảo có hơn 20 gia đình, khoảng 100 nhân danh di cư vào Nam. Năm 1955, trong cuộc cải cách ruộng đất, mâu thuẫn lương – giáo trong kháng chiến, một số gia đình Ngọc Bảo bị quy thành địa chủ. Nhiều người thiệt mạng oan. Mọi ruộng đất đều bị công hữu hóa. Cả giáo và lương đều bị ghép vào hợp tác xã nông nghiệp. Thời kỳ khó khăn với giáo dân không biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Năm 1975, Sài Gòn thất thủ. Nam Bắc đoàn tụ sau hơn 20 năm xa cách. Giáo dân Ngọc Bảo từ khắp nơi liên lạc được với nhau. Họ cùng nhau xây dựng quê hương. Năm 2005, người dân gốc Ngọc Bảo đang định cư tại miền Nam và hải ngoại đã đóng góp để cùng với giáo họ trùng tu lại ngôi thánh đường đã xuống cấp theo thời gian. Năm 2010, giáo họ lại chung sức xây dựng nhà mục vụ phục vụ cho việc hội họp và dạy giáo lý. Nhà mục vụ 2 tầng này dài 17m, rộng 7m bằng xi măng, gạch ngói bền chắc.
- Đời sống đức tin
Đời sống đức tin tại giáo họ Ngọc Bảo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn với nhiều hội đoàn đang hiện diện và hoạt động như: Hội Mân côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Lòng Chúa thương xót, ca đoàn, hội trống trắc, hội kèn. Ước mong hạt giống đức tin nơi đây sẽ ngày một lớn mạnh và trổ sinh hoa trái cho lớp lớp thế hệ mai sau.
BTT Giáo Phận