Lược sử Giáo họ nhà xứ Nam Viên

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Nam Viên, Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh.

Năm thành lập: 1917.

Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, Caritas – Ban bác ái xã hội, nhóm cầu nguyện, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Giáo dân: Giáo họ có 989 nhân danh. Giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông nghiệp. Một số người trẻ làm việc trong các khu công nghiệp và ở nước ngoài. Đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây tương đối khá giả.

Nhà thờ: Nhà thờ Nam Viên được xây dựng năm 1994 và được cung hiến ngày 13/12/2008. Nhà thờ được trùng tu 2 lần (năm 2006 và 2014). Hiện nay, nhà thờ có diện tích 360m2, dài 30m, rộng 12m. Mái vòm bên trong nhà thờ được thiết kế cao, bằng chất liệu tôn hợp kim. Gian cung thánh được nâng cao, với bậc tam cấp, tạo nên vẻ uy nghi thánh thiện. Nhà thờ có một tháp chuông cao 33m và ngay giữa tháp đặt một bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm bằng đá nguyên khối, hai bên đặt hai tượng thiên thần.

Các giáo họ trực thuộc: Hộ Vệ, Văn Trung, Quảng Lãm

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Họ nhà xứ Nam Viên cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 10km về hướng Nam. Giáo họ thuộc địa bàn hành chính thôn Nam Viên, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Họ nhà xứ Nam Viên được hình thành năm 1917. Khi ấy, giáo họ chỉ có 25 gia đình với gần 100 nhân danh. Năm 1917, cụ Đỗ Đình Thuật, tự là cụ Đỗ Thống, cho con trai mình là ông Vũ Đình Tiến quản lý vùng đất Nội Viên (Nam Viên ngày nay). Ông Tiến cần thêm nhân lực nên đã bảo ông Vũ Đình Tuần về quê hương tìm thêm người cộng tác. Ông Tuần là người ở họ Cầu Chanh, giáo xứ Cổ Ra, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, làm quản ấp cho cụ Đỗ Thống. Với lời kêu gọi của ông Tuần, đến năm 1920, Nội Viên đã có tất cả 30 gia đình Công Giáo từ Nam Định lên để lập ấp.

Trong thời gian đầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà con giáo dân vẫn ý thức việc gìn giữ và thực hành đức tin. Trong suốt 17 năm (từ năm 1917 – 1934), giáo dân nơi đây đã quy tụ đọc kinh, cầu nguyện trong các gia đình. Trong thời gian này, số giáo dân ít nhưng đời sống đức tin của bà con vẫn được duy trì và phát triển không ngừng. Ngoài việc đọc kinh hằng ngày, bà con giáo dân còn lập đoàn dâng hoa kính Đức Mẹ. Các hội trống, thanh la, não bạt, tiêu cổ và đội bát âm tham gia phục vụ các ngày lễ rất nhiệt tình. Nhờ đó, các dịp lễ của giáo họ trở nên long trọng và sốt sắng.

Đến năm 1934, ngôi nhà nguyện đầu tiên của giáo họ đã được xây dựng để làm nơi đọc kinh, cầu nguyện. Tuy nhiên, năm 1949, trong chiến dịch “tiêu thổ kháng chiến”, nhà nguyện này bị tháo dỡ. Bà con giáo dân phải mượn nhà kho của cụ Tiến để làm nơi đọc kinh, cầu nguyện. Năm 1955, giáo họ Nam Viên chính thức thuộc về giáo xứ Chính Tòa Bắc Ninh. Năm 1960, cha Đaminh Đinh Huy Quảng đã cho xây dựng lại ngôi nhà nguyện mới để giáo dân có nơi tham dự Thánh lễ và đọc kinh mỗi ngày. Số giáo dân Nam Viên ngày một tăng thêm, trong khi nhà nguyện xuống cấp trầm trọng và diện tích nhỏ hẹp. Trước tình cảnh đó, năm 1994, cha Giuse Trần Đăng Can cùng dân họ đã khởi công xây dựng nhà thờ mới. Do kinh phí hạn hẹp, ngôi nhà thờ mới chưa được hoàn thiện (chưa có gian cung thánh).

Năm 2006, các cha quản nhiệm cùng dân họ tiếp tục xây dựng hoàn thiện gian cung thánh nhà thờ. Sau khi nhà thờ hoàn thiện, ngày 13/12/2008, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt SJ, Giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã cung hiến nhà thờ giáo họ Nam Viên với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 2014, cùng với cha Đaminh Bùi Văn Sáu và cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng, dân họ Nam Viên đã chung sức trùng tu lại ngôi thánh đường khang trang hơn, để có đủ chỗ cho giáo dân tham dự Thánh lễ.

Năm 2017, Nam Viên kỷ niệm 100 năm được đón nhận Tin Mừng. Sau 100 năm tồn tại và phát triển, giáo họ Nam Viên đã để lại một lịch sử hào hùng và một truyền thống đức tin vững mạnh. Nam Viên được xem là “khu vườn phía Nam” của Toà Giám mục Bắc Ninh, một nơi linh thiêng và giàu tiềm năng phát triển đời sống đức tin, một mảnh đất màu mỡ để hạt giống Tin Mừng nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái. Thật vậy, hạt giống Tin Mừng được gieo ở Nam Viên đã trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Đến nay, giáo họ Nam Viên có nhiều nữ tu đang phục vụ trong và ngoài giáo phận. Đặc biệt, giáo họ đã có 2 người con được lãnh nhận thánh chức linh mục. Năm 2018, thầy phó tế Stêphanô Nguyễn Văn Bảy, thuộc dòng Xitô Khổ Tu (O.C.S.O), được thụ phong linh mục tại Hoa Kỳ. Mới đây, ngày 02/6/2022, thầy phó tế Đaminh Hoàng Văn Quỳnh, thuộc dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô – Scalabrini (C.S), được thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, họ nhà xứ Nam Viên có 962 nhân danh. Hằng tuần, nhà xứ được cha quản nhiệm về dâng Thánh lễ (tối thứ Tư, thứ Bảy và Chúa Nhật). Mới đây, cha Tôma Aquiô Nguyễn Văn Miên về ở trực tiếp và mục vụ tại nhà xứ. Nhờ đó, họ nhà xứ có Thánh lễ thường xuyên hơn. Ngoài ra, với lòng đạo đức sốt sắng, bà con giáo dân duy trì đọc kinh, cầu nguyện hằng ngày. Tiếng chuông nhà thờ vẫn đều đặn vang lên vào mỗi 4 giờ sáng, 12 giờ trưa và 7 giờ tối, nhắc nhở bà con đến nhà thờ. Các tối thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu đầu tháng, giáo dân nơi đây dành giờ để cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa. Giáo họ cũng có các hội đoàn đang hoạt động tích cực như: hội Mân Côi, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Lòng Chúa thương xót, nhóm cầu nguyện và phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Các hội đoàn sinh hoạt đều đặn, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Một nét son trong sinh hoạt của giáo họ mà không dễ tìm thấy ở những nơi khác là việc xin khấn. Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, khi nghe “hồi trống xin khấn” là bà con cùng nhau tiến về nhà thờ đọc kinh, hiệp thông cầu nguyện cho người muốn xin cầu nguyện.

Nam Viên là một giáo họ giàu tiềm năng phát triển về đức tin. Với truyền thống đạo đức lâu đời, Nam Viên trở thành nơi thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt giáo xứ và mở các khóa cầu nguyện, chia sẻ Tin Mừng nhằm đào luyện chiều sâu đức tin, cũng như dấn thân trong đời sống dâng hiến và tông đồ.

BTT Giáo Phận