Lược sử Giáo họ nhà xứ Nguyệt Đức
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Năm thành lập: 2009.
Bổn mạng: Thánh Phêrô (29/6).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Caritas – Bác ái xã hội, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.
Giáo dân: Giáo họ có 1304 nhân, trong đó, khoảng 50 gia đình có nhà trên đất liền, còn lại các gia đình vẫn sống lênh đênh trên thuyền. Giáo dân Nguyệt Đức chủ yếu sống bằng nghề đánh cá và vận tải đường thủy. Nhìn chung, đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây còn khó khăn và bấp bênh.
Nhà thờ: Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1926 và được hoàn thiện năm 1931. Sau nhiều lần trùng tu (năm 1972 và 2006), nhà thờ có diện mạo khang trang như hiện nay. Nhà thờ rộng 7m, dài 20m, mái cao 5,7m, tháp chuông cao 23,5m với 1 quả chuông bằng đồng nặng chừng 70kg. Tổng diện tích đất nhà thờ rộng 1058m2.
Các giáo họ trực thuộc: Hữu Chấp, Đông Tảo
- Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Nguyệt Đức nằm bên hữu ngạn sông Cầu thơ mộng, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 8km về hướng Tây. Đa phần bà con giáo dân nơi đây ở trên thuyền và cư trú theo địa chỉ thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Theo lịch sử để lại, khoảng năm 1861, vua Tự Đức ra sắc dụ phân sáp người Công Giáo vào các làng lương dân. Một số gia đình Công Giáo từ Trà Lũ, Nội Hoàng (thuộc tỉnh Nam Định) di cư tới Cống Trúc, tỉnh Hà Bắc (bao gồm tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay) để lập nghiệp. Họ sinh sống bằng nghề chở đò ngang và đánh bắt cá. Các gia đình quy tụ nhau lại, cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện và xây dựng ngôi nhà nguyện tại bến Gầm Hạ (thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Từ đó, họ đạo Nguyệt Đức dần được hình thành. Sau một thời gian, ngôi nhà nguyện của giáo họ bị sập nên các cụ quyết định mua ngôi nhà tranh ở làng Thổ Hà, giáp với làng Vân để làm nhà nguyện. Tuy nhiên, một thời gian ngắn, nhà nguyện này bị đổ. Trước tình hình đó, dân họ gom góp tiền mua một ngôi nhà ngói, 4 gian gỗ lim tại ngõ gốc Thị, Thổ Hà để làm nhà nguyện. Vào thời gian đó, cha già Phêrô Nguyễn Minh Tuấn về dâng lễ bổn mạng cho giáo họ. Cha Tuấn thấy nhà nguyện và đất quá chật hẹp, nên ngài đã bàn với dân họ mua mảnh đất rộng hơn để xây dựng nhà thờ mới. Sau một thời gian tìm kiếm, cha và dân họ đã quyết định mua 3 cái ao tại thôn Yên Ninh, Vạn Phúc, Vạn An, Bắc Ninh (mảnh đất có nhà thờ hiện nay). Nhờ ơn Chúa và sự cố gắng của dân họ, nhà thờ mới được khởi công xây dựng năm 1926 và được hoàn thiện năm 1931. Tuy nhiên, đến năm 1946, theo chính sách “tiêu thổ kháng chiến”, nhà thờ bị dỡ bỏ phần mái. Vì vậy, các sinh hoạt đức tin của giáo họ gặp nhiều khó khăn.
Năm 1954, phần lớn (khoảng 80%) giáo dân trong giáo họ di cư vào miền Nam lập nghiệp ở nhiều nơi như: Thọ Lâm, Định Quán, La Ngà (thuộc giáo phận Xuân Lộc) và Gò Công (quanh khu vực nhà thờ Thánh Cẩm, thuộc giáo phận Sài Gòn). Một số ít giáo dân kiên trì ở lại quê hương, duy trì đời sống đức tin.
Năm 1955, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn về dâng lễ bổn mạng và ban các Bí tích cho dân họ. Đức cha quyết định chuyển Nguyệt Đức về trực thuộc giáo xứ Chính Tòa (trước đây Nguyệt Đức thuộc giáo xứ Đạo Ngạn). Năm 1972, dân họ cùng nhau trùng tu nhà thờ. Đến năm 2006, nhân dịp mừng nhà thờ 75 năm tuổi, giáo dân tiếp tục trùng tu nhà thờ, lợp lại mái ngói và sửa lại tháp chuông như hiện nay.
Năm 2007, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt về dâng lễ bổn mạng cho giáo họ. Sau đó, năm 2009, ngài quyết định nâng Nguyệt Đức lên hàng giáo xứ và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đức Hiểủ làm quản nhiệm. Kế đến, từ năm 2011 – 2017, giáo họ Nguyệt Đức được cha Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận quản nhiệm. Sau đó, cha Đaminh Nguyễn Xuân Trường quản nhiệm giáo họ Nguyệt Đức từ năm 2018 đến nay. Nhờ sự coi sóc của quý cha quản nhiệm, đời sống đức tin của giáo họ Nguyệt Đức ngày càng vững mạnh.
- Đời sống đức tin
Hiện nay, giáo họ có 1304 nhân danh. Khoảng 50 gia đình trong giáo họ định cư trên bờ. Vì giáo dân chủ yếu sinh sống trên sông nước, con thuyền vừa là nhà, vừa là phương tiện sinh sống nên việc đọc kinh, cầu nguyện chủ yếu được thực hiện trong các gia đình. Mỗi con thuyền trở thành một ngôi nhà nguyện di động. Những năm gần đây, đời sống kinh tế của bà con giáo dân gặp nhiều khó khăn. Một số không nhỏ phải đi đến những nơi xa không thuộc lưu vực sông Cầu để làm ăn. Nghề chủ yếu vẫn là khai thác cát. Những chuyến đi xa theo công trình khiến cho nhiều gia đình ít có dịp ở quê hương nên đời sống đạo phần nào bị khô khan, nhất là việc tham dự Thánh lễ, học giáo lý và lãnh nhận các bí tích.
Để đời sống đức tin nơi đây không dần mai một, việc tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ được đi học văn hóa và học giáo lý, để các em can đảm chọn lựa một lối sống lành mạnh, phù hợp hơn với lối sống Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã thực hành và loan báo là vôcungf cấp thiết. Hy vọng, giáo họ Nguyệt Đức sẽ ngày một thăng tiến và phát triển toàn diện về đời sống đức tin nhờ sự chuyển cầu của thánh Phêrô và sự quan phòng của Thiên Chúa.
BTT Giáo Phận