Mac khải tên Thiên Chúa
Từ sâu thẳm mỗi con người đều có khát khao mong tìm kiếm Thiên Chúa, Ông Trời hay sự thiện toàn diện. Con người cố gắng tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của mình xuyên qua những biến cố, những điều lạ lùng hay cả trong những điều đơn giản thường nhật diễn ra trong cuộc sống nữa. Không những muốn thấy nhưng con người còn muốn tìm biết về Ngài khi luôn trao tặng cho Ngài những danh hiệu, và gắn cho Ngài những nhân đức cao cả mà mình có thể nói lên: nhân hậu, từ bi, thánh thiện, công bình, yêu thương…Con người cố gắng nhân hình hóa Thiên Chúa để tìm cách có thêm những hiểu biết và những cảm nghiệm về Ngài. Kinh Thánh Cựu ước trình bày cho ta về một Thiên Chúa không chỉ qua sự dò dẫm tìm kiếm của con người, nhưng những trình bày ấy còn nói về vị Thiên Chúa đã tỏ lộ chính mình hầu con người có thể nhận biết Ngài qua những dấu chỉ Ngài thực hiện trong đời sống của họ. Đỉnh cao của mạc khải trong Cựu ước xoay quanh biến cố Thiên Chúa cứu dân Is-ra-el ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh áp bức nô lệ. Họ không đi theo một vị lãnh đạo mù mờ, vô định nhưng theo một người được sai đến bởi vị thần linh vô hình, độc nhất. Đấng tỏ lộ cho họ tên và danh hiệu của Ngài. Mô-sê – vị ngôn sứ vĩ đại đã được biết tên của Thiên Chúa trong chính ơn gọi của mình. Thiên Chúa gọi ông đồng thời mạc khải cho ông tên của chính mình như một dấu chỉ và bảo đảm của một tình bằng hữu hay một mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Nhưng phải chăng khi Thiên Chúa nói về danh của Ngài là con người có thể biết hết về Thiên Chúa hay con người có thể nắm bắt Thiên Chúa như một hữu thể nào đó hiện tồn trong đời sống của họ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để đi vào ý nghĩa của việc Thiên Chúa tỏ lộ danh của Ngài cho con người chúng ta.
Văn hóa Á Châu nói chung luôn quan niệm tên mang một ý nghĩa gắn chặt với chính con người mang tên đó. Đồng thời việc kêu tên, đặt tên hay gọi tên cũng nói lên mối tương quan của hai bên đối với nhau sâu sắc đến mức nào. Việc A-dam đặt tên cho muôn loài thọ tạo không chỉ thể hiện quyền làm chủ trên muôn loài nhưng còn là tình yêu của ông dành cho mọi loài thọ tạo Thiên Chúa trao phó cho mình. Ab-ram được Thiên Chúa đổi tên thành Ab-ra-ham nói lên một giao ước được ký kết, tình yêu thương và sự sở hữu của Thiên Chúa trên con người; nhưng hơn thế nữa việc đổi tên này nói lên việc sinh hạ của Thiên Chúa nơi giống nòi được tuyển chọn. Bởi đó, cái tên được gắn bó với chính con người và sứ vụ của con người được trao phó. Khi Thiên Chúa mạc khải tên của Ngài là Ya-veh chắc hẳn cũng có ý nghĩa và muốn mời gọi con người đi vào một mối tương quan mới với Ngài.
Yahveh có nghĩa: Ta là Đấng Hiện Hữu, Hằng Hữu. Như thế Thiên Chúa nói cho ta biết về mình như một Đấng tự mình mà có và không phải chịu sự tạo dựng của bất cứ ai. Nói cách khác, Thiên Chúa mạc khải về mình là Đấng tự mình mà có và hiện hữu tự mình mà không phụ thuộc vào bất cứ hữu thể nào khác. Bởi nếu sự hiện hữu của Ngài phải phụ thuộc vào sự hiện hữu nào đó bên ngoài chứng tỏ sự hiện hữu đó chưa toàn hảo hay không phải là hiện hữu mà là một thứ phụ thuộc hoặc bản chất được dựng nên bởi một hữu thể khác. Nhưng Thiên Chúa đã mạc khải về mình là Tự Hữu, bởi đó sự hiện hữu của Ngài là toàn vẹn, tròn đầy; hơn thế nữa, tính Hiện Hữu của Ngài cũng nói về việc siêu vượt trên thời gian hay thường hằng. Thiên Chúa hiện hữu bên ngoài thời gian hay nói khác đi thời gian không thể chi phối trên Ngài, bởi đó đối với Thiên Chúa không có quá khứ cũng không có tương lai nhưng luôn là hiện tại, là lúc này, là hôm nay. Thời gian tính bị loại khỏi bản chất của Thiên Chúa. Con người là hữu thể bị chi phối bởi thời gian, chúng ta không thể nói về điều gì mà không đặt trong một thời gian, một thời điểm nào đó. Bởi vậy, chúng ta không hiểu được việc Thiên Chúa đứng bên ngoài thời gian. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói: “Ta là Thiên Chúa của Ab-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ac, Thiên Chúa của Gia-cop” (Xh 3,6), là Thiên Chúa của cha ông dân tộc Do Thái. Mọi người, mọi thời đã trôi qua nhưng Thiên Chúa vẫn là Ngài mà thôi. Bởi đó, Thiên Chúa vẫn hiện diện và tồn tại cho dù ở thời đại nào và ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào. “Ta là Đấng hiện hữu”, điều này cũng nói đến việc lịch sử loài người sẽ quy hướng về Ngài. Cũng như con người bắt đầu lịch sử khởi đi từ chính Thiên Chúa với con người đầu tiên là A-dam, với cộng đoàn hai người đầu tiên trong vườn địa đàng để rồi lịch sử ấy cũng sẽ quy hướng về chính Thiên Chúa – Đấng Hằng Hữu. Sự hằng hữu được nói đến như một sự bất biến đổi, không thay đổi qua mọi thời đại như một sự viên mãn trọn vẹn. Bởi chưng, mọi vật chất, mọi thực tại biến đổi vì trong chính nó còn có những biến động, bất ổn và mâu thuẫn. Thiên Chúa không biến đổi vì chính Ngài đã là Hữu Thể Viên Mãn tự bản chất của mình.
Khi mạc khải mình với một cái tên như bao hữu thể mà con người có thể nhận biết, Thiên Chúa cũng mạc khải về Ngài cách rõ ràng khi muốn nói về mình như một nhận vị hiện hữu. Bởi đó, con người tôn thờ Thiên Chúa như một nhân vị có nghĩa chúng ta cầu nguyện với một ai đó, với một Đấng có thể lắng nghe, có thể nhìn thấy và đáp trả những cảnh huống trong đời sống con người. Hơn thế nữa, Đấng đó cũng là Đấng sẽ trả lời và ở cùng chúng ta trong suốt đời sống của mình. Thiên Chúa nói: “Ta” Thiên Chúa vẫn là một ngôi vị hiện hữu không chỉ như một hữu thể tồn tại trong thế giới, nhưng còn hiện hữu sống động và một nhân vị xác định để Ngài có thể nói với ta và ta có thể nói với Ngài. Việc Thiên Chúa phán thể hiện hành động đối thoại của Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa không phải là một ai đó câm lặng nhưng là một Thiên Chúa luôn đối thoại qua lại và là Đấng nói với con người.
Thiên Chúa phán: “Ta là Yaveh – Ta là Đấng Ta Là” một mạc khải gần như vô nghĩa bởi chưng trong lời mạc khải; Thiên Chúa không nói thêm cho ta biết về Ngài cũng như những phẩm tính của Ngài. Ngài nói Ngài là chính Ngài mà không phải là một ai khác hay là bất cứ một thần linh nào khác, Ngài là Ngài và chỉ là Ngài mà thôi. Bởi đó, mạc khải này cũng chính là một lời cảnh báo cho con người chúng ta dù trong thời đại nào. Thiên Chúa là Thiên Chúa chứ không là một thần nào khác, điều này nhắc nhở chúng ta phải luôn ở trong tình trạng thức tỉnh chính mình để nhìn lại vị Thiên Chúa mình đang tôn thờ là ai hay chúng ta đang tôn thờ thần khác hoặc giả là chính mình; có thể là vị thần nào nơi một tôn giáo khác nhưng cũng có thể là một thực tại nào đó trong cuộc sống hưởng thụ hôm nay như: tiền bạc, khoái lạc, nhục dục hay những nhu cầu sa hoa trong cuộc sống thực dụng này. Bởi đó, lời mạc khải “Ta là Ta” nhắc nhở mỗi con người chúng ta cần nhìn lại mình và tìm lại vị Thiên Chúa được tôn thờ trong tâm hồn của mình để từng ngày chúng ta thanh lọc chính niềm tin của chúng ta nơi một Thiên Chúa hiện diện. Bên cạnh đó, Ta là Đấng Ta là cũng nói về vị Thiên Chúa tự Ngài vượt quá mọi hình dung và định nghĩa của con người. Thiên Chúa không thể bị định nghĩa vì khi ta định nghĩa Ngài chính là lúc chúng ta giới hạn Ngài nơi những ngôn từ nhỏ hẹp của chúng ta. Hơn thế nữa, trí khôn con người không thể nào nắm bắt Ngài mà Ngài vẫn luôn là một huyền nhiệm không thể nào mô tả: Ta là Đấng Ta là. Thiên Chúa là Thiên Chúa và Ngài không thể bị nắm bắt hay con người không thể nào hiểu biết hết về Ngài.
Thiên Chúa đã mạc khải cho con người như dấu chỉ tình yêu của Ngài, việc mạc khải này cũng là lời mời gọi con người đi vào trong mối tương quan mới với Ngài; đồng thời cũng là lời thúc bách con người xét mình về vị Thiên Chúa chúng ta đang tôn thờ. Thiên Chúa luôn hiện diện trong đời sống chúng ta qua những hành động của Ngài. Mỗi ngày Thiên Chúa vẫn tỏ lộ cho chúng ta biết về Ngài và chúng ta cần tìm cách nhận ra Ngài qua những dấu chỉ ấy; như Công Đồng Va-ti-ca-no II nói về việc chúng ta cần biết đọc những dấu chỉ thời đại để có thể nhận biết Thiên Chúa đang ở với chúng ta.
Mục Đồng Nguyễn