Lược sử Giáo họ Như Thiết
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập: Khoảng năm 1767.
Bổn mạng: Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria (08/09).
Giáo dân: Giáo họ Như Thiết có 130 nhân danh trên 4000 dân thuộc làng Như Thiết, tức chiếm 3,25% (năm 2023). Người dân Như Thiết chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, kinh doanh nhỏ và làm công nhân tại khu công nghiệp. Đời sống người dân thuộc loại trung bình.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Legio, hội Lòng Chúa thương xót.
Nhà thờ: Nhà thờ Như Thiết có kích thước: dài 26m, rộng 8m, mái cao 6m, tháp cao 20m. Bên trong tháp chuông có treo một quả chuông nặm 70kg, được đúc từ năm 2003.
- Lịch sử hình thành và Phát triển
Theo các cụ cao niên kể lại, khoảng năm 1767, cụ cố Nguyễn, một ngư dân đã đón nhận đức tin. Gia đình cụ cố Nguyễn, làm vó bè ở con rạch Sim, là một nhánh của sông Thương ngày nay, nhánh sông đó cách nhà thờ Như Thiết khoảng 2km, chảy thông sang Nhà xứ Thiết Nham. Gia đình cụ cố Nguyễn đã dựng lên một ngôi nhà nguyện nhỏ bên ngoài đê hay còn gọi là bãi dinh ngói, để mọi người có nơi đọc kinh cầu nguyện. Vì nằm ngoài bờ đê, vùng đất thấp trũng nên thường xuyên bị lụt lội. Vậy nên năm 1847, có một gia đình Công giáo đã công đức một khu đất và ngôi nhà 3 gian, 2 trái nằm ngang để cộng đoàn làm nơi thờ tự. Ngôi nhà thờ ở bãi dinh ngói được chuyển vào bên trong. Hiện nay, nền móng của ngôi nhà thờ xây dựng năm 1767 vẫn còn nền móng, nằm tại cánh đồng đầu làng Như Thiết, cách nhà thờ hiện tại 2km.
Năm 1923, cha xứ Felix Calle Kính đã quyết định trùng tu lại ngôi nhà thờ cũ, xoay dọc nhà thờ, nối thêm 2 gian, xây thêm bức màn mặt tiền nhà thờ. Năm 1925, ngôi nhà thờ này được khánh thành. Năm 1930, chuyển mộ vị đầu mục tử đạo Đaminh Dũng từ khuôn viên nhà thờ (cách nhà thờ 30 mét) vào bên trong nhà thờ. Theo cuốn tiểu sử của thánh Giuse Đặng Đình Viên ghi lại, thì Như Thiết đã từng được cha thánh coi sóc mục vụ trong thời gian khá dài trước khi chịu phúc tử đạo (1821-1838).
Đặc biệt, giáo họ Như Thiết đóng góp một chứng nhân kiên hùng trong số một trăm vị đầu mục tử đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh năm 1862. Đó là cụ trùm Dũng tên thường gọi là Đaminh Dũng. Cái chết oai hùng của cụ là một minh chứng rõ nét cho đức tin kiên cường của người Như Thiết. Hiện nay, thi hài vị của ngài đang được lưu giữ tại gian cung thánh nhà thờ. Đến trước năm1954, Như Thiết đã là một họ đạo lớn mạnh, sầm uất với trên 55 hộ dân, khoảng 300 nhân danh.
Biến cố năm 1954 đã cuốn theo hơn 280 người dân Như Thiết di cư vào miền nam, chỉ còn 20 nhân danh kiên quyết ở lại để gìn giữ nhà thờ, giữ làng trước bao trăm bề khó khăn vây bọc. Tuy gặp bao gian nan thử thách của thời cuộc, số người ở lại vẫn trung thành sống đức tin. Chính gương sáng đức tin của vị đầu mục tử đạo quê hương đã hướng dẫn những người Như Thiết còn ở lại một lòng tín trung với Chúa. Họ tập trung đọc kinh tại nhà thờ ngày hai buổi sáng tối, quyết không để nhà Chúa vắng tiếng kinh cầu. Vì không còn cha xứ, trong nhiều năm họ phải vượt đường xa đi bộ xuống Tòa Giám mục Bắc Ninh hay lên Bắc Giang để dự lễ, và cử hành các Bí tích.
Qua dòng thời gian, ngôi nhà thờ Như Thiết đã xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, năm 2005, giáo họ Như Thiết đã quyết định trùng tu lại ngôi nhà thờ, xây tường gạch, nâng mái, xây thêm tháp chuông thay cho bức màn trước nhà thờ. Năm 2007, Giáo dân Như Thiết từ nam ra bắc hân hoan chào đón Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, giám quản Giáo phận Bắc Ninh về làm phép và khánh thành nhà thờ. Đến năm 2021, Giáo họ tiếp tục trùng tu, nối dài thêm hai gian cung thánh để chuẩn bị kỉ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ.
- Đời sống đức tin.
Hiện nay, giáo họ Như Thiết có Thánh lễ Chúa Nhật vào 19h30 tối thứ Bảy. Cộng đoàn đọc kinh sáng tối các ngày trong tuần. Các hội đoàn sinh hoạt đầy đủ, cách riêng, các em thiếu nhi được quý dì dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất đến dạy giáo lý.
Giáo dân Như Thiết khá năng động, nhiệt tình với việc Nhà Chúa, sống hài hoà với cộng đoàn anh chị em tôn giáo bạn. Đến với Như Thiết, mỗi người đều nhận thấy sự hoà đồng, không phân biệt tôn giáo trong sinh hoạt làng xã nơi đây.
BTT Giáo Phận