Lược sử Giáo họ Thanh Sơn
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thanh Sơn, P. Vũ Ninh, Tp. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Bổn mạng: Tổng lãnh Thiên Thần Raphael (29/9).
Giáo dân: 26 nhân danh trên tổng số 8 hộ gia đình (7/2022). Đa phần bà con giáo dân làm nông nghiệp, một vài hộ buôn bán nhỏ lẻ.
Các dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hiện tại, do số giáo dân ít ỏi, giáo họ Thanh Sơn chưa thành lập được hội đoàn nào.
Nhà thờ: Nhà thờ giáo họ Thanh Sơn nằm trên địa bàn phường Vũ Ninh. Ngôi thánh đường nhỏ này nằm gần trên con đường quốc lộ 1A cũ, gần Trung Tâm Kinh Bắc của thành phố Bắc Ninh. Từ nhà thờ Thanh Sơn nhìn ra phía Đông 4km là sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt – dòng sông quan họ vốn đi vào thơ ca:
“Sông cầu nước chạy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi…”
Nhà thờ Thanh Sơn có tổng chiều dài khoảng 25m, rộng 6m, cao 5m, tháp chuông cao chừng 18m, bên trong treo một quả chuông nặng 100kg (do cụ cố Anna Tư công đức). Trong lòng nhà thờ có phần mộ của một cha cố Tây (cha Victor Delgado (Cha Y Parentinus), 30 tuổi, mất ngày 25/4/1933).
- Lịch sử hình thành và phát triển
Thanh Sơn là một họ đạo thuộc giáo xứ chính tòa Bắc Ninh. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: họ Thanh Sơn đã xuất hiện từ rất xưa. Do chiến tranh loạn lạc, việc truy xuất thông tin về nguồn gốc hình thành giáo họ gặp khá nhiều khó khăn. Giáo họ Thanh Sơn chỉ lưu lại lịch sử kể từ khi hoàn thành ngôi thánh đường và tháp chuông nhà thờ năm 1929.
Năm 1929, nhà thờ Thanh Sơn được xây dựng. Kiến trúc tổng thể của nhà thờ có phần nền khá cao, tường bằng gạch, mái lợp ngói và có một tháp chuông. Sau nhà thờ, có một nhà phòng gồm hai tầng khá rộng làm nơi hội họp và đón tiếp quý cha đến dâng lễ. Số giáo dân bấy giờ khá đông, nhưng biến cố năm 1954 và biến cố nhà thờ bị ảnh hưởng bom đạn khoảng năm 1965 –1967 đã khiến hầu hết gia đình Công Giáo trong họ Thanh Sơn đi tản cư.
Khoảng năm 1965 – 1967, do chiến tranh bom đạn, nhà thờ Thanh Sơn bị hư hỏng khung tường và toàn bộ phần mái. Trong giai đoạn này, nhiều hộ gia đình Công Giáo di tản, chỉ còn lại 6 gia đình ở lại để giữ đức tin và trông nom nhà thờ, trung bình mỗi hộ có khoảng 5 – 7 nhân danh. Tuy nhiên, vì thời thế bấy giờ còn nhiều khó khăn, các hộ gia đình không thể duy trì các giờ kinh như buổi ban đầu.
Năm 2004 – 2005, nhà thờ Thanh Sơn được trùng tu. Trong giai đoạn này, giáo họ nhận nhiều sự giúp đỡ của quý ân nhân trong nước và hải ngoại. Tiêu biểu là cụ Anna Tạ Thị Tư (Việt kiều Mỹ), giáo dân họ Thị Đáp Cầu và giáo xứ Thiết Nham. Khi hạng mục trùng tu nhà thờ hoàn tất, cụ cố Tư tiếp tục ủng hộ thêm cho dân họ một quả chuông nặng 100 kg. Trải qua bao thăng trầm, số nhân danh trong họ giáo Thanh Sơn không hề giảm đi mà ngày một gia tăng. Hướng đến một tương lai có nơi để sinh hoạt đạo trở lại, bà con giáo dân họ Thanh Sơn đã xin Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến tìm cách lo liệu để khôi phục nhà thờ.
Năm 2006, ngôi thánh đường giáo họ Thanh Sơn được khánh thành trở lại. Sau thời gian dài vắng bóng, nếp sinh hoạt đức tin của các tín hữu dần khôi phục, số nhân danh trong họ giáo Thanh Sơn ngày một gia tăng. Cũng trong năm này, họ đạo Thanh Sơn có cha Kinh về làm phép và khánh thành nhà thờ. Từ đó, đời sống đức tin của họ đạo ngày một thăng tiến. Khoảng thời gian này, mỗi tuần tại Thanh Sơn có hai Thánh lễ. Cùng tham dự với bà con giáo dân, có các dì thuộc tu hội Hiệp Nhất (nay là dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất) và giáo dân thuộc các vùng lân cận.
- Đời sống đức tin
Theo bà Maria Vũ Thị Ngoan kể lại: Năm 1969, khi bà về làm dâu ở Thanh Sơn, ngôi nhà thờ ở đây đã bị hư hỏng nặng. Phần mái nhà thờ đã mất, nhưng tháp chuông vẫn còn, xung quanh nền nhà thờ là bốn bức tường mọc đầy cỏ dại. Dù vậy, người dân vẫn sốt sáng giữ đạo kính Chúa. Cứ mỗi tối, một số gia đình Công Giáo đến nhà thờ và trải chiếu dưới chân tháp chuông, cùng nhau đọc kinh cầu nguyện và chia sẻ đời sống gia đình. Song thời gian sinh hoạt đức tin dưới chân tháp cũng không được lâu bền, vì phía nhà nước yêu cầu người dân không đọc kinh nơi nhà thờ đang xuống cấp để tránh rủi ro. Từ đó, mỗi nhà phải giữ các giờ kinh sớm tối tại tư gia.
Giai đoạn cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, các tín hữu ở Thanh Sơn vẫn giữ đạo tại gia đình, còn việc sinh hoạt đức tin thì tham gia cùng giáo họ Đáp Cầu. Thời gian này chưa có cha xứ, bà con giáo dân phải tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chính toà Bắc Ninh, giáo xứ Xuân Hòa hoặc giáo họ Đáp Cầu. Vào dịp lễ Quan thầy của giáo họ thường có cha ở Tòa giám mục về dâng lễ.
Đến nay, đời sống đức tin của bà con giáo dân Thanh Sơn luôn sôi nổi, dù số nhân danh của giáo họ còn tương đối ít. Cộng đoàn thường xuyên đọc kinh sớm tối, giữ ba giờ kinh: sáng, trưa, tối. Gần đây còn có giờ viếng Thánh Thể theo tinh thần hội đoàn kính Lòng Thương Xót Chúa vào 3 giờ chiều. Vì là một giáo họ ít nhân sự, nên các hội đoàn chưa có, mọi thành viên trong giáo họ đều tham gia hội đoàn chung với giáo họ Đáp Cầu.
Hiện nay, tại Thanh Sơn có thánh lễ vào tối thứ Tư và tối thứ Bảy hằng tuần. Nhờ ơn Chúa hộ giúp, đời sống đức tin giáo họ Thanh Sơn đang dần vươn lên. Dù khó khăn chồng chất, bà con giáo dân Thanh Sơn vẫn một yêu mến Chúa. Tiếng chuông nhà thờ Thanh Sơn vẫn ngân vang. Những lời kinh của bà con giáo dân vẫn vang lên, hoà trong tâm tình tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã thương ban cho giáo họ.
BTT Giáo Phận