Lược sử Giáo họ Ngọc Cục
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Ngọc cục, Tân Lãng, Lương Tài, Bắc Ninh.
Năm thành lập: Cuối thế kỉ XIX
Bổn mạng: Sinh nhật Gioan Baotixita – 24/6 (quan thầy đệ nhất) và Thánh Gioan bị trảm quyết – 29/8 (quan thầy đệ nhị).
Giáo dân: Giáo họ Ngọc Cục hiện có 620 nhân danh (2021) chung sống thuận hòa cùng anh chị em lương dân trong tổng số gần 1000 dân của toàn làng Ngọc Cục. Nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp, một số lao động trẻ làm việc tại các khu công nghiệp, một số đi lao động tại nước ngoài, còn lại một nhóm nhỏ kinh doanh vừa và nhỏ tại địa phương.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Mân côi, hội Trưởng gia, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Lòng Chúa thương xót, hội Cầu nguyện, đoàn Kim nhạc, đoàn Trống trắc, hai Ca đoàn, hội Hoa tươi, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể…
Nhà thờ: Nhà thờ có chiều rộng 16m, dài 43m, mái cao 20m, đỉnh vòm gian cung thánh cao 28m, tháp cao 38,5m với 2 quả chuông bằng đồng, quả lớn nặng 100kg, quả nhỏ (đúc ở Pháp khi xây dựng nhà thờ đầu tiên) nặng 70kg. Khuân viên nhà thờ có tổng diện tích 3746m2.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Theo truyền tụng của cha ông và theo các nguồn sử liệu khác nhau, hạt giống đức tin đã gieo trồng nơi đây từ nửa sau thế kỷ XVIII. Lúc đầu, giáo dân sống ẩn dật và tản mác, về sau tụ họp thành một họ đạo. Cuối thế kỉ XIX, giáo họ Ngọc Cục được chính thức thành lập (trực thuộc giáo xứ Tử Nê). Ngày 04 tháng 04 năm 1862, tại cổng tả thành Bắc Ninh, có 5 vị đầu mục người Ngọc Cục chịu phúc tử đạo. Năm 1954, nhiều giáo dân trong làng di cư vào Nam, sống chủ yếu ở giáo xứ Bình An Thượng (Quận 8 – Sài Gòn) và sống tản mác tại một số giáo xứ khác.
Nét đáng chú ý khác của giáo họ, đó là lịch sử ngôi thánh đường – trung tâm đời sống đức tin của Ngọc Cục cho đến hôm nay. Nhà thờ mái ngói cột gỗ đầu tiên được xây dựng từ những năm 40 thế kỉ trước, là nơi thờ phượng cho đến năm 1991. Sau đó, giáo họ xây dựng nhà thờ mới rộng hơn, nhưng vẫn trên nền đất cũ. Sau gần 20 năm sử dụng, nhà thờ xuống cấp trầm trọng, bà con giáo dân lại tiếp tục bắt tay xây lại ngôi thánh đường cho xứng hợp. Trong giai đoan này, ngày 01 tháng 07 năm 2007, cùng với Phượng Giáo, Ngọc Cục được chia tách khỏi Tử Nê để lập nên giáo xứ Phượng Giáo. Năm 2008, được sự cho phép của bề trên giáo phận, cha xứ cùng dân họ đã đi đến quyết định khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới (có phần tháp cao 38,5m đã được làm trước và hoàn thiện vào năm 2003). Sau 5 năm, đến năm 2013, Đức cha Cosma về làm phép ngôi thánh đường và cung hiến Bàn thờ giáo họ. Về kích thước, nhà thờ có chiều rộng 16m, dài 43m, mái cao 20m, đỉnh vòm gian cung thánh cao 28m, tháp cao 38,5m với 2 quả chuông bằng đồng, quả lớn nặng 100kg, quả nhỏ (đúc ở Pháp khi xây dựng nhà thờ đầu tiên) nặng 70kg. Khuân viên nhà thờ có tổng diện tích 3746m2. Năm 2021 vừa qua, giáo họ tiếp tục tiến hành hoàn thiện phần mái còn dang dở, đồng thời tiến hành sơn lại toàn bộ phần tháp chuông, bên ngoài và bên trong nhà thờ.
- Đời sống đức tin
Trước đây, khi còn thuộc xứ Tử Nê, bà con giáo dân đều tập trung tại Tử Nê để dâng lễ hằng tuần. Tại giáo họ, cứ hai tuần hoặc một tháng mới có một hay hai lễ, trừ các lễ ngoại lịch. Nhưng từ khi chính thức tách để trở thành họ trực thuộc xứ Phượng Giáo, dân họ có lễ các ngày lẻ. Tối thứ Bảy, cha xứ dâng lễ Chúa Nhật cho cộng đoàn.
Tại Ngọc Cục, các hội đoàn truyền thống được duy trì và không ngừng phát triển như huynh đoàn giáo dân Đaminh với 92 thành viên, hội Trưởng gia đình với 86 anh em, hội Mân Côi với 65 chị em, Thiếu nhi Thánh Thể có 110 em, ca đoàn Phụng vụ có 60 đoàn viên, hội Lòng Chúa thương xót 125 thánh viên. Ngoài ra, còn có các đoàn thể khác hoạt động rất tích cực như đoàn trống trắc, đoàn kim nhạc nữ, cùng với một số hội đoàn tự nguyện như: hội lão thành họ giáo, hội bác ái yên ủi kẻ liệt, hội cầu nguyện cho các linh hồn, gia đình hoa tươi… Mọi sinh hoạt trong đời sống đạo của Ngọc Cục đang dần ổn định và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, dù số nhân danh khá khiêm tốn, song giáo họ có khá nhiều người dâng mình cho Chúa trong nhiều bậc sống tu trì: có các linh mục phục vụ trong và ngoài giáo phận, có 3 chủng sinh, gần 20 nam nữ tu sĩ. Hy vọng, họ giáo Ngọc Cục sẽ tiếp tục thăng tiến hơn nữa để noi theo đời sống đức tin của ông cha qua nhiều thế kỷ.
BTT Giáo Phận