Ly Hôn Không Phải Là Một Lựa Chọn
Tính đến khi viết bài này, vợ tôi, Jackie và tôi đã kết hôn được 8 năm, 7 tháng, 12 ngày, 20 giờ và 48 phút. Trước khi bạn vội khen sự chăm chú của tôi, hãy biết rằng tôi đã cài đặt một ứng dụng “đếm ngược” trên điện thoại của mình trước đám cưới của chúng tôi và sau đó tôi đã không bao giờ xóa nó. Giờ nó đếm ngược lại từ ngày cưới, nên trong khi tôi có thể khoe khoang về việc tôi chú ý đến ngày kỷ niệm của chúng tôi như thế nào thì cái máy đó làm điều đó cho tôi.
Việc áp dụng “chế độ lái tự động” cho một số thành phần trong cuộc sống của chúng ta là điều tốt, nhưng hôn nhân không phải là thứ bạn chỉ “gọi nó đến.” Giống như một con cá mập, một khi chúng ta trì trệ và ngừng tiến về phía trước, các mối quan hệ của chúng ta sẽ bắt đầu chết dần. Điều đó áp dụng cho cả tình bạn, đời sống cầu nguyện, và tất nhiên cả hôn nhân của chúng ta.
Nhưng điều đó chắc chắn dễ bị lãng quên. Khi nhiều nhu cầu về công việc, tài chính và con cái bắt đầu kéo chúng ta theo mọi hướng, “ơn gọi chính” của hôn nhân thường lùi ra sau. Đôi khi một mùa “bận rộn” không kết thúc (và nó sẽ không bao giờ kết thúc), và chúng ta quên mất phải nuôi dưỡng người mà đáng lẽ nên nhận được những thứ tốt nhất chứ không phải thức ăn thừa của chúng ta.
Vợ tôi thường khẳng định rằng “ly hôn không phải là một lựa chọn.” Cách diễn đạt như thế có lẽ truyền niềm tin cho bạn, độc giả thân mến. Hoặc nó có thể khiến bạn cảm thấy đó là suy nghĩ kỳ lạ, vô lý và mơ mộng. Nhiều người trong chúng ta bị tổn thương do ly hôn, từ việc chứng kiến chính cha mẹ chúng ta hay những người thân thiết với chúng ta. Thay vì mạo hiểm với kỳ vọng phi thực tế về một cuộc hôn nhân kéo dài cho đến khi “cái chết chia rẽ chúng ta”, chúng ta là một thế hệ thích tự bảo vệ bản thân hơn. “Nếu chúng ta sống với nhau thì sao? Như thế chúng ta có thể chơi trò hôn nhân, nhưng luôn dành một lối thoát” (chúng ta sẽ không bao giờ nói to phần thứ hai đó).
Tôi cho rằng sự do dự bước vào hôn nhân của một số người trong thế hệ của chúng ta thực sự là một dấu hiệu ngầm của sự tôn trọng đối với những yêu cầu cao cả của hôn nhân. Hôn nhân thực sự không phải là điều nên xem nhẹ, và những vết thương từ chính bản thân chúng ta do hôn nhân đổ vỡ hoặc nỗi sợ hãi về số liệu thống kê ly hôn có thể ngăn cản chúng ta trước khi chúng ta nghĩ tới chuyện kết hôn.
Nhưng bạn có thể thoát ra khỏi vòng tròn đó. Bạn không nhất thiết phải lặp lại những sai lầm tương tự của cha mẹ mình; bạn có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Là người Công giáo, chúng ta không chỉ “gồng mình” sống đời hôn nhân bằng chính sức mạnh và ý chí của bản thân – Hôn nhân là một bí tích, một dấu chỉ tình yêu của Chúa, và sức mạnh ân sủng của Ngài được trao cho mọi cuộc hôn nhân mỗi ngày. Chúng ta, những người được mời gọi tham gia sứ vụ cao cả này, phải nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi yêu thương đòi hỏi chúng ta. Mỗi ngày chúng ta có thể bắt đầu lại. Hơn thế, khi chúng ta mang những vết thương và những ham muốn vô độ của mình vào ánh sáng chữa lành của Chúa Kitô, cuối cùng chúng ta có thể bắt đầu hành trình hoàn thiện (trở nên thánh thiện) và trở thành những cặp vợ chồng thực sự tự do yêu thương.
Nếu bạn là một vận động viên, hãy xem xét tần suất chúng ta tự kỷ luật bản thân và không viện cớ: “Tôi sẽ không bỏ cuộc.” “Tôi sẽ hoàn thành thử thách 5 km này dù thế nào đi nữa.” “Tôi sẽ tập luyện để tôi cuối cùng có thể nâng mức tạ đáng gờm này.” Áp dụng cùng sự quyết tâm và tập trung mà bạn muốn trong nỗ lực của một vận động viên thể thao cho hôn nhân của mình. “Hôm nay tôi có thể cải thiện như thế nào? Làm thế nào tôi có thể làm tốt hơn ngày hôm qua một chút?”
Nếu bạn đã kết hôn, hãy kiểm tra bạn có thể đang trượt dài ở đâu trong mối quan hệ của mình.
- “Ngôn ngữ tình yêu” của vợ/chồng bạn là gì?
- Làm thế nào bạn có thể nỗ lực hơn để chú ý đến những gì họ cần hoặc trân quý?
- Lần cuối cùng bạn có một đêm hẹn hò đàng hoàng là khi nào?
- Lần cuối cùng hai người cầu nguyện cùng nhau là khi nào?
Đôi khi chúng ta cần sự giúp đỡ từ một người biết quan sát, huấn luyện viên hoặc một người bạn cùng chạy. Tuyệt vời! Chúng ta là những hữu thể có tính cộng đồng và không được sinh ra để chạy đường đua cuộc đời một mình. Trong cuộc hôn nhân của bạn, đừng ngại nhờ giúp đỡ – có rất nhiều nhà tư vấn, linh mục và những vị linh hướng, và các cặp vợ chồng dày kinh nghiệm đáng tin cậy ngoài kia sẽ vui vẻ đồng hành cùng bạn.
Cuối cùng, chúng ta hãy lấy ví dụ về lòng trung thành tuyệt đối này từ chính Chúa. Hết lần này đến lần khác, khi dân Israel quay sang các vị thần ngoại lai hoặc từ bỏ sự chiến đấu, Thiên Chúa luôn nhất quyết trung thành với giao ước Ngài đã lập. “Anh (em) phải biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.” (Đnl 7,9). Và chính Chúa Kitô, khi bị các môn đệ bỏ rơi, đã không do dự hiến dâng trọn vẹn chính mình trên thập giá và đã cứu chuộc tất cả chúng ta.
Jackie và tôi bắt đầu cuộc hôn nhân nhiều năm sau khi mỗi người chúng tôi trở lại đạo Công giáo và tìm hiểu lời dạy quan trọng của thánh Gioan Phaolô II về Thần học Thân xác. Đó là nền tảng may mắn để bắt đầu một mối quan hệ, nhưng cũng là một tiêu chuẩn cao để bắt đầu cuộc hôn nhân của chúng ta. Nhưng trong mỗi khoảnh khắc xung đột, trò chuyện, nước mắt và tiếng cười, Chúa đã ở trong hoàn cảnh đó với chúng ta, ngay cả khi chúng ta bị hất văng ra khỏi con tàu tự động. Con đường có thể trở nên gập ghềnh và bão tố có thể cuốn đi, nhưng việc bỏ cuộc không phải là một lựa chọn được bàn đến.
Nguồn: catholicexchange.com
Tác giả: Bobby Angel
Chuyển ngữ: Huyền Đào