Ngày 2/2: Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven

Điềm lành báo trước

Ngày 21-11-1829, ngày lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, cậu Tê-ô-phan Vê-na mở mắt chào đời ở làng Săng-tô Lu-pô (Sancto Lupo), tỉnh Poa-ti-ê (Poitier), nước Pháp, phải chăng đó là điềm lành, là dấu chỉ báo trước ngày sau cậu bé này có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt.

 

Cha cậu là ông Gio-an, mẹ cậu là bà Maria, cả hai ông bà là người đạo đức hiền lành, thuộc dòng họ theo đạo từ lâu đời. Ông Gio-an dạy học, bà Maria ở nhà coi sóc con cái và trông nom đồng ruộng, gia đình vào loại khá giả.

Ông bà sinh được 6 con, hai con út chết từ từ khi bé, con cả là chị Mê-la-ni-a dâng mình cho Chúa trong nhà dòng, thánh Tê-ô-phan Vê-na là con thứ hai, cậu Hăng-ri-cô là con thứ 3 xây dựng gia đình, cậu thứ tư là Ơ-sê-bi-ô làm linh mục.

Cậu Vê-na ngươi nhỏ nhắn, khôi ngô, nét mặt tươi vui, nghiêm trang, không hay chơi đùa như các bạn, siêng năng đi nhà thờ, đọc kinh, thông minh sáng dạ, mới lên 7 tuổi cậu đã viết thạo và đọc sách trơn. Ngoài giờ học cậu cũng chịu khó đi chăn bò, chăn chiên giúp cha mẹ.

Mơ ước phúc tử đạo từ thời thơ ấu

Một niềm vui của cậu Vê-na là đọc sách truyện các thánh, cậu mê say đọc. Một hôm cha xứ cho cậu mượn truyện các đấng đi truyền giáo nơi dân ngoại, trong ấy có truyện Cha Coóc-nây (Tân) là người đồng hương đã giảng đạo ở Việt Nam và mới được phúc tử đạo. Cậu Vê-na không sợ lại vui mừng xem đi xem lại hai ba lần rồi nói: “Tôi ước ao được sang giảng đạo ở Việt Nam và được phúc chết vì đạo”. Từ đó tâm trí cậu bé luôn bị ước mơ tốt đẹp ấy ám ảnh, cậu xin cha mẹ cho mình đi học La-tinh để sau làm linh mục. Cha mẹ cậu vui mừng cho con vào học với cha xứ một năm, rồi gửi vào chủng viện Poa-ti-ê. Sáu năm học ở đây, chú Vê-na làm gương sáng cho các bạn về sự học hành, tập đi đàng nhân đức, giữ luật phép nhà. Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, mới vào học được 2 tháng, chú đã khấn lần hạt mọi ngày kính Đức Mẹ và chú đã giữ cho đến chết. Chú vào họ Trái Tim Chúa Giêsu để cầu cho kẻ có tội và kẻ ngoại trở lại, và vì ước ao đi giảng đạo cho dân ngoại mà chưa đi được, nên chú cũng xin vào Hội Giảng đạo, hằng tuần góp tiền vào hội ấy.

Ở chủng viện được một năm, chú rước lễ lần đầu, chú dọn mình sốt sáng kỹ càng và từ đấy chú tôn sùng phép Thánh Thể cách riêng.

Năm sau, Chúa gửi cho chú một thử thách nặng nề, người mẹ thân yêu qua đời. Chú viết thư về an ủi cha và chị em nhưng chính mình lại nhớ đêm ngày không ngủ được. Chúa muốn yên ủi người con riêng mình, cho chú xem thấy sự lạ này: Một đêm chú đang khóc thương mẹ, bỗng thánh thiên thần dắt mình vào một nơi rực rỡ chói lọi. Mở mắt ra, chú thấy mẹ ở giữa những người sáng láng đang hát mừng ngợi khen Chúa. Từ đó chú không còn buồn sầu nữa. Chú giữ kín sự lạ ấy cho đến khi từ giã cha và chị em lần sau hết để đi giảng đạo mới tỏ ra và buộc mọi người không được nói với ai.

Sáu năm ở chủng viện, chú Vê-na học hành tấn tới, luôn đứng nhất lớp, trổi vượt hẳn các bạn, chú lại đạo đức khiêm nhường hòa nhã không mất lòng ai bao giờ; dáng người nhỏ nhắn thanh lịch, nói năng từ tốn, nét mặt vui tươi rạng rỡ, ai trông thấy cũng phải mến, phải thương.

Thực hiện mơ ước niên thiếu

Vào đại chủng viện, Thày Vê-na mới tỏ cho cha linh hồn biết ý định của mình từ hồi thơ ấu để người định liệu, Sau khi đãcầu nguyện suy xét kỹ lưỡng, cha bằng lòng nhưng đòi thày phải chờ khi đã khi chịu chức năm.

Ngày 24-12-1850, Thày Vê-na chịu chức năm, đó cũng là bước đầu thày thực hiện mơ ước buổi thiếu thời, năm ấy cũng là năm thứ ba triều vua Tự Đức với sắc chỉ cấm đạo ban hành từ năm 1848. Sau đó thày về quê thăm gia đình, rồi lên đường vào đại chủng viện Hội Truyền Giáo Pa-ri.

Ở đây bầu khí thánh thiện sốt sáng, những sự việc cụ thể, những tin tức từ nơi truyền giáo càng làm cho mơ ước của thày tăng dần đến tột đỉnh. Qua những lá thư thày viết cho chị Mê-la-ni-a, thày kể lại gian phòng bài trí các dấu tích, gông cùm, xiềng xích của các đấng tử đạo, nhwuxng tranh ảnh mô tả lại những cái chết anh hùng của các ngài, những buổi tối đến kính viếng các dấu tích ấy để xin các ngài bầu cử cho mình được theo chân nối gót các ngài; khách thập phương cũng đến đây kính viếng cầu xin rất đông.

Thày Vê-na mới vào được hai thánh thì có thư của Đức Cha Ro-to (Liêu) địa phận Tây Đàng Ngoài báo tin Cha Sép-phơ-lơ (Đông) mới phải bắt và phải xử ở Sơn Tây, nên thày càng ước ao chóng đến ngày được diễm phúc ấy, và thày thường nói đó là đường tắt đưa thẳng về thiên đàng.

Ở đây, thày Vê-na cũng nổi tiếng đạo đức, thông thái nên tháng 5-1851 thày được chịu chức linh mục dù mới 22 tuổi.

Lớp này có 12 linh mục, 11 cha được cử sang Phương Đông truyền giáo ngay, còn Cha Vê-na vì mới ốm, còn yếu, phải nghỉ lại uống thuốc, cha buồn và theo thói quen, mỗi khi gặp sự khó, cha thường chạy đến kêu xin Đức Mẹ. Đức Mẹ đã nhận lời. Ngày 20-9-1852, ngày xuống tàu, một cha đi phép ngăn trở không về kịp nên Bề trên dạy Vê-na đi thay, sang Hồng Công ở Nhà Chung nghỉ uống thuốc, bao giờ khỏe sẽ đi truyền giáo.

Sau ba tháng vượt biển, Cha Vê-na đến phố Mới, ở lại đây ba tuần chờ tàu đi Hồng Công. Cha ở Hồng Công độ non một năm, dạy học rồi mới cử sang truyền giáo ở địa phận Tây Đàng Ngoài.

Ngày 26-5-1854, Cha Vê-na cùng với Cha Lơ-gơ-răng (Tràng) rời Hồng Công đi Ma Cao chờ tàu người Trung Quốc sang Việt Nam, vì từ thời vua Minh Mệnh, tàu các nước Châu Âu không được vào buôn bán ở đây. Cha Vê-na nghỉ lại Ma Cao chừng một tuần lễ. Ma Cao xưa kia rất thời danh, quen gọi là ngọc phương đông, là một giải đất chạy ra biển ở tỉnh Quảng Đông, các người Âu Châu đến đây buôn bán, lập ra phố xá sầm uất, nhà cửa rộng lớn, nhiều nhà thơ nguy nga, có chủng viện, có dòng Tên, dòng Thánh Đa Minh và nhiều dòng khác nữa. Các cha thừa sai sang phương đông truyền giáo thường qua Ma Cao. Bấy giờ Ma Cao vắng vẻ, vì cửa bề bồi lâu, tàu lớn không vào được.

Ngày 2-6-1854, tàu mới nhổ neo, lần này có 70 tàu cùng đi nên không sợ cướp biển. Người Trung Quốc ghét người Âu châu, thường gọi là quỷ trắng nên các Cha thừa sai bị chúng khinh dể chửa rủa. Cha Vê-na viết thư về quê kể lại rằng: “Tôi đi tàu Trung Quốc thì khổ trăm đường. Chúng cho Cha Tràng và tôi ở dưới lòng tàu, tỏng một xó tối tăm hôi hám đầy thạch thùng, rết rệp, chật chội, thấp lắm chỉ nằm hay ngồi cả ngày đêm, không đứng được. Chúng tôi không được lên sàn tàu, thỉnh thoảng lên cho thoáng là chúng chửi rủa bắt xuống ngay. Chúng mắng mỏ chúng tôi luôn: khi không có gió, lúc gió to, nhỡ nhàng việc gì, mọi sự không hay là chúng đổ tội cho chúng tôi hết”.

20 ngày sau tàu đến cửa Cấm, đậu gần đồn Hải Phòng. Quan quân xuống khám nhưng vì hai cha ẩn kín, nên không bị bắt. Ban đêm họ đạo ở đây xuống thuyền chở hai cha về chỗ Đức Cha Hi-le (Hy) là Đức Cha phó địa phận Đông rồi đến chỗ Đức Cha chính là Đức Cha Héc-mô-di-la (Liêm). Ngày 13-7 Tự Đức thất niên hai cha mới tới Kẻ Vĩnh.

Những vất vả, ốm đau trong cánh đồng truyền giáo

Cha Vê-na nghỉ ở Kẻ Vĩnh gần hai tháng rồi đến chủng viện Kẻ Doãn học tiếng. Cha học rất nhanh, mới có một tháng đã nói sõi và giảng cho bổn đạo. Ở đây chưa được hai tháng, cha bị cúm nặng, uống thuốc đỡ, cha sang Kẻ Đầm đổi khí. Đến lễ Các Thánh dù còn yếu, cha cũng cố gắng làm lễ. Hàng xứ có tổ chức lễ linh đình trọng thể, có tiếng kèn rước cha vào nhà thờ, nhưng chính tối hôm ấy, cha vừa nằm nghỉ, đã có người vào đánh thức xin cha chạy trốn ngay vì quan đến vây làng. Cha sang làng gần đấy độ một tuần rồi về chủng viện Hoàng Nguyên ở với Cha Chính Nam. Mới đến đây được mấy ngày, bệnh lao và bệnh suyễn của Cha Vê-na lại tái phát vì những ngày phải lội nước, lội bùn, và trong vòng hai tuần bệnh trở nên trầm trọng, cha phải chịu phép xức dầu. Đức Cha Rơ-to nghe tin,  sai ông cả Thuần, quê ở Ninh Bình, là ông lang nổi tiếng đến chữa bệnh cho cha, ban đầu bệnh bớt nhiều, nhưng sau lại ra nặng đến nỗi cha bị bại liệt, không cử động, không nói được. Cha Chính Nam mời các thày danh sư trong miền mà bệnh không bớt. Thấy thế, Cha Chính khuyên cha Vê-na làm tuần 9 ngày kính Trái Tim Chúa Giêsu, Trái Tim Đức Mẹ và Thánh Giuse xin cho được khỏi bệnh. Bệnh cha giảm dần và sau 20 ngày có thể làm lễ, xem sách học hành và giải tội cho học sinh.

Năm Tự Đức bát niên (1854), Cha Vê-na ăn tết ở nhà trường Hoàng Nguyên với Cha Chính Nam, khoảng rằm tháng giêng có tin báo nhà trường Kẻ Non, Kẻ Vĩnh bị vây,  Đức Cha Rơ-to và các cha phải trốn vào rừng hết,  quan quân sắp xuống vây trường Hoàng Nguyên, vì thế hai cha không dám ở đây, đi ẩn nay họ này mai họ khác.

Trong thời cấm cách luôn phải nghe tin dữ,  phải trốn tránh vất vả, tính tự nhiên ai cũng sợ hãi rụng rời, nhưng cha Vê-na lại tỏ ra can đảm lạ thường, vui vẻ vì cha hằng mong được phúc tử đạo.

Sau cùng hai cha về ẩn ở dòng Mến Thánh Giá Bút Đông trong một gian chật hẹp không có cửa sổ,  cửa ra vào đóng cả ngày,  chỉ hé mở một chút cho ánh sáng lúc đọc kinh sách.

Cơn bão táp đợt này nổi lên có vẻ gay gắt nhưng được ít lâu giảm dần, không ai bị bắt và bị xử, Nhà Chung, nhà trường không bị phá, chỉ phải xuất nhiều tiền bạc cho các quan, nên các quan làm ngơ. Đức Cha Rơ-to lại về Kẻ Vĩnh, Đức Cha Tơ-ren (1)  (Đông) lại về nhà trường Kẻ Non.

Cha Nam về Hoàng Nguyên trước, còn Cha Vê-na ở lại Bút Đông 15 ngày. Vì Cha vốn ốm yếu, lại ẩn trốn nhiều nơi, tù hãm lâu ngày nên sức khỏe càng sa sút trầm trọng, ngày thứ tư tuần thánh, Cha đi bộ về Hoàng Nguyên gặp ngày mưa rét, lại lội bùn lội  nước,  bị cảm hàn nặng tưởng chết, nhưng sau được bình phục và Đức Cha Rơ-to dạy cha về Kẻ Vĩnh uống thuốc.

Đầu năm Tự Đức cửu niên là năm 1856, Cha Vê-na đã đỡ bệnh có thể giúp tuần đại phúc vào đầu mùa chay do Đức Cha Rơ- to tổ chức rất trọng thể ở Kẻ Vĩnh cho các thày Đại chủng viện, các chủng sinh và bổn đạo. Ngoài Đức Cha ra, có năm cha thừa sai và sáu cha Việt Nam giúp. Mỗi ngày có bốn bài giảng, hai bài ngắm, người ta đi xem lễ, nghe giảng, nghe sách cả ngày, xưng tội suốt đêm, dù có đến 14 tòa giải tội; cuối tuần đại phúc tổ chức cuộc rước kiệu chung quanh làng.

Rồi cha Vê-na theo Đức Cha Rơ-to mở tuần đại phúc ở Bái Vàng và cử hành lễ phục sinh trọng thể.  Sau những ngày vất vả đó, cha về Kẻ Vĩnh nghỉ ngơi cho hồi sức. Dịp lễ thánh Phêrô quan thày Đức Cha Rơ-to năm ấy, Đức Cha Tơ-ren và các cha thừa sai về mừng, cấm phòng 8 ngày, bàn và các việc trong địa phận, các Cha nghỉ độ 10 ngày rồi mỗi người đi mỗi ngả.  Một trận lụt lớn xảy đến gặp cả khu Nhà Chung, Đức Cha và các Cha phải chạy vào nhà thờ và hai nhà thương. Đúng kỳ này, Cha Vê-na lại phải chứng thương hàn có nguy chết, sau nhờ lời cầu xin với thánh Phêrô An-căng-ta-ra thì khỏi. Nhưng còn bệnh lao và bệnh suyễn ngày càng ra nặng hơn phải nhờ cụ lang Điều châm cứu từ đỉnh đầu đến bàn chân 500 huyệt rất đau đớn thì bệnh lao gần như khỏi hẳn, còn suyễn giảm đi rất nhiều.

“Sẽ phải vác Thánh giá nặng

 và chịu gian nan khốn khó cho đến chết”

 Trước khi sang Việt Nam, một đêm Cha Vê-na nằm mơ mình đang quỳ dưới chân cây Thánh giá rất lớn và trên một đỉnh núi gần đấy, Đức Mẹ hiện ra chỉ cây Thánh giá phán rằng: “ Hỡi con, con sẽ phải vác Thánh giá nặng và chịu gian nan khốn khó cho đến chết”. Lời tiên tri này đã thực hiện. Mới đặt chân đến miền truyền giáo được ba năm, ha đã phải chịu một Tháng giá nặng là cơn bệnh trầm trọng giày vò sống đi chết lại vì không hợp thủy thổ, Chúa và Đức Mẹ đã chữa Cha khỏe mạnh lại để chuẩn bị cho Cha vác cây Thánh giá khác nặng hơn mà phải vác cho đến chết : Cha bắt đầu đi coi xứ và chịu đựng một cơn bách hại dữ dằn nhất trong lịch sử bách hại Giáo Hội ở Việt Nam.

Ngày 27 tháng giêng năm Tự Đức thập niên (1857),  Cha Vê-na ở Nhà Chung Kẻ Vĩnh,  quan quân kéo đến khám Nhà Chung,  Cha phải chạy ra ẩn ở nhà bà Ruyễn, Cha Phaolô Tịnh,  Thày Lương và chánh,  phó lý trưởng bị bắt giải lên Nam Định. Gần hai tháng sau,  Cha Tịnh phải xử, xác đưa về làng Vĩnh Trị chôn ở nền nhà thờ Thánh Phêrô.

Ngày 2- 2 quan Nam Định đưa 1000 quân,  hai voi,  hai khẩu súng thần công về vây làng Vĩnh Trị, Cha Vê-na cùng với Đức Cha, các cha chạy xuống thuyền trước và dạy các chú chạy cả đồ đạo lẫn người nên khi quan đến chỉ có nhà không. Quan nhận hai ba chục nén bạc truyền rỡ nhà thờ ông Thánh Phêrô trong nhà trường, nhà thờ Đức Bà ở ngoài làng và mấygian nhà mà trong nhà Chung rồi kéo quân về.  Đức Cha và các cha không thể ở lại Kẻ Vĩnh được, thì đi ẩn nơi khác, Cha Vê-na về Hoàng Nguyên.

Được ít lâu Cha Chính Nam qua đời, Đức Cha Rơ-to thấy Cha Vê-na đã khỏe mạnh khá thì giao cho Cha coi sóc miền của Cha Chính.  Từ khi đến Việt Nam, Cha Vê-na ốm đau luôn chỉ ở Nhà Chung nhà trường uống thuốc, học hành, xem sách, thỉnh thoảng giải tội cho bổn đạo chưa đi coi xứ, nên khi nhận trách nhiệm nặng nề này Cha lo sợ, trong thư viết về quê Cha kể rằng: “Đưc Cha giao cho tôi miềm Cha Chính coi sóc. Miền này có một vạn hai nghìn nhân danh chia làm bốn xứ, mỗi xứ có hai hay một Cha. Việc của tôi là coi sóc bốn xứ này,  đi làm phúc các họ khô khan, mắc rối, làm phép Thêm sức, thỉnh thoảng cấm phòng cho xứ, tha các ngăn trở hôn phối, coi sóc người nhà Đức Chúa Trời, nhất là nhà dòng nữ…”

Giữa năm Tự Đức cửu niên và đầu thập niên (1856-1857), có tàu Pháp đến cửa Hàn (Tourane) xin buôn bán và xin tha đạo, vua thấy chỉ có hai tàu nên từ chối. Quân Pháp thấy vua không bằng lòng lại khinh dể làm sỉ nhục thì bắn phá đồn Sơn Trà rồi bỏ đi. Từ bấy giờ vua lại càng thêm ghét đạo hơn.

Năm 1858, một năm khủng khiếp, Cha Vê-na bỏ Hoàng Nguyên đến làng Bút Đông ẩn trong nhà dòng Mến Thánh Gía. Khi nào sợ lộ thì Cha ra ẩn ở những nhà giáo hữu rất trung thành và cũng rất nghèo, là nhà các ông Hộ, Kỳ, Cung cũng có tên là Quang là bố Cha Tuyên. Những nhà này thường có hầm hay có vách kép để Cha ẩn trốn.

Một hôm Cha Vê-na đang ở nhà ông Hộ thì quan Huyện Nam Xang cũng đi với ông Tần cai tổng Phúc Châu đến vây. Biết ông Tần bênh chữa người có đạo nên ông Hộ gặp riêng ông và nói thật nhà mình có Tây dương đạo trưởng. Nghe thế, ông Tần đến ngồi giữa nhà ông Hộ rồi sai quân mình đi cùng quân quan huyện lục soát các nhà trong làng, nhưng không bắt được ai.

Nhiều lần vây làng Bút Đông, không bắt được ai, quan huyện Nam Xang tức giận nên sai quân về khám xét khuấy khuất luôn. Khi nào nghe tin ngày mai quan về vây làng thì tối hôm trước, người thì chạy sang làng khác, người ra ngoài đồng chịu mưa, chịu rét, chịu đói cả đêm cho đến trưa mai.

Một hôm ông cai Tần sai người nhà sang Bút Đông bảo các người đàn anh trong làng phải liệu cho ông Tây đi nơi khác, kẻo xảy ra việc không hay, có thể cho sang ẩn ở Phúc Châu, ông sẽ cho người sang đón. Bấy giờ đang cấm đạo rất ngặt, Cha Vê-na không biết đi đâu, đành phải sang Phúc Châu.

Phúc Châu là một làng ngoại đạo, cả làng làm nghề ăn cướp, ông cai Tần cũng là tướng cướp có quyền có tiếng trong huyện, dù quan cũng phải kính nể. Ông và cả làng che chở người có đạo, và khi cấm đạo ngặt thì làng này chứa các Cha, các thày và các nhà dòng.

Lòng nhiệt thành cứu các linh hồn

Cha Vê-na ở Phúc Châu bình yên mới được một tháng, Cha đòi về Kẻ Bèo, đến ở nhà bà nhiêu Căn, một bà góa có lòng đạo đức, sẵn lòng để Cha Vê-na và các thày ẩn ở nhà bà.

Cha về đây được ba ngày đã mở tuần đại phúc. Cha giảng giải độ 5, 6 hôm mà người ta vẫn khô khan thì truyền cả họ phải ăn chay một ngày để cầu nguyện. Chính Cha cũng ăn chay rồi cấm phòng cho cả họ một tuần. Cha bắt các người đàn anh trong làng phải phá bàn thờ rối họ lập ở đình rồi mới giải tội cho. Ít nhiều kẻ khác cũng lập giường thờ ở nhà riêng, Cha gọi đến khuyên bảo hai ba lần, sau họ cũng vâng lời phá đi.

Thấy nhiều người xưng tội chịu lễ, Cha rất mừng, dạy dỗ người ta cặn kẽ cách giữ đạo. Ai nghèo đói Cha cho tiền ăn mấy ngày để ở nhà lo việc linh hồn.

Bị bắt trong vách kép

Ở Kẻ Bèo, tình thế cũng không ổn, Cha đã đưa tin cho họ Bút Đông cử người sang đón, Cha chưa kịp đi thì đã phải bắt.

Một người họ hàng với bà nhiêu Căn đã tố giác Cha Vê-na. Vậy có ông Tuần Đồ, người làng Lê Khoai, tổng Đội Sơn cùng với con rể là cai tổng Đồng Bào tên là Phan, hồi ấy đang lụt lội, đi năm, sáu chiếc thuyền với 20 người đến bắt Cha.

Hôm ấy là ngày 30-11-1860, cũng là ngày 18-10 năm Tự Đức thập tam, hồi 9 giờ sáng, Cha Vê-na và Thày Khang đang ngồi nói chuyện, bà nhiêu Căn vội vàng vào báo : “Thưa Cha, xin Cha trốn ngay, đầy tớ cai tổng đã vào đến cổng”. Cha Vê-na và Thày Khang chạy ngay vào buồng, cài then kỹ lưỡng. Buồng này có hai cửa thông ra hè, một cửa ra gian nhà giữa. Buồng có hai gian, một gian kê giường Cha Vê-na, một gian quây ba cót lúa nơi Thày Khang nằm nghỉ. Sau cót lúa là vách kép có cửa trát cẩn thận, ai không biết tưởng là vách liền.

Tuần Đồ vào ngồi giữa nhà, còn đầy tớ ông cầm giáo mác thừng chão canh trước nhà, vì đằng sau nhà không có cửa lại ngập nước, có muốn trốn cũng không được.

Tuần Đồ gọi bà nhiêu Căn bảo : “Ở đây chứa đạo trưởng Tây, phải đưa nộp ngay”. Bà trả lời : “Thưa ông, tôi mẹ góa con côi, làm sao dám chứa Tây dương đạo trưởng ?”

– Đừng sợ, đưa ông Tây ra đây, ta không có ý bắt đâu, ta muốn chỉ cho ông chỗ ẩn kín hơn.

– Tôi mẹ góa con côi không biết việc này, xin ông hỏi các đàn anh trong làng.

Tuần Đồ cứ hỏi đi hỏi lại rất lâu.

Cha Vê-na và Thày Khang ngồi trong buồng, lo âu ngồi lắng nghe. Rồi ông Tuần Đồ hét lớn : “Có Tây dương đạo trưởng mới ở Kim Bảng đến, sao còn chối?”

Nghe thấy thế, Cha Vê-na biết ngay là Tuần Đồ, vội bảo Thày Khang : “Tuần Đồ ! Phải thu dọn đồ đạc ngay”. Hai Cha con xếp đồ lễ vào thúng khiêng để trong vách kép, rồi lại ra nghe ngóng.

Một giờ trôi qua, bà nhiêu Căn khăng khăng nói không có ai. Tuần Đồ ra lệnh phá cửa buồng. Cha Vê-na vào ẩn trong vách kép. Đầu tiên họ phá cửa bên trong, nhưng chắc quá, không phá nổi, họ phá cửa thông ra ngoài hè, mấy phút mở toang, Thày Khang ra mặt, họ túm lấy thày lôi đến trước mặt tuần Đồ. Ông này hỏi : “Anh là đạo trưởng hay là đầy tớ đạo trưởng?”

– Tôi là đầy tớ đạo trưởng.

– Ở đây có đạo trưởng nữa không ?

– Chỉ có tôi, không có đạo trưởng.

Tuần Đồ quát : “Chúng bay hãy phá vách !”

Họ kéo đến phá vách, bắt được Cha Vê-na.

Tưởng được lợi ai ngờ lỗ vốn

Tuần Đồ đưa hai Cha con xuống thuyền chở đi ngay. Thày Khang ngồi ở man thuyền, không phải trói, còn Cha Vê-na, họ trói vào thang thuyền rất chặt. Thuyền ra khỏi làng Kẻ Bèo, Thày Khang nói với Tuần Đồ : “Ông trói Cha tôi ngặt quá, xin nới ra ít chút”. Vừa nói thày vừa cởi trói, người chèo thuyền giơ mái chèo lên quát : “Buông ra ngay không ta đánh bây giờ”. Thày Khang phải thôi. Một lúc sau Tuần Đồ nghĩ lại, truyền cởi trói cho Cha Vê-na, mời Cha vào ngồi khoang thuyền với ông. Ở đây có lò sưởi vì trời rét lắm, Tuần Đồ mời Cha ăn trầu, hút thuốc. Cha hút thuốc và nói với Tuần Đồ : “Xin ông cai thương dân, đừng khai oa gia kẻo hại dân”. Tuần Đồ im lặng. Cha nhắc lại, Tuần Đồ đáp giọng cứng cỏi : “Lúc nào tôi cũng thương dân, chỉ các ông làm hại dân ; con rể tôi bây giờ thật khánh kiệt”.

Lời trách móc này nhắc lại việc đã xảy ra nămtrước. Con rể ông Tuần Đồ là ông cai Phan làm cai tổng Đồng Bào. Họ Kẻ Bèo gửi hai gánh đồ đạo ở nhà một người ngoại xã ấy. Có người tố cáo với cai Phan, ông này bắt hai gánh đưa về nhà mình rồi đưa tin cho Kẻ Bèo đem hai trăm quan tiền sang chuộc. Họ Kẻ Bèo sợ đó là mưu mô bắt người không dám sang. Cai Phan thấy thế đưa các đồ này vào để trong chùa. Một người ngoại thù ông tố giác với quan phủ. Quan phủ bắt các thứ ấy nên Tuần Đồ phải chạy tiền với quan Phủ và quan Hà Nội hết 24 nén bạc, cai Phan mới khỏi tội và vì thế ông này sạt nghiệp.

Lần thứ ba, Cha Vê-na lại nói: “Xin ông cai thương dân”

Tuần Đồ bảo : “Vậy ông liệu thế nào để tôi thương dân”. Thày Khang hiểu ý ông này đòi tiền thì hỏi : “Ông bắt Cha con chúng tôi để nộp quan hay có ý gì khác ?” Nghe thế ông tuần tươi mặt nói: “Các ông liệu được 100 nén bạc không những tôi sẽ tha ngay, lại tìm cho các ông nơi lẩn trốn vững chắc”. Thày Khang nói câu sách nho rằng : “Người nhân đức tìm làm việc nghĩa hơn là tìm mối lợi, còn người tìm mối lợi hơn là làm việc nghĩa là kẻ ô nhục, ông cai chọn đàng nào ?”

– Tôi xin chịu nhục, các ông liệu cho tôi 100 nén bạc, tôi sẽ xử hẳn hoi với các ông.

Đến làng Lê Khoai, tuần Đồ đưa Cha Vê-na về nhà mình, làm tờ báo quan Phủ Lý rồi mổ lợn ăn khao. Đến tối thông lại, đội lệ và 20 lính đến thì ông làm cơm thết họ và mời Cha cùng ngồi ăn chung với thông lại, đội lệ và cả ông nữa. Hôm ấy là ngày chay nên ông dọn cá vì Cha không ăn thịt.

Hôm sau, Cha Vê-na ngồi trong cũi, Thày Khang vai mang gông, bị giải lên tỉnh Phủ Lý.

Quan phủ tỏ vẻ kính Cha, cho Cha ở ngay công đường không phải vào trại giam, và cho sang cũi khác rộng và cao hơn, đeo xiềng nhẹ. Đến bữa ăn lại cho hai Thày Hân và Lệ ở địa phận Bùi Chu đang phát lưu ở phủ làm cơm cho Cha. Quan cho mọi người vào thăm tự do. Thấy Cha còn thanh niên, hình dáng thanh lịch, nét mặt tươi vui, ăn nói hòa nhã thì thương lắm, nhất là em quan phủ đến thăm cha luôn, dỗ cha khoá quá để khỏi phải chết sớm mà phí hoài.

Bốn hôm sau, độ hơn 50 lính ở Hà Nội xuống giải cha lên tỉnh. Quan phủ sợ bổn đạo đánh tháo giữa đường, lấy thêm lính phủ và quân của Tuần Đồ. Tuần Đồ phải chịu các khoản chi phí dọc đường, nên trong vụ này ông lỗ mất 12 nén bạc. Còn 300 lạng vua thưởng thì các quan ăn cả. Khi chưa bắt Cha Vê-na, ông rất giàu có, sau khi bắt cha, ông sa sút dần . Tưởng được lợi lớn, ông đã mở tiệc ăn khao, ai ngờ phải lỗ vốn, thua to.

Từ Phủ lý đến Hà Nôi phải đi mất hai ngày, Cha Vê-na ngồi trong cũi có 8 người khiêng, Thày Khang đeo gông đi trước. Dọc đường người ta kéo ra xem rất đông, ai cũng động lòng thương. Đến Thường Tín, quan phủ truyền đóng quân lại vì quan muốn xem mặt Cha Vê-na, quan đến bên cũi hỏi cha: “Ông là người nước nào ? Pháp, Tây Ban Nha hay Ma-lắc-ca ? Cha đáp: “Ông làm quan ở nước này có đi đến đâu mà biết các nước Pháp, Tây Ban Nha và Ma-lắc-ca, ông hỏi làm gì ? Có muốn xem mặt tôi thì xem, đừng hỏi gì tôi”.

Tôi xin chết vì người Việt Nam

Ngày 6-12-1860, Cha Vê-na đến Hà Nội. Cũi cha đi qua lối cửa Đông ở giữa cửa đóng một cây thánh giá, cha đòi phải bỏ đi, lính không chịu, cứ khiêng cũi đi. Cha thấy vậy giẫy giụa đổ nghiêng cũi nên lính phải tháo Thánh giá ra. Lính khiêng cũi cha thẳng vào dinh quan Án.

Trong một lá thư viết về quê, cha kể lại cuộc thẩm vấn đầu tiên như sau:

Quan án đưa cho tôi một chén nước chè. tôi cám ơn và uống ngay trong cũi. Rồi quan bắt đầu hỏi cung tôi theo lệ thường.

– Ông tên là gì? Quê ở đâu ?

– Tên tôi là Gio-an Tê-ô-phan Vê-na. Quê nước Pháp.

– Ông đến đây làm gì ?

– Tôi đến giảng đạo thật cho những ai chưa biết.

– Ông bao nhiêu tuổi ?

– 32 tuổi.

“Quan tỏ vẻ thương hại nói: “Còn trẻ quá !” Rồi quan lại hỏi tôi: “Ai sai ông đến đây ?” Tôi đáp: “Không vua quan nào sai tôi, tự ý tôi, tự ý tôi tình nguyện đi giảng đạo mà Bề trên sai tôi sang giảng đạo nước này.

– Ông có biết đạo trưởng Liêu (Rơ-to) không ?

– Tôi biết.

– Ông có biết đạo trưởng Liêu viết thư cho các tướng ngụy mộ dân theo đạo Gia-tô làm giặc chống lại triều đình không?

– Thưa quan ai đã nói điều ấy.

– Tổng đốc Nam Định.

– Thưa quan lớn, tôi cũng nghe nói tổng đốc Nam Định bắt được các thư ấy, nhưng tôi dám chắc đó là thư mạo vì Đức Cha Liêu chúng tôi là người khôn ngoan, không đời nào làm việc dại dột ấy, chẳng những thế tôi còn biết người đã dạy các đạo trưởng thuộc quyền người cấm bổn đạo không được theo giặc.

– Ai sai lính Tây đánh Cửa Hàn (Tourane) và Gia Định ?

– Thưa quan lớn, tôi cũng nghe đồn thổi tin ấy, nhưng tôi không rõ tầu ai, vào có ý gì.

“Tôi vừa nói xong thì quan Thượng vào, vừa ngồi ông nói to tiếng rằng:

– Đạo trưởng Gia-tô, ông có nét mặt rạng rỡ, sắc sảo. Ông đã biết luật phép nước Nam cấm những người Tây không được đến giảng đạo, nếu không tuân, bị bắt sẽ phải giết mà ông còn dám sang ư ? Tại các ông, tàu Tây mới sang đánh nước này. Ông phải khai cho thực, nếu không ta sẽ tấn.

– Thưa quan lớn, quan hỏi tôi hai điều này: một là tôi biết luật nước cấm người Tây không được đến giảng đạo cho dân này, sao còn dám sang ? Vâng, tôi biết luật này nhưng Thiên Chúa truyền tôi phải giảng đạo cho mọi dân mọi nước. Đã rõ chúng tôi phải vâng lệnh vua chúa thế  gian, nhưng chúng tôi phải vâng lệnh Chúa trên trời trước. Hai là tôi không xui tàu Tây sang đánh nước này, nên không phải tại tôi.

– Ông đi bảo tầu Tây đừng đánh nữa, ta sẽ tha cho ông.

– Thưa quan lớn, tôi không có quyền bảo tầu Tây về. Tôi có bảo, họ cũng không nghe. Nhưng nếu quan muốn, tôi ra đi, nếu không được việc, tôi xin về đây chịu chết.

– Ông không sợ chết ư?

– Thưa quan lớn, tôi sang đây chỉ có giảng đạo thật, tôi không phạm tội nào đáng chết. Nếu các quan có xử tôi, tôi xin chết vì người Việt Nam.

– Ông có giận ghét người đã bắt ông không ?

– Thưa quan lớn không, đạo tôi dạy phải thương yêu những người ghét mình, làm hại mình.

– Ông phải khai những nơi ông đã ẩn trốn.

– Thưa quan lớn, quan là cha là mẹ dân, tôi đã đi nhiều nơi, ẩn nhiều nhà, tôi chỉ đi giảng đạo, chẳng làm việc gì khác, tôi có khai ra chỉ hại dân, con cái quan lớn, xin quan lớn tha cho tôi điều này.

– Thôi ông đạp Thánh giá đi để khỏi phải chết.

– Thưa quan lớn, tôi đã giảng đạo Thánh giá cho đến bây giờ, lẽ nào tôi đạp Thánh giá. Tôi thà mất sự sống, chịu chết chẳng thà bỏ đạo. Tôi vừa nói vừa cầm ảnh hôn.

“Quan lại hỏi:

– Nếu ông không sợ chết sao ông lại ẩn trốn?

– Thưa quan lớn, đạo chúng tôi cấm không được cậy sức riêng mình, không được tự nộp mình khi có thể chạy được. Vì thế tôi ẩn trốn nhiều nơi”.

Cha thưa lại những lời lịch sự hẳn hoi, vẻ mặt tươi vui rạng rỡ nên các quan nể cha, không nỡ đánh đập như các đấng khác.

Quan vừa hỏi cung xong thì có Đỗ Tú là người tham chức quyền giàu sang, đi bắt đạo, năm Tự Đức thập nhị niên trong vòng một tháng ông đã bắt được bốn cha, đã được thưởng 400 lạng bạc và bằng cửu phẩm, ông hỏi Cha Vê-na ràng: “Ông có biết rõ Cố Đông (Tơ-ren) bây giờ làm giám mục ở đâu ? Tôi muốn biết mặt ông ấy mà chưa được gặp”. Cha Vê-na bảo ông: “Ông làm nghề bắt đạo thì hèn lắm, ông phải biết bằng cửu phẩm ông đã được thì chẳng khác gì hoa mùa xuân, sớm nở tối tàn chẳng được bao lâu”. Các quan và mọi người nghe đều cười không tin. Nhưng lời tiên tri này thực hiện. Năm năm sau khi bắt được bốn đạo trưởng, Đỗ Tú lên làm chủ kho Phủ lý, nhưng vì tiêu vào tiền công khố, nên phải tội. Cửa nhà bị tịch thu, phải sung quân, rồi phải bệnh chết khốn nạn.

Hỏi cung xong, các quan bắt cha làm tờ khai để theo đó mà dựng án. Trong tờ khai không nói đến một ai vì cứ theo lời Tuần Đồ là bắt được hai cha ở thuyền nhỏ giữa sông. Thày Khang viết, Cha Vê-na ký. Cac quan bắt phải viết là Gia-tô tà đạo, nhưng Cha cương quyết không chịu, nên các quan cũng thôi.

Khai xong, các quan khép cha phải án trảm quyết bêu đầu ba ngày rồi ném xuống sông. Thày Khang là đạo đồ bất khẳng khóa quá phải phát lưu Hưng Hoá. Những ngày đợi chờ phúc tử đạo.

Tra hỏi xong, Cha Vê-na phải giam trong cũi ở dinh quan Tổng đốc, không phải đưa vào trại, vì cũi trước thấp bé chật hẹp nên quan truyền thay cũi khác rộng rãi hơn, cha đứng được trong ấy chỉ phải cúi đầu xuống một ít. Trong cũi trải chiếu hoa, chung quanh cũi đóng bốn cọc, chằng dây để người ta khỏi đến gần.

Có ba đội lính thay đổi canh gác, thỉnh thoảng cha được ra ngoài đi bách bộ, giờ cơm cha ăn cơm ở ngoài, ai xin vào thăm cũng được. Lính canh đối xử lịch sự tử tế với Cha. Khi mới phải giam, quan phát mỗi ngày sáu tiền để làm cơm cho Cha, nhưng sau Cha thấy không tiện nên nhờ cai đội xin quan để bổn đạo thu xếp lấy lẽ không quen làm cơm nên ông Tây không ăn được, sợ sinh bệnh sẽ chết trong cũi. Từ đấy Thày Lễ là người Đức Cha cử coi sóc các tù có đạo ở Nam Định giao cho bà Nghiêm ở trong thành làm cơm.

Quan tổng đốc Hà Nội Hoàng Văn Thu là người tốt có lòng thương dân, rất kính trọng Cha Vê-na. Ông không hành hạ cha lại hay dọn cỗ mời cha. Trong hai tháng bị giam cầm, cha không bỏ phí thời giờ, không tiếp khách thì cha đọc kinh, lần hạt, đi bách bộ. Ông bếp Khánh kể lại rằng: “Cha Vê-na đạo đức sốt sáng lắm, lần nào tôi có việc đến gặp Cha thì thường gặp cha đang đọc kinh. Sáng tối cha hát La-tinh, lúc nào cha cũng vui tươi.

Bị giam 20 ngày, Cha Vê-na viết thư xin Đức Cha To-ren lo liệu cho mình được xưng tội chịu lễ. Đức Cha đang ẩn ở Kẻ Trừ, dạy Cha Thịnh phó xứ Kẻ Sét đi giải tội và kiệu Mình Thánh cho Cha Vê-na, Đức Cha dặn cha Thịnh nhờ ông Phao-lô Hương Mới, đầy tớ quan án thu xếp. Việc này rất nguy hiểm vì ở các cửa thành đều đóng Thánh giá, quan lại ra lệnh canh phòng cha cẩn thận không ai được đến gần. Ông Hương Mới đưa Cha Thịnh đến giải tội cho Cha Vê-na bình an. Cha Thịnh mang Mình Thánh theo nhưng không dám đưa cho Cha Vê-na sợ lộ. Cha giao cho bà Nghiêm, tối hôm ấy bà đưa vào cho Cha Vê-na. Cha giữ trong người, chầu cho đến nửa đêm thì chịu lễ.

Cha Vê-na ước mong chóng đến ngày được đổ máu ra vì Chúa Kitô. Không thấy án ở kinh ra, Cha thường bảo bà Nghiêm và bà Mẫn là hai người quen đưa cơm vào cho Cha rằng : “Các Cha khác chỉ đợi non một tháng, còn Cha đã gần hai tháng rồi, mà sắc chỉ vẫn chưa có, Cha cảm thấy lâu lắm”. Thỉnh thoảng Cha cũng hay hỏi ông bếp Khánh và người nhà quan đến thăm cho biết án mình đã ra chưa, khi nào có xin báo cho ngay. Cha nhờ bà Nghiêm may cho bộ áo mới trọng thể để mặc khi xử.

Trong các thư viết từ giã Đức Cha, các Cha, các người ân nhân đã chứa mình lâu ngày, từ giã họ hàng, Cha tỏ rõ lòng khát khao chờ ngày chiến thắng, lời văn khéo léo nhẹ nhàng vui tươi dù lúc đó đã gần ngày phải xử và phải viết trộm vụng ban đêm.

Bông hoa xuân chủ vườn muốn hái

Trong một lá thư viết từ giã Cha già, Cha Vê-na ví mình như bông hoa mùa xuân mà lưỡi gươm từ hình chỉ là bàn tay ông chủ vườn yêu hoa hái về trưng bày. Đêm ngày 1-2-1861 án trong kinh ra tới nơi. Án đề rằng : “Tây dương đạo trưởng Vê-na, 31 tuổi, đã biết luật nước Nam cấm đạo Gia-tô, còn dám sang giảng đạo ấy để lừa dối dân. Đã phải bắt, tra hỏi nhận các tội ấy. Tội nó đã rõ. Chiếu luật nó phải trảm quyết, bêu đầu ba ngày rồi bỏ xuống sông’’.

Đức Cha Tơ-ren kể lại rằng : “Sáng 2-2-1861, Cha Vê-na ăn sáng như thường lệ rồi đi bách bộ ngoài vườn. Bà Nghiêm theo Cha nói : “Thưa Cha, Cha phải xử hôm nay”. Cha Vê-na không tin nghĩ rằng mình phải điệu vào kinh. Bà này thưa : “Đúng là Cha phải xử hôm nay, voi và lính đã xếp hàng tề chỉnh, lát nữa là Cha phải đưa đi xử”. Cha tin, đi về cũi phân phát các đồ đạc mình cho người chung quanh.

Lúc đó chị Xin người Kẻ Sét, Cha Thịnh sai đưa Mình Thánh cho Cha Vê-na chịu như của ăn đàng, vừa đến, chị thấy lình tráng thì sợ hãi lúng túng tiến đến thẳng cũi định đưa ống đựng Mình Thánh cho Cha. Lính thấy thế tưởng chị đưa thuốc độc, bắt trói và bắt cả ống đựng Mình Thánh. Bà Nghiêm quen lính chạy và bảo : “Không phải thuốc độc đâu, đây là của chúng tôi quen ăn lúc sắp chết để về thiên đàng, chú không trả lại, chú sẽ chết”. Cha Vê-na cũng bảo người lính ấy rằng : “Ai dám mở ống ấy ra sẽ phải chết”, lính sợ quá đưa cho bà Nghiêm, bà nộp lại cho Cha Thịnh, vì vậy Cha không được chịu lễ như của ăn đàng.

Các quan đòi Cha lên nghe án. Nghe xong, Cha nói mấy lời công khai tuyên bố mình đến đây dạy đạo thật và mình chịu chết vì đạo này, cuối cùng Cha nói với các quan ràng : “Ngày kia chúng ta sẽ gặp nhau trước tòa phán xét”.

Nghe thế, quan Án sợ hãi bảo : “Ông chết là tại ông, ta chỉ xin ông đừng oán trách”. Cha Vê-na vui vẻ trả lời: Xin quan đừng lo, tôi sẽ cầu cho các quan được phúc, xin các quan ở lại, tôi về thiên đàng”.

Đoàn áp giải tù lên đường tới pháp trường, Cha đi giữa bốn người lính cầm gươm. Quan Giám sát đi trước, voi và hơn bốn trăm quân theo sau. Đến cửa Bắc, Cha đòi phải cất thập giá rồi mới đi qua. Quá cửa thành chừng 300 thước, Cha để tay lên ngực, đưa mắt nhìn chung quanh tìm Cha Thịnh giải tội cho như đã hẹn trước nhưng vì không được tin, Cha Thịnh không lên kịp. Mọi khi quen xử tù ở Ô Cầu Giấy, nhưng Cha Vê-na vì đầu phải vứt xuống sông nên phải đi qua phố hàng Đậu để rẽ ra bờ sông.

Cha mang xiềng, mặc áo the mới, nét mặt vui vẻ, hồng hào, vừa đi vừa hát La-tinh to tiếng. Mọi người ngạc nhiên thán phục.

Tới nơi xử lính đóng vòng tròn, Cha Vê-na ở giữa, không ai được đến gần Cha, trừ bà Nghiêm. Cha Vê-an nhìn đám đông tìm Cha Thịnh, vẫn không thấy. Cha đưa dép cho bà Nghiêm rồi ngồi vào chiếu, lính đến bẻ xiềng Cha. Lý hình chém Cha hôm đó tên là Tuế, lưng gù, có bướu, trông như phường chèo, tên này trước đây đã xử bốn Cha.

Anh đến nói với Cha Vê-na như quen nói với các tù nhân thường : “Ông cho tôi mấy quan, tôi sẽ xử ông cho mát mẻ”, nhưng anh nhận được câu trả lời rất khác thường : “Càng lâu, càng tốt”.

Thấy Cha mặc quần áo mới nguyên không dính máu, anh xin cởi áo? trước Cha không bằng lòng, sau anh nói dối rằng : “Ông phải xử lăng trì”. Bấy giờ chắc không phải Cha tin lời bịa đặt của anh. nhưng có lẽ Cha cảm thương tên lý hình bất hạnh này, hay Cha muôn bắt chước gương Thày Chí thánh chết trần trụi trên thập giá, Cha cởi hết khăn áo, chỉ còn mặc một cái quần. Sau đó, lính trói Cha vào cọc. Ba hồi chiêng lệnh vừa dứt, lý hình chém nhát thứ nhất, đầu nghiêng bên vai, hai nhát sau gươm gẫy, phải lấy gươm khác. Chém hai nhát nữa đầu Cha Vê-na mới gục xuống ngực, lưỡi gươm cong lên. lý hình lấy chân uốn gươm lại. cứa cổ Cha mới đứt, anh tung đầu lên cho quan Giám sát trông thấy. Ai dự buổi xử cũng ngậm ngùi cảm thương tiếc xót người thanh niên tuấn tú khôi ngô. Hôm ấy là ngày 2-2-1861, một ngày có sự trùng hợp lạ lùng, ngày sinh cho Nước Trời của Cha Vê-na, ngày Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ dâng con trong Đền Thánh. Đức Mẹ cũng dâng người con yêu dấu của mình lên Thiên Chúa. Hôm ấy trong các thánh đường tưng bừng nến sáng, nến Đức Tin trong ngày Rửa Tội, phải chăng đó là tượng trưng cho cuộc tuyên xưng Đức Tin anh hùng của Cha Vê-na. Hôm ấy các thánh trên trời vui mừng đón bông hoa xuân tươi thắm chủ vườn hái về trang điểm cho thành Giê-ru-sa-lem mới.

Dân sở tại lấy đầu Cha Vê-na đem bêu như lời quan quyền, còn xác Cha nằm lên chiếu một lúc lâu vì chưa có quan tài ; bà Nghiêm, bà Mẫn, cô Ân, cô Lý và mấy bà có đạo ngồi bên xác khóc lóc to tiếng. Một người lái buôn quê Nghệ An thấy xác Cha nằm trần thì thương, ông cởi áo đang mặc phủ lên người Cha. Một lúc sau, bổn đạo họ trại phong đưa quan tài đến, nhưng không có người đào huyệt. Ông Hương Mới nói với ông Tài, người có đạo xứ Kẻ Lường đang làm quyền xuất đội, xin ông giúp việc mai táng. Ông này sai lính đào huyệt ở nơi xử, ngay cạnh bờ sông. Người ta liệm xác Cha vào khăn vải và chiếc chiếu Cha quỳ khi phải xử.

Tháng 5 năm sau Cha Thịnh sai hai ông Lý Vững và Hương Mới đào trộm xác đưa về Đồng Trì. Đến khi tha đạo, Cha Chính Puy-gi-ni-ê[1] (Phước) bốc hài cốt Cha Vê-na đưa về Kẻ Đầm, ghi từng cái một, nộp Đức Cha Giăng-tê. Năm 1865 đưa hài cốt về Pháp. Khi bốc xác Cha Vê-na có Cha Thịnh. Thày Lễ và ông Hương Mới, còn ông Lý Vững đã qua đời.

Đầu Cha phải bêu ba ngày trên ngọn cây luống cắm cạnh bờ sông. Hai ông Lý Vững và Hương Mới tìm cách lấy lại đầu Cha. Họ buộc mấy lưỡi câu vào ba bốn chục sải dây gai, hai lưỡi câu mắc vào tai cho vững, còn dây một đầu buộc vào lưỡi câu, một đầu buộc vào tàu lá chuối làm phao. Hai ông bàn với dân sở tại và họ đồng ý.

Đến tối ngày thứ ba, quan huyện Thọ Xương sai người em đi bỏ đầu Cha xuống sông. Thuyền chở ra đến giữa sông, ông này truyền bỏ đầu xuống. Người ta tung đầu xuống thật nhưng giữ lại đầu dây buộc vào mạn thuyền. Xong việc chèo thuyền về, gần đến bờ có tiếng kêu: quan Huyện đến khám, họ sợ quan bắt được, kéo mạnh cho đứt dây, vì thế không tìm được đầu.

Hai ông Lý Vững và Hương Mới không thất vọng, họ thuê hai thuyền đánh cá rà dưới sông hai ba ngày liền cũng không thấy. Tết đến, công việc phải bỏ dở. Ngày mồng 5 tháng giêng, ông Lý Vững thuê thuyền di Hà Nội có ý đào trộm xác, nhưng ngăn trở không thành. Khi thuyền trở về đến Vụng Nhót, lái thuyền thấy có cái gì đó lập lờ trên mặt nước lúc đen lúc trắng thì bảo ông Lý Vững ra xem là cái gì, ông này bảo chở thuyền đến đấy, lấy vợt vớt lên đưa vào thuyền. Ông Lý nhân ra là đầu Cha Vê-na, chỉ còn một lưỡi câu buộc ở tai bên phải với đoạn dây gai ngắn. Ông đặt đầu Cha vào túi dựng liền, đưa về nhà mình ở Đồng Trì, rồi báo tin cho Cha Thịnh ở Kẻ Sét biết. Cha Thịnh xuống Đồng Trì ngay và khi biết chắc là đầu Cha Vê-na thì lấy vải liệm, cho vào một nồi đưa về cho hai Đức Cha đang ẩn ở Kẻ Trừ. Đầu Cha Vê-na được rửa bằng nước hoa, lau chùi sạch sẽ, cho vào nồi đất táng ở nhà ông Xạ xứ Kẻ Trừ.

Năm 1879, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 phong Cha Tê-pha-nô Vê-na lên bạc đáng kính và ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho Người.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-Iô II tôn chân phúc Tê-ô-phan Vê-na lên bậc hiển thánh.


[1] Puginier.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trinh Văn Căn