Những chất liệu dùng trong bí tích Rửa tội

NHỮNG CHẤT LIỆU DÙNG TRONG BÍ TÍCH RỬA TỘI

Phép Rửa hay bí tích Thánh Tẩy Ki-tô giáo được biết đến không chỉ là một nghi thức gia nhập Giáo hội, nhưng còn truyền tải ân sủng của Thiên Chúa cho con người cách hữu hiệu nhất. Trong bảy bí tích của Giáo hội được biết đến, bí tích Rửa tội có một vị thế đặc biệt như cổng ngõ để đến với Giáo hội và là điều kiện cần thiết để lãnh nhận các bí tích khác trong Hội Thánh ấy. Phép Rửa đem đến cho người lãnh thụ những ân sủng đặc biệt:

* Được sạch tội tổ tông truyền và các tội riêng

* Được trở nên con cái Giáo hội

* Được trở thành con cái Thiên Chúa

* Được tháp nhập vào cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa Ki-tô

(Ngoài ra còn có những ân sủng khác mà người viết không đề cập trong bài viết nhỏ này)

Như thế, nhờ việc tham gia vào một nghi lễ đặc biệt, nhờ đức tin của mình và của cộng đoàn hiện diện, người lĩnh thụ được tiếp nhận những điều mà mọi ki-tô hữu đều được tháp nhập, sống và lãnh nhận trong cuộc đời của mình. Mọi bí tích luôn đòi buộc những dấu chỉ hữu hình, vì chưng con người nhờ các dấu chỉ hữu hình đó mà cảm nhận những ân sủng được trao ban cho mình và thông truyền nhờ bí tích. Phép Rửa tội cũng bao gồm yếu tố chất thể là những lời đọc và những dấu chỉ hữu hình. Trong bài này, chúng ta không trình bày về ý nghĩa của các lời đọc, nhưng chúng ta chỉ nói về ý nghĩa của các chất thể vật chất trong bí tích Rửa tội như nước, dầu, khăn (áo) trắng, nến cháy nhằm nói lên ý nghĩa của nó trong việc cử hành.

  1. Nước

Trước hết chúng ta nói về yếu tố nước trong bí tích Rửa tội, vì việc dội nước trên đầu người lĩnh thụ như là nghi thức chính yếu không thể thiếu trong việc làm thành bí tích Rửa tội, bởi thế nước là một yếu tố cần thiết để làm thành bí tích này. Nước được sử dụng trong bí tích Rửa tội đòi buộc phải là nước tự nhiên không pha chế (điều này bác bỏ việc sử dụng những hợp chất hóa học như bia, rượu hay những loại nước có tạp chất khác trong phép Rửa tội). Chính vì thế, nước được dùng tự nó mang một ý nghĩa của sự tinh tuyền và sạch sẽ hầu có thể chu toàn chức năng và xứng hợp trong một bí tích được chính Thiên Chúa thiết lập. Khi vị thừa tác viên đổ nước trên đầu người lĩnh thụ, họ không chỉ nhận nước như một dấu chỉ đơn thuần với chức năng của nó, nhưng còn là đổ nước với trọn vẹn ý nghĩa và lịch sử cứu độ mà yếu tố nước đã tham dự trong dòng lịch sử mà Thiên Chúa tác động trên dân Ngài. Nói cách khác, nước Rửa tội mang trọn vẹn ý nghĩa trong toàn bộ chiều dài lịch sử cứu độ và với toàn bộ truyền thống của nó trong đời sống con người.

Sách Sáng thế, trong trình thuật tạo dựng nói về việc Chúa Thánh Thần như Thần Khí bay là là trên mặt nước. Như vậy, nước đã có mặt ngay trong thuở sáng tạo vạn vật lúc ban đầu. Cùng thể thức ấy, nước trong bí tích Rửa tội cũng mang trong mình ý nghĩa của sáng tạo hay tạo dựng. Nhưng tạo dựng ở đây không phải là làm cho người lãnh thụ một thể xác mới, nhưng là hành động tạo dựng con người mới hay hành vi tái tạo của Thiên Chúa. Người được Rửa tội được trở thành một tạo vật mới, không chỉ sống con người cũ với thân xác không biến đổi nhưng sống với một ý thức mới của một con người mới với những thói quen (nhân đức) mới, với một niềm tin mới, một đời sống mới trong Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa. Nước sáng tạo cũng là nước của sự sống. Bởi con người không thể sống mà thiếu yếu tố nước trong đời sống mình. Cựu ước nói về nước chảy từ hai dòng sông trong vườn địa đàng đã nuôi sống mọi loài trong vườn, đồng thời trong những năm dài sa mạc, dân Is-ra-el đã uống nước từ tảng đá để đem lại sự sống cho mình. Chính vì thế, việc đổ nước trên đầu người lĩnh thụ thì yếu tố nước cũng biểu chưng cho việc đem lại sự sống cho con người trong bí tích Rửa tội như vậy. Bởi nước tuy chỉ dội trên đầu nhưng được thấm nhiễm vào da đầu (hoặc phần da khác của cơ thể khi việc đổ nước là bất tiện) vẫn là nước ban sự sống cho con người ấy. Với việc đổ nước, người lĩnh thụ được sống nhờ một thứ nước hằng sống. Bên bờ giếng Gia-cop, Đức Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri về chính Ngài là nước hằng sống, một thứ nước mà khi uống sẽ không bao giờ khát nữa. Chính vì vậy, nước trong bí tích Rửa tội cùng với việc tháp nhập con người vào trong Hội Thánh cũng làm cho con người đó được tràn đầy Đức Ki-tô trong mình và trở thành một ki-tô hữu – thuộc về Đức Ki-tô. Họ không chỉ uống nước nhưng là uống chính Đức Ki-tô vào trong cuộc đời của mình và để Ngài trở thành nguồn nước không bao giờ cạn trong chính tâm hồn của họ, họ sẽ không những không khát nữa nhưng còn có thể thông truyền nước ấy cho những người đang khát khác.

Bên cạnh đó, nước cũng có tác dụng để rửa sạch nhưng đồng thời cũng có sức mạnh để hủy diệt, để phá hủy nữa. Kinh Thánh cho ta biết về trận đại hồng thủy với sức mạnh hủy diệt toàn thế giới. Khi Thiên Chúa nhìn xuống trần thế tràn ngập tội lỗi và bất công, thấy nơi con người những nhơ uế và cần được thanh lọc lại. Ngài tìm trên mặt đất gia đình Nô-ê người công chính để duy trì hình bóng con người và vạn vật nơi trần thế. Thiên Chúa khiến nước bao trùm toàn mặt đất để phá hủy, để tiêu diệt tội lỗi đang lan tràn mặt đất. Chính vì thế nước đã quét sạch một thế hệ tội lỗi nơi trần thế. Phá hủy nhưng cũng chính là tẩy rửa cho trong sạch, và Thiên Chúa hứa với con người sẽ không còn nạn hồng thủy như vậy nữa. Hình ảnh tội được quét sạch khỏi trần thế bởi nước và làm nảy sinh một thế hệ loài người mới từ một gia đình được tuyển chọn. Cũng vậy khi truyền thống dân Do Thái đòi buộc mọi người phải rửa tay trước khi ăn, rửa sạch thức ăn và tẩy rửa con người sau khi đi đường. Truyền thống ấy bắt nguồn từ việc người Do Thái sống giữa dân ngoại và những người tội lỗi, bởi đó họ muốn dùng nước để gột rửa, thanh tẩy mọi uế tạp trong con người để có thể nên trong sạch và giữ được sự tinh tuyền của con người mình trong một dân tộc tuyển chọn. Do đó, khi vị giáo sĩ đổ nước trên đầu người lĩnh thụ thì nước ấy cũng mang ý nghĩa để thanh tẩy khỏi những nhơ uế của tội lỗi và phá hủy con người cũ nơi mình. Nước sẽ nhấn chìm con người tội lỗi của ta chết đi và đưa lên khỏi nước là con người mới của sự trong sạch, đồng thời cho con người sạch khỏi những nhơ bẩn của tội. Khi được rửa sạch trong nước Rửa tội như thế, người lĩnh thụ cũng cần ý thức được con người mình sau khi Rửa tội đã được gột rửa và biến đổi chính mình. Bởi thế họ cần ý thức giữ gìn chính mình trong sự trong sạch nơi xã hội tục hóa mình đang sống.

Truyền thống Thánh Kinh cho ta thấy nước còn mang yếu tố hành động của đức tin nơi con người. Ông Na-a-man – tướng quân đội của vua A-ram nói đúng khi cho rằng “nước các sông A-va-na và Pac-pa ở Da-mat chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Is-ra-el sao?” (2V 5,12). Nhưng hành động xuống tắm trong dòng sông Gio-dan không chỉ để gột rửa nhưng là hành động của niềm tin, của một lệnh truyền; hay truyện phó tế Phi-lip-phê Rửa tội cho viên quan thái giám: “sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?” (Cv 8,36) thì nước đó cũng ý nghĩa hành động của sự ước muốn, một ước ao được rửa để có thể xác quyết niềm tin của mình: “Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa” (Cv 8,37). Như vậy, nước và hành động rửa trong nước là hành động của niềm tin, và lòng ước muốn có được hầu thể hiện niềm tin của mình. Bởi đó, nước đổ trên đầu người lĩnh thụ trong bí tích Rửa tội cũng là hành động của niềm tin, niềm ước ao thể hiện lòng tin cho mọi người thấy. Lòng tin ấy không phải chỉ tin ở Thiên Chúa vô hình, tin vào Hội Thánh hữu hình nhưng còn là niềm tin vào một Đức Ki-tô là con Thiên Chúa, Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá, đã chết và phục sinh. Chúng ta được Rửa tội cũng là tháp nhập vào chính trong cuộc khổ nạn của Ngài. Tin vào Đức Ki-tô để nước ấy nhấn chìm chúng ta chết đi không phải với thân xác nhưng là chết đi với tội lỗi, nhưng con người ấy được đưa lên khỏi nước để được sống lại với Đức Ki-tô phục sinh. Niềm tin luôn đòi buộc những thể hiện ra bên ngoài như thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17), vì đức tin cần những thể hiện ra bên ngoài không chỉ để tuyên xưng đức tin của mình với mọi người, nhưng còn là nhờ chính những hành động tin ấy nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Bởi đức tin không phải là một thực tại để có thể sở hữu mãi, bởi đức tin luôn linh động và biến đổi; hôm nay tôi có thể có một niềm tin mạnh mẽ và kiên vững, nhưng một mai cũng có thể đức tin ấy bị hao mòn. Bởi đó, chúng ta cần củng cố đức tin mỗi ngày trong đời sống hiện tại, để nhờ những hành động của đức tin chúng ta mỗi ngày nuôi dưỡng và tăng trưởng đức tin lớn mạnh hơn. Kinh Thánh Tân ước nói về hình ảnh Đức Giê-su hòa mình và dòng người đến chịu phép rửa của Gio-an. Phép rửa của Gio-an bản chất không phải là bí tích Ki-tô giáo, nhưng nhờ nước sông Gio-dan, Gio-an nhắc nhớ con người “sám hối vì nước trời đã đến gần” (Mt 3,2). Việc Đức Giê-su dìm mình trong dòng nước kêu mời chúng ta sám hối, biến đổi chính mình và cải đổi con người mình hầu có thể trở về cùng Thiên Chúa. Chúng ta nói trở về vì Thiên Chúa luôn tín trung và ở đó chờ đợi con người quay lại vì những sai lạc của mình; con người cần trở lại quay về với lòng thương xót của Thiên Chúa. Sám hối là tâm tình cần có của con người được Rửa tội vì chưng Rửa tội là hành động mang ý nghĩa bí tích hay dấu chỉ, nhưng lại mang ơn tha tội cho con người. Sám hối là cách thức con người “trốn tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống” trên mình. (Mt 3,7).

Từ hành động lãnh nhận nước đổ trên mình, người lĩnh thụ bí tích Rửa tội được hòa mình trong lòng Giáo hội và mang trong mình tất cả truyền thống của nước trong lịch sử cứu độ Thiên Chúa ở với con người. Nước ấy không chỉ làm cho đời sống mới được phát sinh nơi con người ấy nhưng còn là thanh tẩy mọi tội lỗi nơi loài người sa ngã. Nước ấy không chỉ là hành vi đức tin nhưng còn là dấu chỉ của lòng sám hối mà con người ước ao trở về cùng Thiên Chúa là Đấng chân, thiện, mĩ. Nước ấy cũng liên kết con người vào trong một thân thể mới là Giáo hội, để nhờ sự hiệp nhất với Giáo hội như hòa mình vào một dòng nước bắt nguồn từ Thiên Chúa, con người ấy được lưu chảy chính mình trong Đức Ki-tô là Thiên Chúa làm người.

  1. Dầu

Phép Rửa không dừng lại ở việc đổ nước trên đầu người lĩnh thụ, nhưng người lĩnh thụ còn được xức lên thân thể mình dầu được thánh hóa. Vị giáo sĩ sức lên người lĩnh thụ hai loại dầu: dầu dự tòng(OS) và dầu thánh hiến(SC). Với hai loại dầu này, việc Rửa tội mang một chiều kích siêu nhiên và ẩn tàng một cuộc đời được biến đổi. Ngôn từ “Ki-tô” trong truyền thống Do Thái nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Cùng với việc xức dầu dự tòng, người lĩnh thụ được xức lên mình hình ảnh của Đức Ki-tô, nói cách khác, người ấy được tháp nhập vào thân thể của Đức Giê-su, trở thành một ki-tô hữu hay được xức dầu. Cũng vậy, khi xức trên mình dầu thơm được thánh hóa, người tân tòng được xức trên mình hình ảnh của Đức Ki-tô tư tế, ngôn sứ và vương đế. Trong Cựu ước, khi dân chúng muốn có một vị vua để cai trị mình, Thiên Chúa đã sai Sa-mu-el đi xức dầu tấn phong Sa-ul con ông Kit làm vua dân Is-ra-el (1Sm 10,1-8), và sau khi vua Sa-ul bị truất phế, Thiên Chúa tiếp tục sai Sa-mu-el xức dầu tấn phong Da-vid con ông Gie-sê để làm vua Is-ra-el (1Sm 16,1-13). Như vậy, việc xức dầu trong bí tích Rửa tội cũng mang một ý nghĩa là để ban cho một ai đó chức vụ (vua) nhưng cũng đồng thời cũng là để mang đến cho họ một sứ vụ (tư tế, ngôn sứ) của Đức Ki-tô trong cuộc đời của họ. Việc xức dầu pha với hương liệu đã được đức giám mục thánh hiến nói lên cử chỉ ban Chúa Thánh Thần hay thánh hóa người đó trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người được Rửa tội không phải nhân danh một thể chế nào hay nhân danh một con người nào, nhưng là nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, người tân tòng cũng được tháp nhập vào chính mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, và tháp nhập vào Hội Thánh duy nhất của Ngài. Dầu cũng đồng thời thánh hiến chính người tân tòng cho Thiên Chúa, đồng thời loan báo việc xức dầu lần thứ hai trong bí tích Thêm Sức họ sẽ lãnh nhận để hoàn tất việc khai tâm Ki-tô giáo.

  1. Khăn (áo) trắng và nến sáng

Người lĩnh thụ trong bí tích Rửa tội còn được nhận lấy khăn (áo) trắng và nến sáng khi cử hành bí tích này.

Truyền thống cổ xưa của Giáo hội cử hành Rửa tội với việc người lĩnh thụ mang tấm thân trần trụi xuống với nước Rửa tội, sau khi được đưa lên khỏi nước, họ được lãnh nhận một tấm áo trắng từ trên xuống dưới và họ sẽ giữ tấm áo trắng đó trong suốt tuần sau đó (được gọi là tuần áo trắng). Cử chỉ này nhằm nói lên sự từ bỏ mọi sự của con người cũ và nhận lãnh tấm áo trắng là chính Đức Ki-tô cho con người mới. Như thế việc trao ban tấm áo trắng cũng mang ý nghĩa con người mới ấy được mặc lấy Đức Ki-tô (Gl 3,27) trên con người mình. Việc mặc lấy Đức Ki-tô ở đây mang ý nghĩa biểu tượng nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa tận căn của chính họ. Bởi chưng người đó sẽ phải mang lấy không chỉ tấm áo, nhưng là chính con người và sứ vụ của Đức Ki-tô từ ý hướng đến hành động của Ngài mà thể hiện trong đời sống mình. Người tân tòng lúc này sẽ sống như thánh Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Như thế, họ thực hiện cách hữu hình ý nghĩa của từ ngữ ki-tô hữu – thuộc về Đức Ki-tô. Do truyền thống phát triển trong thời gian lâu dài, tấm áo trắng ở một số nơi được thay thế bởi một tấm khăn trắng khoác lên mình người lĩnh thụ cũng mang ý nghĩa như thế. Người tân tòng được tháp nhập vào thân thể Đức Ki-tô mầu nhiệm và mặc lấy chính Ngài để từ nay họ sẽ thuộc về Thiên Chúa là Đấng Tác thành và cứu độ họ. Bên cạnh đó, màu trắng cũng giúp con người ý thức tâm hồn trong trắng của mình sau khi Rửa tội. Tâm hồn con người bị nhơ uế bởi tội lỗi và những toan tính thế tục, bí tích Rửa tội xóa bỏ tội tổ tông truyền và mọi tội riêng của con người, tẩy rửa con người ấy trong chính cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô. Bởi vậy, tâm hồn họ được ví như màu trắng của tấm khăn hay tấm áo khi họ lãnh nhận. Vì thế, người tân tòng cần giữ gìn tâm hồn mình luôn trong trắng như tấm áo ngày Rửa tội. Chúng ta không quên đi bản tính yếu đuối của con người, chúng ta sẽ có những lỗi lầm cho dẫu đã được thánh hóa qua bí tích Rửa tội, bởi đó tấm áo trắng linh hồn sẽ bị vấy bẩn bởi những nhơ uế tội lỗi; lúc này chúng ta cần lần nữa và từng lần tẩy trắng lại tấm áo ấy bằng sự sám hối mà tiến đến cùng Thiên Chúa qua tác vụ của Hội Thánh (bí tích Hòa giải). Đồng thời chúng ta cũng không nên quá chú tâm đến một vết nhơ nho nhỏ mà quên đi một khoảng trắng lớn của cả tấm áo để rồi lên án, trê trách bản thân hay đồng loại của mình. Chúng ta hãy cố gắng thứ tha và đồng cảm để gột rửa những nhơ bẩn, làm cho khoảng trắng ngày càng rộng hơn nhờ những cố gắng và cộng tác của chúng ta trong việc hoán cải mình và giúp đỡ mọi người biến đổi.

Cây nến sáng cũng được trao cho người tân tòng như dấu chỉ của niềm tin nơi họ. Ánh sáng được thắp lên không phải từ một dụng cụ lấy lửa nào khác nhưng là từ chính cây nến phục sinh, cử chỉ này nói lên việc Đức Ki-tô sẽ soi sáng, hướng dẫn cuộc đời của người tân tòng ấy. “Con hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Ki-tô”, người tân tòng được mời gọi nhận lấy ánh sáng của Đức Ki-tô trong đời sống của họ. Tin Mừng Gio-an nói đến ánh sáng là chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu rọi làm cho bóng tối bị tiêu diệt (Ga 1,9). Bởi vậy, người tân tòng mang trong mình ánh sáng là chính Đức Ki-tô và cần chiếu tỏa ánh sáng ấy cho mọi người chung quanh. Cũng như cây nến phải hao mòn chính mình để làm chất đốt cho ánh sáng được tỏa rạng, người ki-tô hữu cũng tan chảy chính mình trong đời sống để chiếu tỏa ánh sáng của Đức Ki-tô cho thế giới qua những hy sinh, cố gắng của mình. Cây nến sau khi cháy xong không còn gì nữa, người tín hữu sống trong thế giới cũng chỉ để lại cho cuộc đời ánh sáng và hơi ấm là những niềm vui và sự quan tâm của mình cho người khác, đồng thời là những điều tốt đẹp mang lại cho nhân loại.

Bí tích Rửa tội luôn kèm theo những dấu chỉ hữu hiệu của những biểu tượng. Ngoài những lời đọc đầy ý nghĩa khơi dậy đức tin, những biểu tượng hình ảnh cũng gồm những truyền thống lâu đời gợi nhớ một đức tin đồng hành cùng lịch sử cứu độ con người. Từ những chất liệu rất gần gụi và cần thiết với đời sống con người được sử dụng như những biểu tượng trong bí tích, nhằm khơi dậy đức tin và là bảo chứng của những ân sủng Thiên Chúa trao ban cho con người. Bởi bí tích gồm những dấu chỉ được diễn tả ra bên ngoài nhưng lại sinh ơn ích bên trong giúp con người hiệp thông với Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài. Từ nước, dầu, áo trắng và nến sáng, người lãnh thụ trong bí tích Rửa tội cũng thông dự vào Hội Thánh và tháp nhập vào cuộc đời của Đức Ki-tô, cùng đi vào chính cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Đồng thời, người tân tòng được hòa mình vào một dân tộc thánh thiện và trong sáng, dân tộc mang ánh sáng Đức Ki-tô đến với mọi người hầu trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa trong môi trường mà họ được sai đến.

Mục Đồng Nguyễn