Lược sử giáo họ nhà xứ Hòa An
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Lò Nồi, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập: 03/2012.
Bổn mạng: Thánh Giuse Thợ (01/5).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn Dòng Don Boscô, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, huynh đoàn Đaminh giáo dân, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, hội Lòng Chúa thương xót, Cussilo, đoàn trống trắc, đoàn hoa.
Giáo dân: Hiện nay, họ có 800 nhân danh. Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ và một số lao động tại các khu công nghiệp. Điều kiện kinh tế của giáo dân đã ngày càng được cải thiện hơn.
Nhà thờ: Được xây dựng, di dời khá nhiều lần trong suốt gần một thế kỷ. Đến năm 2012, nhà thờ hiện tại đã được trùng tu và nối tiếp hai gian cuối, từ nhà thờ đến tháp chuông, với kích thước: dài 33m, rộng 18m, cao 6m, và phần tháp cao 27m nằm trọn trên diện tích 7000m2.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Hòa An được hình thành từ hai nhóm người di cư đến. Nhóm thứ nhất, năm 1919, có 9 hộ gia đình thuộc họ nhà xứ Mỹ Lộc đã sang chân đồi Bờ Tầng thuộc xóm Lò Nồi, xã Hợp Đức hiện nay để làm ăn sinh sống. Nhóm đến sau đó ít lâu, có hai hộ gia đình làm nghề chài lưới quê ở Thanh Miện, Hải Dương đến làm ăn ở khu Bến Táng (khu Cống Mọc, hiện nay vẫn còn một mảnh đất gần bờ sông Thương). Bởi địa hình khu Con Cá (thôn Lò Nồi) là một nơi dễ dàng cho việc làm ăn kinh tế. Đây được coi là nhóm người đầu tiên ở làng Hòa An, cũng là những tín hữu tiên khởi của giáo họ.
Được Cha xứ Gioakim Thuần cho phép, các gia đình này đã bắt tay vào xây dựng nhà nguyện nhỏ tại khu chân Bờ Tầng, Con Cá. Tuy nhỏ bé, nhưng nhà thờ cũng đủ nói lên sự hiệp nhất của người Lò Nồi. Giáo họ đã bầu 2 ông trùm: ông Inhaxiô Kính là trùm chính, ông Phêrô Trọng làm trùm phó. Khi nhà thờ đã hoàn thiện , cha xứ đến làm phép và làm tuần tu đức để mọi người trong giáo họ đón nhận ơn lành của Chúa.
Năm 1942, cha Phêrô Phạm Huy Niêm về coi sóc giáo xứ Mỹ Lộc. Nhờ đó, ngài đã kêu gọi toàn bộ các hộ thuộc họ Sàn, họ Mỹ Lộc đang làm ăn sinh sống tại đây (bên sông) sinh hoạt tôn giáo theo họ Con Cá. Ấn tượng không quên là cuộc rước kiệu Đức Mẹ năm 1946, kiệu Đức Mẹ từ Cống Mọc về nhà thờ Con Cá. Sự kiện này đã ghi dấu một bước trưởng thành của Giáo họ. Khi ấy, Giáo họ có 47 hộ tham dự cuộc rước và tuần tu đức (10 hộ làm nghề chài).
Từ năm 1946-1954, trong cuộc chiến tranh Đông Dương cùng với tình hình chung của đất nước, giáo họ cũng chịu một phần hậu quả của cuộc kháng chiến. Vào năm 1949, trong chính sách tiêu thổ kháng chiến, nhà thờ cũng bị phá hoại nặng, xuống cấp nghiêm trọng, số tín hữu ở lại quá ít ỏi. Năm 1950, cha Phêrô Niêm đã cho số giáo hữu còn lại chuyển nhà thờ về khu Trại Canh, đất bãi ven Sông Thương. Cha đổi tên thành họ Nghĩa Hưng. Bởi chiến tranh tàn phá, việc xây dựng nhà thờ trên phần đất mới còn nhiều khó khăn và hư hoại dần theo thời gian. Tin buồn ngang tai, làm đau đớn lòng người Nghĩa Hưng. Ngày 15.3.1959, cha Phêrô Niêm đã được Chúa gọi về. Từ nay, cha con xa cách, nhà thờ thì bị hư hỏng nặng, giáo dân không có chỗ để tập trung đọc kinh cầu nguyện nữa.
Năm 1961, cha Đaminh Hoàng Nghĩa Châu phụ trách vùng Bắc Giang, trong đó có giáo họ Nghĩa Hưng (tên cũ của giáo họ Hoà An). Nhờ đó, các hộ thuộc họ Sàn, họ nhà xứ Mỹ Lộc đang sống bên kia sông (thuộc Lò Nồi) sáp nhập vào họ Nghĩa Hưng sinh hoạt với dân thuyền làng chài ở đó. Đến đây, Nghĩa Hưng vẫn chưa có nhà thờ nên các gia đình vẫn chủ yếu đọc kinh tại gia.
Tạ ơn Chúa, niềm vui ngập lòng, đoàn con phấn khởi vui mừng. Năm 1964, Chúa đã gửi đến với giáo họ một vài ân nhân. Nghĩa Hưng tuy bé nhỏ nhưng cũng cố gắng trùng tu lại Nhà Chúa. Thế nhưng, thi công dở dang thì bị ngăn cản bởi chính quyền không cho làm vì lý do: Đất nước đang bước vào chiến tranh chống Mỹ. Ngậm mùi, người con Nghĩa Hưng lại âm thầm cầu nguyện trong đau thương của đêm tối để chờ một ngày đức tin bừng sáng.
Năm 1973, cha Giuse Nguyễn Tiến Giản đã xin Đức cha Giáo phận thành lập họ Hòa An, quy tụ các tín hữu ở cả ba khu Lò Nồi, Con Cá và Nghĩa Hưng. Cũng từ đó, anh chị em giáo hữu tập trung tại tư gia để đọc kinh cho đến khi chuyển về nhà thờ hiện nay. Lâu lâu, giáo họ lại được các cha về dâng Lễ và ban Bí tích trong sự hân hoan của mọi người. Sau hòa bình lập lại, theo nghị quyết 228 của chính phủ, dân cư phải vào trong xóm sinh sống, nên khu Trại Canh không còn dân cư ở. Bởi thế, việc khôi phục nhà thờ trên nền móng cũ (khu Trại Canh) là không phù hợp. Năm 1990, giáo họ đã liên tục làm đơn xin chuyển nhà thờ về địa điểm mới để xây dựng lại. Đến ngày 18/12/1998, chính quyền đã đồng ý với ý kiến của giáo dân. Ngôi nhà thờ hiện tại của giáo họ được xây từ năm 1999.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, giáo họ được coi sóc bởi quý cha Dòng Don Boscô cùng sự hiện diện của cộng đoàn quý dì Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức. Hằng ngày, dân họ có Thánh Lễ lúc 19g30. Riêng ngày thứ Bảy và Chúa Nhật, có 2 Thánh Lễ vào ban sáng và ban chiều. Các đoàn hội ngày càng được thăng tiến về sinh hoạt mục vụ bác ái và đời sống thiêng liêng. Các em thiếu nhi đều đặn học giáo lý – kinh bản vào ban sáng Chúa Nhật hằng tuần. Đến nay, cảm nghiệm được ơn lành từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, giáo họ Hòa An luôn tiến bước trong đức tin, dấn thân vào xã hội phục vụ mọi người không phân biệt lương giáo.