Lược sử Giáo họ Phú Thịnh

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Giáo họ Phú Thịnh.

Địa chỉ: Phú Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: 1913.

Bổn mạng: Thánh Antôn Pađôva (13/6).

Giáo dân: Giáo họ có 15 nhân danh sống rải rác trong xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp. Một số gia đình nuôi bò sữa. Đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà thờ Phú Thịnh được khởi công xây dựng và hoàn thành năm 2007. Nhà thờ gồm 4 gian, chiều dài 16m, chiều rộng 8m và tháp chuông cao 15m. Tổng diện tích khuôn viên giáo họ rộng khoảng 300m2.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Phú Thịnh thuộc giáo xứ Hòa Loan và cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 72km về hướng Tây. Giáo họ nằm gần bên tả đê sông Hồng, thuộc địa bàn hành chính xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo sử liệu, giáo họ Phú Thịnh được hình thành từ năm 1913. Theo tài liệu viết tay của ông trùm Giuse Thục, ở Phú Thịnh, khoảng năm 1913, gia đình cụ Nguyễn Văn Kiến và các con cháu của dòng họ (10 gia đình với khoảng 52 người) được đón nhận Tin Mừng (cha xứ Hòa Loan rửa tội). Năm 1930, các cụ dựng ngôi nhà 4 gian bằng tre, lợp lá mía để làm nơi đọc kinh, cầu nguyện. Kể từ đó, Phú Thịnh có thêm nhiều gia đình khác đón nhận Tin Mừng. Đến năm 1946, Đức Cha Artaraz Chỉnh thiết lập giáo xứ Phú Thịnh với 6 giáo họ trực thuộc: Phú Thịnh, Bàn Mạch, Liễu Thành, Yên Định, Phúc Lập, Thiều Xuân. Khi đó, giáo xứ có 45 gia đình với khoảng 200 nhân danh. Đức cha bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Thanh Khiết về coi sóc giáo xứ. Đầu năm 1947, cha xứ và các cụ trong họ nhà xứ đã bàn thảo lên kế hoạch xây dựng nhà thờ. Cuối năm 1947, nhà thờ họ nhà xứ được hoàn thành với diện tích 7 gian. Ngoài ra, dân họ còn xây ngôi nhà 5 gian gồm các phòng cho cha xứ, phòng khách, phòng thầy giáo, nhà bếp và công trình phụ. Khi đó, khu vực nhà chung có diện tích khoảng 3500m2.

Những năm 1949 – 1950, quân đội Pháp chiếm tỉnh Vĩnh An và huyện Vĩnh Tường. Nhiều lương dân làng Phú Thịnh đã theo Đạo Chúa. Khi đó, giáo xứ Phú Thịnh tăng lên 100 gia đình với khoảng 500 nhân danh. Tuy nhiên, đến năm 1954, cha xứ và hơn 20 gia đình tại Phú thịnh di cư vào Nam. Năm 1955, sau cuộc cải cách ruộng đất, phần lớn ruộng đất của nhà chung và khu nghĩa trang rộng trên 1500m2 đều bị tịch thu và chia cho nông dân. Nhà thờ mất, cha xứ không còn, thế hệ con cháu ở Phú Thịnh không còn biết đến Đạo Chúa. Đến năm 1960, Chính phủ vận động toàn dân đóng góp ruộng đất, trâu bò vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Các lao động chịu sự quản lý của ông đội trưởng. Giáo dân Phú Thịnh phải âm thầm qua sông sang Sơn Tây dự lễ. Năm 1962, nhà thờ bị gió thổi bay ngói và hỏng mái. Giáo dân không ai dám đứng ra sửa chữa. Vì thế, hợp tác xã nông nghiệp Khánh Nhi và cán bộ xã cho du kích và dân công đến tháo dỡ vật liệu để xây trạm y tế và trường học. Các cụ trong làng trình bày ý kiến nhưng cán bộ xã trả lời: “Bây giờ không còn Đạo Chúa. Tất cả là của Chính phủ”. Sau đó, cán bộ xã chia đất nhà xứ cho 3 gia đình. Còn khu đất nhà thờ bị gia đình ông Nguyễn Văn Kiên lấn chiếm làm nhà ở. Họ giáo Phú Thịnh mất đất, mất nhà thờ và thêm áp lực từ phía chính quyền nên giáo dân phải giữ đạo trong âm thầm.

Tháng 01/1976, ông trùm Thục, xứ Hữu Bằng đi xe đạp đến Phú Thịnh hỏi thăm việc đạo. Ông trùm Thục tặng ông trùm Hòa một quyển lịch Công Giáo. Ông Hòa vui mừng vì có lịch là biết được những ngày lễ trong năm. Đến khoảng năm 1988, họ giáo Phú Thịnh sáp nhập vào giáo xứ Hòa Loan. Năm 1995, giáo họ Phú Thịnh còn có 9 gia đình với 36 nhân danh. Ngày 25/06/1996, cha Giuse Trần Quang Vinh đến dâng lễ cho dân họ tại gia đình nhà ông Antôn Lộc. Từ năm 1998 – 2003, đại diện cho dân họ, ông trùm Hòa đã 4 lần làm đơn lên chính quyền xã Phú Thịnh để nhận lại đất nhà thờ. Tuy nhiên, dân họ không nhận được hồi đáp từ chính quyền. Năm 2004, ông trùm Hòa qua đời.

Năm 2005, cha Phaxicô Xaviê Nguyễn Huy Liệu được bổ nhiệm làm chính xứ Dân Trù và quản nhiệm giáo xứ Hòa Loan. Ông Antôn Nguyễn Văn Cảnh, con ông Hòa, làm trùm họ. Ông Cảnh tiếp tục gửi đơn lên các cấp chính quyền để nhận lại đất nhà thờ. Họ trả lời: “Vì thời gian đã qua lâu, các hộ dân ở trên khu vực đất nhà thờ cũ đã được cấp sổ đỏ. Nếu họ giáo tìm được khu đất như ý, chúng tôi đồng thuận cấp sổ đỏ để bà con làm nhà thờ”. Đến năm 2007, ông Antôn Cảnh đã dâng hiến 300m2 đất ao vườn để họ giáo làm nhà nguyện. Trong năm 2007, cha xứ cùng dân họ đã xây dựng xong ngôi nhà thờ gồm 4 gian, dài 16m, rộng 8m, tháp cao 15m. Kể từ đó, giáo họ thường xuyên được cha xứ và cha phụ tá đến dâng Thánh lễ hàng tuần. Nhờ đó, đời sống đức tin bà con giáo dân giáo họ Phú Thịnh dần được phục hồi.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ Phú Thịnh có 15 nhân danh. Hằng tuần, giáo họ có Thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Ngoài ra, cha xứ cũng đến giáo họ dâng Thánh lễ vào các dịp lễ đặc biệt như: lễ bổn mạng, lễ cưới, lễ tang. Hằng ngày, bà con giáo dân vẫn duy trì đến nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện sớm tối. Các sinh hoạt đức tin nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Ước mong với sự nỗ lực của bà con giáo dân trong giáo họ, đời sống đức tin giáo họ Phú Thịnh sẽ ngày càng vững mạnh.

BTT Giáo Phận