Ngày 2/5: Thánh Giu-se Nguyễn Văn Lựu – Giáo hữu, Lễ nhớ tuỳ chọn

Ông Giuse Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1789 ở họ Cái Nhum, chợ Lách, Vĩnh Long. Cha ông là Nguyễn Văn Sách và mẹ ông là bà Minh, cả hai đều là giáo hữu đạo đức sốt sắng. Cậu Lựu là con trưởng được cha mẹ rất yêu quý. Chẳng may mẹ mất sớm, cha cậu còn trẻ phải đi bước nữa để có người trông coi gia đình và săn sóc đứa con thơ bé. Bà vợ kế cũng là một giáo hữu tốt, bà thương cậu Lựu như chính con mình, nhờ đó cậu bé được sống trong bầu khí đầm ấm gia đình. Nhưng vị tử đạo tương lai còn phải gặp nhiều gian nan thử thách để tôi luyện mình và sau xứng đáng được lãnh nhận phúc trọng.

Năm lên 10, gia đình gặp khó khăn phải bỏ quê hương đến ở họ Bò Ót. Cha mẹ cậu chịu khó làm ăn, gây dựng lại được cơ nghiệp. Ông Sách đạo đức, được bầu làm trùm họ và ông đã có công xây dựng nhà thờ họ và lo giúp bổn đạo.

Năm 15 tuổi, cậu Lựu là một thanh niên hăng hái nhiệt thành đạo đức. Trong thời gian này gia đình lại gặp cảnh túng thiếu phải di cư đến Mặc Bắc làng Long Định là nơi nhiều ruộng đất, cậu phụ với cha khai phá đất, quy dân lập ấp, gây dựng làng họ.

Đến tuổi trưởng thành cậu Lựu kết hôn với cô Matta Thế con nhà nho giáo. Cô là người đạo đức, khôn ngoan, tháo vát. Ông bà sinh được bảy con, con cả và con út chết khi còn bé, còn năm người sau đều trở thành giáo hữu sốt sắng. Người con thứ tư là anh Gioan Baotixita Nhiên sau thay ông làm trùm họ Mặc Bắc.

Một giáo hữu sốt sng

Ông Lựu hiền lành, đạo đức, hoà nhã, không để lòng giận hờn ai. Với các bề trên ông mến phục, với người dưới ông khuyên bảo. Tối đến, gia đình ông xum họp nghe đọc sách, đọc kinh. Cha Bô-ren (Hoà) thường qua lại nhà ông kể lại: “Một hôm ông trùm Lựu bị một đứa bất lương mắng nhiếc thậm tệ, ông cứ giả điếc làm ngơ, con ông tức giận, định ra trị cho tên ấy một phen, nhưng ông can rằng: “Thôi con, Chúa Giêsu là Chúa trời đất, là Đấng vô tội còn phải dân Do Thái sỉ nhục, huống chi ta là người tội lỗi lại không bằng lòng chịu một chút để noi gương Chúa sao ?” Cậu con vâng lời và tha cho tên ấy.

Ông hay giúp đỡ người khác mà không cần ai trả ơn. Một hôm đi thăm ruộng thấy ruộng người bên cạnh mới cấy, lúa nổi nhiều, không đợi ai mượn, ai khen, ông sắn quần lội xuống giậm hộ, đến tối cũng chưa xong ông mới về bảo chủ ruộng: “Ruộng ông lúa nổi nhiều quá, liệu mà đi giậm lại kẻo hỏng hết”. Gặp bờ ruộng ai bị vỡ, ông cũng đắp lại. Đi câu về, ai xin ông cũng cho, mà chọn con to nhất, hay phân phát cho hàng xóm, chỉ giữ lại đủ ăn.

Một ông trùm gương mẫu

Cha xứ chọn ông là biện sở họ Mặc Bắc, ông làm tròn phận sự này cách vẻ vang. Ai ốm đau, ông năng thăm viếng khuya sớm. Hồi đó Giáo Hội Việt Nam trải qua cơn cấm đạo ngặt nghèo, nhà thờ phải triệt hạ, nhà ông Biện Lựu trở thành nhà nguyện để giáo dân tụ họp lo việc thiêng liêng. Các cha thường trú ở nhà ông để thăm viếng bổn đạo. Khi có cha đến, ông Lựu báo cho bổn đạo, khuyên những người khô khan đến lĩnh các phép bí tích. Đang thời nguy hiểm ông vẫn can đảm đón rước các cha, cần mẫn cực nhọc mà không than phiền, vì thế ông được đặt làm trùm họ. Dù vậy cách cư xử ông vẫn ôn tồn đơn sơ, năng viếng thăm những gia đình gặp cơn phiền sầu âu lo, ông thương yêu giúp đỡ mọi người. Nhưng nếu ai lỗi luật ông cứ phép phạt không tha. Ông ra hình phạt cho những người ăn nói thô lỗ cục cằn phải nộp mấy quan tiền. Bổn đạo mến ông và cũng sợ ông vì ông không thiên tư. Ông dâng cúng vườn đất cho Nhà Chung, dâng tiền để xây lại nhà dòng Mến Thánh Giá ở gần nền nhà thờ cũ họ Mặc Bắc. Ở đây, sau là nơi chôn cất xác ông.

Bình thản trước sắc lệnh cấm đạo

Năm 1848, Tự Đức nguyên niên đã có sắc lệnh cấm đạo ngặt. Ngày 21-3-1851, lại ra thêm một sắc lệnh mới dạy các quan hễ bắt được Tây dương đạo trưởng phải trảm quyết, quăng đầu xuống sông, đạo trưởng Việt Nam phải phân thây, dù quá khoá, dù không. Ai chứa chấp đạo trưởng cũng bị phân thây, con cái phải phát lưu chung thân.

Người ta thấy hình như ông trùm Lựu không quan tâm đến các sắc lệnh ấy, ông bình thản chu toàn phận vụ người giáo hữu đạo đức và nhiệm vụ trùm họ. Thời kỳ này cha Phê-rô Lựu đang coi xứ Mặc Bắc. Ở trong làng có ba người là Bếp Nhẫn, Lý Vấp, Xã Hiệp lợi dụng tình thế, doạ dẫm dân làng kiếm tiền, chúng hay đến gặp cha Lựu xin tiền. Một lần Bếp Nhẫn xin cha cho vay 100 quan tiền thu xếp công việc để có thể đi nhà thờ trong mùa Phục Sinh, chẳng may khi ấy cha đang xây nhà dòng, không có tiền. Ông Bếp Nhẫn thù cha, đi báo quan, dịp này bề trên đổi cha Lựu đi xứ Ba Giồng, còn cha Phi-lip-phê Phan Văn Minh về Mặc Bắc mà ông này không biết.

Cha Minh đến đây 18 hôm thì quan quân đi thuyền về Cần Chông và phái người dò la. Xã Hiệp sai vợ giả vờ đến xưng tội, bà trùm Lựu sinh nghi trả lời cha đi vắng. Tối xã Hiệp lại đến mừng cha rồi trở về.

Đang đêm, xã Hiệp, bếp Nhẫn và lý Vấp dẫn quan quân đến vây nhà ông trùm Lựu. Cha Phi-lip-phê Minh còn thức nghe các chú đọc sách, bỗng có tiếng hô lớn ngoài sân, tiếp theo đó là ba tiếng súng. Anh Nhiên con ông trùm Lựu chạy vào báo: “Thưa cha, người ta đến bắt cha”. Cha Minh đến trước bàn thờ cầu nguyện, ông bà trùm và các con soạn đồ lễ cất giấu. Anh Nhiên ở trong hỏi vọng ra: “Các ông đến đây có việc gì?”

  • Mở cửa ngay, có quan Lãnh đến.

Cha Minh bảo mọi người trốn, còn cha ở lại, may ra cứu được nhà ông trùm, nhưng ông này đã can đảm ra mở cửa và hỏi: “Đêm hôm các ông đến nhà tôi làm gì ?” Quan Lãnh bảo: “Ta đến bắt đạo trưởng Lựu, ba ông Hiệp, Nhẫn, Vấp báo ông chứa đạo trưởng trong nhà, đạo trưởng Lựu đâu ?” Ông chưa kịp nói lính đã quát: “Lão già không chịu thưa sao, chém đầu ngay bây giờ”.

Ông trùm bình tĩnh nói: “Không có đạo trưởng Lựu, Lựu là tên tôi”. Quan Lãnh hét: “Lão già này thật khéo giả vờ, để rồi xem”. Rồi quát lính đánh đòn ông Lựu. Dưới làn roi tới tấp ông chỉ kêu: “Không có đạo trưởng Lựu, Lựu chính là tôi”.

Thấy lính tra tấn ông trùm dã man, cha Minh ở buồng trong bảo bà trùm: “Tôi phải ra, họ làm khổ ông trùm quá”. Cha bước ra nói: “Tôi là đạo trưởng, hãy bắt tôi và tha cho các người này”.

Cha phải trói ngay, quan lại bắt thêm các ông phó tổng Trị, xã Kim, hương Sĩ, lý Oai vì đã cho phép ông Lựu chứa chấp đạo trưởng. Rồi quan quay về phía ông trùm Lựu hỏi: “Có phép ai mà ông dám chứa đạo trưởng trong nhà?” – Cha tôi, tôi nuôi không phải trình báo với ai cả.

Đêm ngày 16-2-1853, cha Minh, ông trùm Lựu và các bạn phải giải lên Vĩnh Long.

Một cái chết êm ái sau 14 tháng tù đày

Bị tra khảo nhiều lần, nhưng ông Lựu vẫn vững vàng can đảm, dù ông ốm yếu già cả. Trong một tuần lễ, ngày nào ông cũng phải chịu đòn cùng với các bạn và bị dụ dỗ quá khoá, mọi người giúp nhau chịu khổ đến cùng. Hết tuần ấy các ông phải chuyển sang trại Tuyển Phong là trại giam những người đã có án. Ở đây anh Nhiên được ra vào thăm viếng giúp đỡ ông.

Thấy ông trùm già yếu, các quan cố nài ép ông quá khoá, nhưng ông cương quyết từ chối nên bị 100 roi. Ông chỉ còn da bọc xương, những vết lằn roi đau thấu ruột gan mà ông già không chút phàn nàn, miệng chỉ kêu tên cực trọng Giêsu Maria.

Bản án cha Minh, ông trùm Lựu và các bạn được đệ vào kinh.

Ngày 3-7-1853, cha Minh phải trảm quyết ở Đình Khao và cha được phong chân phúc ngày 27-5-1900. Còn án trong kinh luận cho ông Lựu và các bạn như sau:

“Tên Nguyễn Văn Lựu và bốn tên kia phải thích tự, xiềng xích đầy ra Tuyên Quang, xứ Bắc. Người nào biết tội mình quá khoá, quan tỉnh sẽ xét, nếu thật lòng sẽ tha cho về gia đình, quan tỉnh phải tâu vào kinh trước. Còn đứa nào cứng cổ, phải đày nó chung thân, không được tha”.

Mấy người thấy án nặng quá thì quá khoá về với vợ con, ông trùm buồn bã khóc lóc cố khuyên can, nhưng họ đã ngã lòng, nên ông bảo họ về đến nhà phải tự hối ngay. Chỉ có ông tổng Trị, ông thủ Quyền vâng lời ông trùm Lựu.

Các quan xét án ông Lựu quá nặng vì ông đã già, nên không đày ông ra bắc mà chỉ đày đến Châu Đốc. Quan tỉnh Châu Đốc sợ tội liên can đến việc đổi án vua, thì gửi trả các quan Vĩnh Long. Lúc đó, đã trở mùa gió, thuyền chạy ra Huế không được nên ông Lựu còn phải giam ở Vĩnh Long gần một năm nữa.

Thời gian này ông được cha Đoan, cha Phiên và cha Phê-rô Lựu là cha xứ cũ đến thăm. Một lần ông nói với cha Đoan: “Xin cha cầu cho con được vững vàng mạnh mẽ đến cùng, sắp đến lúc con phải đi đày. Con phó mọi sự trong tay Chúa, con trông cậy lòng nhân từ Chúa, con xin theo ý Chúa, vợ con con có Chúa lo, con không còn thương tiếc gì.”

Ông thủ Lê Đạo Quyền bị giam cùng với ông Lựu kể lại rằng: “Ngày lễ Gio (1854), ông trùm xưng tội lần sau hết, ông sốt sắng làm việc đền tội 15 ngày, mỗi hôm đọc kinh Tám mối phúc thật, kinh Lạy cha, kinh Kính mừng. Đến ngày mùng một tháng Đức Bà năm ấy, ông yếu sức nhiều, bị đau tức ngực”. Cha Bô-ren thuật lại: “Buổi sáng, ông còn nói rõ ràng, ai cũng lấy làm lạ, đưa thuốc xin ông uống, ông bảo: Không ích gì cho tôi và tôi cũng không muốn ăn uống gì. Rồi ông ở lặng suy ngắm hồi lâu như bất tỉnh, bà trùm và hai con sợ ông mê, lay gọi ông, ông nói: Để tôi yên lo việc linh hồn tôi, tôi không mê. Đêm sau chừng ba giờ khuya, ông ngồi dậy ba lần, mắt đăm đăm nhìn trời, xin mọi người xung quanh cầu cho mình, lần thứ ba ông kêu lên: Giêsu, Maria, Giuse, lạy Đức Bà là Mẹ con, xin cứu giúp con. Rồi ông qua đời êm ái.

Ông Giuse Nguyễn Văn Lựu về hưởng phúc thiên đàng ngày 2-5-1854 sau 14 tháng tù đày.

Được tin báo, các quan đích thân đến khám nghiệm. Họ không tin ông đã chết vì ông như người đang ngủ, miệng còn để lại nụ cười làm nét mặt rạng rỡ. Họ truyền lính lấy đuốc đốt hai ngón chân cái một lúc lâu, biết đã chết thật, mới cho tháo gông xiềng và giao cho gia đình thu xếp. Bà trùm liệm xác ông cho vào một quan tài rất đẹp đưa về Mặc Bắc chôn ở nền nhà thờ cũ.

Xác vị tử đạo còn để lại ba ngày cho giáo dân Mặc Bắc kính viếng, cha Đoan chủ sự lễ tang trọng thể, đèn đuốc rực sáng cả một góc trời.

Ngày 2-5-1909, Đức Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu.

Sau đó có cuộc rước hài cốt chân phúc từ Mặc Bắc về Sai Gòn. Trong ngày hân hoan khải hoàn này, có mặt đầy đủ các người đồng hương và con cháu của vị tử đạo.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong chân Phúc Giuse Nguyễn Văn Lựu lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn