Ngày 23/12: Thánh Gio-an thành Ken-ty
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Jean de Kenty qua đời vào đêm Giáng Sinh 1473, được phong thánh năm 1767 và được ghi tên vào lịch Rôma năm 1770. Ngài được chọn làm bổn mạng chính của Ba Lan.
Thánh Jean Kenty tên thật là Jean Wacienga, sinh năm 1390 tại Mêlec, một làng nhỏ của xã Kenty, gần Cracovie (Ba Lan). Hầu như cả đời ngài sống tại đại học Cracovie, do vua Casimir III sáng lập năm 1364 và được vua Ladislas II trùng tu năm 1400. Lúc đầu ngài dạy văn chương tại đây, sau đó ngài làm khoa trưởng phân khoa triết học (1432) và giáo sư thần học (1443). Được kết nạp vào kinh sĩ đoàn ở Saint-Florian, ngài cũng thực thi tác vụ quản xứ của giáo xứ Olkuxz, ở không xa Cracovie.
Vào một thời kỳ hết sức khó khăn, nhất là đối với người nghèo, thánh Jean de Kenty dành một phần thời gian để tiếp đón những người túng thiếu. Đối mặt với lạc giáo Jan Hus († 1415), ngài phản ứng kiên quyết chống lại sự lầm lạc, nhưng luôn tôn trọng các đối thủ.
Trong tinh thần sám hối, thánh Jean Kenty bốn lần đi hành hương mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô ở Rôma, và một lần hành hương Giêrusalem. Ngài qua đời lúc 83 tuổi; hài cốt ngài được an nghỉ trong nhà thờ Thánh Anna ở Cracovie.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày mời gọi chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta “tiến bộ trong sự hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa theo gương thánh Gioan Kenty.”
Điều đã giúp vị đại thánh này toả sáng một cách phi thường cũng chính là nền văn hóa phong phú mà ngài đã đạt được bằng sức cố gắng kiên trì: “Tôi viết xong thì trời cũng vừa sáng, ngài viết ở lề của một bản thảo; sao chép lại bản mẫu này thật là khó.” Các cố gắng của ngài đi đôi với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin đến giúp con”, ngài thường nói. Và để tăng thêm can đảm cho mình, ngài thường lặp đi lặp lại mỗi khi gặp khó khăn: “Giống như Chúa Giêsu trên thánh giá.” Mỗi đầu trang sách, ngài thích đề hàng chữ: “Nhân danh Chúa”, và ở cuối: “Ngợi khen Chúa”. Ngài cũng có một lòng sùng kính dịu dàng đối với Đức Mẹ.
Giờ Kinh Sách trích tông thư phong thánh của Đức giáo hoàng Clément XIII, nhấn mạnh những nhân đức của thánh Gioan Kenty: “Trong khi giảng dạy, ngài cố gắng làm việc để cắt nghĩa cho dân chúng về nền đạo đức thánh thiện nhất, và ngài xác nhận lời giảng dạy này bằng gương sáng của ngài về lòng khiêm nhường, trong sạch, thương xót, hãm mình… Đức khiêm nhường của ngài tỏ ra rất tự nhiên.” Chính trong kinh nguyện và chiêm niệm mà ngài tìm được sức mạnh và ánh sáng cho mình: “Trong ngày, sau khi làm xong phận sự, ngài đi thẳng vào nhà thờ. Và ở đó, trước Chúa Kitô ẩn mình trong Thánh Thể, ngài ở lại lâu giờ để chiêm ngắm và cầu nguyện. Chỉ có Chúa xâm chiếm hoàn toàn quả tim ngài, chỉ có Chúa ở trên đôi môi ngài.”
Câu Xướng đáp tiếp theo bài đọc nói lên đức bác ái của thánh nhân: “Hãy mở cửa lòng con cho người nghèo: họ là anh em con … – Chia sẻ cơm bánh cho người đói, đó là việc ăn chay đẹp lòng Chúa.” Truyền thống thích nhắc đến thánh Gioan Kenty là người lấy áo quần, giày dép và cả phần ăn của mình ban cho người nghèo. Chắc hẳn việc chia sẻ phần ăn này đã dẫn đến việc thiết lập một tập tục trong các tu viện là dành một phần ăn cho người nghèo, với châm ngôn: “Người nghèo đến là Chúa Kitô đến.”
Không thể chịu được cảnh thấy ai chịu đau khổ, thánh Gioan Kenty cho viết trên các tường nhà của ngài những câu nhắc nhở về đòi hỏi bác ái huynh đệ, ví dụ như: “Con hãy tránh xúc phạm, vì đền bù xúc phạm sẽ khó hơn.” Thế nên, nếu chẳng may ngài làm tổn thương một ai bằng lời nói, dù chỉ là vô tình, thì trước khi bước lên bàn thờ, ngài khiêm nhường xin tha thứ. Cũng vậy, ngài khuyên dạy các môn đệ ngài: “Hãy chiến đấu chống lại mọi ý kiến sai lạc, nhưng khí giới của các con phải là lòng kiên nhẫn, dịu dàng và bác ái.”
Enzo Lodi