Lược sử Giáo họ Tân Bình I
- Thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Tân Bình I.
Địa chỉ: Xóm Tân Bình I, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Năm thành lập: 1975.
Bổn mạng: Thánh Phanxicô Xaviê (03/12).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.
Giáo dân: Hiện nay, số nhân danh của giáo họ là 120 người trong 21 hộ gia đình (số liệu năm 2023). Giáo dân Tân Bình I chủ yếu canh tác nông nghiệp và làm chè nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình đã rời quê hương đi làm ăn xa nhà, nên đời sống tuy có chút cải thiện, nhưng việc sinh hoạt chung trong giáo xứ còn gián đoạn.
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 2008, chiều dài 20m, rộng 6m và cao 5.5m, không có tháp chuông. Diện tích của toàn khuôn viên giáo họ là 300m2.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Tân Bình I cách Tòa Giám mục Bắc Ninh khoảng 84km về phía Bắc. Giáo họ nằm trong vùng đất thuộc xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Theo lời kể của các bậc cao niên, vượt qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, năm 1975, khu vực Tân Bình I đã được khai hoang bởi tám hộ gia đình đến từ giáo họ Hòa Khê, xứ Hoàng Mai, Tổng Giáo phận Hà Nội. Tám hộ gia đình đó là các cụ: Giuse Cẩm, Giuse Diệp, Giuse Điển, Giuse Củ, Giuse Hải, Giuse Ngôn, Giuse Nội và Antôn Thập. Từ khi được hình thành năm 1975 cho đến năm 1985, chỉ còn một hai gia đình duy trì đọc kinh cầu nguyện, một số gia đình khác thì rất khô khan trong việc giữ đạo. Phần lớn các bí tích trong dân họ được tổ chức tại giáo họ quê nhà.
Đến ngày 30/01/1989 ông trùm Nhạc cùng ông quản Dụng thuộc giáo họ Khe Cốc đến gặp Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và Đức cha Giuse Maria để trình bày về những sinh hoạt của giáo dân tại vùng đất Phú Lương. Sau đó, các ông được Đức Hồng Y gửi cho một bức thư về đọc tại 3 giáo điểm: Khe Cốc, Yên Thủy, Tân Bình. Hiện nay, không ai còn nhớ nội dung bức thư của Đức Hồng Y. Nhưng có lẽ bức thư là lời căn dặn, động viên và khích lệ của Đức cố Hồng Y dành cho đoàn chiên “non trẻ” của mình.
Một năm sau đó, Đức cha Giáo phận gửi thầy Vicentê Long, cùng dì Chí và dì Sính lên Tân Bình I dậy kinh bổn, dâng hoa và dậy hát. Nhờ sự giúp đỡ của quý dì và quý thầy, đời sống đức tin của dân họ ngày một củng cố. Thao thức với công việc tông đồ, dì Chí đã quy tụ mọi người cùng nhau sớm tối đọc kinh cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Sau 1994, cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh (cha Tổng đại diện) lần đầu tiên về thăm giáo họ. Một năm sau, Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đi kinh lý hạt Thái Nguyên và ghé thăm dân họ. Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, giáo họ Tân Bình I tách ra một giáo họ mới lấy tên là giáo họ Tân Bình II. Lúc đó có ông trùm Hải, ông Củ và bà quản Cải trong ban hành giáo. Những năm 1997 – 1998, ông quản Dụng vẫn từ quê lên rửa tội cho các trẻ nhỏ trên Tân Bình I.
Từ năm 1998 – 2006, giáo họ Khe Cốc, Yên Thủy và Tân Bình trực thuộc giáo xứ Thái Nguyên, do cha Giuse Nguyễn Văn Khiêm phụ trách. Ngày 11/12/2009, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Nguyễn Như Định làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ Yên Thủy. Từ đây, giáo họ Tân Bình I có Thánh Lễ đều đặn, đời sống đức tin ngày càng đi vào nền nếp.
- 3. Đời sống đức tin
Sau 40 năm hình thành và phát triển, đời sống đức tin của người tín hữu nơi đây đã không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ. Đến với mảnh đất rừng thiêng nước độc, các giáo hữu luôn luôn tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa dành cho mọi người và cho mỗi gia đình. Khi mới đến đây, các tín hữu đã sống đức tin bằng việc cầu nguyện trong âm thầm, tại các gia đình. Mỗi dịp lễ trọng, các giáo hữu lại lên đường về quê để tham dự Thánh lễ và hưởng muôn ơn lành Chúa ban qua việc chịu các bí tích.
Đời sống đức tin nơi đây đã trải qua 40 năm trường trong thử thách cam go cùng thăng trầm thời đại. Có ít giáo hữu, lại thưa thớt, nên bà con muốn quy tụ thì phải đi bộ qua mấy đồi chè mới hiệp thông được với nhau. Chính trong những thử thách gian truân đó, ánh sáng đức tin vẫn đang sáng ngời nơi mảnh đất đồi chè Tân Bình I. Hiện nay, giáo họ đã có Thánh lễ thường xuyên vào 19h thứ Sáu hằng tuần. Các hội đoàn dần được hình thành và đi vào hoạt động. Đường thì xa nhưng lòng người kiên định. Tin rằng, nơi mảnh đất khô cằn này trong tương lai không xa sẽ nảy nở, phát triển và trổ bông, đem lại một mùa vàng trĩu quả.
BTT Giáo Phận