Ơn gọi

Nói đến ơn gọi, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến những người được kêu gọi để trở thành linh mục, giám mục hay những người nam nữ tu sĩ trong những bộ áo dòng thánh thiện. Quả thực ơn gọi là tiếng gọi của Thiên Chúa, là ơn của Thiên Chúa gọi một ai đó nhưng không chỉ là trở thành một người trong đời sống tu trì, nhưng hơn thế là để trao cho họ một sứ mạng, một ơn gọi cho một sứ vụ từ Trời. Thánh Kinh cho ta biết về những ơn gọi cao cả: từ Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc, đến Môsê – đứa trẻ dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái. Từ Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh đến David – đứa trẻ chăn chiên được gọi để trở thành vua của một dân tộc. Từ Giona được gọi để trở thành ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi, đến Maria – người phụ nữ được chọn gọi để trở thành mẹ của Thiên Chúa. Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong dòng lịch sử nhân loại. Nhưng thiết tưởng ơn gọi không chỉ là để trao những sứ vụ, nhưng ơn gọi nền tảng của con người phải là ơn gọi làm người, một ơn gọi cội nguồn của mọi ơn gọi khác. Bởi Thiên Chúa chỉ gọi một người thi hành sứ vụ khi họ đã là một con người.

Cuộc đời con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”[1]. Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình. Câu truyện thời đệ nhị thế chiến của một văn hào Pháp kể cho ta về kinh nghiệm của chính ông khi bị bắt và nhốt tại trại tập trung của Đức Quốc Xã. Mọi người bị nhốt trong một căn phòng chật chội, để giết thời gian, mọi người trong phòng mới nghĩ đến cách mỗi người tưởng tượng xem mình đã có mặt trên đời này như thế nào. Có những câu chuyện được kể ra nhưng đại khái mỗi người đều kể như nhau về cuộc gặp gỡ định mệnh của cha mẹ, sau đó hai người lấy nhau và sinh ra mình. Nhưng ông tự hỏi: chẳng lẽ cuộc đời của tôi với biết bao niềm vui nỗi buồn lại bắt nguồn bởi một ánh mắt nhìn của một người con gái? Chẳng lẽ cuộc đời đầy những thăng trầm và những biến cố của tôi lại khởi đi từ hành vi tình dục của hai người nam nữ hay sao? Quả thực, con người không chỉ đơn thuần là vật chất nhưng là một huyền nhiệm và khởi đi từ huyền nhiệm của tình yêu của người với người. Hơn thế nữa, con người còn được khởi đi từ chính ý định của thần linh là Thiên Chúa của mình, chính trong nhãn giới đó mà con người tự nó là một huyền nhiệm và ơn gọi làm người tự nó đã là một ơn gọi cao cả. Nhưng làm sao để chúng ta sống ơn gọi làm người của chúng ta hay chúng ta cứ buông xuôi phó mặc cho dòng thời gian và sự đẩy đưa của cuộc đời? Tâm thức của người Việt Nam có câu: “không thành công thì cũng thành nhân”, nhưng thiết tưởng không phải như vậy, vì chúng ta trước hết phải thành nhân trước đã, rồi thành công hay không sẽ được xét đến sau, nói cách khác, nếu chúng ta thành công mà không thành nhân mà lại trở thành một con thú nào đó thì thật là vô vọng và nguy hiểm. Như vậy, trước tiên chúng ta cần sống cho thành nhân trước đã, bởi chưng mỗi người khi sinh ra đã là người trong phương diện hình thể với chân tay, đầu cổ, con tim và trí tuệ… và cho dẫu họ có thiếu hụt một vài cơ phận thì họ vẫn mang trong mình dáng dấp con người và một bản thể người. Thế nhưng là người chưa chắc đã làm người. Bởi làm người đòi chúng ta phải sống cho xứng với nhân phẩm một con người, làm người đã khó nhưng để trở thành người hay một mức độ trưởng thành nhân bản (gốc người) lại còn khó hơn nữa. Tu đức và đạo đức bình dân gọi các nhân đức công bằng, tiết độ, khôn ngoan, dũng cảm là những nhân đức trụ trong các nhân đức nhân bản của con người. Khi con người sống trọn vẹn bốn nhân đức này, chúng ta mới có thể trở thành nhân cách tốt đẹp nhất. Hai nhân đức đầu tiên công bằng và khôn ngoan làm cho con người có thể làm người, hai nhân đức sau khôn ngoan và tiết độ làm cho phẩm giá của con người ấy có giá trị hơn.

Liền sau ơn gọi làm người, mỗi người công giáo còn mang trong mình ơn gọi để trở thành một Kitô hữu. Chúng ta nói ơn gọi vì đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho mà chúng ta không thể nào tự mình có được hay do nỗ lực bản thân mà có. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa và nó có tính chất năng động và linh hoạt. Ơn gọi Kitô hữu chính là việc tin vào Thiên Chúa được mạc khải qua Đức Kitô, ơn gọi Kitô hữu là việc tin vào Đức Kitô chính là Thiên Chúa đã làm người, chịu nạn, chịu chết và đã sống lại, ơn gọi Kitô còn là việc sống những điều Thiên Chúa dạy trong đời sống của mình. Như thế, khi con người nhận được ơn gọi làm người để cùng sống với con người thì ơn gọi Kitô hữu mời gọi chúng ta sống cùng Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Chính trong ơn gọi ấy con người Kitô hữu được lãnh nhận những chức vụ với Thiên Chúa và với con người. Ơn gọi Kitô cũng là một ơn gọi nền tảng cho con người và có một chiều kích phổ quát. Là nền tảng vì nó là bắt nguồn của những ơn gọi khác, như thánh Augustin nói: “cho anh em tôi là giám mục, với anh em tôi là Kitô hữu”. Ơn gọi trở thành Kitô hữu cũng nhắc nhớ chúng ta phải lắng nghe lời của Thiên Chúa nói với mình. Nhưng chúng ta tìm kiếm lời Chúa ở đâu trong cuộc sống bộn bề của ngày hôm nay? Lời Thiên Chúa vẫn nói với con người trong Thánh Kinh, Thánh Kinh không phải là cuốn sách chết được viết cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng Thánh Kinh là lời sống động của Thiên Chúa, vì chưng phụng vụ lời Chúa mỗi ngày cho ta được một đoạn Thánh Kinh giống nhau nhưng mỗi người chúng ta lắng nghe lời Chúa nói với mình cách hiện sinh và hiện tại. Thiên Chúa nói với tôi không phải là trong quá khứ nhưng là ngay trong lúc này: “đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”, Ngài cũng nói với tôi trong hiện tại: “anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” và Ngài vẫn thúc đẩy tôi hành xử với mọi người những điều tốt đẹp theo khuôn vàng thước ngọc: “Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình, anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Như vậy, lời của Thiên Chúa vẫn nói với chúng ta vào thời điểm hiện tại, vào lúc này của cuộc sống để đánh thức và kêu gọi chúng ta hoán cải. Lời Thiên Chúa còn được phát ra ngay trong đáy lòng của mỗi người qua tiếng nói của lương tâm. Ai cũng có một lương tâm và đó là tiếng nói của Thiên Chúa đang thúc đẩy ta làm lành và lánh dữ. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói đó trong chính mình và mau mắn thi hành. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có dám lắng nghe và thi hành theo theo tiếng của Thiên Chúa nói với mình hay không. Khi ngôn sứ Elia đến và nói với vua Akháp: “Ngài hãy xin Đức Chúa một dấu và Ngài sẽ ban cho”, nhưng vua Akháp trả lời rằng: “Tôi là ai mà dám thử thách Đức Chúa”, ở đây không phải vua không dám thử thách Đức Chúa cho bằng ngài không muốn lắng nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, vì khi nghe được tiếng nói ấy ngài và mỗi người chúng ta bị lời ấy chất vấn, và vì chính mình mà phải chối từ không muốn thi hành mà làm theo ý riêng của mình và không muốn hoán cải. Sống ơn gọi Kitô hữu chính là việc chúng ta sống đức tin và cử hành đức tin Kitô qua đời sống cầu nguyện và phụng tự của mình. Ơn gọi Kitô hữu liên kết chúng ta với Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau, ơn gọi Kitô hữu đồng thời đưa ta vào trong gia đình Giáo hội là chính thân thể của Đức Kitô, ơn gọi ấy còn mời gọi ta sống với Chúa và sống cho nhau trong tình yêu thiện hảo mà Thiên Chúa đã gieo vào đáy lòng mỗi người chúng ta.

Khi đến một lứa tuổi nào đó, chúng ta bắt đầu cảm nhận được một tiếng gọi để chọn lựa một bậc sống và lối sống. Kinh Thánh Tân ước cho ta một trình thuật về ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, các ngài vẫn sống cuộc sống bình dị cho đến một ngày Đức Giêsu đến và gọi: “các anh hãy theo Ta”. Khi nghe thấy tiếng gọi ấy, các môn đệ đã lập tức bỏ mọi sự mà theo Ngài. Chúng ta ngày hôm nay chẳng có mấy ai được Thiên Chúa hiện đến và gọi “hãy theo Ta” cách nhãn tiền như vậy, chúng ta càng không được gọi theo cách của các môn đệ qua sự tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa. Thế nhưng ngày hôm nay, tiếng gọi của Thiên Chúa đã và đang được gieo vào trong lòng mỗi người chúng ta trong đời sống hằng ngày. Cũng như các môn đệ đầu tiên, sau khi đã nghe Gioan Tẩy giả loan báo “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” và các ông đã đi theo Đức Giêsu để được ở cùng Ngài ngày hôm đó; sau ngày hôm đó các ngài lại trở về với đời sống thường ngày của chiếc thuyền và cái lưới, họ cũng cầu mong thời của Đấng Thiên sai và sống với tâm tình ấy, nơi con người Giêsu, Ngài đã để lại cho các ông một cảm tình đặc biệt để rồi từ cảm tình, sự tín nhiệm ấy mỗi ngày lại lớn lên và đến khi chín muồi Đức Giêsu đến và gọi: “hãy theo Ta” và các ông lập tức bỏ mọi sự mà theo Ngài. Ơn gọi của chúng ta hôm nay cũng vậy, chúng ta cũng khởi đi từ những trò chuyện, những tiếp xúc với ai đó để có một sự tín nhiệm nơi họ, để rung động, để yêu thương, để gặp gỡ và đến với ơn gọi hôn nhân của mình. Chúng ta cũng khởi đi từ những cảm nghiệm, những tâm tình với thế giới và con người, khởi đi từ cầu nguyện để đến với ơn gọi tận hiến và tu trì. Thiên Chúa vẫn chọn và gọi qua đời sống rất thường nhật để rồi chúng ta cảm nghiệm trong cuộc sống và một lúc nào đó chính Thiên Chúa qua một trung gian, Ngài thể hiện tiếng gọi của mình và mời gọi chúng ta vào bậc sống với và sống cho người khác. Ta sống trong ơn gọi hôn nhân nhờ tiếng gọi của Thiên Chúa đưa ta đến với một ai đó để yêu thương, để bổ khuyết và xây đắp gia đình, Thiên Chúa gọi ta đến với ơn gọi tu trì qua lòng nhiệt thành tông đồ, qua tình yêu dâng hiến trong đời sống phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân. Điều quan trọng là ta có biết nhận ra tiếng Thiên Chúa muốn ta sống thế nào. Các môn đệ đã lập tức đáp trả tiếng gọi bằng việc theo Đức Kitô, nhưng sau đó ta lại thấy Phêrô lại lập tức chối Chúa đến ba lần, Giuda cũng lập tức bán Chúa với giá của một tên nô lệ, Toma cũng lập tức nghi ngờ về sự phục sinh của thầy mình. Nếu như các tông đồ là những người có kinh nghiệm trực tiếp ở với Đức Giêsu mà còn có những thời gian của chán nản, vô tín thì huống chi chúng ta làm sao có thể sống trọn vẹn ơn gọi của mình được. Sống ơn gọi chính là việc từng ngày chúng ta phải tiếp tục chọn lựa, vì không phải chọn lựa một lần là cuộc đời của chúng ta sẽ bình ổn như vậy, cuộc đời sẽ có những thăng trầm và biến động khiến ta phải đặt lại ơn gọi của mình. Con người luôn hiện sinh trong cuộc đời của họ, cũng vậy, chúng ta sẽ một ngày nào đó bị phai nhạt tình yêu của mình trong ơn gọi cho dẫu là ơn gọi tận hiến hay hôn nhân. Tình yêu vợ chồng sẽ có ngày phai nhạt và tình yêu tận hiến với sứ vụ và Thiên Chúa sẽ mai một với thời gian. Vì thế, điều cần thiết là mỗi ngày chúng ta cần làm mới lại tình yêu của mình với Thiên Chúa hay với người bạn đời, để qua việc làm mới ấy, mỗi ngày chúng ta lại sống lại tình yêu và cảm giác ban đầu của việc chọn lựa.

Ơn gọi con người không chỉ dừng lại trong việc chọn bậc sống hôn nhân hay tu trì, nhưng mỗi người đều có ơn chung một ơn gọi nên thánh: “Các ngươi hãy nên thánh vì ta là Đấng Thánh”[2]. Chính Thiên Chúa đã muốn con người sống thánh thiện giống như Ngài là Đấng thánh. Đức Giêsu cũng truyền dạy con người thời Tân ước: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”[3]. Chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh và chúng ta bắt chước Ngài trong ơn gọi này. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn nơi con người đó chính là việc con người biết lưu giữ và tỏ lộ hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Hình ảnh Thiên Chúa chính là việc con người tỏ lộ mối hiệp thông Ba Ngôi trong đời sống cộng đoàn của mình, điều này có nghĩa mỗi người chúng ta sống tinh thần hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta cần củng cố đời sống cầu nguyện của mình qua việc tham dự thánh lễ và cử hành các bí tích, qua việc cầu nguyện riêng tư và với cộng đoàn nhằm thiết lập mối tương quan cá vị (riêng tư) của mình với Thiên Chúa như một người thân, một người bạn và là Thiên Chúa của mình. Nhưng chúng ta không chỉ sống với Thiên Chúa mà còn sống với con người, vì thế: “ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình đó là kẻ nói dối”[4]. Đời sống cầu nguyện phải được thăng hoa trong chính cuộc sống hằng ngày bằng cử chỉ thân tình và mối hiệp thông với mọi người chung quanh. Thánh nhân phải là người sống cùng thế giới và thăng tiến đời sống tâm linh của mình nhờ việc cộng tác phát triển cộng đồng sinh mệnh mình đang sống. Không có thánh nhân nào không có một quá khứ, không có tội nhân nào lại không có một tương lai. Chúng ta ý thức thân phận dòn mỏng của con người chúng ta dễ sa ngã chước những cám dỗ của cuộc sống, nhưng không vì thế mà chúng ta tuyệt vọng. Nhưng chúng ta, những con người theo Chúa cần sám hối mỗi ngày và quyết tâm sửa đổi bản thân. Ơn gọi nên thánh là ơn gọi căn bản mà Thiên Chúa đặt nơi sâu thẳm tâm hồn con người, nhờ đó con người mỗi ngày ước muốn hoàn thiện mình và chọn bậc sống nào phù hợp với mình hầu đạt đến cùng đích của mình là chính Thiên Chúa. Con người khát khao được trở nên giống Thiên Chúa, vì thế nên thánh hay sống thánh thiện chính là con đường tốt nhất để thỏa mãn ước mơ của con người.

Mỗi con người đều mang trong mình những ơn lành của Thiên Chúa, chúng ta sử dụng những ơn lành đó nhằm thăng tiến con người mình trong đời sống Giáo hội và xã hội. Hơn thế nữa, mỗi ngày Thiên Chúa vẫn gửi đến con người những tiếng gọi để chọn từng người vào sứ vụ khác nhau: có người được chọn gọi để trở thành linh mục, giám mục; có người được gọi để trở thành những tu sĩ tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống thánh thiện phục vụ người những người nghèo khó, bệnh tật, những người cô đơn kém may mắn; có người được gọi để sống giữa đời với chồng với vợ và con cái, hầu qua gia đình họ trở nên thánh thiện và giúp nhau nên thánh. Mỗi ơn gọi là một sứ mạng khác nhau đồng thời Thiên Chúa cũng ban những ân sủng cùng với tiếng gọi của Ngài. Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe và nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa để đáp trả, để vâng nghe và thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó cho mình. Nhưng nền tảng của mọi ơn gọi là ơn gọi làm người, bởi đó con người cần sống ơn gọi nền tảng ấy trong đời sống mình, hầu tỏ lộ hình ảnh Thiên Chúa và bản tính con người tốt lành được Thiên Chúa tạo dựng nơi mình. Ơn gọi nên thánh được Thiên Chúa đặt nơi sâu thẳm tâm hồn con người như một ơn gọi căn bản nhất, hầu nhờ việc đáp trả tiếng gọi ấy, con người được trở nên giống Thiên Chúa của mình trong sự thánh thiện và tốt lành.

Mục Đồng Nguyễn

[1] St 1,26

[2]  Lv 11,45

[3]  Mt 5,48

[4]  1Ga 4,20