Lược sử Giáo họ nhà xứ Thiết Nham
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Thiết Nham, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập: Khoảng năm 1832.
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10).
Giáo dân: Họ nhà xứ Thiết Nham có 1290 nhân danh, chiếm tỉ lệ 8% dân cư địa bàn xã Minh Đức (năm 2023). Giáo dân Thiết Nham chủ yếu sống tập trung trong thôn công giáo toàn tòng Thiết Nham. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, buôn bán nhỏ và làm công nhân tại khu công nghiệp. Đời sống kinh tế giáo dân thuộc loại trung bình
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, hội hoa, ban Caritas, Legio, Cusilô, Thiếu Nhi Thánh Thể, 02 ca đoàn, đoàn kim nhạc.
Nhà thờ: Nhà Thờ Thiết Nham được hoàn thiện năm 1930 với kích thước: dài 54m, rộng 20m, mái cao 12m, tháp chuông cao 28m treo hai quả chuông được đúc từ Pháp trong thời gian xây dựng nhà thờ, mỗi quả chuông nặng 100kg. Tổng diện tích đất nhà thờ 34192m2.
Các giáo họ trực thuộc: Bãi Bằng, Như Thiết, giáo điểm Bích Sơn
- Lịch sử hình thành và phát triển
Trong bức thư của cha Juan Desanta Cruz Thập, đề ngày 7 tháng 7 năm 1676, gửi cha bề trên dòng Đaminh Manilla, có tường trình việc cha coi xứ Đông (Giáo Phận Đàng Ngoài). Cha đã đi đến các vùng xa xôi, có hùm beo sống, nơi rừng rậm. Vùng xa này là được coi là vùng Thiết Nham ngày nay, vì đây là vùng đất xa nhất xứ Đông thời bấy giờ. Như vậy, giáo xứ Thiết Nham đón nhận Tin Mừng do các cha dòng Đaminh Manilla truyền bá, cụ thể là cha Juan Desanta Cruz Thập khoảng năm 1676.
Năm 1832, cha thánh Fernadez Hiền đến ở trực tiếp và chính thức lập xứ Thiết Nham. Giáo xứ luôn được các cha coi sóc trực tiếp hay quản nhiệm cho đến ngày nay. Đặc biệt, Thiết Nham được cha thánh Giuse Đặng Đình Viên mục vụ (1821-1838), cha thánh Almato Bình chính xứ (1856-1861). Cả hai cha lãnh phúc tử đạo, được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1988 cùng với 115 vị chứng nhân đức tin khác tại quảng thánh Phêrô.
Theo lời kể của các cụ cao niên, thuở ban đầu, nơi đây có hai làng liền kề là: làng Đìa và làng Non. Hai làng này có xung khắc và thường xuyên xảy ra bất hoà. Nhằm giúp hai làng hoà hợp, cha xứ Ferhadez Hiền đã khởi công đặt móng nhà thờ giữa một cái ao phân ranh giới hai thôn để liên kết hai thôn thành một. Dân hai thôn phải đánh đá ong từ ngoài đê về làm móng. Kể từ đó, hai thôn đã hoà thuận với nhau, cùng chung tay xây dựng nhà thờ cho đến ngày nay. Phải chăng tên gọi Thiết Nham có từ đó, tức là có trước năm 1856.
Năm 1861, cha thánh Almato Bình đang coi xứ ở Thiết Nham thì phải chạy về Kẻ Nê để trốn bắt đạo. Năm 1862, 100 vị đầu mục Bắc Ninh lãnh phúc tử đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh. Trong số ấy, họ nhà xứ Thiết Nham đóng góp 6 vị. Hiện nay thi hài các ngài được an táng tại gian cung thánh nhà thờ. Đến năm 1891, cha Fuentez Phê đang coi xứ Thiết Nham, đã vâng lệnh Đức cha Colomer Lễ, lên Lạng Sơn, rồi lại lên Cao Bằng mục vụ truyền giáo. Sau năm tháng, cha Phê trở lại giáo xứ Thiết Nham vào đầu tháng 11 năm 1891.
Vào những năm 1914, cha Alle Kính (OP) tiếp tục xây từ năm 1914. Ngài đón thợ đun gạch ngói từ Thổ Hà lên, đun tại thôn, đốt bằng củi gỗ và củi cây ràng ràng, gỗ khai thác mua từ trong Thanh Hóa đi đường thủy trở về. Thợ xây thuê ở Tiên Riềng. Thợ mộc thuê ở Kẻ Sặc (Sặt). Công trình kiến thiết cực kỳ gian khó, tốn bao công sức tiền của, kéo dài 16 năm (1914 – 1930) hoàn thành, nhưng tháp mới chỉ xây cao 12m. Khoảng những năm 1920 có một số giáo dân Thiết Nham về Mỹ Sơn tỉnh Lạng Sơn làm ăn kinh tế và lập giáo xứ Mỹ Sơn thuộc giáo phận Lạng Sơn ngày nay.
Từ năm 1930 trở đi giáo xứ Thiết Nham có linh mục người Việt coi sóc. Cha xứ người Việt đầu tiên ở Thiết Nham là cha già Tuân, sau đến cha Thanh. Cha Giuse Nguyễn Bá Thi chính thức ở Thiết Nham từ năm 1944.
Năm 1940 – 1944, cha già Thanh coi xứ ngài định xây tháp chuông hình chữ Nhật thành hình vuông, nhưng bất thành. Năm 1944 – 1948, cha Giu-se Nguyễn Bá Thi về coi xứ. Cha đã xây dựng mối đoàn kết giữa hai thôn lại với nhau. Trong thời gian này, nhà thờ Thiết Nham đã hoàn thành tháp theo hình chữ nhật cũ, tháp cao 28 mét, có ngọng võ và thánh giá cao 2 mét trên đỉnh tháp.
Biến cố năm 1954, hầu như toàn bộ giáo dân Thiết Nham di cư vào nam, chỉ còn 20 gia đình ở lại giữ nhà thờ. Vào miền nam, giáo dân Thiết Nham sống tập trung, thành lập Giáo xứ Thiết Nham, Phú Sơn, Tân Bắc thuộc Giáo phận Xuân Lộc ngày nay. Sau sự kiện 1975, một phần giáo dân Thiết Nham miền nam đã di cư sang Mỹ. Những người ở lại gặp bao khó khăn, vất vả do thời cuộc. Tuy nhiên, đời sống đức tin của những người ở lại vẫn luôn kiên cường, một lòng tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Vào mỗi dịp lễ trọng, giáo dân Thiết Nham đi bộ hay đạp xe về nhà xứ Bắc Giang hoặc Toà Giám mục Bắc Ninh để tham dự và phục vụ Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích
Năm thánh 2000, vì sự xuống cấp trầm trọng của nhà thờ, bà con giáo dân Thiết Nham miền nam đã tích cực đóng góp để trùng tu ngôi nhà thờ giáo xứ. Năm 2006, Giáo xứ hân hoan chào đón cha Đaminh Bùi Xuân Bính về làm cha xứ sau 52 năm vắng bóng mục tử ở trực tiếp. Từ đó đến nay, Thiết Nham đã qua sự chăm sóc của 3 thời cha xứ. Năm 2019, Giáo xứ vui mừng chào đón tân cha xứ Vinhsơn Nguyễn Văn Quân về ở trực tiếp với dân họ. Khi về nhiệm sở mới, cha Vinhsơn đã cùng dân họ mở rộng diện tích đất nhà xứ, trùng tu nội thất nhà thờ, cải tạo, xây dựng khuôn viên giáo xứ, tu bổ vườn thánh.
- Đời sống đức tin.
Hiện nay, ngày thường họ nhà xứ Thiết Nham có Thánh lễ lúc 4h45 sáng hoặc 19h30 tối. Chúa Nhật, Thiết Nham có hai Thánh lễ vào lúc 6h00 và Thánh lễ thiếu nhi lúc 8h00. Hằng ngày, nhà thờ có các giờ kinh sáng tối và giờ lòng thương xót. Các hội đoàn Chầu Thánh Thể hàng tháng. Thiếu nhi Thánh Thể học giáo lý vào tối thứ Bảy và sáng Chúa nhật hàng tuần.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trào lưu xã hội, các tệ nạn đang làm ảnh hưởng đến một bộ phận giáo dân Thiết Nham. Trong giáo họ vẫn có một số người chưa đến với Chúa qua Thánh Lễ, hay tham gia sinh hoạt các hội đoàn, cách riêng là lớp trẻ. Ước mong sao, đời sống đức tin của Thiết Nham – xứ đạo có bề dày lịch sử sẽ tiếp tục phát triển và góp những mùa lúa dồi dào trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận.
BTT Giáo Phận