Ngày 11/12: Thánh Đa-ma-sô I
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ nhớ thánh Damase được cử hành vào ngày giỗ của ngài – ngài qua đời ngày 11 tháng 12 năm 384. Lễ nhớ này từ lâu đã gắn liền với vương cung thánh đường của ngài ở đường Ardeatine, Rôma, nơi an táng ngài. Lễ này cũng gắn liền với một vương cung thánh đường khác, Saint-Laurent-in-Damaso – mà vị thánh giáo hoàng này đã cho xây dựng trên ngôi nhà của cha ngài và được dâng kính thánh tử đạo Lôrensô. Di hài của ngài an nghỉ tại đây. Lễ nhớ này đã được nhắc đến trong sách Bí tích của người Francs từ thế kỳ VIII, nhưng đến thế kỷ XI mới được đưa vào sách nghi lễ Rôma.
Thánh Damase sinh tại Rôma khoảng năm 305. Ngài là con của một viên công chứng ở Latêranô, thuộc gốc Tây Ban Nha. Đắc cử giáo hoàng sau khi Đức Libère qua đời (366), mà ngài đã ở bên cạnh vị giáo hoàng này trong cuộc lưu đày, một phe bất mãn đã đặt một phản giáo hoàng là Ursinus chống lại ngài gần như suốt đời.
Ngài gặp nhiều khó khăn lớn trong mười năm đầu tiên làm giáo hoàng. Bị xách nhiễu bởi phe phản giáo hoàng, ngài cũng bị lưu đày ít năm ở Gaule. Trong một thời kỳ lạc giáo nổi lên khắp nơi, ngài phải đối diện cùng một lúc với những phái Arius, Novatien, Donatiste, Luciférien, Apollinariste… Nhiều công đồng được triệu tập, trong đó quan trọng nhất là công đồng ở Constantinople (381): trong công đồng này, các giáo lý của phái Arius, vốn đã bị kết án ở công đồng Nicêa (325), nay bị kết án một lần nữa qua việc tuyên ngôn của Công đồng về sự ngang hàng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Vào dịp Thượng Hội Đồng ở Rô-ma (382), Đức giáo hoàng Damase triệu thánh Hiêrônimô tới Rô-ma, bổ nhiệm làm thư ký riêng của ngài và giao phó cho việc dịch lại bản Kinh Thánh bằng tiếng la tinh. Bản dịch mới này được viết ở Bethlehem từ năm 309 đến 405, sau này được gọi là bản Phổ Thông (Vulgate). Cũng trong Thượng Hội Đồng này, thánh Damase vì lo lắng cho việc khẳng định quyền tài phán của giáo hoàng đối với Hội Thánh toàn cầu, nên đã lập ra những tiêu chuẩn gọi là “tiêu chuẩn Phêrô”. Đó la: Giáo Hội Rôma có quyền tối thượng trong toàn Giáo Hội. Vì thế, chính kẻ lạc giáo Priscillien, vốn bị công đồng Saragosa kết án năm 380, cũng đã gọi giáo hoàng là senior et primus, anh cả và người đứng đầu trong toàn Giáo Hội. Các quyền của Toà Thánh cũng sẽ được nhắc lại trong một lá thư ngài viết cho các giám mục xứ Gaule năm 374.
Thánh Damase qua đời tại Rô-ma, hưởng thọ 80 tuổi, sau mười tám năm làm giáo hoàng. Là con người hòa giải, ngài đã tìm cách thiết lập và giữ gìn hoà bình trong Hội Thánh, trung thành với truyền thống và với các công đồng mà ngài nhắc nhở cho những phần tử chống đối. Là người cổ võ việc tôn kính các tử đạo và là người say mê Kinh Thánh, ngài còn chú tâm đưa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vào trong phụng vụ qua việc kết thúc bốn thánh vịnh bằng kinh Sáng Danh.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện đầu lễ lấy ý từ Sách Bí Tích Vêrôna, làm nổi bật một trong những công lao to lớn nhất của thánh Damase, người đã “phục hưng việc tôn kính các thánh tử đạo và biết cổ võ việc tôn kính này bằng cả tấm lòng yêu mến.” Lòng sùng kính của ngài đối với các vị nhân chứng đức tin đã đổ máu vào thời các cuộc bách đạo đã được mọi tín hữu biết đến từ trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Là nhà khảo cổ học, ngài đã phục hồi các ngôi mộ của các tử đạo, biến đổi các hang toại đạo thành các điện thờ và làm cho các tín hữu dễ dàng đến với các nơi này. Ngoài ra, là nhà văn học và thi sĩ, ngài đã viết các bài thánh thi, các bài thơ và văn bia đặt trên các mộ tử đạo để bảo tồn và lưu truyền cho chúng ta việc tưởng nhớ các thánh tử đạo.
Lòng tôn sùng các thánh tử đạo mà chúng ta được mời gọi dự phần đã được mô tả bởi Khảo luận của thánh Augustin chống Fauste mà chúng ta đọc trong giờ Kinh Sách: “Cộng đồng Kitô giáo tập hợp để cử hành trọng thể lễ kính nhớ các thánh tử đảo, để khích lệ họ noi gương các ngài, cũng như để được hiệp thông với công nghiệp của các ngài và được cứu giúp nhờ lời cầu nguyện của các ngài. Thế nhưng, mặc dù chúng ta tôn kính các ngài, nhưng chúng ta không dựng bàn thờ cho một thánh tử đạo nào…Thực vậy, điều chúng ta dâng, chúng ta dâng lên cho Thiên Chúa là Đấng đã đội triều thiên cho các thánh, để chính những nơi này khích lệ chúng ta ngày một thêm sốt sáng hơn trong việc gia tăng lòng yêu mến đối với các ngài, là những người mà chúng ta có thể bắt chước, và đối với Thiên Chúa, Đấng ban ơn trợ giúp để chúng ta có thể bắt chước các thánh.”
Enzo Lodi