“Ra khỏi” để “đi tới”

“RA KHỎI” ĐỂ “ĐI TỚI”

Đức tin thúc đẩy chúng ta liên tục “ra khỏi chính mình” để đem sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong lịch sử: một sự hiện diện trao ban sự sống và ơn cứu độ đã mở ra cho chúng ta một tương lai của cuộc sống không bao giờ tàn phai.

Hình ảnh Thánh lễ truyền chức linh mục trực tuyến của Giáo phận Bắc Ninh ngày 11.06.2021 vừa qua đã gây từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho mọi người. Có lẽ đây là Thánh lễ truyền chức linh mục trực tuyến đầu tiên mà tôi tham dự và bản thân tôi cũng như bao người khác đã đặt ra những câu hỏi mang nặng tính “con người”: Tại sao? Cả đời?… Thế nhưng, với cái nhìn đức tin, tôi nhanh chóng nhận ra “nét đẹp” của người môn đệ Đức Kitô là thế nào? và còn thấy đẹp hơn nữa khi tôi được trực tiếp nghe lời chia sẻ của Đức cha Giáo phận về việc chính các thầy phó tế chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục là người quyết định một “sự kiện quan trọng nhất trong đời của mình”, đó là: cần phải nhanh chóng “ra khỏi” để “đi tới”, tức là sẽ không thay đổi chương trình dự kiến của Giáo phận: đúng ngày, đúng giờ, mặc dù rất âm thầm nhưng tràn đầy Ơn chúa và chắc chắn sẽ rất sốt sáng và ý nghĩa.

Cuộc đời của người thi hành sứ vụ là thế đó! vấn đề không phải là “ra khỏi” hay “không ra khỏi”, mà là đã đến thời điểm “ra khỏi” thì “phải ra”, còn nếu chưa đến thời điểm “ra khỏi” thì “ở lại”. Các thầy phó tế Giáo phận Bắc Ninh đã ý thức được điều đó và không ngần ngại khi phải nỗ lực “buông bỏ cái tôi” để sẵn sàng “ra khỏi chính mình đi đến với Thiên Chúa và tha nhân”.

“Ra khỏi” để “đi tới” là hai động từ diễn tả thời gian của người môn đệ Đức Kitô là thời gian của sứ vụ, không so đo tính toán về việc cần phải “vinh quy, bái tổ” tại quê hương. Nếu việc “ra khỏi” để diễn tả khi vừa xong một công việc nào đó thì “đi tới” là bắt đầu một sứ vụ mới, các cha đã sẵn sàng lên đường “đi tới” những nơi mà “Chúa muốn”; “Giáo phận cần” và “Giáo dân rất cần” để thi hành sứ vụ của người Mục tử.

Tuy nhiên, để được như vậy thì cuộc sống của người môn đệ cũng phải “gõ nhịp” bằng những cái nhịp dành cho Chúa, điều đó cho thấy trong cuộc sống rất cần những “điểm”, những “nhịp” để dừng lại. Chúng ta hãy “nhìn sâu”“nhìn cách tích cực” khi đứng trước đại dịch Covid -19, để chúng ta không bị thất vọng, chán nản, tiêu cực…. nhưng qua đó, thấy được đức tin của chúng ta trong cơn đại dịch Covid – 19 là liều vắc xin để chúng ta vượt qua sự lo lắng, sợ hãi, nó là chất đề kháng chống lại virus: virus của sự hận thù, virus của sự ghen tương, virus của sự lười biếng, virus của sự thiếu hụt đời sống nội tâm, và virus của cái tôi ích kỷ…. Vì thế,  “thời gian Covid” chính là “thời gian sa bát” của mọi người, đặc biệt là các linh mục và tu sĩ có nhiều giờ dành cho Chúa – cho tha nhân – và cho chính mình.

Nt. Emanuel Vũ Thị Hiên