Lược sử Giáo họ nhà xứ Hữu Bằng

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Họ nhà xứ Hữu Bằng.

Địa chỉ: Tam Hợp, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: 1907.

Bổn mạng: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (08/09).

Giáo dân: Tính đến năm 2021, họ nhà xứ Hữu Bằng có 2220 nhân danh.

Hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Mân côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Lòng Chúa thương xót.

Nhà thờ: Năm 1933, cha Giuse Hà Trọng Nhã dâng thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ Hữu Bằng. Nhà thờ hoàn thành vào ngày lễ kính sinh nhật Đức Maria 08/9/1939. Nhà thờ dài 41m, rộng 10m, cao 15m, tháp chuông cao 26m, tọa lạc trên khuôn viên nhà chung có diện tích 1500m2.

Các giáo họ trực thuộc: Ngọc Bảo, Bá Cầu, Chân Sơn, giáo điểm Kim Sơn, giáo điểm Gò Dẫu

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Theo lời truyền tụng, những người có đạo xuất hiện ở khu vực này từ giữa thế kỷ XVIII. Vào những năm 1754, chúa Trịnh Doanh ra sắc chỉ giết các đạo trưởng và đạo đồ kiên quyết không cải giáo. Khi đó, tại vùng Bùi Chu, Nam Định, có một số gia đình có đạo là con cháu của cụ Nguyễn Văn Thìn, cụ Lang Hiểu và cụ Nguyễn Văn Thiệu là họ hàng với nhau. Vì là đầu mục trong đạo, họ phải đem con cháu chạy lên miền rừng núi để sinh sống. Họ đi theo đường sông, đến khu rừng thuộc xã Bá Hiến và xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ. Tại đây họ đã định cư khai phá lập ấp, gọi là ấp Trại Giọi, gần làng Bá Hạ, tỉnh Thái Nguyên. Khi đó vùng này chưa có người theo đạo. Các cụ đã làm một nhà nguyện nhỏ bằng tre nứa để hợp nhau cầu nguyện. 3 gia đình gồm 15 hộ khoảng 50 nhân danh hợp thành một họ đạo gọi là Trại Giọi.

Sau khi nhà Tây Sơn kéo quân ra Bắc năm 1786 (Bính Ngọ), thái sư Bùi Đắc Tuyên ra hai sắc chỉ cấm đạo ngày 07/01/1795 và 24/01/1795. Cuộc tàn sát người Công Giáo năm 1798 là ghê gớm hơn cả. Quan quân chém giết, lùng bắt các đạo trưởng và đạo đồ. Các nhà thờ, tu viện, trường học Công Giáo đều bị tịch thu, cướp phá. Vì ở gần nhau, làng Bá Hạ biết người Trại Giọi theo đạo. Họ quấy nhiễu và hạch sách giáo dân. Các cụ phải bỏ Trại Giọi và đi nơi khác. Năm 1799 (Kỷ Mùi), gia đình cụ Long Hiểu, cụ phó Thiệu và cụ Bảo đem con cháu vào khu rừng gần bờ suối ẩn nấp, khai phá đất đai sinh sống. Họ gọi tên ấp là Bảo Sơn. Còn gia đình cụ Nguyễn Văn Thìn cùng con cháu chạy xuống khu rừng Gò Âu, xung quanh là đầm lầy, lập thành Trại Bằng. Năm 1802 (Nhâm Tuất), Gia Long thống nhất giang sơn, nhân dân được tự do theo đạo. Năm 1806 (Bính Dần), họ Trại Bằng đón thêm hai gia đình Công Giáo nữa đến từ làng Nủa, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây. Đó là các gia đình cụ Đaminh Nguyễn Văn Bảo và cụ Đaminh Nguyễn Văn Hảo. Hai gia đình này đóng góp thêm cho họ Trại Bằng 13 hộ. Tính chung lại, Gia Long ngũ niên, họ Trại Bằng có chừng 40 hộ, trên dưới 200 người.

Các triều đại sau vua Gia Long lại chứng kiến thời kỳ bách hại người Công Giáo. Ngày 30/3/1851, vua Tự Đức ra sắc chỉ gắt gao: quan quân ai bắt được đạo trưởng, dù Tây hay Việt, đều chặt làm hai liệng xuống sông cách bí mật. Những năm 1855 – 1856, cụ lang Đaminh Bảo, họ trại Bằng đi chữa bệnh tại vùng Đa Phúc (Bắc Ninh). Cụ gặp xác cha Sỹ bị chặt đầu nằm ở rìa sông Cầu. Cụ đã về bảo con cháu dùng một chiếc thuyền nan nhỏ đi lấy xác cha đem về chôn trong nhà thờ họ. Ngày nay hài cốt của cha Sỹ vẫn nằm trên gian cung thánh nhà thờ Hữu Bằng.

Sắc chỉ cấm đạo tháng 10/1859 ra lệnh bắt các đầu mục trong đạo. Các trùm trưởng, trùm phó, quản giáo đều bị bắt giam tại các tỉnh. Ấp Trại Bằng có 3 người bị giam tại Thái Nguyên. Một ông không chịu nổi đòn vọt, tra tấn đã quá khóa (bước qua Thánh Giá) và được tha về. Còn 2 vị nhờ có công chữa bệnh cho con quan nên chỉ bị giam tới hòa ước Nhâm Tuất (1862).  Khi 3 vị này bị bắt giam, quan quân đã bắt dân họ phải dỡ bỏ nhà thờ. Vì vậy, Trại Bằng không còn nơi hội họp cầu nguyện nữa. Hòa uớc Nhâm Tuất cho các người theo đạo được ở làng riêng, người Công Giáo được làm lý trưởng. Năm 1870 (Canh Ngọ), Trại Bằng làm lại nhà thờ. Theo các cụ kể lại, nhà thờ lần này làm bằng gỗ lim, có 6 hàng cột, mái lợp ngói mũi. Nhà thờ dài 21m, rộng 11m. Cha coi sóc giáo họ khi đó đóng xứ tại Yên Mỹ. Ngài hướng dẫn giáo dân nhận Đức Trinh Nữ Maria làm bổn mạng, lễ kính vào ngày 08/9.

Năm 1907, Đức Giám Mục Velasco Khâm, chủ chăn giáo phận Bắc Ninh, thiết lập giáo xứ Hữu Bằng. Họ Trại Bằng khi đó có trên 60 gia đình, trên dưới 300 nhân danh được đặt làm họ nhà xứ có tên là Hữu Bằng. Khi đó xứ Hữu Bằng có 3 họ là Hữu Bằng, Ngọc Bảo và Bảo Sơn, trên dưới 1000 nhân danh. Đức cha đặt cha Giuse Nguyễn Văn Tuynh làm cha xứ tiên khởi, coi sóc giáo dân.

Năm 1919 (Kỷ Mùi), cha Giuse Hà Trọng Nhã về coi sóc Hữu Bằng. Ngài động viên gia tăng sản xuất, mở  trường học, mời thầy giáo dạy Quốc ngữ cho con em trong làng.

Đêm mồng 2 tháng 10 năm 1949 (Kỷ Sửu), quân đội Pháp bao vây khu vực Hữu Bằng, lập bốt Gò Âu. Giáo họ trở thành vùng tạm chiếm. Ngày 23/12/1950, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn đến kinh lý mục vụ giáo xứ. Ngài dâng Thánh Lễ, ban phép Thêm sức và đi thăm các hộ giáo dân. Đêm 24/12 ngài dâng lễ trọng thể mừng Chúa Giáng Sinh tại đây. Thánh Lễ kết thúc lúc 23h, mọi người ra về trong bình an. Vào lúc 24h, quân đội Việt Minh đến phá đốt bốt Gò Âu. Lúc 2h sáng, khi họ rút đi, 4 người thiệt mạng, 3 người bị thương, 7 người bị bắt. 7h sáng hôm sau, Đức cha và phái đoàn rời khỏi Hữu Bằng, về địa phận trong bình an.

Mùa thu năm 1953 (Quý Tỵ), quân đội Pháp bắt cả làng Hữu Bằng phải tản cư. Dân làng dỡ cả nhà cửa chạy về Bá Cầu, Ngọc Bảo, Nội Phật, bỏ lại nhà thờ và nhà xứ. Xe tăng quân đội Pháp dày xéo, làng Hữu Bằng tan hoang. Năm 1953, người Pháp rút khỏi làng này. Đến năm 1954, quân đội Pháp bắn đại bác, tường nhà thờ bị vỡ một phần.

Năm 1954, hiệp định Giơnevơ chia đôi đất nước. Người ra Bắc, kẻ vào Nam. Dân làng Hữu Bằng một số vượt qua vĩ tuyến 17, một số lại hồi hương sau những năm tháng sơ tán. Số người ở lại đồng cam cộng khổ xây dựng lại giáo họ. Trong thời gian này, thầy Đaminh Phạm Văn Long cũng về sống với dân làng. Mọi người chung sức góp của xây dựng lại ngôi thánh đường bị bom đạn tàn phá. Hằng ngày tiếng chuông nhà thờ vẫn rung lên hai buổi đều đặn kêu gọi con cái Chúa đến sum họp nhà Người.

Năm 1956 (Bính Thân), Đức cha Phêrô Khuất Văn Tạo, giám quản giáo phận Bắc Ninh đến dâng Thánh Lễ và ban phép Thêm sức cho các em trong giáo xứ. Ngài dạy dỗ an ủi động viện giáo dân: “Chúng con cứ kiên trì cầu nguyện vững vàng tin cậy nơi Chúa”.

Từ 1954 – 2006 là 52 năm Hữu Bằng sống trong cảnh vắng bóng mục tử. Thế nhưng thỉnh thoảng vẫn có các cha qua lại ban các Bí tích. Có giai đoạn khó khăn, Giáo phận chỉ có 1 linh mục rưỡi, nhiều giáo dân phải đi bộ xuống Tòa Giám mục Bắc Ninh để dự lễ và xưng tội. Giáo dân Hữu Bằng cũng không ngoại lệ.

Năm 1981 (Tân Dậu) là một năm đặc biệt với người Hữu Bằng. Sau nhiều lần đệ đơn xin phép, chính quyền đã đồng ý cho cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến (sau này là Giám mục Bắc Ninh) khi đó là quản hạt Vĩnh Phúc lên Hữu Bằng để dâng lễ và ban các Bí tích cho giáo dân toàn hạt. Từ ngày 20 – 30/12/1981, ngày nào cũng có hàng ngàn giáo dân đến xưng tội, dự lễ. Cha quản hạt dùng phép rộng của Tòa Thánh giải tội chung cho giáo dân. Nhiều bệnh nhân phải nhờ người nhà võng cáng xuống đây để lãnh nhận các bí tích sau hết.

Năm 2007 được ghi vào sử sách làng Hữu Bằng với sự kiện cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng về làm cha xứ. Ngày 10/01/2007, toàn thể giáo xứ vui mừng đón cha xứ về trực tiếp ở với mình. 52 năm vắng bóng mục tử nay đã kết thúc. Cũng trong năm này, cha đã đón Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Giám quản Giáo phận Bắc Ninh về kỷ niệm 200 năm thành lập họ đạo, 100 năm thành lập giáo xứ Hữu Bằng. Một Thánh Lễ lớn chưa từng có ở nơi đây. Có 6 tới 7 ngàn người từ khắp nơi về dự lễ trong nghiêm trang và sốt sắng. Ngày 08/9/2007, giáo dân Hữu Bằng từ khắp mọi miền trên đất nước và hải ngoại quy tụ về quê hương để tạ ơn Thiên Chúa và tri ân tổ tiên. Nhờ hồng ân Thiên Chúa và công lao của tiên tổ, giáo xứ Hữu Bằng vẫn đứng vững trong đức tin và phát triển cho tới tận ngày hôm nay.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, họ nhà xứ Hữu Bằng có nhiều hội đoàn đang hoạt động rất tích cực như: Hội Mân côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Lòng Chúa thương xót, ca đoàn, hội trống trắc, hội kèn. Ước mong với bề dày lịch sử và truyền thống đức tin lâu đời, giáo họ nhà xứ Hữu Bằng sẽ ngày càng thăng tiến trên con đường đức tin, góp phần xây dựng cánh đồng Giáo phận và Giáo Hội ngày một lớn mạnh hơn.

BTT Giáo Phận