Ngày 22/5: Thánh Mi-ca-e Hồ Đình Hy – Quan Thái Bộc, tử đạo Việt Nam

Ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy là con ông Giuse Hồ Đình Duyệt đứng đầu các người dạy kinh bổn ở địa phận Huế, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Yến, con quan; hai ông bà đạo đức và khá giả.

Cậu con út tiền định

Năm 1808 ở làng Nho Lâm, phía hữu ngạn sông Bồ Giang thuộc quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, hai ông bà sinh người con thứ 12, cậu con út, đặt tên là Thục, sau đổi là Hy.

Ngay từ thời thơ ấu, cậu con tiền định này được nuôi nấng giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Còn bé cậu đã thuộc làu kinh bổn. Ông bà cho con học chữ Nho rất sớm. Nhờ trí thông minh lại chăm chỉ nên học hành tấn tới. Năm 16 tuổi cậu đậu bằng khóa sinh.

Năm 16 tuổi, thi Hương hỏng, nhưng qua bài vở các quan chấm thì thấy cậu là người tài ba xuất sắc, nên tuyển vào làm Thơ lại Bộ Công.

Năm 20 tuổi, cậu lập gia đình với cô Lu-xi-a Tân, 19 tuổi quê ở làng Sơn Công, phía tây nam quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở làng Cầu Kho, phía tây thành phố Huế.

Những bước tiến trên đường danh vọng

Ông Hồ Đình Hy tiến rất nhanh, khi mới vào ngạch là Thơ lại (thọ hàm cửu phẩm), vài năm sau thăng Bát phẩm, rồi Lục phẩm.

Vua Minh Mệnh sai ông đi công tác ở Phú Yên để giải quyết một số vấn đề kinh tế. Công việc thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Năm sau, ông được cử đi công tác quan trọng khác, ông đi Tân Gia Ba lo việc thương mại. Trở về thành công mỹ mãn, ông được thăng chức Ngũ Phẩm và được cử làm phó giám đốc các cung điện vua trong đại nội, quản đốc 14 xưởng dệt tơ lụa của nhà vua.

Trong chức vụ mới ông tỏ ra là người khôn ngoan, tháo vát và nhất là liêm chính, được mọi người kính nể. Đến đời vua Tự Đức, ông được thăng chức Thái Bộc Tự Khanh.

Danh vọng càng nhiều, công việc càng bận rộn, đức tin của ông không hề nao núng. Nhưng sống giữa triều ngoại giáo xa hoa, gặp nhiều chước cám dỗ cheo leo, ông đã lỗi phạm điều răn thứ 6 và sống trong tình trạng này 3 năm.

Sau nhờ ơn Chúa, ông nhận biết tội tình, thật tình ăn năn thống hối. Ông thường than thở rằng: “Tội lỗi khốn nạn của tôi chồng chất lên nhau, tất cả nước sông nước biển cũng không thể rửa sạch, tôi sẽ phải rửa các tội ấy bằng máu mà biết đâu đã rửa sạch được”.

Cuộc sống sau này chứng tỏ lòng thống hối thành thật, mọi người đều thấy ông Hy tuân giữ cặn kẽ luật đạo và làm gương mọi nhân đức.

Nhà ông, bàn thờ trang hoàng lộng lẫy, có nhiều ảnh, có hoa, có nến, gia đình tập hợp ở đây đọc kinh tối sớm. Tuần thánh ông mời giáo dân đến nhà, hướng dẫn họ nguyện ngắm theo các ngày trong tuần thánh, đọc chuyện các thánh, sách gương phúc. Ngày chủ nhật, gia đình nghỉ việc xác và đi dự thánh lễ.

Nhiệm vụ của ông còn phải coi sóc các cung miếu đại nội, nên khó lòng tránh hết các hành vi dị đoan, có lẽ vì thế ít khi thấy ông rước lễ dù rất siêng năng xưng tội.

Nhiều người lợi dụng chức vụ để làm giàu, còn ông Hy, ông chỉ sống bằng tiền lương. Có một câu chuyện sau đây mà nhiều người thường nhắc lại: “Một hôm 12 tên gian phi vào ăn trộm kho nhà vua, chúng bị bắt, theo luật nhà nước, chúng bị xử tử. Ông Hy thương tình, đứng ra bảo đảm và xin vua đại xá. Vua ưng nhận, 12 tên ấy biết ơn tạ ông 300 quan tiền. Ông không nhận, còn đe rằng: Các anh không đem ngay tiền về, ta sẽ tâu vua xử tội các anh”.

Ông thường nói với vợ rằng: “Tích trữ của cải làm gì? Chỉ xin Chúa cho hàng ngày dùng đủ, được như thế là tội bằng lòng rồi”. Ông sống đơn sơ, giản dị, không xa hoa như các bạn, không kiêu hãnh vì quyền thế, đối với người bằng vai ông hòa nhã thân mật, đối với người dưới ông niềm nở tươi vui. Với các linh mục ông hết lòng kính mến và các đấng thường qua lại nhà ông mà phải nài ép lắm ông mới dám ngồi dùng cơm với các ngài.

Đức bác ái anh hùng

Đức bác ái của ông thi hành tới mức độ anh hùng. Những chuyện kể sau đây minh chứng điều đó: Ông nhận cậu Đạt làm con nuôi. Khi lớn lên, cậu này bỏ nhà ra đi, sống buông tuồng, hư thân mất nết, rồi lâm cảnh túng đói khổ sở. Một hôm hối hận, cậu trở về tạ tội với cha nuôi như người con phung phá trong Phúc âm.

Ông Hồ Đình Hy tiếp đón cậu cách nhân từ, thương xót săn sóc phần xác, lo liệu phần hồn, giúp cậu xưng tội tẩy rửa tội lỗi. Ít lâu sau cậu qua đời, ông mai táng hẳn hoi và xây mộ cho cậu nữa.

Ông nhận các bệnh nhân ở trong nhà và tự tay săn sóc cho đến khi họ qua đời. Hai bệnh nhân đó là bà Lợi và ông Trần Kiếm, cả hai mắc chứng bệnh ghê tởm thối tha. Ông Kiếm là cựu binh sĩ, thân hình gày guộc xơ xác vì nghiện thuốc phiện, lại thêm chứng bệnh hạ lợi, xông mùi hôi hám không ai dám đến gần. Thế mà ông Hy tự tay săn sóc bệnh nhân này, buổi sáng trước khi đi làm, ông đem cơm đến; buổi chiều, ông lau chùi, giặt quần áo cho người ấy. Để vợ con khỏi thắc mắc, ông bảo bà: “Ta phải chịu khó đền tội, nhưng phải có ý ngay lành, không vì thói quen mà mất công phúc”.

Ông Kiếm rất cảm động trước sự săn sóc tận tụy đó, được 15 ngày ông qua đời bình an, sau khi đã hết lòng cám ơn ân nhân mình.

Một người nữ có đạo bị bắt từ Nghệ An phải đày vào Huế. Bà sắp đến ngày sinh không có nơi trú ngụ. Biết tin, ông đưa bà về nhà mình.

Một người trong họ nghèo túng quá phải bán hai con cho người ngoại. Ông Hy chuộc về, nhận làm con nuôi, sau một chị dâng mình cho Chúa và chị kia lập gia đình.

Cánh tay phải của các giáo sĩ

Ông Hồ Đình Hy là người đắc lực giúp đỡ các giáo sĩ bằng ý kiến, bằng thế lực và bằng của cải. Ông dân nhà ở cho Cha Đơ-la-mốt [1] (Y) cho Đức Cha Pe-lơ-ranh [2] (Phan) và Đức Cha Sô-hi-ê [3] (Bình). Ông giữ quỹ tiền các Đức Cha trích ra giúp những người bị bắt vì đạo.

Đức Cha Lơ-phe (Ngãi) Giám mục địa phận tây Nam kỳ khi bị bắt đã hai lần nhờ ông Hồ Đình Hy giúp đỡ các bạn đang phải chung một số phận. Nhiều lần ông theo Đức Cha Pe-lơ-ranh đi kinh lược địa phận. Nhờ tài khéo, ông đã cứu Đức Cha thoát hiểm nguy. Một hôm, thuyền Đức Cha đến gần làng Dương Sơn trong một khúc sông nhỏ, bất ngờ thuyền chạm vào chiếc thuyền khác, người trong thuyền la ó ầm ĩ định bắt thuyền lại đòi bồi thường, và nếu thế, Đức Cha sẽ bị lộ và phải bắt.

Ông Hồ Đình Hy bình tĩnh cho thuyền áp vào bờ, ông lên đất phân giải với mọi người, sau cùng họ đòi bồi thường, vì không sẵn tiền, ông đưa chiếc áo mới, đôi bên thỏa thuận, thuyền Đức Cha đi bằng yên.

Biết tin ông là người đáng tin cậy, Đức Giám Mục đặt ông đứng đầu các giảng viên giáo lý toàn địa phận và đứng tên một phần bất động sản Nhà Chung. Ông Hồ Đình Hy, dù bận việc quan cũng bằng lòng nhận dạy bảo giúp đỡ giáo dân trong những lúc khó khăn, nhưng để tránh những bất trắc xảy ra ông không nhận văn bằng; còn về ruộng đất ông tận tâm coi sóc.

Ông phải có một Đức Tin mạnh mẽ sâu xa mới nhiệt thành làm các công việc ấy, và cũng nhờ Đức Tin mà ông nhận thấy rằng chức cao trọng là một mối nguy cho linh hồn vì khó tránh được các việc dị đoan, nên ông thường nói với các người chung quanh: “Vua đã đặt tôi làm quan, tôi phải làm trọn nhiệm vụ. Nhưng thật ra tôi muốn thôi gánh nặng này, còn các ông không ai nên mơ ước chức cao quyền trọng”.

Một lần, ôn nhờ các bạn tâu vua xin cho ông từ chức. Vua Tự Đức bảo: “Không được, ông Hy là một người làm việc đắc lực. Bao nhiêu người đã làm chức vụ này mà chỉ hai ba năm sau đều bị tội. Còn ông, không ai kêu trách. Nếu tiền lương tiêu không đủ, ta sẽ ban thêm”.

Ông không muốn các con nối nghiệp ông, nên khi biết cậu Tính ước ao dâng mình cho Chúa và theo Đức Cha Pe-lơ-ranh, ông bằng lòng ngay.

Ít lâu sau, cậu con trai thứ mới 12 tuổi, ông muốn cho học nghề thuốc, nhưng cậu ngã bệnh qua đời. Nhiều người khuyên ông gọi cậu Tính về để nối dõi tông đường, ông không bằng lòng, nhất định dâng con cho Chúa.

Đức Cha muốn gửi cậu Tính đi học trường Pi-năng, hỏi ý kiến ông. Ông thưa rằng: “Trong thời buổi cấm đạo này, con còn khó lòng giữ đạo cho trọn, huống chi là con của con chắc còn khó hơn nữa, con giữ nó ở nhà làm gì? Con xin theo ý Đức Cha”.

Ở nước ngoài cậu Tính tấn tới, cả việc đạo đức lẫn việc học. Cậu nghĩ nhiều đến hoàn cảnh chức vụ của cha, cậu viết thư khuyên cha.

Nhận được thư con, ông Hồ Đình Hy nghĩ ngợi phân vân không biết những lời lẽ của con là do lòng đạo đức, hay do nhẹ dạ kiêu căng. Ông đọc đi đọc lại nhiều lần, và thay vì giận con, ông chỉ chảy nước mắt than thở rằng: “Xưa nay có bao giờ thấy con dặn cha. Nhưng vì tội lỗi tôi, nên con tôi mới nói thế”.

Bị bắt

Đức công minh chính trực của ông làm cho một số người ghét và sinh lòng oán thù.

Vậy có ông Phạm Y, là bạn đồng nghiệp, quê làng Xuân Tùng. Ông này đến xin ông Hy tơ lụa, ông đòi được hàng quý hơn. Ông Hy nói với ông Phạm Y rằng: “Chức bậc nào thì vật phẩm ấy, nếu quan bác lấy thứ tốt nhất thì thứ kia để cho ai” Không được như ý, ông này tức giận quyết báo thù. Ông vận động một số bạn hữu tố cáo ông Hy, ngày 08-11-1856 ông Y đệ đơn lên vua như sau:

“Hạ thần Giám sát công vụ xin tố giác cùng Hoàng Thượng một tên theo đạo Gia-tô. Thần nhận thấy rằng: Đạo ấy là tả đạo, từ lâu đã có nhiều sắc chỉ vua ra nghiêm cấm không ai được theo, quan cũng như dân, ai dại dột trót theo đạo đó phải cải ta quy chính. Nhưng hạ thần vẫn thấy quan Hồ Đình Hy giữ đạo ấy, bề ngoài ông giả bộ giữ một số luật nước để che giấu thâm tâm. Vậy thần xin tố giác ông là kẻ phạm pháp.

“Đàng khác, hiện nay tàu Tây đang đậu ở cửa bến Đà Nẵng, có thái độ ngạo mạn, vô lễ khiến trăm họ công phẫn. Xin Hoàng thượng ban ý kiến vì khi triều đình thảo luận kế hoạch đánh đuổi tàu Tây, rất có thể ông Hồ Đình Hy biết sẽ đưa tin cho quân xâm lăng.

“Với nhiệm vụ giám sát, thần không thể im lặng mà không tố giác ông Hy. Xin Hoàng thượng giáng chức, bắt giam giữ, tra xét để đề phòng những bất trắc nguy hiểm lớn lao sắp xảy đến”.

Sự thực, hai tàu Tây nói trên đây là tàu Ca-ti-na (Catina) và tàu Ca-pơ-ri-xi-ơ-dơ (Capricieuse) do vua Na-pô-lê-ông (Napoléon) thứ ba nước Pháp sai đi, xin giao thiệp với Việt Nam, hai tàu này đến trước, đợi ông đại sứ Đơ Mông-ti-nhi (de Montighi), không may thuyền ông này gặp bão, giạt vào bờ biển Phi Luật Tân, nên hai tàu này chờ đợi vô ích. Còn sự đi lại công khai hay ngấm ngầm giữa ông Hy với tàu Tây chỉ là những lời vu khống bịa đặt.

Dù sao lời tố giác này cũng làm vua Tự Đức nổi giận, nhất là lời tố giác theo đạo Gia-tô. Vua ghi ngay vào sớ tâu trình rằng: “Các quan giám sát đã làm đúng nhiệm vụ. Từ lúc này ta cất chức tên Hồ Đình Hy, truyền phải bắt nó tống ngục”.

Ngay ngày 08-12-1856, lệnh được thi hành triệt để. Ăn cơm trưa vừa xong, ông Hy còn đang ngồi nói chuyện với một quan bạn, bỗng ngoài sân có tiếng xôn xao, ồn ào lẫn tiếng khí giới va chạm nhau. Một sĩ quan lớn tiếng đòi mở cửa và tiếp đến là tiểu đội thuộc đại đội Cầm y võ trang gươm giáo và dây dùi.

Ông Hy mở cửa, sĩ quan chỉ huy tiến đến trước mặt ông nói: “Hoàng thượng cho chúng tôi đến tìm quan lớn. Đức vua truyền một giờ sau, quan lớn phải có mặt tại cung vua. Nếu quan lớn chậm trễ, chúng tôi phải tội, xin quan lớn đi ngay”.

Ông Hy hiểu ý nghĩa mệnh lệnh đột ngột này. Ông vào trong nhà tìm hộp nhỏ có đựng mấy lá thư gửi cho các cha, đưa ra sau nhà giấu trong bụi rậm, rồi vào nhà ông dặn bà: “Sáng sớm mai, phải liệu đưa các thư ấy về Hội giáo Dương Sơn, để gửi đi các nơi”. Sau mấy phút im lặng nặng nề, ông nói tiếp: “Đã đến giai đoạn quyết liệt, tôi sẽ phải chết”. Ông ra đi với toán lính. Sĩ quan quay lại bảo bà Hy: “Xin bà giao quần áo chăn mền cho chúng tôi, để quan khỏi phải rét, quan đi không về nữa đâu”. Bà Hy bình tĩnh lấy các vật dụng đưa cho họ, rồi bảo người lính cần vụ của chồng rằng: “Chú đi theo quan, nếu quan dạy điều gì về báo cho tôi ngay”.

Giữa đường ông Hy bảo người này trở về nói với bà: “Phải lo liệu cửa nhà, trốn đi ngay, vì khi tôi đến Bộ Hình, lính sẽ đến bắt bà”. Ông dặn thế vì ông đã am tường luật pháp.

Bà bỏ nhà ra đi, và đến chùa Linh Hựu (ngã Tây Bắc làng Cầu Kho) cách nhà một đoạn đường ngắn, quay nhìn lại đã trông thấy lính tráng vay bọc tư thất.

Lính điệu ông Hy đến cửa Hiền Nhân, dừng lại trói tay ông, rồi điệu thẳng đến tòa đại hình, các quan đã họp sẵn, tuyên bố truất chức ông, sai lý hình đóng xiềng giam ông vào ngục Trân phủ.

Những thảm cảnh trước công đường

Ngay hôm sau ông phải điệu ra trước công đường và bắt phải cung khai. Ông viết: “Tôi tên là Hồ Đình Hy, 53 tuổi, quê làng Nho Lâm, tỉnh Thừa Thiên. Cha mẹ tôi theo đạo Gia-tô. Từ bé đã cho tôi ăn học. Năm Minh Mệnh thứ 7 tôi được tuyển dụng làm Thơ Lại Bộ Công. 31 năm nay tôi đã hết lòng thờ vua. Bây giờ tôi đến chức Thái Bộc Tự Khanh, phó Giám đốc các Cung Miếu Đại Nội, kiêm quản đốc 14 nhà dệt lụa của vua.

“Tôi trung thành với đạo Gia-tô của cha ông tôi, vì thế có các sắc chỉ cấm đạo, tôi che giấu mà không bỏ đạo.

“Vợ tôi tên là Nguyễn Thị Tân, con tôi là Giảng 17 tuổi, cả hai người đều có đạo; trong nhà tôi không có ảnh hay đồ đạo, còn các đạo trưởng, giáo dân, nhà thờ trong tỉnh này tôi không biết, các tàu Tây đến đây làm gì, tôi không rõ. Các quan bắt, tôi xin khai thực.”

Xem tờ khai này, vua Tự Đức phê: “Hãy tra khảo từng điểm cho đến khi nào nó khai rõ sự gian dối của nó”.

Ngày 10-11, các quan tòa đòi ông ra lấy khẩu cung, truyền đánh 9 trượng thật đau, ông Hy cảm thấy hết cái tàn nhẫn của mấy roi đòn này. Thân xác đau đớn, tâm hồn bủn rủn rụng rời, xưa nay quen sống trong cảnh đài các sung sường. Tính ông vốn hiền lành nhút nhát. Vừa đau đớn, vừa sợ hãi, ông khai bừa không biết đâu là thực là hư. Việc con ông đi du học ở Pi-năng không thể giấu được. Một quan tòa lại nói với ông: “Dù muốn, dù không ông cũng phải tố giác một vài đạo trưởng. Tôi biết chắc ở đây mới có một đạo trưởng qua đời, có năm sáu đạo trưởng về đưa xác, chúng mặc áo trắng, đọc tiếng man rợ mà ông lại chối không biết sao?”

Cùng bất đắc dĩ, ông phải bày câu chuyện như sau:

“Tôi là người theo đạo Gia-tô, tôi quen linh mục Oai, quê làng Gia Môn, tỉnh Quảng Bình, người hay đến tỉnh Thừa Thiên dạy dỗ các bổn đạo mới, hay đến ở nhà bà Vệ ở làng An Vân, huyện Hương Trà.

“Mỗi năm tôi đến thăm linh mục Oai hai hay ba lần. Năm ngoái, người bảo tôi: vua vừa ra một sắc chỉ cấm đạo rất ngặt, sự đạo sẽ gặp nhiều khó khăn, nên tôi phải viết thư sang Âu Châu xin người Pháp đến giúp chúng ta. Tôi đã gửi thư ấy qua một tàu Trung Quốc”.

Lần thứ hai ông khai: “Năm nay, hồi tháng 9, khi biết tàu Tây đến cửa Thuận An, tôi đến gặp đạo trưởng Oai. Người bảo tôi người đã nhận được thư từ Pháp gửi đến hứa sớm muộn sẽ giúp đỡ chúng ta. Tàu Tây đến đây đòi cho được tự do giảng đạo và buôn bán, nếu triều đình không chấp nhận, họ sẽ trả thù…”

Ngày hôm sau 11-11, ông Hy lại phải đưa ra tòa tra tấn. Quan tòa đòi ông khai chỗ ở của con ông, và đây là bản cung khai lần thứ ba: “Tôi theo đạo Gia-tô, con tôi tên là Giảng, năm Tự Đức thất niên tôi giao nó cho đạo trưởng Oai dạy dỗ. Năm sau người nói với tôi: Con ông rất thông minh, tôi muốn gửi nó du học Tân Gia Ba (Singapore), ông nghĩ sao? Tôi bằng lòng và con tôi đi nhờ một Tàu Khách.

“Tháng 3 năm nay, đạo trưởng Oai đã trao cho tôi bức thư con tôi viết đã tời Tân Gia Ba bình an, ở đấy học hành nhờ Đức Cha Lơ-phe, nó cũng nói Đức Cha Mi-sơ (Mịch) đã viết thư cho đạo trưởng Oai, năm nay tàu Tây sẽ đến xin tự do giảng đạo và tự do buôn bán.

“Nghe tin ấy, tôi lại thăm đạo trưởng Oai và người cũng nói với tôi như vậy”.

Sau đó, tòa còn bắt khai họ hàng và các quan có đạo. Ông khai tên 5 quan và 5 người họ hàng trong số này có ông Hồ ĐÌnh Hữu, ông Mẫn và ông Huấn.

Hồi ấy theo Đức Cha Sô-hi-ê thì ông khai các tàu Tây có ý dọa triều đình. 25 năm sau, khi Cha Tính con ông đã thụ phong linh mục, giải thích thái độ của cha mình như sau:

“Cha tôi khai như thế vì tra tấn quá sức, có lẽ cha tôi cũng tưởng rằng tàu Tây sẽ can thiệp thật và can thiệp mau chóng, triều đình không kịp bắt người có đạo.

“Cha tôi không khai các người họ hàng, thì những người này cũng khó lòng thoát khỏi, vì ai cũng quen biết họ.

“Còn về phần tôi, tôi không học với Cha Oai, việc tôi xuất ngoại cũng không có liên hệ gì đến Người. Có lẽ cha tôi không dám khai đến Đức Cha sợ sẽ sinh nhiều thiệt hại cho địa phận nên đổ cho Cha Oai, và lại lúc ấy Cha Oai không còn ở An Vân, dù khai thế cha cũng không bị bắt”.

Phản lại Chúa hay là làm sáng danh Chúa

Qua các lời cung khai trên, vua Tự Đức ngày càng thêm phẫn nộ với ông Hồ Đình Hy. Mới bị bắt 5 ngày ông đã phải tra khảo 3 lần. Vua đã ký một nghị định riêng về vấn đề này, xin trích dẫn một đoạn đầu:

“Ban Giám sát Công vụ đệ lên một bản tố cáo quan trọng về tên Hồ Đình Hy theo tả đạo. Căn cứ vào lời trình bày đó, ta truyền phải có thái độ nghiêm khắc với tên Hy, nó làm quan mà dám theo đạo giả dối, phi pháp. Nay nó phải tội là hoàn toàn tại nó, không thể bào chữa được.

“Phải cẩn mật giam giữ nó, cùng với các quan chức và thường dân khác cùng bị bắt. Phải tra xét từng người”.

Căn cứ vào lời khai của ông Hy, nhiều cuộc truy lùng gắt gao xảy ra, tất cả các người ông Hy khai đều bị bắt, trừ mình Cha Oai.

Khi những người này bị giải vào ngục, ông ngã ngửa người, bấy giờ ông mới hiểu rõ trách nhiệm của mình và hậu quả tai hại vì những lời khai trước. Ông ứa nước mắt cảm động đến phục lạy họ, xin họ tha thứ. Nhiều người tha cho ông cách quảng đại, nhưng có vài người trách mắng ông thậm tệ. Khi thấy ông khiêm nhường năn nỉ xin họ nhẫn nại chịu khó vì danh Chúa Kitô, họ quay mặt khinh bỉ. Ông đưa hết tiền bạc đã cất giấu ra bồi thường nhưng họ vẫn nhiếc róc ông.

Một công thần trước được trọng kính, vâng phục, nay chỉ là một “tội nhân” bị hắt hủi, nhưng điều đó không làm ông cực lòng cho bằng khi thấy một số người vì ông bị bắt đã khóa quá, ông khóc lóc đấm ngực ăn năn tội mình.

Ông còn phải ra tòa nhiều lần nhưng những lần sau ông chỉ phải tra hỏi về vấn đề tôn giáo; các quan bắt ông khóa quá, ông không chịu, vì thế phải đánh đòn. Một ông quan chứng kiến cuộc tra tấn nên dù người lính thi hành nhiệm vụ muốn nới tay cũng không được, mỗi ngọn roi là một vết thương. Nhưng bây giờ ông đã có thái độ dứt khoát không lầm tưởng như khi khai về con cái và các bạn có đạo. Ông hiểu rõ rằng chỉ có chọn một trong hai con đường: Một là phản lại Chúa, hai là làm sáng danh Chúa.

Ông không còn sơn hãi như trước. Với giọng bình thản lễ độ, ông nói: “Nếu vua thương tôi, tôi xin cám ơn, tôi đã thờ ba đời vua. Đạo tôi không phản dân hại nước. Nếu vua tha, tôi sẽ biết ơn, nếu vua giết, tôi xin bằng lòng, còn bỏ đạo thì không bao giờ”.

Các quan cố nài ép dỗ dành: “Ông đã làm quan đến chức tam phẩm là nhờ ơn vua lộc nước, sao lại không tuân thượng lệnh. Hãy bỏ tả đạo đi”. Nhưng ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy vẫn dũng cảm cương quyết.

Từ khi chỉ còn tra xét tội theo đạo Gia-tô, ông Hy được đối xử tử tế hơn, lính canh tỏ ra kính cẩn, có cảm tình với ông, nhiều người họ hàng, bạn hữu đã dám đến thăm.

Ông nhờ dịp này xin Đức Cha cho một Cha đến lo việc thiêng liêng cho mình. Đức Cha Sô-hi-ê cử Cha Oai. Cha này vừa đến cửa, ông Hy sợ có người nhận được, nên nhờ ông Mẫn ra nói nhỏ xin Cha quay về.

Ngày 19-12 Cha Thân được cử tới, Cha làm phép giải tội và cho ông rước lễ. Ông vui mừng, được thêm nghị lực hăng hái chiến đấu.

Những mưu kế khác thay roi đòn

Biết tra tấn đòn vọt không làm lung lay lòng sắt đá của vị tuyên xưng Đức Tin, từ nay người ta dùng những mưu kế khác để đánh ngã ông.

Các bạn đồng nghiệp lần lượt đến thăm, khuyên ông bỏ đạo, họ hứa sẽ xin vua cho ông phục chức, ban lại của cải như trước, có người quỳ lạy trước mặt ông nói: “Quan anh chỉ nói một lời thôi là khỏi chết, rồi quan anh cứ giữ đạo trong lòng ai biết được”. Ông đáp: “Các ông lầm, cám ơn các ông có lòng thương tôi thật, nhưng vì tình nghĩa bạn bè, xin đừng khuyên tôi thế”.

Vua Tự Đức cũng mong muốn ông bỏ đạo. Vua sai một quan cận thần đến thăm và hứa sẽ tha hết mọi tội nếu ông bỏ đạo. Ông Hy cương quyết trả lời: “Tôi trung thành giữ đạo đến cùng. Vua tha cho tôi, tôi xin đội ơn. Vua truyền giết, tôi xin bằng lòng”.

Vua chưa chịu thua, sai một cung phi vào tù thăm, dụ dỗ mà không lay chuyển được Đức Tin sắt đá của ông. Ông nói: “Đời tôi chẳng sống được bao lâu nữa, tôi muốn trung thành giữ đạo đến chết”.

Trong những ngày chiến đấu cuối cùng, lòng đạo đức của ông Hy càng vững chắc và sáng tỏ, tối sớm ông đọc kinh rất đều đặn, ban ngày chăm chỉ lần hạt.

Những người tù ngoại giáo thường so sánh ông Hy với các người chối đạo, họ ca tụng ông là người cương quyết can đảm, họ đoán chắc không bao giờ ông bỏ đạo.

Ông Hy còn hay khuyên bảo các bạn tù, an ủi họ hãy can đảm vì Chúa, ông bảo họ: “Nếu ta vui lòng chịu án phạt đời này, ta sẽ không phải Chúa chí tôn luận phạt đời sau, phần tôi, tôi bằng lòng chịu mọi khổ hình để đền tội, tôi ước ao chịu chết vác Thánh giá theo chân Chúa Giêsu”.

Biết mình sắp chết, ông nhờ một người bạn tên là Chu, sau này dặn con mình đang học ở Pi-năng những lời này: “Con hãy theo Chúa đến cùng, đừng buồn phiền vì số phận cha, cũng đừng lo gì, Chúa sẽ thu xếp”.

Một hôm bà Hy đến thăm, ông căn dặn bà: “Nếu nhờ ơn Chúa, cơn bắt đạo này qua khỏi, bình an trở lại thì bà xin Đức Cha vào dòng tu hay giúp việc trong chủng viện để lập công đời sau, không nên ở nhà với ông bà ngoại, sợ bất tiện về việc đạo đức của bà”.

Ngày 05-3-1857, quan lại đòi tất cả các phạm nhân có đạo và cả ông Hy nữa, các lần trước ông thường được miễn trừ vì tuổi tác và chức vụ.

Đến công đường lần này ông phải 6 roi đòn. Rồi các quan lại hỏi như các lần trước: “Ông có âm mưu làm phản không? Có đi lại với đạo trưởng Oai và người Pháp không?” Ông không nhận, còn với đạo trưởng Oai ông mới gặp hai hay ba lần và chỉ nói chuyện về tàu Tây.

Bốn ngày sau ra trước tòa, ông phải 10 roi đòn, thẩm vấn các câu hỏi như trước, ông Hy cũng trả lời như thế.

Cuối cùng các quan bắt ông khai các đạo trưởng ở tỉnh khác. Ông nói: “Tôi chỉ biết tỉnh Thừa Thiên, không biết các tỉnh khác”.

Các quan căn vặn thêm và bắt ông khai lại cho đúng sự thực. Lần khai này, Đức Cha Sô-hi-ê biết và góp ý kiến. Chính Đức Cha về sau đã kể lại rằng: “Các quan bắt ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy khai thêm và bổ khuyết lại các tờ khai từ trước. Ông định lấy tờ khai lần đầu và đệ trình lên, không muốn thay đổi, vì một là các quan đã tin lời khai trước, hai là nếu khai khác có thể sẽ bị tra tấn thêm, không ích lợi gì.

“Nhưng khi biết tin, tôi viết thư cho ông, xin ông cải chính lại các điều ông đã khai không đúng. Tôi xin phân biệt rõ điều nào có thể nói rõ mà không hại đến ai, điều nào cần phải giấu, hay nói lơ mơ. Thí dụ cải chính việc Cha Oai vì là chuyện bịa đặt, vừa sai, vừa có hại. Cuối cùng tôi bảo ông: Sau khi đã kê khai đúng sự thực như thế, ông sẽ không còn phải lo âu bối rối trước khi chết.

“Nhận được thư tôi, ông Hy sợ hãi vì nghĩ tới các khổ hình sẽ phải chịu. Ông khác lóc thảm thiết, dù thế ông vâng lời tôi, viết lại tờ khai khác”.

Nhưng sau đó các quan không đòi gì nữa, các giáo hữu không bị khổ hơn, nên ông Hy đợi trước khi xử mới đệ lên quan giám sát.

Ngày 30-4, các quan đệ trình lên vua Tự Đức bản án này:

“Sau khi đã tra xét đầy đủ, căn cứ vào các sắc lệnh cấm đạo Gia-tô, chúng tôi quyết nghị những điều sau đây xin hoàng thượng xét định:

“Hồ Đình Hy làm quan đến chức Tam phẩm, đã cố tình để quá hạn định không chịu bỏ đạo. Y đã giao con cho đạo trưởng Oai, gửi đi học Tân Gia Ba, y đã gặp đạo trưởng Oai nhiều lần bàn chuyện bí mật.

“Bị tra khảo nhiều lần, y đã thú nhận mọi tội. Riêng về tội giao thiệp với người Pháp, y không nhận, vì chưa bắt được đạo trưởng Oai để đối chất, y còn quanh co đổ tội cho đạo trưởng, vì vậy y đáng phải khép án phiến loạn.

“Chúng tôi thấy trong luật nước có khoản ấn định rằng: Những kẻ phiến loạn và đồng lõa đều phải tội như nhau và phải tử hình, tài sản bị tịch thu, vợ và con gái phải phát lưu, anh em trai, con trai, cha mẹ bị đày đi 2000 dặm.

“Sau nữa, chúng tôi cũng theo sắc lệnh ban bố năm thứ 7, trong đó có khoản này: Tất cả các quan tại triều và các tỉnh đã theo tả đạo phải bỏ ngay; ai ở kinh đô hẹn trong một tháng, ở tỉnh khác hẹn trong ba tháng, kể từ ngày sắc lệnh được công bố; ai tuân lệnh, được ân xá, ai bất tuân sau điều tra ra sẽ bị xử như cố phạm, bị mất chưc, đày khổ sai và không bao giờ được làm chức vụ nào trong cơ quan nhà nước.

“Vậy chúng tôi kính cẩn đệ trình lên hoàng thượng xét định”.

Theo bản án này, dù ông Hy vô tội, cũng bị xử vì tội theo tả đạo và cả tội phiến loạn nữa. Nhưng chính vua Tự Đức đích thân quyết định thì lý do ông phải chết là vì tội không bỏ đạo Gia-tô.

Vua đọc bản án và ghi chú thêm những lời rõ rệt vắn tắt nghiệt ngã theo lối hành văn đặc biệt vua hay dùng trong các sắc lệnh cấm đạo:

“Tên Hồ Đình Hy, trước là thơ dại, dần dần lên tới bậc công thần. Y đã khinh dể luật nước theo tả đạo, không chịu hối cải. Hơn nữa y lại bí mật cho con đi học Tân Gia Ba. Y đã bí mật gặp đạo trưởng Oai nói chuyện tàu Tây.

“Vậy đã rõ y là kẻ bội bạc, hai lòng, đáng chết nghìn lần. Phải trảm quyết để làm gương cho kẻ khác. Ta truyền lấy 5 quan chức, 15 binh sĩ bắt tên Hồ Đình Hy, trong ba ngày liền, áp giải y mỗi ngày một lần qua các công trường, các chợ trong đô thành. Ở mỗi nơi đáng mõ rao tiếng: Đây là tên Hồ Đình Hy, phạm tội theo tả đạo, vì thế là kẻ phiến loạn, bất hiếu với tổ quốc, bất tuân luật nước. Vì thế y phải xử tử. Những kẻ theo đạo quả quyết rằng: Ai chết như thế sẽ được phúc thiên đàng, nhưng nào ai biết thực hay hư? Chỉ biết tên Hy đang bị khổ hình, Chúa Gia-tô của nó ở đâu? Sao không cứu nó? Phải rao lớn tiếng những lời này ở khắp nơi. Lại mỗi ngã tư phải đánh nó 30 roi, trong 3 ngày liền. Rồi sẽ chém đầu nó, để mọi người trông thấy sợ hãi và hối cải.

“Hãy tuân theo mệnh lệnh ta”.

Những chặng đường tử nạn

Ngày 15-5-1857, 6 tháng sau khi bị bắt, ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy bắt đầu vào cuộc tử nạn.

Ba ngày liền, mỗi ngày ông bị áp giải qua các phố, đến hai công trường, mỗi nơi phải đánh 30 roi.

Mỗi lần bị áp giải qua một ngôi chùa, các quan bắt ông quay lại bái kính, ông không chịu.

Một linh mục can đảm kiệu Mình Thánh cho ông lần cuối cùng. Trong giờ phút gian lao quyết liệt, ông rất vui mừng được của ăn đàng thêm sức. Ông nhắn hai Cha Thành và Hành, xin có mặt ở nơi xử và dặn rằng: “Khi con đưa tay lên trán, xin các Cha làm phép giải tội cho con”.

Ngày tử hình là ngày 22-5-1857, nơi xử là làng An Hòa cách kinh thành Huế 4 cây số. Ngày hôm ấy, từ 7 giờ sáng ông Hy ra khỏi ngục, vai mang gông, chân tay bị xiềng xích. Ông phải đợi ở trước cửa Bộ Hình cho đến 10 giờ, vì không quan nào muốn chỉ huy cuộc xử này.

Trong 3 giờ chờ đợi, ông ngồi xuống đường đọc kinh. Rồi 4 tên lính cầm gươm đến dẫn ông, ông đi giữa 100 lính cầm giáo mác, xếp thành 2 hàng, quan Giám sát đi sau cùng.

Một hồi trống lên hiệu khởi hành, ông Hồ Đình Hy tái mặt, mồ hôi toát ra như giờ hấp hối, nhưng chỉ phút sau, ông trở lại bình tĩnh, đứng thẳng lên bước nhanh nhẹn.

Phẩm chức cao sang của ông trước kia, lòng trọng kính của mọi người đối với ông xưa nay vì đức công minh chính trực của ông, khiến dân chúng đổ ra hai bên đường tỏ mối thiện cảm.

Ông vừa đi vừa chào hỏi bạn hữu và mọi người quen biết. Ai cũng nói với nhau rằng: “Ông đã phạm tội gì? Ông không trộm cắp, không hà lạm công quỹ, ông phải xử tử vì đã theo đạo Gia-tô”.

Đến cầu An Hòa gần chợ, quan Giám sát ra lệnh dừng lại để “phạm nhân” ăn uống. Quan mời ông Hy ăn, ông từ chối và chỉ hút một điếu thuốc. Ông nói với quan Giám sát: “Xin quan đừng đi xa hơn nữa, ở đây tôi có nhiều bà con thân thuộc, lại có chỗ sẵn sàng, xin quan xử ở đây cho tiện”.

Quan bằng lòng, ra lệnh đóng quân, lấy chiếu trải ra; ở đây gần chợ cách sông An Hòa 10m về phía tả ngạn. Trong khi lính sửa soạn, ông Hy đưa mắt tìm hai Cha đã hẹn trước. Trông thấy Cha Hành ông làm dấu Thánh giá, nhưng Cha này tránh trong đám đông không trông thấy rõ. Ông Hy làm dấu lại. Một người có đạo tên là Lê Văn Duyên, hiểu ý, kéo vai Cha Hành, chỉ cho Cha thấy. Cha Hành nhìn ông và làm phép giải tội. Ông Hy làm dấu lần thứ tư. Sau đó ông giao tờ khai cuối cùng đã viết sẵn chờ quan Giám sát đệ trình lên cấp trên.

Quan này đọc qua rồi trả lại, nói không phải việc của ông. Ông Hy cầm lấy để ngay bên mình. Ông ngồi vào chiếu, hút thuốc xong, ông chải đầu, sửa sang lại quần áo như người sắp đi dự lễ trọng, rồi quỳ xuống. Một người lính đến, cởi xiềng trói ông vào cọc. Ông bảo: “Chú trói làm gì, tôi nghiêng đầu hẳn hoi cho chú chém”. Người lính nghe nói, chỉ trói qua loa lấy lệ.

Sửa soạn xong, ông nói với quan Giám sát: “Xin đợi tôi một lát”. Rồi ông quay về phía Cha Hành, những người xung quanh bảo nhau: “Ông ấy tìm người nhà”. Ông Hy cúi đầu làm dấu Thánh giá, đọc kinh ăn năn tội, Cha Hành làm phép giải tội lần cuối cùng.

Bấy giờ ông quay mặt về phía quan Giám sát nói: “Tôi đã xong rồi”. Quan ra lệnh: “Lúc nào dứt ba tiếng trống và kèn, hãy thi hành nhiệm vụ”.

Sau hồi hiệu lệnh, lý hình chém nhát thứ nhất đúng vào hàm, sai lẹm xuống cằm, ông Hy rủ gục xuống một bên; chém lần thứ hai, đầu lăn xuống chiếu.

Quan quân trở về thành. Họ hàng ông Hy và các người có đạo liệm xác cho vào quan quách, đưa vị tử đạo về an táng tại nhà thờ Hội giáo Phủ Cam (Huế). Ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy hưởng thọ 53 tuổi.

Đức Thánh Cha Pi-ô IX phong ông lên bậc đáng kính. Sau đó hài cốt ông được đưa về trụ sở Hội Truyền Giáo Pa-ri. Rồi lại đưa về nước, hiện nay để ở chủng viện Phú Xuân (Huế).

Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh cho ông ngày 19-6-1988.

Trước đây ở nhà thờ Sở quan là Hội Giáo Nho Lâm có một tượng bằng đất, một bức họa chân phúc Mi-ca-e Hồ Đình Hy ăn mặc triều phục, một cái răng đựng trong khám nhỏ mạ vàng.

Năm 1952, thánh đường bị bom hư hỏng, tượng bằng đất vỡ, chiếc răng thất lạc, nay chỉ còn khám không và bức họa chân dung ông.

Số phận những người thân còn lại

Từ ngày ông Mi-ca-e Hồ Đình Hy qua đời, bà Hy sống cuộc đời vất vả, cô đơn, lẩn lút, trốn tránh nay đây mai đó, không quê hương, không nhà cửa. Chồng chết, con ở xa. Bà bằng lòng lĩnh nhận, mong Chúa cho sống ngày nào để lập công đền tội. Bà nhận thấy những cay đắng, cơ cực bà chịu không mảy may sánh ví được với những đau khổ ông đã nếm mà chính bà đã được thấy, được nghe.

Mãi đến ngày 5-6-1862, sau hòa ước Việt Pháp, bà tìm về làng Phước Cả ở với một cháu trai gọi bằng cô.

Ngày 9-1-1859, bà được gặp chú Tính từ Pi-năng trở về, nhưng không bao lâu chú Tính lại đi Hồng Công tiếp tục học chịu chức linh mục, và ngày 23-1-1864, bà vui mừng sung sướng thấy con dâng thánh lễ đầu tiên.

Sau khi chịu chức linh mục, chính Đức Cha Sô-hi-ê cử Cha Tính đi truyền giáo trên vùng sơn cước, Cha đã giúp địa phận rất nhiều như việc lập các nhà dục anh, trường học, giúp dân khai khẩn đất hoang để cấy lúa, trồng màu làm cơ sở sau này cho địa phận. Công việc xã hội Cha làm cho cả giáo lẫn lương không phân biệt, gạt bỏ được những hiềm khích nghi kỵ, nhiều lương dân trở lại tòng giáo.

Cha qua đời ngày 3-3-1891, thọ 53 tuổi.

Sau khi con chết, bà Hồ Đình Hy còn sống ít lâu nữa, bà bằng lòng theo thánh ý Chúa, sống lập công đền tội và qua đời thánh thiện.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn