Ngày 27/12: Thánh Gio-an tông đồ, Lễ kính
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Cùng với lễ kính thánh Giacôbê Tiền, anh của ngài, lễ kính thánh Gioan Tông đồ đã được ghi nhận là mừng vào ngày 27 tháng 12 trong lịch Nicômêđia (thế kỷ IV), Sách Nguyện Syrie, lịch Carthagô, và cả các lịch của phương Tây: ở Palestin, thế kỷ VI, mừng ngày 29 tháng 12, và ở Armênia, ngày 28. Ở phương Tây, lễ này đã được ghi nhận từ thế kỷ VI và VII; sách Bí tích Vêrôna ở thế kỷ VI đưa ra hai mẫu cử hành.
Theo các sách Tin Mừng, Gioan (tiếng Hi Lạp: ioannès, bởi tiếng Do Thái yohanân = Thiên Chúa ban ơn) là con ông Giêbêđê, làm ngư phủ ở Bếtsaiđa (Mc 1, 20), và bà Salômê, một trong những phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu (Mc 15, 40 và Mt 27, 56). Có lẽ ngài từng thuộc phái Quá Khích. Sau khi làm môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Ga 1, 39), người giới thiệu Đức Giêsu như là Chiên Thiên Chúa, ngài đi theo Chúa Giêsu cùng với Anrê, anh của Phêrô, và còn trở thành một môn đệ được Chúa Giêsu yêu cách đặc biệt. Hơn nữa, ngài được chia sẻ những bí ẩn thâm sâu nhất của Chúa Giêsu; chúng ta biết điều này khi ngài tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, bởi đó ngài có biệt danh là Epistethios, người được Chúa thương mến (xem Ga 13, 23). Ngài có mặt vào những giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời Thầy mình: khi Chúa Giêsu cho con gái ông Giairô sống lại, lúc Chúa Biến hình, trong giờ Chúa hấp hối ở Giếtsêmani, và lúc Chúa chịu đóng đinh thập giá. Sau đó ngài tham dự Công đồng Giêrusalem, và trong danh sách các tông đồ (Cv 1, 13), ngài đứng ngay sau thánh Phêrô.
Thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Samaria cùng với thánh Phêrô (Cv 8, 14) và ở cùng với thánh Phêrô khi người què được chữa lành ở cửa Đền thờ (Ga 3, 13). Thánh Phaolô gọi ngài là trụ cột của Hội Thánh (Ga 2, 9). Theo truyền thống, có thể lúc đầu ngài sống ở Antiochia, rồi ở Êphêsô, tại đây người ta còn kính viếng mộ ngài. Sau đó có lẽ ngài đến Rôma, tại đây, theo Tertullien, có thể ngài bị hành hình bằng đổ dầu sôi lên người ở gần Cửa La tinh, và sự kiện này là nguồn gốc cho một lễ mừng ngài vào ngày 6 tháng 5, đã được nhắc đến từ năm 780 và nhắc nhớ việc cung hiến một thánh đường dâng kính thánh Gioan. Sau cùng, theo truyền thống, ngài bị phát vãng sang đảo Patmos thuộc quần đảo Dodecanese (Hy Lạp), tại đây ngài viết sách Khải Huyền. Ngài qua đời lúc tuổi rất cao, có thể vào cuối thế kỷ I, dưới thời Dominitien (81-96) hay thời Trajan (98-117).
Với chút dè dặt, người ta cho rằng ngài là tác giả của Tin Mừng thứ bốn, của ba Thư thánh Gioan, và sách Khải Huyền. Khoảng năm 175, thánh Irênê viết: “Gioan, tông đồ của Chúa, người đã tựa vào ngực Chúa, cũng đã viết một sách Tin Mừng trong thời gian ngài cư trú tại Êphêsô” (Adv. Haer., III, I, 1).
Các tranh ảnh vẽ về thánh Gioan Tông đồ rất phong phú, thường dưới dạng một thanh niên trẻ trung, hay họa hiếm hơn, dưới dạng một cụ già đang viết sách Khải Huyền hay sách Tin Mừng, bên cạnh là một con phượng hoàng. Các giai thoại cuộc đời ngài được trình bày trên những ô kính của các nhà thờ Chartres, Bourges, Saint-Chapelle, cũng như trên những bức phù điêu của Giotto (Santa Croce) hay của F. Lippi (Santa Maria Novella) ở Florence.
II. Thông điệp và tính thời sự
Phụng vụ (Các giờ kinh và thánh lễ) vẽ lên một chân dung khá đầy đủ về tính cách và thông điệp của thánh tông đồ “người tựa đầu vào ngực Chúa… và rao truyền lời sự sống trên khắp mặt đất” (Ca Nhập lễ).
Lời Nguyện của ngày và Lời Nguyện sau hiệp lễ ca ngợi thánh Gioan như là người loan báo mầu nhiệm Nhập thể: “Lạy Chúa, Chúa đã tỏ lộ cho chúng con mầu nhiệm của Ngôi Lời Chúa”, “xin Ngôi Lời làm người mà thánh Gioan đã công bố cho chúng con …”
Cũng vậy, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, lễ thánh Gioan Tông Đồ đưa chúng ta trở lại với mầu nhiệm Giáng Sinh: Ngôi Lời đã làm người, và đã cư ngụ giữa chúng ta. Tất cả chúng ta được dự phần vào sự viên mãn của Người (Ca hiệp lễ, trích Ga 1, 14.16).
– Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc một bình luận của thánh Augustin về một đoạn trong Thư thứ nhất của Gioan, cũng được đọc trong bài đọc I của thánh lễ: Phải, sự sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã chiêm ngưỡng sự sống ấy, và chúng tôi làm chứng…. (Ga 1, 2). “Như thế, chính sự sống đã tỏ lộ trong xác phàm – thánh Augustin bình luận – . . . Ngôi Lời đã mặc lấy xác thể, một xác thể mà chúng ta có thể nhìn thấy, để được chữa lành nơi chúng ta những gì có thể nhìn thấy Ngôi Lời.”
Tin Mừng của thánh lễ (Ga 20, 2-8) nhắc chúng ta nhớ thánh Gioan cũng là chứng nhân và sứ giả của mầu nhiệm Vượt qua, nghĩa là của Chúa Giêsu phục sinh. Sau khi đã là chứng nhân của biến cố Biến Hình, ngài đi ra ngôi mộ trống cùng với thánh Phêrô, ngài thấy và ngài tin (xem Ga 20, 8). Ngài là người môn đệ đầu tiên tin Chúa phục sinh, và ở bên bờ hồ, chính ngài nhận ra Chúa phục sinh và nói với Phêrô: Thầy đó! (Ga 21, 7 – Điệp ca Giờ Kinh Sáng).
Người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến và đã sống trong sự thân mật với Chúa Kitô, đã cảm nghiệm và khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8). Thực vậy, trong Tin Mừng của ngài, thánh tông đồ được thương mến đã nhấn mạnh rằng chính lòng mến là điều mang lại ý nghĩa cho công cuộc và đặc biệt cho cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13, 1). Lòng mến cũng là khởi điểm cho sứ mạng của thánh Phêrô: « Simon, con ông Gioan, anh có mến thầy không? – Thưa thầy có, thầy biết con mến thầy. » Chính khi Phêrô tuyên xưng lòng mến này, Chúa Giêsu đã trao phó cho ngài sứ mạng mục tử tối cao: « Hãy chăm sóc các chiên con của thầy… Hãy chăn dắt các chiên mẹ của thầy… Hãy chăn dắt các chiên mẹ của thầy » (Ga 21, 15).
Thánh Gioan cũng là người được Chúa Giêsu từ trên thánh giá trao phó Mẹ của Người (xem điệp ca 3 Kinh Sáng). Theo truyền thống, việc thánh Gioan đưa Đức Maria về nhà làm mẹ mình là hình ảnh của mọi tín hữu được Đức Maria thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng.
Enzo Lodi