Ngày 13/1: Thánh Hilaire

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Hilaire được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh vào năm 1851, là vị Giáo phụ vĩ đại nhất của Giáo Hội xứ Gaule và là một trong các vị Giáo phụ nổi tiếng nhất của Giáo Hội Tây Phương. Được gọi là “thánh Athanase của Phương Tây”, ngài ngăn chận lạc giáo Arius và trở thành cầu nối giữa các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. Việc tôn kính ngài được phổ biến từ thế kỷ thứ IX ở xứ Gaule và tại Rôma từ thế kỷ thứ XI và XII.

Thánh Hilaire (tiếng La Tinh là hilaris = vui vẻ) sinh năm 315 ở Aquitaine, trong một gia đình ngoại giáo làm thẩm phán và địa chủ ; ngài kết hôn và có được một đứa con gái tên là Abra, cũng được tôn phong như nữ thánh ở Poitiers. Khi còn ngoại giáo, ngài luôn tìm kiếm Chúa và đã khám phá ra Thiên Chúa qua việc đọc các Sách Thánh, đặc biệt là Môisen và Gioan. Thánh nhân đã viết trong tập “Chuyên khảo về Chúa Ba Ngôi”: “Linh hồn tôi vui mừng đón nhận mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Với thân xác, tôi tiến gần đến thiên tính và với đức tin tôi được gọi vào một cuộc sống mới.”

Được rửa tội, ngài gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu tại Poitiers, vẫn luôn là giáo dân. Nhưng vào năm 350, sau cái chết của vị giám mục địa phương, các tín hữu đã chọn ngài làm mục tử cho cả địa phận qua việc bình chọn vỗ tay. Đó cũng là lúc lạc giáo Arius phủ nhận thiên tính của Đức Kitô, đang tàn phá Hội thánh. Hoàng đế Constance II lại muốn thiết đặt lạc giáo này trên toàn đế quốc La Mã ; ông đã ra lệnh truất phế thánh Athanase, nhưng Hilaire lên tiếng chống đối và đã tập họp các giám mục để loại các kẻ lạc giáo ra khỏi cộng đoàn. Bị hoàng đế đày đi Phrygie, miền Tiểu Á, ngài đã ở đây 4 năm ; lợi dụng thời gian này, ngài làm quen với thần học Đông Phương. Ngài đã soạn tập “Chuyên khảo về Chúa Ba Ngôi”, một tác phẩm vĩ đại gồm 12 quyển sách, trình bày rõ ràng, bằng tiếng La Tinh, tín điều về Chúa Ba Ngôi của Hội thánh. Ngài viết : “Tôi bắt buộc phải trình bày với ngôn ngữ không chuyên để giải thích các mầu nhiệm khó diễn tả.” Nhưng cuộc tranh đấu của ngài đã mang lại kết quả. Được trở về địa phận Poitiers, ngài cố gắng tái lập sự chính thống và trật tự hoà bình. Như Sulpice Sévère viết : “Mọi người đều biết rằng đất nước Gaule của chúng ta đã được giải thoát (khỏi thuyết Arius) nhờ lòng nhiệt thành của Hilaire thành Poitiers.”

Những năm cuối đời, thánh nhân cố gắng lãnh đạo địa phận và học hỏi : ngài đã cho xuất bản các “Chuyên khảo về các mầu nhiệm”, về các thánh Thi, Giải thích Thánh Vịnh, “hướng về sự an nghỉ của ngày Sabbat thật cần phải chuẩn bị”. Dưới sự thúc đẩy của ngài, thánh Martin thành Tours đã thiết lập tại Tours Đan viện đầu tiên ở Phương Tây. Thánh Hilaire thích đến đó cầu nguyện và chung sống với các đan sĩ. Ngài qua đời cách yên lành tại Poitiers vào khoảng năm 367. Danh tiếng ngài vang dội. Thánh Jêrôme ca tụng vị giám mục này bằng cách gọi ngài là “Dòng sông Rhône lợi khẩu La Tinh” ngài còn nói thêm : “Việc tuyên xưng vang dội, lòng nhiệt thành trong cuộc sống, sự vững chắc trong lời ăn tiếng nói của ngài, chói sáng cả đế quốc La Mã.”

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Hilaire công bố và bảo vệ thiên tính của Đức Kitô “không bao giờ suy yếu” (kinh Tổng Nguyện).

a. Được gia nhập đạo sau một thời gian dài tìm kiếm ray rức, ngài đã chọn tiếng con tim. Ngài viết : “Thiên Chúa đẹp dường bao. Chúng ta cảm nghiệm sự đẹp đẽ này, nhưng không đủ khả năng hiểu được. Trong Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, có một sự vô cùng trong Đấng Vĩnh Cửu, sự đẹp đẽ trong Đấng là Hình ảnh của Người, niềm vui trong Đấng là Ân Sủng” (Về Ba Ngôi II,1).

b. Nhưng thế nào lại không thể công bố Chân lý đã được biết đến và đã được yêu mến ? thánh Hilaire viết : “Hồng ân ngôn ngữ mà Ngài ban cho con không giúp con trình bày được công trình vĩ đại : phục vụ Ngài qua việc rao giảng và cho thấy Ngài là ai… Ngài là Chúa Cha, Cha của Chúa Con duy nhất. Con phải cho mọi người biết Ngài, trong một thế giới chưa biết Ngài và cho những người theo lạc giáo vì họ từ chối Ngài” (Về Ba Ngôi).

Đam mê duy nhất của thánh Hilaire là Chân lý Thiên Chúa chiếu soi trong tâm hồn ngài từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và ngài muốn gìn giữ mãi cho đến cùng : “Con xin Chúa, gìn giữ sự tôn trọng đức tin của con đừng thay đổi, cho đến hơi thở cuối cùng của con… Xin cho con được gìn giữ điều con đang chiếm hữu, gìn giữ điều con tuyên xưng trong tín biểu đức tin của thế hệ con, khi con lãnh nhận bí tích Rửa tội trong danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin cho phép con được tôn thờ Chúa, Thiên Chúa Cha của con, và tôn thờ Con của Ngài cùng với Ngài ; xin cho con xứng đáng với Chúa Thánh Thần, Đấng xuất phát từ Ngài nhờ Người Con duy nhất.”

c. Hilaire là con người trầm lặng, nhưng khao khát chân lý. Ngài bảo vệ chân lý trước mặt mọi người và vua chúa. Ngài đã viết cho hoàng đế Constance II một bản văn đả kích, xem hoàng đế như một Phản Kitô : “Một người lính bảo vệ vua mình khi gặp nguy biến trong đời… Còn ngài, ngài lại cho Đức Kitô, Con đích thực của Thiên Chúa, lại không phải là Chúa. Sự thinh lặng của ngài là một sự gắn bó vào sự phỉ báng này, và ngài đã thinh lặng…” (xem bài đọc một trong Thánh lễ : 1 Ga 2,18-25 : … Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô ? Kẻ ấy là tên phản Kitô).

Sự say mê chân lý đã trở thành lời cầu nguyện : “Xin ban cho chúng con, chống lại những kẻ lạc giáo, để ca khen Ngài là Chúa, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc, và để rao giảng Thiên Chúa này không chút sai lệch” (Về Ba Ngôi).

Enzo Lodi