Lược sử Giáo họ Thị Đáp Cầu
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: 382A Hoàng Quốc Việt, Thị Cầu, Tp. Bắc Ninh, Bắc Ninh.
Năm thành lập: 1934.
Bổn mạng: Đức Maria hồn xác lên trời (15/08).
Giáo dân: 961 nhân danh trên tổng số 298 hộ gia đình Công Giáo (07/2022). Đa phần bà con giáo dân Thị Đáp Cầu tham gia các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại – dịch vụ trên địa bàn nên đời sống kinh tế tương đối ổn định.
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh (52 thành viên, thành lập năm 1987); hội Trưởng các gia đình (140 thành viên, thành lập năm 1999); Mân Côi (130 thành viên, thành lập năm 2000); hội Lòng Chúa Thương Xót (47 thành viên, thành lập năm 2012); ca đoàn 1 (30 thành viên, thành lập năm 1957); ca đoàn 2 (40 thành viên, thành lập năm 1981); huynh trưởng, giáo lý viên (20 thành viên); phong trào TNTT (140 em, thành lập năm 2003).
Nhà thờ: Nhà thờ Thị Đáp Cầu trải qua nhiều giai đoạn trùng tu. Hiện tại, nhà thờ có tổng chiều dài khoảng 32m, rộng 10m, cao 11m và tháp chuông cao 31,5m. Trên tháp có treo hai quả chuông: một quả nặng 100kg và một quả nặng 200kg. Diện tích khuôn viên nhà chung ước tính 1774m2 (chưa có sổ đỏ).
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Theo lời các bậc cao niên ở đây, giáo họ Thị Đáp Cầu hình thành cách đây chừng hơn 80 năm. Những năm 20 của thế kỷ XX, một số gia đình Công Giáo ở Phú Mỹ, Hà Thao (lúc ấy thuộc tỉnh Hà Đông) và một số gia đình thuộc Hà Nam, Nam Định tìm tới xứ Kinh Bắc (tức Bắc Ninh ngày nay) lập nghiệp. Buổi sơ khai, chỉ có hơn 10 gia đình Công giáo với gần 100 nhân danh sinh hoạt đức tin. Họ đạo Thị Đáp Cầu từ đây dần hình thành.
Năm 1934, giáo họ Thị Đáp Cầu chính thức được thành lập. Bấy giờ, vì hoàn cảnh còn khó khăn, giáo dân ở đây chưa có nơi thờ phượng. Họ phải dự lễ và đọc kinh tại hai nhà thờ là nhà thờ Hạ Bì và Búp Lê (Hạ Bì vốn là họ đạo thuộc xứ Yên Tập, vì thời thế mà giáo dân Hạ Bì phải sơ tán lên Đáp Cầu, tọa lạc tại khu Nam Đáp Cầu gần chợ Đáp Cầu ngày nay. Kiến trúc ban đầu của nhà thờ Hạ Bì rất thô sơ, có phần mái được lợp bằng lá gồi). Còn nhà thờ Búp Lê (Rousselet) thuộc dòng Đa minh, toạ lạc trên đỉnh núi Thiềm Sơn. Hiện nay, triền núi Búp Lê chính là nơi đặt vườn thánh của giáo họ Thị Đáp Cầu.
Thời gian sau, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn (bấy giờ là giám mục giáo phận Bắc Ninh) đã mua một mảnh đất để xây dựng cho bà con giáo dân một ngôi nhà thờ nhỏ. Năm 1952 (nhằm mồng hai Tết Âm Lịch), việc xây dựng hoàn thành. Trong niềm hân hoan, giáo dân Thị Đáp Cầu đã nhận Đức Maria (tước hiệu Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời) là Đấng Bảo Trợ cho dân họ. Theo thời gian, cơ sở vật chất ngôi thánh đường dần xuống cấp. Năm 1969, cha chính Đaminh Đinh Huy Quảng (lúc ấy là cha Tổng đại diện) đã cho trùng tu nhà thờ, đồng thời san lấp ao và mở rộng khuôn viên. Năm 1970, hạng mục trùng tu hoàn tất. Số giáo dân Thị Đáp Cầu trong giai đoạn này khá đông (khoảng 70 hộ).
Tháng 8 năm 2006, Đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến cho phép giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới. Sau hơn một năm thi công (ngày 14/08/2007), Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã làm phép ngôi thánh đường mới. Đầu năm 2009, Cha Giuse Trần Quang Vinh (lúc ấy là cha xứ nhà thờ Chính toà) đã cho khởi công xây dựng ngôi nhà giáo lý. Ngày 15/08/2009, nhà giáo lý được hoàn thành.
- Đời sống đức tin
Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn hơn 88 năm qua, giáo dân họ Thị Đáp Cầu vẫn hằng tín thác và cậy trông vào Chúa, cùng tri ân các bậc tiền nhân để viết nên trang sử đức tin lớn mạnh của miền đất Kinh Bắc. Hiện nay ở Thị Đáp Cầu có thánh lễ đều đặn hằng ngày, riêng Chúa Nhật có hai thánh lễ.
Giáo họ Thị Đáp Cầu tuy nhỏ bé, nhưng đã trổ sinh hoa trái là ba linh mục và một nữ tu đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.
BTT Giáo Phận