Giáo xứ Lai Tê : câu chuyện dài của Tin Mừng được viết bằng máu, nước mắt, và đức tin sáng ngời
I. MỞ ĐẦU
Giữa lòng miền quê yên bình của Giáo phận Bắc Ninh, có một miền đất linh thiêng mang tên Giáo xứ Lai Tê – nơi lưu dấu bao trang sử hào hùng của đức tin kiên vững, nơi máu các vị tử đạo đã thấm vào lòng đất mẹ, tưới mát và nuôi dưỡng một cộng đoàn đức tin son sắt trải qua gần hai thế kỷ.
Hôm nay, xin mời quý vị cùng trở về với Lai Tê – về bên ngôi thánh đường cổ kính, lắng nghe tiếng vọng của quá khứ, chiêm ngưỡng những chứng tích thiêng liêng, để cảm nhận sâu xa một thời sống đạo anh dũng vẫn đang âm thầm lan tỏa trong từng nhịp sống nơi đây.
III. NỘI DUNG
- KIẾN TRÚC NGÔI THÁNH ĐƯỜNG LAI TÊ
Trải qua biết bao biến thiên của thời cuộc, Giáo xứ Lai Tê đã từng bước xây dựng bốn ngôi thánh đường, song song với sự lớn mạnh của cộng đoàn Kitô hữu. Ba nhà thờ đầu tiên được dựng nên tại vị trí nhà xứ hiện nay. Và dấu ấn còn lưu lại rõ nét nhất chính là công trình nhà thờ thứ tư – ngôi thánh đường hiện tại, được khởi công từ năm 1828 và hoàn thành sau ba năm xây dựng.
Dưới bàn tay tài hoa của cụ Lý Đức Thân – vị kiến trúc sư trưởng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, được đào tạo tại Pháp – nhà thờ được xây nên bằng gạch đỏ nung, kết hợp hoa văn tinh xảo từ vôi vữa ba ta hòa quyện vôi cát và mật mía. Những ngày tháng đó, từng đoàn giáo dân đông đảo đã hăng say góp công, dâng sức. Sự đồng lòng ấy đã dựng nên một kiệt tác thiêng liêng giữa lòng quê Kinh Bắc trù phú, nơi những cánh đồng lúa trải dài xanh mướt và những dòng sông uốn lượn hiền hòa.
Bên ngoài thánh đường, hai hồ nước lớn nằm đối xứng trước và sau nhà thờ như hai tấm gương lặng, soi bóng dáng uy nghi của ngôi nhà Chúa, kết hợp với hàng cây xanh mát, tạo nên không gian thanh bình, nơi tâm hồn người tín hữu có thể lắng đọng trước khi bước vào cuộc gặp gỡ nhiệm mầu với Thiên Chúa.
Điều làm nên nét riêng của thánh đường Lai Tê nằm ở sự hòa quyện tinh tế giữa nghệ thuật phương Tây và nét đẹp văn hóa truyền thống của phương Đông, cụ thể là vùng Kinh Bắc.
Từ tổng thể, ta dễ dàng nhận ra rằng, nhà thờ được thiết kế chủ đạo theo phong cách Gothic kết hợp kiến trúc Roman thời Trung cổ – ngôi thánh đường Lai Tê mang trong mình những đường nét đặc trưng của sự vươn cao không ngừng, như chính khát vọng vĩnh cửu của con người hướng về Thiên Chúa.
Nhìn kỹ từng đường nét trang trí, ta bắt gặp hình ảnh những hoa văn lá đề, dây hoa, hình mây nước mềm mại được chạm khắc công phu trên các phào, chỉ, cổ trần và đầu cột. Kết hợp khéo léo bên cạnh những khung cửa nửa tròn, ô voan, chóp nhọn cao vút và đường cột vững trãi.
Bước tới gần mặt tiền nhà thờ, trước mắt mở ra một khối kiến trúc cân đối, uy nghi mà thanh thoát. Mặt tiền nhà thờ mang đậm dấu ấn Gothic với những mái vòm nhọn hướng thẳng lên trời xanh, những hàng cột trụ nổi, những khung cửa giả đan xen lớn nhỏ, tạo nên nhịp điệu hài hòa giữa sự vững chãi của đất và sự bay bổng của trời.
Nổi bật giữa không gian là ngọn tháp chuông cao vút 37 mét, sừng sững hiên ngang như ngón tay trỏ vươn lên trời cao, nhắc nhớ mỗi người tín hữu về hành trình tìm kiếm ánh sáng thiêng liêng chỉ có nơi Thiên Chúa.
Trên đỉnh tháp, Thánh Giá được đặt trang trọng. Bốn cầu mây uốn lượn mang đậm văn hóa Kinh Bắc kết hợp khéo léo thành khung đỡ cho thánh giá trên ngọn tháp. Tạo cảm giác vươn cao, thánh thiêng như một dấu ấn trường tồn của niềm tin sắt son nơi cộng đoàn tín hữu Lai Tê.
Bên trong ngọn tháp, có treo 2 quả chuông tây, quả chuông nhỏ được đúc năm 1924 tại Pháp, dùng đánh thường ngày; quả chuông lớn chừng hai tạ được đúc sau này. Tiếng chuông ngân vang nhịp nhàng và đều đặn hàng ngày đã trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sống của người nông dân trong vùng.
Nhà thờ Lai Tê có 4 mái, 2 mái thượng, và 2 mái hạ. Lớp mái ngói đỏ au, xếp đều đặn, càng làm nổi bật thêm vẻ đẹp của ngôi nhà thờ qua hơn trăm năm lịch sử.
Trên cửa chính, tượng Chúa Kitô Vua với vòng tay rộng mở như đón chào từng người tiến bước vào ngôi nhà của Thiên Chúa, đồng thời cũng như bao bọc, chở che, và tuôn đổ ân phúc cho đoàn con nơi miền quê nhỏ bé này.
Phần nền móng của nhà thờ, được xây dựng bởi những khối đá ong vững chắc và bền bỉ, đủ sức chống đỡ cho khối lượng khổng lồ các hạng mục phía trên của công trình.
Nhìn từ bên ngoài, 2 bên sườn nhà thờ, rất nhiều cửa sổ lớn. xếp liên tiếp dưới phần mái thượng và mái hạ của, chúng ta có thể thấy sự kết hợp độc đáo nhưng rất hài hòa của kiến trúc Roman đặc trưng bởi các vòm nửa hình tròn và Gothic với mái vòm nhọn đặc thù.
Bên trong thánh đường, không gian rộng lớn mở ra. Với vòm nhà thờ cao vút, nổi bật với nhiều đường chỉ lớn nhỏ mềm mại, uyển chuyển. Nhiều họa tiết hoa văn mang văn hóa miền Kinh Bắc, được đắp nổi trên những đầu cột, cổ trần và xà lớn, tạo cảm giác gần gũi, nhưng vẫn đậm nét thánh thiêng của một công trình tôn giáo.
Hai hàng cột lớn, kết hợp với 2 hàng cột nhỏ hơn thiết kế âm tường, đứng sừng sững, thẳng tắp, nâng đỡ toàn bộ mái nhà thờ, gợi lên hình ảnh một cộng đoàn đức tin hiệp nhất, luôn sát cánh bên nhau để vượt qua bao thử thách thời cuộc.
Ánh sáng từ những ô cửa kính màu cao vút tỏa xuống nền nhà mát lạnh, soi chiếu cả không gian thánh thiêng. Vừa mang vẻ cũ kỹ, trầm mặc nhưng vẫn giữ nét sống động, nổi bật trên nền sơn bạc màu.
Giảng đài cổ, với nhiều hoa văn uyển chuyển được đắp nổi cầu kỳ, đẹp mắt. Cầu thang uốn quanh cột lớn, có kết cấu uyển chuyển, vẫn lặng lẽ hiện diện như một nhân chứng sống động cho hành trình truyền giáo và đón nhận đước tin trên mảnh đất này.
Trên gian thánh, cả thảy trong nhà thờ có 7 bức tượng. tất cả các tượng trong nhà thờ đều được đắp trực tiếp, 7 tượng này gắn liền với các bức vách của nhà thờ. Bức tượng chính giữa là tượng Nữ Vương. Bên trái tượng Nữ Vương là tượng Thánh Nữ Cartarina và Thánh Nữ Têrêsa. Bên phải tượng Nữ Vương là Thánh Đaminh và thánh Anna. Tòa cạnh bên trái theo hướng nhìn từ cuối nhà thờ là Thánh Giuse; còn tòa cạnh bên phải theo hướng nhìn từ cuối nhà thờ lên là Thánh Phanxicô Xaviê quan thầy.
Nổi bật nơi gian thánh, dưới chân tượng Đức Maria Nữ Vương, là nơi lưu giữ các thánh tích quý báu của ba vị linh mục dòng Đaminh tử đạo: thánh Gieronimo Liêm, thánh Valentico Vinh và thánh Phê-rô Bình.
2. CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ CHỨNG TÍCH ĐỨC TIN
Cộng đoàn Kitô hữu Lai Tê được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XVIII, sớm trở thành mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin Mừng trổ sinh. Vào thời vua Minh Mạng, khi cơn bách hại đạo Công giáo lên tới đỉnh điểm, chính mảnh đất này đã trở thành nơi ghi dấu bước chân của các chứng nhân anh dũng.
Bước chân vào khuôn viên thánh đường Lai Tê là bước vào một bảo chứng sống động của lịch sử đức tin, nơi từng viên đá, từng chiếc cột đều như thấm đẫm dấu tích của những tháng ngày gian khó mà kiên cường trong niềm tin Kitô giáo của các thế hệ cha ông.
Trước hết, phải kể đến di tích thiêng liêng nhất của giáo xứ: di cốt Cha Thánh Đaminh Cẩm, một linh mục thánh thiện dòng Đaminh, là người con của giáo xứ này. Trong những năm tháng đầy hiểm nguy dưới thời bách hại, ngài đã âm thầm chăm sóc đời sống thiêng liêng cho đoàn chiên Chúa, thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trong hiểm nguy và thầm lặng. Khi bị bắt và lãnh án tử tại Hưng Yên năm 1859, Cha Cẩm đã để lại cho mảnh đất quê hương Lai Tê không chỉ là tấm gương của vị mục tử hết lòng vì đoàn chiên, mà còn chính thân xác mình như hạt lúa gieo vào lòng đất mẹ.
Ngày nay, di cốt của ngài được an vị ngay dưới bàn thờ chính – nơi cao quý nhất trong thánh đường, để từ đó, mọi Thánh lễ được cử hành như nối dài hy tế của ngài trên bàn thờ xưa.
Năm 2015, cha xứ Đaminh Nguyễn Xuân Hùng và bà con giáo dân đã xây dựng và khánh thành Đền Thánh Đaminh Cẩm trong khuôn viên giáo xứ. Nhằm kính nhớ, tri ân và cổ võ đời sống đức tin nơi con dân xứ Lai Tê.
Cùng với đó, giáo xứ còn lưu giữ thi hài của 16 vị chứng nhân đức tin, là những giáo dân kiên trung của chính xứ Lai Tê, đã hiến mạng sống mình trong cơn bách hại thời vua Minh Mạng. Những vị anh hùng đức tin này đã bị bắt và kết án tử bằng hình thức chôn sống đầy bi thương tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 4.4.1862. Họ được gọi bằng danh xưng trìu mến là “16 đầu mục tử đạo” – những người lãnh đạo đời sống đức tin trong cộng đoàn lúc bấy giờ, đại diện cho tinh thần đức tin kiên trung của cả một thế hệ tín hữu Lai Tê.
Phần mộ 16 hiền phúc tử đạo được đặt ngay phía trước gian cung thánh, xếp theo chiều ngang từ trái qua. Phía trên phần mộ từng vị được đánh dấu và có thích chữ để ghi nhớ. Các ngài được và tôn kính trong lòng ngôi thánh đường này như những hạt giống đầu mùa đã nảy mầm và làm trổ sinh hoa trái đức tin cho bao thế hệ kế tiếp.
Bên cạnh các di hài linh thiêng ấy, thánh đường Lai Tê còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử quý giá khác. Nổi bật giữa gian chính của nhà thờ là giảng đài cổ kính, nơi các mục tử khi xưa đã công bố Lời Chúa và giảng dạy giáo lý cho cộng đoàn. Giảng đài ấy không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mắt, với các đường nét chạm trổ tỉ mỉ, mà còn là biểu tượng của sứ vụ Lời, nhắc nhớ về những tháng ngày huy hoàng. Hạt giống Lời được lớn lên và trổ sinh trong đời sống đức tin của con dân Lai Tê.
Không thể không nhắc đến hệ thống hầm trú ẩn được xây dựng ngay trong khuôn viên nhà xứ. Đây từng là nơi ẩn náu an toàn cho các linh mục, và các tín hữu trong thời kỳ Giáo Hội bị cấm cách. Trong bóng tối của lòng đất, đức tin kiên trung được nuôi dưỡng và truyền lại như ngọn lửa âm ỉ cháy không bao giờ tắt, bất chấp bão giông thời cuộc.
Ngoài ra, trong phòng truyền thống của giáo xứ, còn lưu giữ nhiều đồ thánh cổ kính đã từng phục vụ qua biết bao thế hệ mục tử. Những chiếc chén lễ, bình thánh, hay áo lễ bạc màu thời gian chính là những chứng nhân vật thể, kể lại câu chuyện không lời về lòng đạo đức và sự hy sinh bền bỉ của các vị vục tử và tín hữu nơi đây.
Cùng với đó, giáo xứ vẫn lưu giữ pho tượng Chịu Nạn cổ kính, gắn liền với những sinh hoạt sầm uất một thời của giáo xứ lai tê những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tượng có kích thước bằng người thật với đường nét sống động, uy nghiêm. Đây là báu vật mang tính biểu tượng cho lòng mộ mến và đức tin son sắt của các Kitô hữu Lai Tê.
Được đặt trang trọng trong tủ kính phía bên trái khi bước vào phòng truyền thống, chúng ta có thể nhìn thấy những chiếc hộp bên trong có đựng đoạn xích mà vua quan đã dùng để xích thánh Cẩm. Ngoài ra, tín hữu nơi đây còn giữ lại được mảnh khăn tẩm xương thánh của ngài trong ngày cải táng. Và còn viên gạch cổ dùng để xây mộ của ngài khi chịu phúc tử đạo. Cuối cùng là tài liệu chép tay về người con quê hương đã chịu chết vì đạo Chúa.
Nơi đây còn bảo tồn được lá cờ cổ của phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể, tiền thân của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể hiện nay. Lá cờ ấy, có từ những năm đầu thế kỷ XX, là minh chứng sống động cho một trong những xứ đoàn TNTT có mặt sớm nhất trong giáo phận. Ngoài ra còn có lá cờ của Đoàn Kim Nhạc từ năm 1918. Và rất nhiều kèn tây, với nhiều kích thước được các cha cố trang bị cho đoàn.
Qua hình ảnh của những lá cờ cũ kỹ đó, chúng ta thấy được tinh thần đạo đức và lòng nhiệt thành truyền giáo của các thế hệ Lai Tê. Từ thuở hồng hoang của phong trào trong giáo phận, và sinh hoạt của các đoàn hội. cho thấy giáo xứ đã sớm biết chăm lo đến việc đào tạo đức tin cho các thế hệ trẻ và tổ chức sinh hoạt các đoàn hội cách sống động.
Bên cạnh phong trào nghĩa binh thánh thể, trong tài liệu ghi chép và ký ức của các bậc cao niên trong xứ, thời kỳ đó, giáo xứ Lai Tê còn tổ chức rất nhiều các đoàn hội như: Đoàn kèn đồng, Đoàn Trống Trắc, Dòng Ba Dominhgo, Nam Thanh Lao Công Giáo Hội, Hội Cầu Nguyện Bà Thánh Têrêsa và nhiều đoàn hội khác nữa… tất cả đã nói lên một thời kỳ vàng son của giáo xứ.
Như thế, những chứng tích ấy, từ hài cốt các thánh tử đạo, giảng đài, hầm trú ẩn, những đồ thánh xưa cũ, pho tượng cổ, cho đến lá cờ nhuốm màu thời gian… đều hòa quyện lại, kể nên câu chuyện linh thiêng về một cộng đoàn trung kiên trong đức tin, biết gìn giữ và trân trọng gia sản quý báu mà cha ông để lại. Để rồi, từ quá khứ huy hoàng ấy, Lai Tê hôm nay vẫn tiếp tục sứ mạng truyền trao đức tin và hy vọng đến cho muôn đời sau.
3. ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN VÀ SỨ MẠNG HÔM NAY
Trải dài hơn hai thế kỷ hình thành và phát triển, mảnh đất này hoa trái đức tin vẫn trổ sinh. Lai Tê đã dâng tặng cho Giáo Hội nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ để dấn thân trong cánh đồng truyền giáo.
Nơi thánh đường cổ, vẫn rộn ràng những giờ kinh sớm tối, những Thánh lễ trang nghiêm, sốt sắng, những sinh hoạt mục vụ sôi động của các hội đoàn – tất cả như tiếp nối dòng chảy thiêng liêng từ quá khứ đến hiện tại.
III. KẾT LUẬN
Lai Tê – mảnh đất thấm đẫm máu các thánh tử đạo, mảnh đất của lòng trung kiên và tình yêu bất diệt với Đức Kitô. Ngôi thánh đường này, những chứng tích lịch sử này, và chính cộng đoàn đức tin nơi đây – tất cả đang kể tiếp một câu chuyện dài của Tin Mừng được viết bằng máu, bằng nước mắt, nhưng trên hết là bằng niềm hy vọng sáng ngời.
Xin cho hành trình về Lai Tê hôm nay không chỉ là một chuyến đi tìm về cội nguồn, mà còn là lời mời gọi mỗi chúng ta biết sống xứng đáng với gia sản đức tin cao quý của cha ông, để nơi mỗi người, ánh sáng Tin Mừng tiếp tục tỏa rạng giữa lòng thế giới.
An Bình
Tài liệu tham khảo:
- Luận văn cha Hoàng Trọng Hữu, 2018
- Giáo phận Bắc Ninh – Đinh Đồng Phương, 1993
- Lược sử Giáo xứ Phú Mỹ – Hình thành và phát triển
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ki%E1%BA%BFn_tr%C3%BAc_Romanesque
- https://akisa.vn/kien-truc-gothic-va-roman.html
- https://youtu.be/2yxnKI6jaOI