Lược sử Giáo họ nhà xứ Bắc Kạn
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Đường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Năm thành lập: Năm 1928, thời Đức cha Teodoro Gordaliza Phúc.
Bổn mạng: Thánh Đaminh (8/8).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn.
Giáo dân: Với đặc thù là họ đạo trải rộng trên một diện tích lớn với số giáo dân ít ỏi chỉ khoảng 95 nhân danh (số liệu năm 2023) sống rải rác trong thành phố. Đa phần, giáo dân làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán trên địa bàn thành phố, nhưng do thành phố nhỏ giao thương kém nền kinh tế đang trong thời gian suy thoái nên đời sống của giáo dân ở Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ nhỏ bé Bắc Kạn nằm cheo leo trên lưng đồi (dưới tháp truyền hình Bắc Kạn) được tái thiết lai năm 2010. Nhà thờ rộng 7m, dài 16m, cao 9m, không có tháp chuông và cũng không có chuông (ở Bắc Kạn sử dụng chuông điện tử phát qua loa phóng).
Các giáo họ trực thuộc: Ba Bể, Na Rì, Nà Phặc, Chợ Đồn, Pắc Nậm
- Lịch sử hình thành và phát triển
Theo cuốn sách “Giáo phận Bắc Ninh” của Đinh Đồng Phương ghi chép lại, từ khi Thái Nguyên được xây dựng thành xứ, xứ Bắc Kạn cũng được các thừa sai qua lại và có một số giáo dân. Nhưng vì hai nơi cách xa nhau (gần 90km), đường sá khó khăn, phương tiện đi lại thiếu thốn, nên liên lạc giữa hai giáo xứ còn bị cản trở. Thời kỳ cha Silva An coi xứ Thái Nguyên, một lần giáo dân Bắc Kạn đã mời cha lên xức dầu, mất hai ngày, cha An mới có thể tới điểm cử hành Bí tích. Kết quả, không có ai cần xức dầu. Giáo dân ở đây viện cớ mời cha đến xức dầu chỉ bởi họ khao khát được xưng tội và dự lễ.
Năm 1928, Đức cha Gordaliza Phúc tìm cách để xây dựng nền móng cho giáo xứ tại Bắc Kạn. Cha Calle Kính phải vất vả lắm mới mua được một khu đất. Năm 1930, cha Milian Bắc được trao trách nhiệm xây dựng nhà thờ và nhà xứ Bắc Kạn. Những năm đầu thế kỷ XX, giáo xứ Bắc Kạn đã phát triển rất thịnh vượng, cơ sở giáo xứ rất nguy nga, có rất đông các linh mục làm việc. Khi đó, Bắc Kạn đã có nhà Mụ, nhà Cô Nhi, trường dạy học… Tuy nhiên, chiến tranh đã tàn phá, toàn bộ khu đồi chính xứ hiện nay vẫn còn các dấu chứng là các nền móng nhà thờ, nhà trường, nhà Cô Nhi…
Trong hơn nửa thế kỷ, giáo xứ Bắc Kạn không có cha xứ coi sóc và bị cách li hoàn toàn với Giáo phận, bởi vì cha xứ và phần lớn giáo dân đã rời khỏi Bắc Kạn trong thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp (1945 -1954). Trong hoàn cảnh bị o ép như vậy, một nhóm nhỏ giáo dân ở lại vẫn gìn giữ và duy trì đời sống đức tin, song cũng có không ít người vì sợ hãi mà đã bỏ đạo. Cây đức tin trải qua nhiều phong ba bão táp dần “trụi lá, trơ cành”, có lúc tưởng như “chết khô” giữa đời.
Đến thập niên 90 của thế kỉ trước, Giáo phận có thêm linh mục, khi ấy các cha mới có điều kiện lên vùng Bắc Kạn. Các ngài đã cố gắng liên lạc và tìm những giáo dân còn sót lại, và đã cho làm lại ngôi nhà nguyện khoảng 20m2 trên mảnh đất nhà thờ còn giữ lại được, để khi các cha lên có nơi dâng lễ và bà con hàng ngày đến cầu nguyện. Tuy nhiên, mảnh đất của nhà thờ bị chiếm dụng và bị biến dạng, mọi sinh hoạt đạo gần như tê liệt. Về sau, những o ép có phần giảm xuống lại thêm có các cha thường xuyên lui tới cộng với nhiều giáo dân dưới xuôi di cư lên nên đời sống đức tin của Bắc Kạn có những dấu hiệu đáng mừng. Năm 2008, cha Giuse Hà Mạnh Hoàn lên ở trực tiếp tại Bắc Kạn. Sau khi cha Hoàn được gửi đi du học, Giáo phận lại gửi cha Vicentê Nguyễn Văn Quân lên coi sóc.
Từ khi có các cha về ở trực tiếp, tinh thần đạo đức của bà con được nâng cao. Sau một thời gian vắng bóng linh mục, ngày 29 tháng 10 năm 2013, Đức cha Giáo phận bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Văn Tĩnh dòng Chúa Cứu Thế làm chính xứ Bắc Kạn. Gần 50 năm thiếu vắng linh mục, chỉ hơn 10 năm nay mới có linh mục đến trông coi, nhưng niềm tin của cộng đoàn dân Chúa vẫn luôn luôn duy trì. Ngày 03 tháng 10 năm 2013, giáo xứ Bắc Kạn đã đón nhận một hồng ân lớn lao mà người dân Bắc Kạn chẳng bao giờ dám mơ tới, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli – Đại diện Đức Thánh Cha không thường trú tại Việt Nam đến thăm giáo xứ Bắc Kạn. Đó như một niềm khích lệ lớn lao cho mọi con dân trong giáo xứ.
- Đời sống đức tin
Hiện nay, Bắc Kạn thường xuyên có Thánh lễ các ngày trong tuần. Bắc Kạn cũng đã có một số hội đoàn được thành lập và đang hoạt động gồm hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi. Dù đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng Bắc Kạn còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể tái thiết lại đời sống đức tin cho bằng với thời kỳ vàng son trước đây.
Khi nhìn lên mẫu gương thánh Đaminh – Đấng bảo trợ, giáo xứ Bắc Kạn được nhắc nhớ về một mẫu gương của sự hy sinh, cầu nguyện, bằng vũ khí là tình yêu Thiên Chúa và sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi. Thánh Đaminh đã thay đổi được những con người có tư tưởng lạc giáo, những bè rối trong Giáo Hội trước kia. Chính nhờ lời bầu cử của ngài, Thiên Chúa đã gìn giữ và đổ tràn ơn phúc xuống trên giáo xứ Bắc Kạn, để từ một giáo xứ gần như tàn lụi nay đã khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Tin rằng, nơi mảnh đất khô cằn này trong tương lai không xa sẽ nảy nở, phát triển và trổ bông, đem lại một mùa vàng trĩu quả.
BTT Giáo Phận