Ngày 26/5: Thánh Gio-an Đoàn Trinh Hoan – Linh mục, tử đạo Việt Nam
Cha Gio-an Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 ở làng Văn Dương gần An Cựu – Thừa Thiên nay thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, trong một gia đình khá giả đạo đức, có đất đai trồng trọt và làm nghề dệt vải. Ông bà thân sinh của Cha là ông Ba-tô-lô-mê-ô Đoàn Trinh Sương và bà I-sa-ve Diện quê ở Kim Long, Huế. Ông bà sinh được năm con, ba trai, hai gái. Con cả là ông Đoàn Trinh Cung sau bị chết rũ tù vì Đức Tin và con út là chân phúc Đoàn Trinh Hoan.
Thời kỳ chuẩn bị
Chú Hoan dâng mình cho Chúa từ khi còn nhỏ. Cha Kết là cậu ruột đỡ đầu và lo liệu cho chú theo học chủng viện. Sau Đức Cha Gio-an La-ba-tét gửi chú sang chủng viện Pi-năng (Mã Lai) 8 năm. Trở về nước, Thày Hoàn giúp Đức Cha Ta-be[1] từ dịch sách, làm thư ký và theo Đức Cha đi kinh lược Sài Gòn.
Thời kỳ này thày trau dồi kiến thức, thu góp nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị đón nhận chức linh mục.
Chức linh mục trong thời cấm cách
Năm 1836, ba năm sau khi vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo toàn quốc, Đức Cha Quy-ê-nô (Thể) truyền chức linh mục cho Thày Gio-an Đoàn Trinh Hoan. Vị tân linh mục lĩnh nhận chức trọng ấy với bao ơn thiêng liêng đặc biệt, đồng thời cũng nhận những khốn khó, chông gai rải rác trên mỗi bước đi. Cha Hoan đã trông thấy tất cả. Cha đón nhận tất cả để đạt tới cùng đích lý tưởng cao đẹp là mở rộng nước Chúa và cứu các linh hồn.
Trước hết Cha được cử đi truyền giáo ở Bắc địa phận Đàng Trong vùng Kẻ Sen, Quảng Bình độ hai ba năm, rồi đến Bái Trời, Quảng Trị, sau Cha về các vùng lân cận tỉnh Thừa Thiên. Ở đây Cha bị một người tân tòng tố giác, nên Cha lại phải trở ra Quảng Bình.
Thời kỳ chuẩn bị
Chú Hoan dâng mình cho Chúa từ khi còn nhỏ. Cha Kết là cậu ruột đỡ đầu và lo liệu cho chú theo học chủng viện. Sau Đức Cha Gio-an La-ba-tét gửi chú sang chủng viện Pi-năng (Mã Lai) 8 năm. Trở về nước, Thày Hoàn giúp Đức Cha Ta-be[1] từ dịch sách, làm thư ký và theo Đức Cha đi kinh lược Sài Gòn.
Thời kỳ này thày trau dồi kiến thức, thu góp nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị đón nhận chức linh mục.
Chức linh mục trong thời cấm cách
Năm 1836, ba năm sau khi vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo toàn quốc, Đức Cha Quy-ê-nô (Thể) truyền chức linh mục cho Thày Gio-an Đoàn Trinh Hoan. Vị tân linh mục lĩnh nhận chức trọng ấy với bao ơn thiêng liêng đặc biệt, đồng thời cũng nhận những khốn khó, chông gai rải rác trên mỗi bước đi. Cha Hoan đã trông thấy tất cả. Cha đón nhận tất cả để đạt tới cùng đích lý tưởng cao đẹp là mở rộng nước Chúa và cứu các linh hồn.
Trước hết Cha được cử đi truyền giáo ở Bắc địa phận Đàng Trong vùng Kẻ Sen, Quảng Bình độ hai ba năm, rồi đến Bái Trời, Quảng Trị, sau Cha về các vùng lân cận tỉnh Thừa Thiên. Ở đây Cha bị một người tân tòng tố giác, nên Cha lại phải trở ra Quảng Bình.
Huấn luyện săn sóc đến thợ gặt tương lai
Vị linh mục giản dị, trầm tĩnh, chu toàn bổn phận mục vụ, nhìn xa trông rộng, Cha luôn lo lắng cho Giáo Hội tương lai, cho các thợ gặt mai sau, vì thế dù cấm cách ngặt nghèo, đi đâu Cha cũng đem một số chú bé đi theo, Cha dạy họ La-tinh để chuẩn bị họ làm thày giảng hay chủng sinh, những ai có khả năng Cha giới thiệu với Bề trên để người gửi họ đi du học, đó là cách thức Cha đào tạo các linh mục tương lai. Riêng mình Cha giúp được 12 chủng sinh sau này được lên chức linh mục.
Các Đức Cha Quy-ê-nô, Pe-lơ-ranh[2] (Phan), Sô-hi-ê[3] (Bình) tín nhiệm tài năng của Cha, giao cho Cha luyện thêm về mục vụ cho các linh mục trẻ, nhất là các linh mục mới chịu chức.
Lòng nhân ái cao cả
Khi Cha Hoan ở Kẻ Sen, một hôm giáo dân bắt được một tên ăn trộm đã nhiều lần ăn trộm của cải nhà xứ. Một số người muốn đưa ra tòa, những người khác lại muốn chém đầu ngay cho xong. Họ giải tên này đến Cha xứ, Cha bình tĩnh nghe giáo dân tố cáo, nghe xong Cha ôn tồn nhẹ nhàng làm dịu bớt sự bực tức của giáo dân, rồi Cha khuyên tên trộm mấy lời và thả anh. Một số giáo dân bất bình, nhưng phần đông bằng lòng và cảm phục lòng bác ái cao cả của Cha.
Ở Kẻ Sen được bốn năm, Bề trên đổi Cha vào Nam địa phận. Trong bức thư luân lưu gửi cho các giáo sĩ ngày 10-1-1855, Đức Cha Pe-lơ-ranh đã hết lòng khen ngợi Cha Hoan.
Những tin chẳng lành
Sau đó Cha lại về xứ Mỹ Hương – Quảng Bình, ở đây Cha lo sửa chữa hai tu viện nhỏ: tu viện Mỹ Hương và tu viện Kẻ Bàng. Cha huấn luyện các nữ tu và lo cho họ cả về vật chất.
Khi Cha đang ẩn ở hai tu viện này, có người tố giác với các quan, quan sai lính về vây nhà dòng nhưng may mắn, Cha chạy qua hàng rào lính đang xiết chặt vòng vây, nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ tránh đi nơi khác.
Thoát nạn này, lại đến nạn khác, được tin báo có người tố giác Cha, không rõ người ấy là ai, tin thì đồn ngườị ấy là ông lang Hoa không có đạo, tin thì đồn người ấy là người có đạo muốn báo thù một chủng sinh đang ở với Cha, sau cùng chị An-na Thân dòng Mến Thánh giá cho biết có hai người ngoại ở làng Đức Phổ và Hữu Cai đã tố giác Cha để lấy thưởng.
Đầu tháng 1-1861, Cha Hoan về xứ Sáo Bùn làm lễ Hiển Linh. Các quan cho lính canh gác các ngả đường kiểm soát người qua lại để bắt Cha. Ông Thương đang bị giam ở Đồng Hới biết tin ấy cho người đi báo ngay. Cha còn đang suy nghĩ phân vân thì chú Đức ở với Cha cho rằng tin đó không thật.
Nhưng còn hồ nghi, Cha mời các người làm việc hỏi ý kiến. Đang bàn tính thì có hai người có đạo là ông Hiếu và ông Chương bị bắt vì đạo giam ở Đồng Hới, lợi dụng lúc được thả lỏng trốn về báo tin cho Cha, nhưng cũng không biết rõ ý các quan thế nào. Cha Hoan nghĩ một lúc rồi bảo: “Nếu lính đi hành quân thì mình ở đây cũng không sợ. Chúng ta cứ chờ đợi xem sao”.
Ông Hiếu và ông Chương quay về Đồng Hới để dò thêm tin tức, lúc ấy trời đã tối, vừa ra khỏi làng lính ập tới bắt hai ông giải về Cầu Ngắn, không xa xứ Sáo Bùn bao nhiêu. Biết có nguy hiểm, giáo dân đưa Cha xuống thuyên chở ra giữa sông. Một lúc lâu, không thấy động tĩnh người lái thuyển chở Cha về Sáo Bùn, Cha lên bờ trốn trong bụi rậm.
Ánh trăng chỉ điểm
Cha Hoan vào đây được mấy phút, một người lính đi tuần đến gần bên Cha, người ấy cắm giáo xuống đất, đứng nhìn chung quanh: Trời sáng trăng, cảnh vật im lìm, không tiếng động, bỗng người lính thấy trong bụi rậm có chiếc quần dài, liền gọi ông đội chỉ huy đến chỉ cho ông xem thấy vật khả nghi, ông này quát to: “Ai ở đằng kia, ra ngay không ta đâm chết”.
Biết bị lộ, Cha Hoan ra khỏi bụi rậm và nói: “Tôi sẽ ra, đừng đánh tôi”. Ông đội túm lấy áo Cha hỏi: “Có phải là đạo trưởng không?” Cha Hoan trả lời: “Phải, chính tôi”. Ông ra lệnh trói Cha, giải về Đồng Hới, hôm ấy là ngày 3-1-1861.
Cha phải ra tòa ngay, quan hỏi: “Ông có phải là cụ không?” Cha Hoan đáp: “Tôi không biết cụ là gì? Tôi là đạo trưởng”. Quan lại hỏi: “Tên là gì? Gia đình thế nào? Ở đây mấy ngày rồi?” Cha đáp: “Tên tôi là Hoan, bố mẹ chết từ khi còn nhỏ; tôi ở đây hai ngày”.
Quan không hỏi thêm nữa. Đêm ấy Cha phải mang gông nặng, ngủ trên đất trong xó nhà, mỏi mệt, một giọt nước cũng không được uống.
Sáng hôm sau bà vợ quan Bố gửi cho Cha một miếng trầu và một ấm nước chè. Các bà khác cũng tò mò đến xem “cụ đạo” bị bắt. Họ khuyên Cha xuất giáo sẽ được tha ngay. Cha đáp: “Từ trước đến nay tôi thường khuyên bổn đạo gớm ghét tội ấy, bây giờ tôi lại phạm sao được?”
Một quan gọi Cha đến, doạ nạt giận dữ, chửi bới Cha, ông bắt Cha khóa quá. Cha cương quyết từ chối, nên lính giải vào nhà giam, phải gông cùm, một giờ sau người ta mới tháo cùm và ba ngày sau cũng tháo cả gông.
9 giờ ngày 4-1, các quan Đồng Hới triệu tập tòa án ra lệnh điệu Cha đến. Các quan hỏi Cha có phải là đạo trưởng không, có khóa quá không? Cha can đảm trả lời: “Tôi là đạo trưởng, không bao giờ tôi khóa quá”. Các quan biết có dụ dỗ dọa nạt cũng không được việc gì nên chỉ hỏi quê quán, từ đâu tới, đã ở những đâu, trọ ở nhà ai. Cha Hoan trả lời vắn tắt: “Tôi mồ côi cha mẹ. Từ khi còn nhỏ, không biết quê quán. Tôi từ các tỉnh trong Nam ra đây. Vua quan cấm đạo tôi phải lang thang nay đây mai đó, gặp đâu tiện thì ở, ai cho thì ăn, tôi không biết tên tuổi chủ nhà”.
Các quan lại hỏi: “Đồ lễ này của ai?” Cha nói tránh: “Các đồ này đã cũ nát”. Các quan đưa cho Cha hai lá thư bằng tiếng La-tinh, cuốn Kinh Thánh Tân Ước và hỏi: “Thư này nói gì?” Cha cầm xem rồi trả lời: “Không có vấn đề gì quan trọng”. Rồi Cha đọc to tiếng mấy câu trong sách Tân Ước.
Quan lại hỏi: “Ông đã ở nhà nào?” Cha im lặng không đáp. Quan truyền lính nọc Cha ra đánh 19 roi. Cha không trả lời. Quan sai lính cởi trói cho Cha rồi lại hỏi những câu đã hỏi trước. Cha vẫn im lặng, nhưng khi quan hỏi từ đâu đến, Cha đáp: “Tôi từ kinh đô ra”.
Một quan quát: “Mất thời giờ, ông hãy trả lời vắn tắt: Trước khi đến đây ông đã ở đâu?” Cha đáp: “Từ miền Nam ra tôi qua làng Cửi (họ Mỹ Duyệt), làng Đợi (họ Đại Phong)”. Quan hỏi: “Ông có quen ai ở các làng ấy không? Khi thuyền qua đấy ông vào nhà ai?” Cha đáp: “Tôi không vào nhà ai, nhưng tôi có quen ông Khôi ở làng Cửi, hôm tôi đi qua đó, ông lại vắng nhà. Còn ở làng Đợi tôi quen ông Huế, tôi định vào thăm nhưng hôm ấy nhà ông đông khách tôi không dám vào”.
Lần thứ hai, bị gọi ra tòa tra khảo, và vì Cha vẫn vững vàng nên bị đánh 7 roi.
Mười ngày sau Cha lại phải ra tòa cùng với ông Mát-thê-ô Nguyễn Văn Đắc (quen gọi là Phượng), ông Khôi và ông Huế. Các quan bắt ông Khôi và ông Huế nhận tội chứa chấp đạo trưởng nhưng hai ông nhất định không nhận. Tức giận quan dạy đánh đòn hai ông. Thấy lính đánh ông Huế cách tàn nhẫn, Cha Hoan can thiệp: “Xin các quan thương ông này, tôi có quen ông, nhưng tôi không vào nhà ông, tôi chỉ gửi cho vợ ông gói thuốc”.
Họ lại giam tất cả trong ngục.
Mấy ngày sau Cha Hoan lại phải ra tòa và cũng như mọi lần, Cha một mực cương quyết không chịu khóa quá. Các quan lại truyền lính kìm kẹp Cha, trói chân tay Cha kéo giang ra như Thánh An-rê xưa, rồi cho gọi thợ quen bịt móng cân ngựa đến truyền xé thịt Cha cho đến khi Cha chịu khai. Nhưng may có quan khác đến thay, quan này không biết lệnh trên, truyền cởi trói Cha, nhưng Cha phải giăng nọc phơi ra nắng 2, 3 giờ liền, cực khổ, khản cổ đến 4 ngày không nói được.
Thấy Cha ốm yếu quá, các quan bảo lính tháo gông cùm, cho Cha ngồi chiếu và cho hai nữ tu là chị An-na Nguyện và bà Thêm, Bề trên tu viện Mỹ Hương, đến săn sóc Cha.
Lần thứ tư Cha lại phải ra tòa cùng với ông Đắc các quan bắt ông Đắc nhận đã chứa chấp Cha, nếu không sẽ bắt vợ con tra khảo. Nghe lời dọa nạt dữ tợn ấy, Cha Hoan khuyên ông nhận đã tiếp tế thức ăn cho Cha.
Từ hôm ấy, các quan không tra khảo Cha nữa, họ kết án Cha phải trảm quyết vì đã truyền bá tả đạo.
Những ngày tháng trong tù
Lúc nào Cha cũng đọc kinh, lần hạt suy ngắm, hoặc khuyên bảo các bạn tù ở vững vàng bền chí vì lòng mến Chúa. Nhiều giáo hữu và chủng sinh đến thăm Cha, Thày Phê-rô Trương Văn Quang và Thày Ban có khi ở lại với Cha lâu ngày, sau hai thày này được chịu chức linh mục. Các Cha cũng đến thăm và giải tội cho Cha nhiều lần. Còn phần Cha, Cha giải tội cho các bạn tù, giúp ba người bỏ đạo ăn năn trở lại và rửa tội một trẻ sơ sinh. Một lần người ta mang nhiều Mình Thánh đến, Cha phân phát cho các tù có đạo.
Án trong kinh duyệt lại ngày 25-5, một ông đội nói với Thày Quang rằng: “Đã có lệnh mài gươm, có lẽ mai đạo trưởng sẽ phải xử”. Biết tin ấy Cha Hoan vui mừng nói: “Mọi sự đã hoàn tất, tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho tôi biết ngày giờ tôi được đổ máu ra vì Chúa tôi”.
Rồi Cha bảo Thày Đức viết thư báo tin Cha chết, ghi lại những đoạn đường tù tội. Viết xong, thày hỏi Cha: “Khi Cha nghe tin bị xử, Cha có sợ không?” Cha trả lời: “Thoạt nghe cũng sợ, nhưng chỉ phút sau là Cha cảm thấy vui mừng”.
Thày Đức xin Cha định liệu khi Cha chết sẽ thu xếp thế nào. Cha bảo: “Xác Cha con muốn làm thế nào tùy ý, nhưng đừng làm long trọng, sợ các giáo hữu sẽ bị bắt vào dịp đó”. Rồi Cha dặn thêm: “Con báo cho Cha Gẫm đến gần thành Đồng Hới chỗ Cha sẽ đi qua để ban phép Giải tội cho Cha”. Dặn dò xong Cha giải tội cho đến nửa đêm, các giáo hữu từ giã Cha ra về, Cha nói: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Ki-tô, hãy ở lại bình an và cầu nguyện cho tôi”, rồi Cha nói tiếp: “Nếu Cha đã làm mất lòng ai, xin hãy tha cho Cha”.
Sáng hôm sau, Cha mặc quần áo mới, không ăn uống gì. Lính đến điệu Cha đi xử, Cha xin lỗi các bạn tù đến từ biệt Cha. Chị Nguyện cũng được ông đội cho phép đi theo Cha đến nơi xử. Chị mang theo một miếng vải và cuộn giấy để thấm máu Cha đem về tôn kính.
Ông đội May đến, ông kính cẩn bái chào Cha, đặt gông lên vai Cha và ông giữ một đầu cho đỡ nặng. Một người lính đi trước cầm bản án đề rằng: “Tự Đức năm thứ 14, ngày 17-4 âm lịch. Tên Hoan, đạo trưởng Gia- tô, đã giảng tả đạo, mê hoặc dân chúng, nó đã giấu tài liệu, đồ thờ phượng ở nhà người ta. Đó là tên phản loạn. Phải trảm quyết ngay”. Cha đi giữa, 40 người lính xếp hàng đi hai bên, quan Giám sát cưỡi ngựa đi sau.
Ra khỏi nhà giam được mấy bước thì gặp đám quân giải ông Nguyễn Văn Đắc đi xử cùng với Cha. Đến cửa thành Đồng Hới, đoàn người dừng lại cho tội nhân ăn uống. Cha Hoan không ăn, Cha đưa mắt tìm Cha Gẫm để chịu phép Giải tội, nhưng không thấy.
Nữ Vương của tôi
Pháp trường là một cánh đồng không có hàng rào bao quanh, Cha Hoan quỳ trên chiếc chiếu lót vải cầu nguyện. Lính tháo gông không được nên phải bẻ, làm Cha đau đớn quá. Rồi một người lính hô to: “Ai muốn từ giã thì đến ngay”. Chị Nguyện và Thày Quang chạy đến, vừa chào Cha xong lính lại đuổi đi ngay. Quan Giám sát ngồi trên ngựa gọi loa: “Ông muốn quỳ hay muốn trói vào cọc”. Cha trả lời: “Tôi muốn quỳ”. Quan hỏi: “Sẵn sàng chưa?” Cha đáp: “Chờ tôi một chút”.
Cha chắp tay ngước mắt lên trời cầu nguyện xin ơn trợ giúp trước khi bước vào cuộc chiến đấu lần cuối cùng.
Quan bảo lính: “Các chú bỏ khăn ra, búi tóc ông lên đỉnh đầu. Lính cởi khuy áo cổ, sửa lại cổ áo, thấy Cha đeo dây ảnh, định lấy ra, nhưng Cha Hoan giữ lại và nói: “Đây là Nữ Vương của tôi”, Cha vừa nói vừa kính cẩn hôn ảnh Đức Mẹ. Cha muốn Mẹ ở bên Cha đến giờ phút cuối đời. Lính thôi ngay; quan nói lớn: “Tới giờ rồi, nghe lệnh chém ngay”.
Một đội trưởng đến trước mặt Cha, múa kiếm để Cha khỏi phải lo sợ chờ đợi giờ phút sau cùng.
Lý hình đợi sẵn sau lưng, tiếng chuông vừa dứt, lính chém ngay, nhưng nhát đầu chỉ chém vào da, Cha Hoan nghiêng đầu một bên, lính chém lần thứ hai, đầu lìa khỏi cổ, người ấy cầm đầu giơ lên cao cho quan xem thấy, rồi thả xuống đất.
Mọi người cả lương lẫn giáo xông vào thấm máu. Người ta liệm đầu và thi hài đặt vào quan tài đem về chôn ở xứ Mỹ Hương – Quảng Bình.
Cha Gio-an Đoàn Trinh Hoan được phúc tử đạo ngày 26-5-1861 vào ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Ngày 13-2-1879, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Cha lên bậc Đáng Kính. Ngày 2-5-1909 Đức Thánh Cha Pi-ô 10 đã tôn Cha lên bậc chân phúc. Hằng năm Hội Thánh mừng lễ Cha vào chính ngày được lĩnh triều thiên tử đạo.
Hiện nay hài cốt thánh Gio-an Đoàn Trinh Hoan để lại ở chủng viện Phú Xuân – Huế. Ở Huế có một tiểu chủng viện đặt tên là chủng viện Hoan-Thiện, là tên thánh Giuse Hoan và Tô-ma Thiện.
Năm 1961 kỷ niệm 100 năm ngày thánh Giuse Đoàn Trinh Hoan tử đạo, xứ Kim Long, Huế đã xây một đài kỷ niệm kính nhớ hai thánh Gio-an Hoan và An-rê Trông, cả hai đều sinh quán ở Kim Long Huế.
Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha Giu-se Đoàn Trinh Hoan lên bậc hiển thánh.
—–oOo—–
[1] Taberd.
[2] Pèlerin
[3] Sohier
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn