Ngày 20/8: Thánh Bê-na-đô – Viện phụ – Tiến sĩ Hội thánh, Lễ nhớ
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Bênađô, qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 tại Claivaux, phong thánh năm 1174 và được tuyên bố là tiến sỹ Hội thánh năm 1830, đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên một phần lớn thế kỷ XII mà người ta mệnh danh cách chính đáng là “thời kỳ thánh Bernard ”. Vì thánh nhân thực sự là một trong những nhân vật chính của phương Tây Kitô giáo và mãi tới nay, vẫn thuộc số những vị thánh được yêu mến nhất.
Bênađô người Clairvaux sinh năm 1090 tại Fontaine-lès-Dijon, trong một gia đình lãnh chúa quyền quí. Thân phụ, ông Tescelin, là lãnh chúa Fontaine hiệp sỹ của quận công Bourgogne và thân mẫu, phu nhân Alets de Montbard, có nhiều con và con thánh. Bà Aleth sẽ được tôn phong là chân phước. Hai mươi ba tuổi, Bênađô quyết định trở thành tu sỹ dòng Xi-tô lúc ấy đang dưới quyền điều khiển của thánh Etienne Harding tu viện trưởng. Bề trên tu viện đang buồn bã vì thiếu thỉnh sinh tu dòng thì Bênađô tới, kéo theo ba mươi thanh niên quí tộc, trong đó một số là anh em. Ông bố và các anh em khác sẽ tiếp theo sau..
Sau ba năm tu tại Xi-tô, năm 1115, Bênađô được sai đến làm tu viện trưởng, thành lập dòng tại Clairvaux và sẽ làm bề trên tại đó cho đến lúc chết. Người chăm chú cuộc đời trong chiêm niệm nhưng đồng thời cũng chuyên tâm giảng thuyết và hoạt động, bươn chải khắp các nẻo đường nước Pháp, nước Đức và nước Ý, giảng rao về an bình, nhưng cũng tuyên truyền cho cuộc thập tự sinh thứ hai (Véjelay 1146) theo yêu cầu của Đức giáo hoàng Eugène III từng là tu sỹ Clairvaux. Suốt thời làm tu viện trưởng, thánh Bênađô chỉ chuyên trách về toàn dòng Xi-tô và đã thành lập sáu mươi tám nhà dòng mới. Cùng thời gian đó, trên hầu khắp châu Âu xuất hiện nhiều nhà dòng mới, đến nỗi năm 1153 khi thánh nhân qua đời, đã có tới ba trăm bốn mươi ba nhà. Vậy nên người ta có lý khi gọi Người là vị sáng lập thứ hai Dòng Xi-tô.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện trong ngày: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn thánh Bênađô được tràn đầy lòng yêu mến Giáo hội Chúa, trở trên ngọn đèn sưởi ấm và chiếu sáng trong nhà Chúa”. Đây là điểm đặc trưng thứ nhất của vị thánh viện phụ mà người ta, xét theo tính lịch sử, gọi là thánh giáo phụ cuối cùng căn cứ vào nền giáo lý của Ngài phù hợp với Thánh kinh phụng vụ và truyền thống Giáo hội. Bênađô đã rời bỏ lâu đài Fontaine để đến tu tại viện ở Xi-tô nơi đây các tu sỹ sống nghiêm nhặt tuân thủ qui luật thánh Biển Đức. Đức viện phụ Robert de Molesme đã xây dựng tu viện nổi tiếng này năm 1098, cùng với thánh Etienne Harding và thánh Albéric. Anh sáng của thánh tiến sỹ Bênađô rạng rỡ một cách đặc biệt trong các tác phẩm thần học và tu đức, chẳng hạn cuốn Luận về ân sủng và tự do ý chí. Cuộc thăng tiến của linh hồn tiến Chúa, các bài giảng về cuốn Diễm ca, và trong tuyệt tác của Người, cuốn Luận về tình yêu Thiên Chúa. Trong những cuộc tranh luận với thuyết duy lý của Abélard cho rằng “biết mọi sự trên trời dưới đất, chỉ trừ động từ không biết”, thánh Bênađô trình bày một nền giáo lý in đậm một nền thần bí điều độ và bình tĩnh.
Điệp khúc của thánh thi Zacharie lập lại đề tài của lời nguyện trong ngày: “Ôi lạy thánh Bênađô, sức sáng rạn rỡ của Ngôi Lời đã chiếm được hồn Ngài, nên Ngài đã trải ánh khôn ngoan và đức tin trên khắp Giáo hội”.
Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh một khía cạnh khác trong nhân cách thánh Bênađô, đấng được gọi là “tiến sỹ ngọt ngào” đã “làm hết sức bằng lời nói và hành động để giúp xây dựng trật tự và bình an”. Quả thế năm 1130, khi ở Roma xảy ra việc chia rẽ giữa ngụy giáo hoàng Anaclet II với Đức giáo hoàng Innocent II, Thánh Bênađô đã chạy Đông chạy Tây khắp châu Âu hầu đem lại bình an cho Giáo hội. Cũng trong mục đích đó, ngài liên tục chống các lạc giáo đang làm tan nát giáo đoàn Kitô, đến nỗi người ta gọi Ngài là “cái búa đánh bọn lạc giáo”.
Lời nguyện tạ lễ khẩn cầu Chúa ban cho chúng ta được “tình yêu đối với Ngôi Lời nhập thể thu phục”, được cổ võ bởi gương sáng và lời khuyên của thánh Bênađô là một nhà thần bí lớn. Cuốn Luận về tình yêu Thiên Chúa đích thực là sự minh họa rõ ràng nhất: trong tác phẩm, thánh nhân đã nhiệt tình mô tả lịch sử của Ngôi Lời, cuộc đời Đức Kitô từ khởi thủy trong chốn vĩnh hằng, đồng thời cũng ca ngợi Mẹ Đức Kitô một cách tuyệt mỹ. Giáo thuyết của tình yêu cảm tính được phát triển trong một nền linh đạo lấy Đức Kitô làm trọng tâm.
Con người vốn yêu mến tình bạn và thường thúc giục: “chúng ta hãy cứ thương yêu nhau đi và sẽ được yêu thương”, con người ấy là một nhà linh hướng tâm hồn vĩ đại, bị thúc đẩy bởi tình yêu thúc bách nhất, đồng thời cũng dịu dàng nhất. Phát biểu với các ông hoàng, vua chúa, các giám mục, các giáo hoàng, Ngài thường nói: “Nếu các ngài không nghe tôi, tôi sẽ nhắc lại những lời của Gióp: Người nào không cảm thấy thương bạn mình thì đã đánh mất lòng kính sợ Thiên Chúa”. Bài ca vãng của thần vụ ca ngợi nỗi hoài cảm siêu tuyệt và dịu dàng của linh hồn đối với Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng chí ái của chúng ta: “Ngài đi đâu rồi ? Ta nào có biết / nhưng hồn ta mãi bị tổn thương, do tình yêu đối với Ngài” (Thần vụ trong ngày). Thánh Bênađô, con người bị nồng nhiệt thiêu đốt bởi tình yêu đó đã đi qua thế kỷ của Ngài như một “ngọn đèn sưởi ấm và chiếu sáng” và qua các thời gian vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta điều cốt lõi trong nền Giáo lý của Ngài: “Khi Chúa yêu thương, Chúa không muốn điều gì khác ngoài việc được yêu … Nhưng sao Đấng tình yêu lại không được yêu kia chứ?” (Phụng vụ bài đọc: Bài giảng thánh Bênađô về sách Diễm ca).
Enzo Lodi