Lược sử Giáo họ Thượng Giã

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Đoàn Kết, Thuận Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên.

Năm thành lập: 1881.

Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03).

Giáo dân: Giáo họ có 64 nhân danh (số liệu năm 2021). Về kinh tế thì từ trước tới nay, bà con nơi đây sống chủ yếu vẫn bằng nghề nông nghiệp, một số thì buôn bán nhỏ lẻ.

Nhà thờ: Nhà thờ Thượng Giã có chiều dài 15m, rộng 6m và cao chừng 6m, nhưng chưa có tháp chuông. Lịch sử cho thấy, ban đầu diện tích khuôn viên nhà thờ rộng hơn 3000m2, song do nhiều lý do nên đến nay dân họ chỉ còn được sở hữu 720m2.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Tuy ít về số lượng giáo hữu, nhưng người Công giáo nơi đây có quyền tự hào về ngôi Thánh đường mang dáng vóc cổ kính được xây dựng từ năm 1943, nay vẫn đứng vững như bảo chứng đức tin của dân họ.

Ngôi thánh đường cổ kính cũng là chứng tích lịch sử vô giá, ghi dấu những thăng trầm trong lịch sử khai nguyên và phát triển của dân họ cho tới nay. Theo lời kể của ông trùm họ Pascal Nguyễn Quốc Tuấn, khoảng từ những thập niên hậu bán thế kỷ XIX, gia đình cụ Giuse Phạm Văn Nhời và một số giáo dân quê ở Kiến An, Hải Phòng vì hoàn cảnh lịch sử, thời thế đã di cư lên Thượng Giã làm ăn sinh sống. Sau đó vào những năm đầu thế kỷ XX, cụ Phêrô Nguyễn Hữu Phúc cùng một số giáo dân quê ở Hà Đông cũng lên đây lập nghiệp, trong đó có gia đình thân sinh ông trùm là cụ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Chỉnh[1].

Trong khi đó, từ khi xứ Nhã Lộng được thành lập năm 1881 và có các cha xứ coi sóc, họ Thượng Giã cũng trở thành một họ lẻ, hàng năm các cha đều đến dâng Thánh lễ và ban các Bí tích. Những năm 1930 – 1943, khi cha Cử làm chánh xứ Nhã Lộng, cha Đốc và cha Châu[2] làm phó xứ, cha Châu được cử thường xuyên tới phụ trách các giáo họ lẻ trong đó có họ Thượng Giã.

Từ năm 1940, cha Châu và dân họ đã kiến thiết và xây dựng nhà thờ trên mảnh đất hơn 3000m2 được nhượng lại từ gia đình cụ Chỉnh. Năm 1943, nhà thờ Thượng Giã được xây xong, Đức cha Altazar Chỉnh là Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, đã ra quyết định thành lập giáo xứ Thượng Giã, được tách ra từ giáo xứ Nhã Lộng và cử cha Đaminh Hoàng Nghĩa Châu làm chính xứ. Xứ Thượng Giã lúc bấy giờ gồm họ nhà xứ Thượng Giã có khoảng 17 hộ gia đình và có các họ lẻ là: Chã, Bến Đông, Nỉ, Rõm và Mã. Cha Châu cũng đã thành lập một nhà thương để khám chữa bệnh cho người nghèo. Hằng tuần, cha Châu đều chia lịch đi các họ lẻ xung quanh để dâng Lễ, dạy bảo và củng cố tinh thần giáo dân.

Tình hình giáo xứ đang phát triển tốt đẹp thì cách mạng 1945 nổ ra, mọi sinh hoạt tôn giáo dân dần trở nên khó khăn. Đến năm 1947, vì tình hình chính trị hết sức căng thẳng, cha Châu cũng không thể ở lại coi sóc được nữa, buộc phải bí mật tránh đi nơi khác. Cụ Chỉnh lúc bấy giờ đang là Chánh Trương hàng phủ bị đưa đi quản chế 8 tháng ở Phú Khánh mà không xét xử. Gia đình cụ vẫn hy sinh ở lại giữ đất cho dân họ. Trong khi ấy một số đông gia đình giáo dân cũng phải chuyển đi Tân Cương, Thái Nguyên hay nơi khác lập nghiệp. Ngôi Thánh đường không người qua lại, việc thờ phượng chỉ còn đơn lẻ nơi các gia đình. Họ Thượng Giã chỉ còn lại hai gia đình khuyên bảo nhau cầu nguyện giữ đức tin.

Sau năm 1947, giáo xứ không có linh mục coi sóc nữa, số giáo dân lại ít ỏi, nên Giáo phận sáp nhập Thượng Giã thành họ lẻ của giáo xứ Nhã Lộng. Tiếp theo những năm dài sau đó, không thể sinh hoạt tôn giáo một cách đều đặn, giáo họ tưởng như đã bị xoá sổ, nhưng nhờ ơn Chúa quan phòng và sự cầu bầu của thánh Giuse quan thầy dân họ, ánh sáng đức tin nơi đây lại được dần thắp lên.

Những năm 1994, khi cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh được cử làm quản hạt Thái Nguyên thì hàng năm đều có các cha tới trao ban các Bí tích và dâng Thánh Lễ vào các dịp mùa Chay. Đời sống đạo của giáo dân họ Thượng Giã cũng dần dần được khôi phục.

Năm 1996 một nữ tu (mọi người gọi là bà Bạc) được Giáo phận cử đến hướng dẫn bà con dâng hoa kính Đức Mẹ và đọc kinh cầu nguyện, cùng năm đó nhà thờ bị hỏng phần mái được Giáo phận hỗ trợ sửa chữa cho bà con có nơi cầu nguyện chung. Cũng từ đó với sự quan tâm của các cha xứ, số giáo dân càng gia tăng và đời sống đức tin được nâng cao. Các cha cũng thường xuyên tới dâng Lễ hàng năm, rồi hàng tháng cho dân họ nơi đây.

  1. Đời sống đức tin

Hiện tại, giáo họ Thượng Giã thuộc Giáo xứ Tiểu Lễ do cha Vinhsơn Hoàng Văn Báo coi sóc. Tuy không có đông giáo dân, cũng không có các đoàn hội Công Giáo, nhưng dân họ vẫn được dự Thánh Lễ Chúa Nhật vào mỗi thứ Bảy hằng tuần. Đây là một hồng ân lớn lao, cũng như cơ hội cho hạt mầm đức tin nơi giáo họ Thượng Giã được hồi sinh và trổ sinh hoa trái dồi dào.

[1] Gia đình cụ Chỉnh – Chánh trương hàng phủ xứ thời cha Châu đã nhượng lại một phần đất để xây dựng nhà thờ.

[2] Cha Đaminh Hoàng Nghĩa Châu – Cha Phó xứ Nhã Lộng, sau là Cha chính xứ tiên khởi của Thượng Giã

BTT Giáo Phận