Ngày 2/1: Thánh Basile Cả và Thánh Gregoire thành Naziance

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vì tình bạn chân tình của hai vị thánh mà chúng ta cử hành chung thánh Basile Cả (+01.01.379) và Grégoire thành Naziance (+ 25.01.390). Được Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương tôn kính như tiến sĩ Hội thánh, các ngài cùng với Grégoire thành Nysse, đồng bạn, ba vị nổi danh Cappadociens, đã đem lại cho thần học Kitô giáo hệ thống hóa và công thức hóa đầu tiên.

Giáo Hội Đông Phương đã đặt thánh Basile Cả và thánh Grégoire thành Naziance, cùng với thánh Gioan Kim Khẩu giữa hàng “tiến sĩ đại kết” và tôn kính họ như “Ba vị thánh tôn quí nhất”.

Thánh Basile sinh năm 330 tại Césarée thành Cappadoce (ngày hôm nay là Thổ Nhĩ Kỳ) trong một gia đình Kitô giáo với 10 người con, trong số đó có 3 làm giám mục : Basile, Grégoire thành Nysse và Pierre thành Sébaste. Ngài đã theo học tại Césarée, Constantinople, Athène, tại đây, ngài kết thân với Grégoire thành Naziance. Được rửa tội vào lúc 25 tuổi, Basile ngưng chức vụ giảng sư khoa hùng biện, để bước vào một đời thầm lặng và cầu nguyện. Ngài đã đi nhiều nơi để gặp các nhà khổ tu nổi tiếng, và khi trở về, ngài thành lập nhiều Đan viện. Trong thời gian này, ngài hợp tác với thánh Grégoire Naziance viết tác phẩm Philocalie (hợp tuyển các tác phẩm của Origène) ; tiếp đến là các sách Lề luật luân lý, Lề luật chi tiết, Lề luật ngắn. Các tác phẩm này ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống Đan viện; chúng ta cũng biết sau này Luật dòng của thánh Bênêđictô đã được tham khảo với “cha chúng ta là thánh Basile”. Vào năm 370, Basile trở thành giám mục tại Césarée. Trong 8 năm ở ngôi giám mục, ngài đã hoạt động thật kinh ngạc, chống lại bè rối Arius, thành lập các nhà thương, nhà trọ. Trong các tác phẩm tín lý, phải kể đến sách “Chuyên đề về Chúa Thánh Thần”, được viết để bảo vệ tín điều Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo.

Là một trong các nhà thuyết giảng lừng danh trong thời đại mình, thánh Basile nắm vững lý thuyết hùng biện để trình bày giáo lý cách trong sáng và đơn sơ. Ngài luôn lo lắng để giao hòa hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương, bị chia rẽ vì những cuộc tranh luận về tín lý và vấn đề cá nhân ; ngài làm việc để chuẩn bị cho sự hiệp nhất, nhưng đã qua đời vào ngày 01.01.379 lúc 50 tuổi, hai năm trước ngày khai mạc Công đồng chung Constantinople (381).

Thánh Grégoire Naziance, cũng được sinh ra tại Cappadoce, là bạn đồng song với thánh Basile mà ngài gặp ở Athènes và đã kết thân. Được sinh ra trong một gia đình của các thánh (mẹ là thánh Nonna, chị là Gorgonie và em là Césaire), Grégoire thích sự yên tịnh và tránh các lời mời gọi trong chức phận giáo phẩm. Nhưng rồi cũng phải nhận chức giám mục tại Sasimes và từ chối không trở thành người cộng tác với cha mình tại Naziance. Vào năm 380, ngài được trao cho chức Thượng Phụ Giáo chủ ở Constantinople, nhưng chỉ ở lại thành này 18 tháng. Thành phố này bị tiêm nhiễm lạc giáo Arius ; Thánh Grégoire thích từ nhiệm để trở về Naziance chuyên tâm lo việc học hành và chiêm ngắm. Ngài viết : “Không có gì làm tôi khao khát cho bằng đối thoại thầm kín với tâm hồn và với Thiên Chúa.” Mộ chí mà ngài ghi sẵn cho mình, cho thấy một tâm hồn thật tế nhị, bị cuộc đời làm thương tổn : “Ôi lạy Đức Kitô là Vua, tại sao Chúa lại bắt con trong cái lưới này ? Tại sao Chúa bắt con tùng phục cuộc đời tạm bợ này ? Con bị quay cuồng trên các cuộn sóng, con đã làm mồi cho nhiều người tham lam, con sống với thân xác vỡ vụn, con phải chống lại các mục tử ! Con đã không có bạn bè, con chỉ gặp sự bất trung và khi phải chiến đấu với bệnh tật, con đã mất đi các con cái của con.”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Kinh Tổng nguyện gợi lên giáo huấn và gương mẫu của hai thánh Basile và Grégoire Naziance, qua đó Thiên Chúa muốn soi sáng cho Hội thánh của Người.

Phụng Vụ Các Giờ Kinh đề nghị trong suốt năm Phụng Vụ 8 bản văn rút từ các tác phẩm của thánh Basile và 7 bài của thánh Grégoire Naziance. Thánh Basile được gọi là thánh Cả “Le Grand” và vị thứ hai được gọi là “Nhà thần học” vì ảnh hưởng của họ trên nhiều lãnh vực của Kitô giáo.

b. Thánh Basile được gọi là “Tổ phụ các đan sĩ Phương Đông”, tổ chức đời sống đan tu, sẽ trở thành truyền thống trong Hội thánh, ngay cả cho Phương Tây : kinh nguyện Phụng Vụ, đọc Thánh Kinh, rước lễ thường xuyên, xưng thú tội lỗi, lao động chân tay, công tác bác ái : nhà thương, trường học, nhà trọ. Ngài nói với các đan sĩ của mình : “Hãy tạ ơn Đấng đã ban cho anh em đôi tay để làm việc, một lý trí để hiểu biết, những chất liệu cho dụng cụ của chúng ta. Như thế sản phẩm do tay chúng ta làm ra, không có mục đích nào khác hơn là vinh quang của Thiên Chúa”.

Thánh Basile cũng được gọi là “giám mục xã hội”. Tư tưởng của ngài về các vấn đề xã hội, ngay cả trong thời đại chúng ta, cũng còn phải chú ý. Trong một bài giảng, ngài nói: “Anh hà tiện nói : tôi phạm lỗi với ai, trong khi tôi chỉ giữ lại những gì thuộc của tôi ? Nhưng hãy nói cho tôi nghe, của cải nào thuộc về anh ?… Nếu như mỗi người chỉ giữ lại những gì cần thiết cho bản thân, và cái gì dư thừa anh ta ban cho những kẻ bần cùng, sự giàu nghèo sẽ bị xoá đi” (Bài giảng thứ 6 chống lại sự giàu sang).

Thánh giám mục thành Césarée không thoả mãn với các bài giảng về công bằng xã hội, ngài phải làm gương. Thế là, gần thành giám mục của ngài, ngài xây một thành phố mới mà người ta gọi là Basiliade ; trong đó có nhà trọ, viện dưỡng lão, nhà thương và một nhà thờ giữa thành phố. Ngài xin các giám mục có quyền kế vị hãy hoạt động như thế trong các miền đồng quê. Ngài viết thư cho chính quyền Cappadoce : “Tôi phạm lỗi với ai khi xây nơi trú ngụ cho khách lạ, cho lữ khách hay cho những ai cần nâng đỡ sức khỏe ?”.

c. Phụng Vụ Kinh sách đề nghị một bản văn ca tụng tình bạn thánh thiện của Grégoire Naziance với thánh Basile : “Chúng tôi sống chung ở Athène…Chúng tôi cùng có chung hy vọng về sự sung mãn đáng khao khát nhất : khoa học… Chúng tôi thực tập lề luật của Chúa khi cùng gợi lên tình yêu đối với nhân đức. Và nếu không quá kiêu ngạo mà nói rằng, người này đối với người kia là lề luật và mẫu mực giúp phân biệt cái tốt cái xấu” (Bài giảng của thánh Grégoire Naziance trong ngày lễ an táng thánh Basile). Trong một lá thư khác, thánh nhân thú nhận : “Mỗi người có điểm yếu : của tôi là tình bạn và các bạn hữu”. Thực sự, đó không phải là “điểm yếu”, tình bạn chân thực là một hồng ân thiện hảo từ Thiên Chúa Ánh sáng mà đến ; tình bạn này được ban cùng với sự khôn ngoan cho kẻ “theo đuổi và van xin Thiên Chúa” (câu đáp).

Enzo Lodi