Lược sử Giáo họ nhà xứ Tân An
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Tân An, xã An Thượng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập: 1922.
Bổn mạng: Thánh Anna (26/7).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, đoàn kim nhạc, huynh đoàn giáo dân Đaminh.
Giáo dân: Hiện nay, giáo họ có 1043 nhân danh (số liệu năm 2023) tập trung chủ yếu ở 3 thôn của xã An Thượng đó là thôn Tân An, An Thành và An Châu. Bà con giáo dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi. Một số ít thì làm nghề kinh doanh và làm công nhân trong các công ty may và điện tử, một số khác làm nghề xây dựng và lao động tự do. Đời sống kinh tế của người giáo dân nơi đây ở mức trung bình.
Nhà thờ: Nhà thờ Tân An với kiến trúc Gôthic được khởi công xây dựng vào năm 2005, công trình nhà thờ có kích thước: dài 36m, rộng 13.5m, tháp cao 37m và có một quả chuông nặng 190kg. Trải qua gần 4 năm xây dựng, ngôi nhà thờ đã được Đức cha Giáo phận thánh hiến năm 2009.
Các giáo họ trực thuộc:Xuân Lương, Hồng Lĩnh
- Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ nhà xứ Tân An nằm trên địa bàn của thôn Tân An, xã An Thượng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh khoảng 40km về phía Đông Bắc.
Theo sổ sách ghi chép lại (Sách về Giáo phận Bắc Ninh, t.g. Đinh Đồng Cương, xuất bản 1993), ở gần huyện lỵ Nhã Nam, vùng đất của “hùm thiêng Yên Thế”, Tân An trước kia là họ lẻ của xứ Bỉ. Thời cha già Hạnh coi xứ Bỉ, người Công Giáo từ nhiều đời đến khai hoang đã được gom lại và lập thành một họ. Kỳ ông Đề Thám chống Pháp, ở Nhã Nam có đồn lính Tây và lính khố đỏ. Trong trại lính, có một số người Công Giáo đến tham dự các nghi lễ Công Giáo tại giáo họ Tân An. Họ đạo lớn dần lên.
Ông Đề Thám thường ở họ Trũng thuộc xứ Bỉ Nội. Một tùy tướng của Đề Thám là Thống Luận cũng thường đi về Bỉ Nội. Cha Hạnh quen ông Đề Thám vào thời kỳ này. Nhà thờ đầu tiên không rõ làm vào năm nào, chỉ biết cha già Chất xây cuối nhà thờ. Thầy Khanh đã ở Tân An một thời gian. Xứ Tân An thành lập năm 1922. Người dân chủ yếu vùng Nam Định, Thái Bình di cư lên sinh sống.
Đầu tiên có cha Uân lên coi xứ. Nhà thờ được ông Đề Thám cho một số gỗ để làm cột, kèo và do quân ông Thám vận chuyển đến tận nơi cho. Cha Hạnh đã giấu ông Đề Thám sau bàn thờ thánh Giuse khi lính Tây đến bố ráp. Nhà thờ cũ bị tiêu thổ kháng chiến năm 1948. Nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1952. Các cha đã coi xứ Tân An gồm: Cha Uẩn, cha Khoan, cha Niêm, cha Châu (1956-1959). Theo thống kê của Giáo phận vào năm 1937 dưới thời Đức cha Chỉnh (OP) giáo xứ Tân An có 687 nhân danh gồm: Cha xứ Đaminh Uẩn, 1 thầy giảng, 3 trường học, 29 học sinh.
Cha Uẩn ở Tân An rồi về trại Giẻ (Nghĩa Mỹ). Sau đó cha về nhà hưu dưỡng các linh mục Bắc Ninh thiết lập tại họ Lạc Sơn (Núi Tam Tầng, Đạo Ngạn). Cha Khoan cũng về nhà hưu dưỡng. Cha Kim qua đời và được chôn cất trong nhà thờ Tân An (1930). Cha Niệm bị đấu tố và bị đuổi đi khỏi xứ. Cha đến ở Mỹ Lộc rồi sau về Bắc Giang. Lúc ấy, ruộng nhà chung quản lý 27 mẫu gồm: Ruộng Đức Bà, ruộng nhà chung, nhà Dục Anh và phường Kèn. Cha Uẩn xây trường học, ông giáo Hoàng (Bùi) dạy học. Thời kỳ này đã có nhà Dục Anh, nhà Mụ.
Năm 1954, giáo xứ đã có rất nhiều người di cư vào Nam và trong thời buổi khó khăn này, có khá nhiều người chối bỏ đạo. Hầu hết những người bỏ đạo lúc bấy giờ cũng như ngày nay là những người lấy vợ hoặc chồng ngoại giáo. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhờ ơn Chúa và sự coi sóc tận tình của quý cha, giáo xứ Tân An đang dần phục hồi và phát triển. Năm 2005, cha quản nhiệm Đaminh Nguyễn Xuân Hùng đã hô hào quý ân nhân cùng bà con trong dân họ đóng góp và khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới cho giáo xứ. Sau bốn năm xây dựng, năm 2009, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã đến dâng Thánh Lễ Tạ ơn và cắt băng khánh thành ngôi nhà thờ mới. Từ đây, giáo xứ như bước sang trang lịch sử mới, các tín hữu đã có nơi cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Nhờ đó, đời sống đức tin của dân họ mỗi ngày được thăng tiến.
- 3. Đời sống đức tin
Hiện nay, đời sống đức tin được tiến triển rõ rệt vì đã có cha xứ đồng hành trực tiếp. Từ khi có cha xứ trực tiếp coi sóc, các hội đoàn, đặc biệt là phong trào Thiếu nhi Thánh Thể trong giáo xứ được quan tâm nhiều hơn. Hằng tuần, họ nhà xứ có Thánh Lễ vào tất cả các ngày. Đặc biệt, cha xứ dâng Thánh Lễ Chúa Nhật cho Thiếu nhi vào sáng ngày Chúa Nhật và cho bà con giáo dân vào ban tối. Các hội đoàn trong họ nhà xứ sinh hoạt khá đều đặn và đầy đủ. Cứ mỗi cuối tuần, các em thiếu nhi Thánh Thể trong toàn xứ lại quy tụ về giáo họ nhà xứ để tham dự Thánh Lễ và học hỏi giáo lý. Nhờ đó, đời sống đức tin được tiếp tục được củng cố và thăng tiến. Tuy nhiên, đời sống đạo nơi đây không tránh khỏi những khó khăn cùng nhiều thách đố. Một số gia đình Công Giáo vẫn chưa dám tuyên xưng đức tin của mình. Hơn nữa, bà con giáo dân cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi nếp sống của người lương dân. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi giáo xứ được nảy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái, đồng thời các tín hữu trở nên những chứng nhân của Đức Kitô cho những người lương dân đang sinh sống nơi vùng đất này.
BTT Giáo Phận