Lược sử Giáo họ nhà xứ Ngọc Lâm

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: Khoảng năm 1920.

Bổn mạng: Phanxicô Xaviê (3/12).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân côi, hội Lòng Chúa thương xót, hội Trưởng gia đình, ca đoàn, phong trào thiếu nhi Thánh Thể, hội trống, đoàn kim nhạc.

Giáo dân: Giáo họ nhà xứ Ngọc Lâm hiện có hơn 1085 nhân danh (số liệu năm 2023), trong đó có khoảng 98% số hộ gia đình sống tập trung với nhau. Dân cư nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Công việc nghề nông khá thuận lợi vì có dòng sông Cầu chảy qua cung cấp nguồn nước cho việc tưới tiêu. Một số hộ gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Nhìn chung đời sống kinh tế của bà con giáo dân ở mức trung bình.

Nhà thờ: Nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm được xây dựng vào năm 2011 và hoàn thiện 21/10/2020. Nhà thờ rộng 12m, dài 36m, đỉnh mái cao 14m, có hai tháp chuông cao 35m, hiện có 2 quả chuông: một quả nặng hơn 100kg, một quả nặng hơn 200kg. Tổng diện tích toàn bộ khuôn viên nhà thờ rộng hơn 2000m2.

Các giáo họ trực thuộc: Huống Trung, Nam Sơn, Ấp Thái, Núi Hột

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Theo lời kể lại của một số cụ cao niên cho biết, vào khoảng năm 1908, nơi đây đã bắt đầu đón nhận những hạt giống Tin Mừng đầu tiên. Giáo họ Huống Trung được thành lập do những người giáo dân từ Thái Bình, Nam Định di cư lên sinh sống trên mảnh đất này. Sau khi đã tìm được tấc đất cắm dùi, cụ trùm Lục đem gia đình cùng một số người cùng làng, giữ vững đức tin, ngược dòng sông Cầu lên định cư trên mảnh đất làng Mai Thôn (giáo họ Huống Trung ngày nay). Theo sau cụ Trùm, là hai gia đình ông Gioan Tạ Văn Đức và Augustinô Tạ Văn Tám xuống thuyền chạy ngược dòng nước từ Thái Bình lên Thái Nguyên để lập nghiệm trong tình trạng bất đắc dĩ. Tuy các tín hữu có những nỗi niềm thương nhớ cố hương, xa nhà vì đạo, nhưng có lẽ đó là cách Thiên Chúa nhiệm mầu thể hiện Thánh ý của Ngài cho nhân loại để trao ban niềm vui Tin Mừng cho con người và cho mảnh đất nơi đây.

Khi xin giấy phép cư ngụ và khai khẩn làng Mái Thôn, cụ Thủ Chiêu đã qui tụ mọi người đến để đọc kinh liên gia. Tiếng nguyện, lời kinh, từ ấy đã âm thầm vang lên trên mảnh đất núi rừng Bắc Việt. Các cụ cùng một số gia đình khác ở Núi Bụt, lập thành giáo họ, lập ngôi nhà nguyện tranh, tre, nứa, lá ở thị xã Huống Trung, tổng Huống Thượng. Gần 20 năm hội họp, cầu nguyện chung tại nhà nguyện Núi Bụt, làng Mái Thôn đã xin tách họ, lập một nhà nguyện bằng cột gỗ, tranh tre gần nhà thờ Núi Bụt. Trên cửa chính nhà thờ cũ ấy có ghi niên hiệu là năm 1919.

Từ khi có nhà nguyện, các cha xứ Thái Nguyên vẫn thường qua đò để sang dâng Thánh lễ và trao ban các bí tích của Thiên Chúa cho các tín hữu ở bên sông. Khi đó, làng Mái Thôn vẫn còn nhiều cây to, đa phần là cây gạo tía, những cây gạo ấy có rất nhiều cây tầm gửi sống ký sinh, đó là một loại thuốc quý. Nhiều lương y đến đây lấy về để chữa bệnh cứu người. Chính vì thế, mọi người gọi nơi đây là Rừng Ngọc. Giáo xứ cũng mang tên là Ngọc Lâm từ đây và trực thuộc giáo xứ Thái Nguyên.

Dần dần số tín hữu ngày càng thêm đông, ngôi nhà nguyện mái tranh không còn đủ sức chứa nữa, cộng đoàn đã bàn họp xây dựng ngôi nhà thờ lớn hơn để lưu giữ Chúa Giêsu Thánh Thể hàng ngày. Để xây dựng ngôi nhà thờ mới, cần rất nhiều vật liệu gạch, vôi và cát. Vì thế, mọi người đã bắt đầu nung gạch và kiếm tìm các cây gỗ to trong rừng, cát thì lấy dưới sông, chỉ có vôi thì mua từ các thuyền dưới xuôi lên. Đặc biệt, giáo họ đã mời cha xứ Maximiliano Trọng cắm hướng để xây nhà thờ.

Sau nhiều năm xây dựng, năm 1939, nhà thờ đã hoàn thành trên khu đất hiện nay. Ngôi nhà thờ in bóng xuống dòng sông Cầu lững lờ, lấp lánh mang trong mình Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh. Thế nhưng, đến thời kháng chiến, Ngọc Lâm cũng như bao nhà thờ khác buộc phải tháo dỡ, giáo họ trở về với con số không: không nhà thờ, không chủ chăn. Nhưng trong cái rủi có cái may, ngôi nhà chung cấp bốn nay đã trở thành ngôi nhà nguyện để bà con cầu nguyện, từ đó, đức tin ngày càng trở nên sống động trong tim các tín hữu Ngọc Lâm. Năm 1985, giáo họ nhất trí xây dựng ngôi nhà thờ khác trên nền móng cũ. Tuy lúc đó kinh tế vô cùng khó khăn, nhưng sau 4 năm nhà thờ cũng hoàn thành. Nơi đó, mọi người tìm đến để suy tôn Lời Chúa và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Được sự quan tâm đặc biệt của cha xứ Phanxicô Nguyễn Đức Đại, giáo họ đã đồng tâm xây dựng ngôi thánh đường mới để xứng đáng hơn cho việc phụng thờ Thiên Chúa. Ngày 6/11/2011, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ Ngọc Lâm. Với lời cầu nguyện và sự đóng góp nhiệt tình của các tín hữu, chỉ sau gần 2 năm, tường nhà thờ đã bằng khẩu, cao to, vững chắc, sẵn sàng đổ mái. Mọi sự đang êm xuôi, bằng an thì ngày 17/2/2013 đã xảy ra tai nạn sập một phần mái nhà thờ đang trong khi thi công. Một biến cố đau thương cho người dân Ngọc Lâm.  Sự hy sinh của anh chị em như những hạt giống chịu gieo vào lòng đất và sẽ trổ sinh những hoa trái tốt tươi. Sau 9 năm xây dựng với nhiều trắc trở, ngày 21/10/2020, Đức cha Giáo phận – Cosma Hoàng Văn Đạt đã đến dâng Thánh lễ cung hiến thánh đường giáo xứ Ngọc Lâm trong niềm tri ân, cảm tạ các bậc tiền nhân của giáo xứ.

  1. Đời sống đức tin

Hằng tuần, giáo họ có hai Thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và thứ Năm. Khi không có Thánh lễ thì cộng đoàn vẫn quy tụ tại nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện vào các buổi sáng, trưa và tối mỗi ngày. Các hội đoàn vẫn sinh hoạt thường xuyên theo lịch hàng tháng.

Cộng đoàn nơi đây quy tụ gần như toàn tòng nên việc duy trì đời sống đức tin khá thuận lợi. Hầu hết mọi người đều có tinh thần hiệp nhất và cộng tác với cha xứ cũng như ban hành giáo rất nhiệt tình trong mọi công việc. Ngoài việc chăm sóc ngôi nhà thờ vật chất, hy vọng mỗi giáo hữu Ngọc Lâm cũng biết lo lắng, chăm sóc cho đền thờ thiêng liêng, là tâm hồn của mỗi người, hầu tình Chúa, tình người nơi đây lan tỏa đến anh chị em xung quanh.

BTT Giáo Phận