Lược sử Giáo họ nhà xứ Bỉ Nội
1. Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (7/10).
Giáo dân: Giáo dân của họ nhà xứ Bỉ có khoảng 80 nhân danh (theo số liệu năm 2021). Đa phần bà con giáo dân canh tác nông nghiệp, một số thanh thiếu niên tham gia vào các công ty, xí nghiệp. Đời sống kinh tế ở mức trung bình.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, 01 ca đoàn.
Nhà thờ: Ngôi thánh đường hiện tại dài 23m, rộng 11m, mái cao 11m, tháp (tháp dời) cao 31m; có 2 quả chuông, một quả nặng 94 kg và một quả nặng 194 kg. Diện tích khuôn viên nhà chung hiện tại rộng chừng 2760m2.
Các giáo họ trực thuộc: Nội, Yên Hà, Châu Sơn, Thọ Điền, Khánh Giàng, Trũng, Ngọc Sơn, Ngọc Lĩnh
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Hạt giống đức tin đã được gieo vãi nơi đây từ rất lâu đời và trở thành vùng đất trù phú và hưng thịnh của xứ Kẻ Bắc (tức Bắc Ninh, lúc ấy chưa thành lập giáo phận), địa phận Đông Đàng Ngoài.
Năm 1859-1862, vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo, bắt bớ và bách hại tất cả những ai không chịu từ bỏ Đạo Gia-tô (Đạo Công Giáo). Thế là 100 vị Đầu Mục sẵn sàng tuyên xưng Đức Tin và chịu Tử Đạo tại thành Bắc Ninh (4/4/1862). Cụ Phêrô Đa (1798-1862), giáo dân họ Bỉ, là một trong số 100 vị đầu mục kể trên. Nay, thân xác Ngài được gìn giữ trong lòng ngôi thánh đường Bỉ cùng với hai vị mục tử trung kiên là cha già Lượng (1886-1931) và cha Giuse Lượng (42 tuổi). Như vậy, có thể nói: hạt giống đức tin đã nảy mầm ở họ nhà xứ Bỉ từ rất lâu rồi.
Năm 1883, giáo phận Bắc Ninh được thành lập. Giáo xứ Bỉ Nội theo đó cũng thành hình và phát triển. Khi ấy, Đức Cha Antonio Colomer Lễ là Giám mục đại diện Tông Tòa của Giáo phận Bắc Ninh. Tính đến năm 1949, số họ đạo và giáo dân trong xứ như sau: Họ nhà xứ Bỉ có 245 nhân danh (x. Bỉ đường hương phả); họ Nội: 283 nhân danh; họ Trũng: 162 nhân danh; họ Kim Sơn: 208 nhân danh (hiện nay giáo họ này không còn nữa); họ Kim Sa: 164 nhân danh (hiện nay giáo họ này không còn nữa); họ Yên Hà: 205 nhân danh; họ Ngọc Lĩnh: 153 nhân danh; họ Ngọc Sơn: 76 nhân danh; họ Châu Sơn: 86 nhân danh; họ Khánh Giàng: 139 nhân danh.
Năm 1949, chiến tranh xảy ra. Bà con trong xứ lục tục kéo nhau đi sơ tán, kẻ vào nam, người ra hải ngoại. Mọi cơ sở thuộc nhà chung lúc ấy đã bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ còn có 5 gia đình ở lại tại giáo họ Bỉ. Trong thời kì khó khăn này, bà con duy trì đức tin trước hết và chính yếu bằng những lời kinh trong gia đình. Đến khi thuận lợi hơn, bà con đã dùng một kho thóc cũ để làm nơi cầu nguyện chung với nhau. Tưởng chừng như chỉ là tạm bợ thôi, vậy mà cái kho thóc cũ ấy là nơi cầu nguyện, gặp gỡ của dân họ trong gần 50 năm.
Ngày 20 tháng 4 năm 1994, viên đá đầu tiên được đặt xuống trên nền nhà thờ cũ. Từng viên gạch, từng viên gạch cứ thế nằm cạnh nhau, vun vút trên bầu trời xứ Bỉ, khéo xếp thành ngôi thánh đường nguy nga, lộng lẫy. Cho đến hôm nay, ngôi thánh đường vẫn hiên ngang vút trời như dấu chỉ của niềm tin công giáo; ngày ngày vẫn vang lên những tiếng chuông đều đặn, những lời kinh nhịp nhàng du dương và là nơi bao người tìm về với Thiên Chúa, dưới sự cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi.
Năm 5/1/2008, Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm cha Giuse Hoàng Trọng Hựu làm cha xứ giáo xứ Bỉ Nội. Đến ngày 20/9/2013, cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Quân tiếp tục công việc mục vụ giáo xứ thay cha Hựu. Hiện nay, cha xứ của giáo xứ Bỉ Nội là cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hoàn. Cha đang tiếp tục công việc của các đấng bậc tiền nhiệm và củng cố đức tin của bà con nơi đây.
3. Đời sống đức tin
Kể từ khi có cha xứ (2008) tới nay, đời sống đức tin của giáo xứ cũng như họ nhà xứ có phần thăng tiến hơn. Họ nhà xứ có Thánh lễ vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, riêng ngày Chúa Nhật có 2 lễ vào buổi sáng và buổi chiều. Đầu tháng, cha xứ tổ chức lễ riêng cho các hội đoàn trong toàn xứ. Đặc biệt, mỗi tháng một lần, cả cộng đoàn cùng quy tụ dâng lễ tại Núi Đền. Giáo dân trong xứ quy tụ đọc kinh tại nhà thờ mỗi ngày hai lần: trưa và tối.
Tuy nhiên, đời sống đạo nơi đây không tránh khỏi những khó khăn cùng nhiều thách đố. Các hội đoàn trong xứ được thành lập và sinh hoạt chung trong toàn xứ là chính, bởi số lượng ít ỏi và nơi ở thì rải rác. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều: chưa có nhà mục vụ, thiếu nhà giáo lý, các em thiếu nhi trong toàn xứ phải học giáo lý ở sân nhà thờ. Một số gia đình Công Giáo vẫn chưa dám tuyên xưng đức tin của mình. Hơn nữa, vì sống chung với lương dân, nên bà con giáo dân cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi nếp sống của họ. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi giáo xứ được nảy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái, đồng thời các tín hữu trở nên những chứng nhân của Đức Kitô cho những người lương dân đang sinh sống nơi vùng đất này.
BTT Giáo Phận