Ngày 26/1 – Thánh Timôthê và Titô

Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ghi chú cổ nhất về Thánh lễ kính thánh Timôtê (thế kỷ XII), thường được mừng ngày áp lễ trở lại của thánh Phaolô (tức là ngày 24.01). Hiện tại được mừng vào ngày 26.01, không nhắm tới hai vị giám mục tử đạo. Lời kinh riêng cho thánh Titô chỉ xuất hiện trong lịch Rôma vào ngày 06.02.1854 ; lời kinh này thành kinh chung cho cả hai vị thánh.

Thánh Kinh cho biết, Timôtê, người môn đệ yêu dấu của thánh Phaolô, có người cha ngoại giáo và người mẹ Do Thái tên Eunice, đã trở lại (2 Tm 1,5) ; ngài được dạy dỗ trong một gia đình có đức tin ; Thánh Phaolô ghi chú bà nội Lois đã dạy cho Timôtê biết luật Chúa (2 Tm 3,14-15). Nhờ thánh Phaolô, Timôtê trở lại trong chuyến truyền giáo lần đầu ; Timôtê cũng đi theo thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo lần thứ hai và thứ ba, theo yêu cầu của giáo đoàn Lystre (Cv 16,1-3) và lần này, ngài đã chạm trán với những khó khăn của đời Tông Đồ (Cv 17,14-15 ; 18,5-6). Thánh Phaolô buộc ngài phải cắt bì để có thể dễ dàng chu toàn sứ vụ giữa người Do Thái. Người ta thấy ngài đi theo thánh Phaolô và được gởi sang Macédoine (Cv 19,22) và được phó thác các cộng đoàn vùng Thessalonique (1 Tx 3), sau đó là Côrinthô (1 Cr 4,17 ; 16,10) ; rồi người ta lại gặp ngài trong nhóm đi theo thánh Phaolô (Cv 10,24). Thánh Phaolô gởi cho ngài một lá thơ từ Êphêsô (1 Tm 1,3) là nơi ngài đang thực hiện sứ vụ giữa cộng đoàn, sau đó một thư khác, trong đó thánh Phaolô gợi lại những giọt nước mắt khi chia tay (2 Tm 1,4).

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự trung kiên của Timôtê trong các cơn thử thách. Tình bạn đã nối kết cả hai (x.Pl 2,19-33) thúc đẩy Timôtê ở lại với thánh Phaolô trong lần bị bắt thứ nhất ; cũng chính thánh Phaolô cho gọi ngài đến Rôma trong lần bị bắt thứ hai. Chúng ta không biết lúc nào ngài đã lãnh nhận việc đặt tay ; có lẽ chúng ta có thể thấy trong đoạn 1Tm 6,12 : “Anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng”. Không có gì minh chứng rằng Timôtê đã chịu tử đạo, có lẽ ngài đã qua đời tại Êphêsô.

Về thánh Titô, sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, đã được thánh Phaolô rửa tội trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất. Ngài theo thánh Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem (Gl 2,1-3), tại đây thánh Phaolô chống đối việc ngài bị bắt phải cắt bì, vì xuất thân từ ngoại giáo. Khi thánh Phaolô thuật lại việc đến Troas, ngài muốn gặp Titô, “người anh em của tôi” (2 Cr 2,13), cho thấy ngài rất tin tưởng Titô, như người phục vụ trung gian giữa thánh nhân và cộng đoàn Côrinthô để tái lập lại sự hoà thuận giữa Giáo Hội này với thánh nhân (2 Cr 7,5-7). Thánh Phaolô đặt Titô đứng đầu cộng đoàn ở Crète. Trong đoạn Titô 1,4 thánh Phaolô còn gọi Titô là “người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung”. Thánh Phaolô còn viết thư bảo ngài đi theo mình từ Nicopolis đến Épire, có lẽ từ đây thánh Phaolô đã sai ngài đi rao giảng vùng Dalmatie. Thánh Timôtê được vùng này tôn kính cách đặc biệt. Theo truyền thuyết, thánh Titô qua đời trong cộng đoàn của ngài tại Crète, lúc tuổi đã xế chiều.

2. Thông điệp và tính thời sự

Kinh Tổng nguyện, chung cho cả hai vị thánh, gợi lên nhân đức xứng đáng với chức vị Tông Đồ mà Thiên Chúa ban cho hai môn đệ trung thành của thánh Phaolô. Lá thư thứ hai gởi cho Timôtê ca tụng đức tin chân thành của người con yêu quí, đã khuyến khích : Tôi nhắc nhớ anh phải luôn gợi lên trong anh ân sủng của Thiên Chúa mà anh đã lãnh nhận khi tôi đặt tay cho anh.

Ân sủng của Thiên Chúa mà thánh Phaolô nói đến là “đặc sủng” mà Timôtê đã lãnh nhận và thánh hiến ngài trong sứ vụ mục tử. Đánh thức ân sủng này, có nghĩa là làm sống lại ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là Thần Trí sức mạnh, tình yêu và làm chủ bản thân.

Cũng trong lá thư gởi cho Timôtê, thánh Phaolô nói với người môn đệ của mình : “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” thánh Phaolô đã nhắc nhở ngài việc sửa sai anh em : “Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Đó chính là các nhân đức Tông Đồ mà các mục tử luôn cần thiết, được kêu gọi tỉnh thức, không yếu đuối và không thoả thuận.

Kinh Tổng nguyện kêu gọi chúng ta sống công chính và đạo đức trong thế giới này, lấy hứng từ lá thư thánh Phaolô gởi cho Titô : “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính, đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang (Tit 2,11-13). Câu đáp cho bài kinh Magnificat : “Chúng ta hãy sống công chính và ngay thẳng, chờ đợi ngày Chúa đến”, cũng nhấn mạnh lời đòi hỏi trung tín theo nghĩa cánh chung của cuộc đời Kitô hữu.

Trong lá thư gởi cho Titô, thánh Phaolô xin người môn đệ của mình minh chứng một mẫu gương đức hạnh ngay trong chính bản thân (2,7) ; cũng thế, ngài động viên mọi hạng người sống theo tình trạng và điều kiện của mình. Dù vậy, nền tảng tín lý của các trách nhiệm chính yếu và đặc thù đều là một cho mọi người : “Niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời” (1,2). Những việc dấn thân của chúng ta trong hiện tại là sống trong một tình trạng tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi sự kiện cánh chung của Chúa. Sự công chính và lòng đạo đức mà chúng ta được gọi để sống, là trung tâm của nền luân lý Kitô giáo. Sự công chính (theo nghĩa Thánh Kinh) đi kèm theo lòng đạo đức, có nghĩa là tình yêu bác ái sẽ làm cho các mệnh lệnh và trách nhiệm trở thành một ách êm ái và một gánh thật nhẹ nhàng.

Enzo Lodi