Chúa Nhật tuần II Thường Niên năm A
Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. (Ga 1,29)
BÀI ĐỌC I: Is 49, 3. 5-6
“Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi”.
Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. – Đáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 1-3
“Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta”.
Khởi đầu thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Ga 1,29-34
29 Một hôm, ông Gio-an thấy Chúa Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.
30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”.
32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.
33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.
Bài giảng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse
Trong bài Phúc âm hôm nay, Thánh Gioan Tẩy giả tuyên xưng Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian’’. Danh hiệu đó bắt nguồn từ Cựu ước và rất xứng hợp với bản tính và sứ mệnh của Chúa Kitô. Trong Cựu ước, tiên tri Jê-rê-mi-a khi bị người ta chống đối và bách hại đã ví mình như một con chiên bị đem đến lò sát sinh (Jr 11,10). Tiên tri I-sa-i-a cũng dung hình ảnh chiên con để chỉ về người tôi tớ của Thiên Chúa, vì khi chịu chết để xoá tội dân mình, người tôi tớ đó giống như chiên con bị đem đi làm thịt, như chiên mẹ im lặng không hề mở miệng kêu trước kẻ xén lông (Is 53,7).
Sách Tân ước và Phụng vụ của Giáo Hội cũng dùng hình ảnh con chiên và người đầy tớ Thiên Chúa để chỉ về Đức Giêsu Kitô.
Sách Tông đồ công vụ thuật lại: ông Phi-líp là người môn đệ Chúa được thiên thần truyền dạy đi gặp một ông quan nội giám nước Ê-ti-ô-pi. Ông quan này đang ngồi trên xe đọc sách tiên tri I-sa-i-a. Ông Phi-líp lên tiếng hỏi: “Quan có hiểu những điều quan đọc không?’’ – Quan ấy thưa: Không có người dẫn giải thì tôi hiểu sao được. Rồi quan mời ông Phi-líp lên xe ngồi với mình. Đoạn sách Cựu ước quan ấy đọc như sau: “Người bị đem đi giết như chiên con bị đem đến lò sát sinh. Người không hề mở miệng kêu, như chiên mẹ im lặng trước kẻ xén lông. Quan nội giám hỏi ông Phi-líp: “Xin ông cho tôi biết, tiên tri có ý nói về ai? về mình hay người nào khác?”. Ông Phi-líp liền bắt đầu từ câu Sách Thánh đó mà dẫn giải về Đức Giêsu Kitô. Kết quả là quan nội giám kia đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và ông đã xin chịu phép Rửa tội ngay trong lúc đó (Cv 8,26-38).
Sách Cựu ước cũng cho ta biết, khi Thiên Chúa định giải phóng dân Do thái đang bị giam giữ bên nước Ai-cập, Chúa truyền cho dân Ngài: mỗi gia đình phải giết một con chiên đực không tỳ vết, vừa tròn một năm, phải ăn vào chiều hôm trước ngày giải phóng và lấy máu chiên bôi lên khung cửa ra vào nhà. Nhờ dấu chỉ đó, khi Thiên thần đi tiêu diệt các con đầu lòng người Ai-cập, Thiên thần sẽ vượt qua không vào giết con người Do thái. Về sau, truyền thống Do thái cho rằng máu chiên có một sức mạnh cứu rỗi, bởi vì chính nhờ máu chiên vượt qua đó mà dân Chúa đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ người Ai-cập, trở thành một dân được thánh hiến cho Thiên Chúa, một vương quốc các tư tế, được liên kết với Thiên Chúa trong một giao ước đặc biệt mà ngày nay ta gọi là Cựu ước.
Sang đến Tân ước, các Phúc âm và Thánh thư cũng như truyền thống Giáo Hội đều nhìn nhận nơi Đức Kitô Chiên Con vượt qua đích thực, mà chiên con trong Cựu ước là hình bóng và chỉ máu Người đổ ra mới có sức cứu độ nhân loại và xoá tội trần gian. Thánh Phêrô viết như sau: “Anh chị em biết rằng, anh chị em thoát khỏi cảnh sống giả dối của cha ông mình không phải bởi nhờ các vật hư hèn như vàng bạc, nhưng là nhờ Máu rất quí trọng của Chúa Kitô là Chiên Con vẹn sạch tinh tuyền” (1Pet 1,18-19).
Thánh thư gửi các tín hữu Do thái cũng dạy như sau: “Nếu máu chiên bò rẩy trên mình những kẻ ô uế còn thánh hoá được họ, thì Máu Đức Kitô đã đổ ra càng dư sức tẩy rửa lương tâm chúng ta sạch mọi tội lỗi”. (Dt 9,13-14).
Danh hiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa cũng luôn được nhắc đến trong các lễ nghi Phụng vụ của Giáo Hội. Thí dụ: kinh Tiền tụng lễ Phục sinh tuyên xưng Đức Kitô là Chiên Vượt qua của chúng ta đã tự hiến tế.
Trong Thánh lễ khi đọc kinh Vinh danh, Giáo hội suy tôn Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha. Trong phần hiệp lễ, ba lần Giáo Hội kêu cầu: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con, xin ban bình an cho chúng con. Thế rồi, trước khi cho hiệp lễ, Vị Chủ tế cầm Mình Thánh giơ lên và kêu mời giáo dân: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Chúa’’.
Trên đây, ta đã nói: “Danh hiệu Chiên Thiên Chúa’’ bắt nguồn từ Thánh Kinh và được truyền thống Giáo Hội áp dụng cho Đức Giêsu Kitô.
Còn xét về bản tính và công dụng của Con chiên, ta thấy hình ảnh con chiên áp dụng cho Chúa Giêsu cũng rất thích hợp. Con chiên bản tính hiền lành vô tội, không có sừng để vặc (húc), không có nanh vuốt để cấu xé, không có sức mạnh để tự vệ khi bị sói rừng bắt, hoặc khi bị người ta làm thịt hay xén lông, nó chỉ im lặng không hề mở miệng kêu. Về công dụng thì thịt và sữa chiên dùng để nuôi sống con người, da và lông dùng để dệt vải, dệt chăn phục vụ con người. Những tính chất và công dụng đó áp dụng cho Chúa Kitô cũng rất thích hợp. Tuy là Thiên Chúa toàn năng, đồng bản tính với Đức Chúa Cha, nhưng khi xuống thế làm người, Đức Giêsu đã sống một đời khiêm tốn, hiền lành, thanh sạch, vô tội, quên mình để phục vụ hiến thân chịu chết để cứu loài người, và khi chết đi, Ngài còn hiến mình làm lương thực nuôi ta trong phép Mình Thánh.
Về phần xác, sự sống của ta được nuôi dưỡng bằng sự chết của bao nhiêu mầm sống, từ mầm sống trong hạt thóc bị xay giã, nấu chín thành cơm để ta ăn, cho đến mầm sống của những con vật như con gà, con lợn…phải làm thịt để chế biến thành thực phẩm cho ta dùng. Ấy là không nói đến bao nhiêu khó nhọc, bao giọt mồ hôi của những người lao động tăng gia sản xuất và dọn bữa nấu nướng… Đó là điều mà mỗi khi ngồi vào mâm cơm chúng ta cần suy nghĩ.
Về phần linh hồn còn hơn thế nữa, linh hồn ta khỏi chết đời đời là nhờ sự chết của Chúa Kitô Con Thiên Chúa. Sự sống linh hồn ta được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa Kitô, là Chiên Con vẹn sạch đã đổ ra trên Thập giá và Người đã để lại cho chúng ta trong phép Thánh Thể. Mỗi khi dự Thánh lễ và lên hiệp lễ, chúng ta nhắc đến sự chết của Chúa Kitô, chúng ta đừng quên dâng lời cảm tạ Chúa và quyết tâm đền đáp lại bằng một đời sống tốt lành và đạo đức, công bình, bác ái theo tinh thần Phúc âm Chúa truyền dạy.
CHÚA THƯƠNG XOÁ BỎ TỘI TRẦN (Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)
Thật là ý nghĩa khi ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Âm Lịch, và cũng là dịp đầu năm Dương Lịch, chúng ta được nghe lời Phúc Âm quen thuộc vẫn được lặp lại trong mỗi thánh lễ: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Nghe lời đó chúng ta thấy sao? Đó là Lời Tin Mừng vĩ đại, là lời chúc tết tuyệt vời Chúa gửi tới chúng ta: Chúa Giêsu yêu thương đến độ hy sinh thân mình để xóa tội, để đổi đời nhân loại.
- Xóa tội nối lại hiệp thông. Con người phạm tội. Tội lỗi ngăn cản, cắt đứt sự hiệp thông đầy yêu thương gần gũi giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thật là phúc đức, Chúa không kết tội, mà Chúa tha tội, Chúa xóa tội để nối lại hiệp thông. Chúa là Đấng vô tội nhưng đã gánh tội trần gian như người Việt Nam thường nói “Con dại cái mang”. Chúa xóa tội không chỉ để con người được sạch tội, mà quan trọng là nối lại hiệp thông tình nghĩa Cha-con giữa Chúa và con người, tình nghĩa anh-em giữa con người với nhau.
- Xóa tội đổi mới đời người. Trong trời đất thiên nhiên, dịp cuối năm mùa đông, cây cối trút bỏ lá vàng vỏ khô cũ kỹ, để dịp đầu năm mới mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc mới xanh tươi đẹp đẽ. Tương tự như thế, Chúa xóa tội là đem cơ hội cho con người từ bỏ những đam mê nết xấu cũ kỹ, và nảy nở những nhân đức thánh thiện tươi mới. Thế nên, Chúa xóa tội để đổi mới cuộc đời con người tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Sắp Tết rồi, chẳng ai muốn Tết buồn, ai cũng muốn Tết vui. Muốn vui thì hãy xóa tội: Chúa xóa tội cho người, người xóa tội cho nhau. Tết đến mọi người cầu chúc cho nhau được nhiều Phúc. Muốn vậy, hãy đi tham dự thánh lễ để hưởng Phúc như lời công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Amen.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian”. Hình ảnh con chiên bị đem đi sát tế. Hình ảnh con rắn đồng được Môisê treo lên khi xưa. Chính là hình ảnh con Thiên Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu xuống thế làm người. Ngài chịu chết để cho con người được sống.
Lời tung hô “Ðây Chiên Thiên Chúa” trong thánh lễ mỗi ngày nhắc nhở chúng ta: con người trở nên cao quý vì đã được chuộc bằng máu vô giá của Ðức Giêsu Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Cha, nhờ Máu Cực Thánh của Ðức Giêsu con Cha, chúng con đã được trở nên vô giá. Xin cho chúng con biết quý trọng phẩm giá của mình, và biết trân trọng tha nhân. Vì đó là món quà quý Cha ban tặng cho chúng con. Lời tạ ơn luôn vang trên môi: Vâng, lạy Cha, chúng con xin tạ ơn Cha, cùng với Ðức Giêsu Kitô Con Cha. Amen.
Ghi nhớ: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian”.