Lược sử Giáo họ Tranh
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Tranh, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập: 1846.
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/3).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.
Giáo dân: Tổng số nhân danh của giáo họ hiện nay là 125 người với nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp (số liệu năm 2023). Cũng có một số ít người đi làm ăn xa hoặc làm việc trong các công ty may, điện tử trên địa bàn của thành phố Bắc Giang. Đời sống của bà con vẫn ở mức trung bình.
Nhà thờ: Nhà thờ giáo họ Tranh hiện nay được xây dựng do cha Giuse Trần Quang Vinh. Ngôi nhà thờ có kích thước: dài 13.5m, rộng 6.5m, cao 6m và một tháp chuông cao 15m, có 1 quả chuông nặng 230kg. Tổng diện tích khuôn viên nhà chung là 200m2.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Tranh nằm trên địa bàn của thôn Tranh, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách nhà xứ An Tràng 5km về hướng Tây Nam.
Theo các cụ kể lại, giáo họ Tranh đã có từ rất lâu đời. Năm 1846, mảnh đất này đã được đón nhận hạt giống đức tin do những người miền xuôi vùng Hưng Yên lên đây lập nghiệp và họ đã truyền giáo cho bà con nơi đây. Khi ấy, mọi người chủ yếu tập trung sinh sống ở Làng Áng thuộc thôn Áng, xã Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Khu đất ấy ngày nay không còn nữa mà chỉ còn là cánh đồng để người dân nơi đây trồng cấy.
Sau khi đón nhận hạt giống đức tin do những người Hưng Yên gieo vãi, các tín hữu nơi đây đã không ngừng chăm lo và phát triển kho tàng đức tin quý báu ấy. Họ thường quy tụ nhau đọc kinh tại các gia đình. Khi số giáo dân gia tăng khá đông, cộng đoàn nơi đây đã làm được một ngôi nhà thờ kiên cố bằng gỗ lim có 7 gian với chiều dài khoảng 15m. Ngoài ra còn làm được một dãy nhà phòng có tường bằng đất lợp bằng mái tranh. Trong khuôn viên của nhà thờ còn có một khoảng trống rộng rãi để làm sân. Ngôi nhà thờ bằng gỗ lim này tồn tại đến năm 1957 thì bị đổ nát.
Sau biến cố 1954, hầu hết mọi người di cư vào Nam nên không còn ai coi sóc nữa, nhà thờ bị bỏ hoang và trở thành nhà kho mà người dân xung quanh vẫn dùng để chứa thóc. Toàn bộ khu đất của nhà thờ cũng bị chiếm đoạt bởi những người lương dân. Trước năm 1954, vùng Áng này đã có hơn 100 hộ gia đình Công Giáo, nhưng sau 1954, các hộ gia đình di cư vào Nam gần hết chỉ còn lại 8 hộ gia đình kiên trung ở lại. Tuy nhiên, họ cũng không thể tiếp tục duy trì sinh hoạt đức tin tại nhà thờ Áng này như trước nữa, mà chuyển đến sinh hoạt nơi nhà thờ của giáo họ Tranh.
Một số hộ gia đình cư ngụ ở làng Tranh lúc đó muốn có một khu nhà nguyện riêng, để có thể đọc kinh hàng ngày mà không phải vất vả đi xa tới tận nhà thờ Áng. Đồng thời, cha Quý không muốn có hai nhà thờ cùng tồn tại một lúc trong một họ đạo, nên chỉ cho phép xây dựng một nhà nguyện nhỏ, mà người ta vẫn gọi là đền thánh để kính thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu (năm 1947). Đền thánh này có 5 gian làm bằng tre và gỗ, mái lợp bằng ngói Tây, có một quả chuông cổ kính nặng 25kg mà người ta còn giữ lại được cho đến ngày nay. Ngoài khu đền thánh này, giáo họ Tranh thời đó còn làm được một nhà phòng 3 gian. Đền thánh này tồn tại đến năm 1994 thì được phá dỡ để xây dựng nhà thờ họ Tranh hiện nay.
- 3. Đời sống đức tin
Đời sống đức tin của cộng đoàn hiện nay vẫn được duy trì đều đặn tuy nhiên còn nhiều yếu kém. Mọi người vẫn quy tụ đọc kinh tại nhà thờ vào các buổi tối hằng ngày. Mỗi tuần nơi đây có một Thánh lễ, nhưng số người đi đọc kinh cầu nguyện và tham dự Thánh lễ còn rất ít ỏi, có lẽ chỉ khoảng hơn 20%. Các hội đoàn hầu như chưa được thành lập. Giáo họ Tranh hiện có một linh mục là cha Giuse Hà Mạnh Hoàn và có 2 dì thuộc Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cùng 1 dì thuộc Hiệp Hội Đức Maria – Mẹ Sự Sống. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mảnh đất này không ngừng trổ sinh nhiều ơn gọi cao quý để phục vụ cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la của giáo xứ và Giáo phận.
BTT Giáo Phận