Lược sử Giáo họ Vân Tập

  1. Thông tin cơ bản.

  Tên gọi: Giáo họ Vân Tập.

  Địa chỉ: Thôn Vân Tập, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

  Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12).

Giáo dân: Giáo họ Vân Tập có 851 nhân danh, chiếm tỉ lệ khoảng 45% dân cư thôn Vân Tập (năm 2021). Họ chủ yếu làm nông nghiệp và làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn.

Hội đoàn: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa Thương Xót, ban Caritas, Thiếu nhi Thánh Thể, huynh trưởng và giáo lý viên, 02 ca đoàn, đoàn kim nhạc và hội trống trắc.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1993 với kích thước: chiều dài 21m, chiều rộng 9,5m và chiều cao 5m. Nhà thờ có tháp chuông cao 21 mét, 01 quả chuông 100kg. Nhà thờ giáo họ Vân Tập nằm ở vị trí trung tâm thôn Vân Tập. Diện tích khuôn viên nhà thờ khoảng 1890m2.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển.

Theo cuốn “Lược sử giáo hạt Vĩnh Phúc”, năm 1912, có vài gia đình Công Giáo đến canh tác nông nghiệp cho điền chủ Nguyễn Đức Thiệp tại vùng đất xã Vân Hội ngày nay. Năm 1924, ông Thiệp nhượng lại 161 mẫu ruộng ấp Vân Hội cho Tòa Giám mục Bắc Ninh. Giáo phận giao đất cho nhà xứ Vĩnh Yên để giáo dân các nơi đến canh tác. Nhà chung thu một phần hoa lợi nhằm phục vụ nhu cầu giáo phận. Tòa Giám mục cử thầy trợ giảng Giuse Phán đến ấp Vân Hội để giúp giáo dân và quản lý hoa lợi. Từ năm 1925, có thêm nhiều gia đình Công giáo đến ấp Vân Hội định cư. Vì số giáo dân đông đúc, thầy già Phán cùng các cụ làm một ngôi nhà nguyện 4 gian bằng tre gỗ, tường đất và lợp mái dạ. Bề trên địa phận cho lập họ đạo gọi là họ Vân Tập.

Khoảng năm 1948 – 1949, quân đội Pháp trở lại chiếm đóng tỉnh Vĩnh Yên. Chúng tấn công, càn quét các vùng lân cận. Nhiều gia đình Công Giáo ở ấp Vân Tập phải sơ tán tới giáo họ Hoàng Xá, Duy Phiên, Đại Điền, Vĩnh Yên và An Định. Năm 1950, quân đội Pháp càn quét lần thứ hai trên đoạn đường từ Quán Tiên lên chợ Vàng. Ấp Vân Tập lập hội tề (cơ quan hành chính cấp xã hoặc làng do chính quyền Pháp lập ra) và có lính hương dũng (lính địa phương thời Pháp thuộc) bảo vệ làng. Từ đó, ấp Vân Tập có người bảo vệ, tổ chức đào hào xung quanh làng, cắm trông và trồng hàng rào ngăn chặn không cho người nơi khác vào làng. Thời thế thuận lợi, nhiều người thuộc ấp Vân Tập đi lánh nạn trở lại làng.

Năm 1951, hầu hết dân làng Vân Hội và xóm Giữa thuộc làng Duy Phiên theo đạo. Thời đó, cha Hiển và các thầy thường xuyên qua lại ấp Vân Tập, làng Vân Hội, Đông Đạo… để dạy giáo lý, kinh bổn và dâng lễ. Đời sống đức tin dân họ sầm uất. Tháng 10 năm 1953, quân đội Việt Minh phá bốt Tây ở núi Thứa và phá hội tề. Cả làng Vân Tập cháy hết. Nhà thờ cũng bị bom đạn tàn phá. Giáo dân một lần nữa phải di tản vào Vĩnh Yên và An Định.

Năm 1954, nhiều gia đình giáo họ Vân Tập từ Vĩnh Yên di cư vào Nam. Giáo họ còn khoảng 20 gia đình trở về quê hương sinh sống. Thầy già Phán cũng được trả tự do từ nơi quản thúc về làng. Trở lại quê hương, dân họ Vân Tập phải đối diện vô vàn khó khăn. Ai cũng bàng hoàng, đau xót trước cảnh làng quê hoang tàn, nhà thờ sụp đổ, nhà cửa xác xơ, anh em hàng xóm, người thân ly biệt, kẻ đi Nam, người ở lại… Chẳng ai biết phải bắt đầu từ đâu. Mọi người chỉ biết động viên lẫn nhau và cố gắng làm lại từ đầu. Thế là cùng nhau họ đóng góp để làm ngôi nhà nguyện tạm với tường đất và mái lợp lá mía. Không lâu sau, Thiên Chúa quan phòng đã phù hộ cho giáo họ làm xong nhà nguyện và làm ngôi nhà đơn sơ cho thầy già Phán. Từ đó, mọi người cùng nhau sống đức tin trong gia đình và sớm hôm đến với Chúa.

Năm 1955, cuộc cải cách ruộng đất diễn ra. Toàn bộ ruộng đất của nhà thờ bị tịch thu chia cho nông dân. Tình thế thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Đã có một thời hầu hết cả làng Vân Hội, làng Đông Đạo, xóm Giữa của Duy Phiên đón nhận đức tin, vậy mà trước cảnh khó khăn, mọi người bỏ giáo hồi lương. Chỉ còn lại một số gia đình ấp Vân Tập vẫn kiên trung giữ đạo.

Cuối năm 1958, sau cuộc cải cách ruộng đất, đất đai nhà thờ Vân Tập bị thu hẹp, ruộng vườn nhà thờ không còn, ảnh tượng vỡ nát. Trước tình cảnh đau xót đó, bà con họ Vân Tập hiệp lực xây ngôi nhà thờ mới lấy chỗ đọc kinh cầu nguyện. Mọi người đóng tiền mua vật liệu. Ngoài ra, ai tìm được vật liệu ở đâu thì gánh về. Có người lên gò đồi Nông giang, cùng Hoàng Lâu, gò Duy Phiên tìm bới cát sỏi và tập kết tại sân nhà thờ. Hơn nữa, nhà ai có cây gỗ, tranh tre đều chặt mang đến nhà thờ. Mọi người chỉ biết cố gắng hết mình, còn lại phó thác nơi Chúa. Qua bao gian lao, năm 1961, ngôi thánh đường được hoàn thành trong niềm vui khôn tả của bà con giáo dân. Ngôi thánh đường xây bằng tường gạch, kèo cột bằng gỗ soan và tre, mái lợp lá cọ với kích thước: chiều dài 17,5m và chiều rộng 6,5m. Trước cửa ngôi thánh đường có khắc 3 chữ Nho “Môn Thượng Thiên”, nghĩa là “Cửa Lên Trời”.

Trải qua 30 năm, ngôi nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Ngày 26/02/1993, dân họ chính thức đặt móng xây nhà thờ. Tháng 11 năm 1993, ngôi thánh đường được hoàn thành. Năm 1998, dân họ xây tháp chuông cao 21m và mua thêm 430m2 đất. Năm 2002, dân họ nâng cao nhà thờ lên 1 mét, thay hoành sắt, lợp mái tôn, làm gác hát và xây lát đường kiệu xung quanh nhà thờ. Năm 2003, dân họ xây ngôi nhà phòng 5 gian để làm phòng khách và nơi hội họp. Ngoài ra, giáo họ làm một lễ đài bên cạnh nhà phòng để phục vụ những dịp lễ lớn.

  1. Đời sống đức tin

Giáo họ Vân Tập từ ngày phôi thai tới nay đã trải qua hơn một thế kỷ. Qua bao biến cố thăng trầm, Vân Tập vẫn là giáo họ đông giáo dân nhất giáo xứ Vĩnh Yên. Giáo họ đóng góp cho Giáo Hội 01 linh mục, 02 chủng sinh và nhiều tu sĩ tu tập tại nhiều hội dòng như: Mến Thánh Giá Hưng Hóa, Phaolô Hà Nội, Phaolô Đà Nẵng và Hiệp hội Đức Maria Mẹ Sự Sống. Ước mong rằng, nhờ ơn Chúa và lòng nhiệt thành đạo đức của bà con giáo dân, giáo họ Vân Tập ngày càng thăng tiến và là điểm sáng của Tin Mừng nơi vùng đất huyện Tam Dương.

BTT Giáo Phận